Wednesday, February 1, 2012

MIẾN ĐIỆN THẢ, VIỆT NAM BẮT (Roger Mitton, Manila Times)


Roger Mitton

Lê Quốc Tuấn. X-CafeVN chuyển ngữ

Hai tuần trước, chính phủ Myanmar đã thả 651 tù nhân, đa số họ là những tù nhân chính trị. Vài ngày trước đó, Việt Nam lại đẩy bà Bùi thị Minh Hằng, một nhà hoạt động chính trị, vào trại lao động hai năm. Tất nhiên là chẳng có xét xử gì.

Các nước phương Tây ca ngợi Myanmar và Hoa Kỳ tuyên bố sẽ khôi phục quan hệ ngoại giao đầy đủ với chính phủ tại Naypyidaw, thủ đô của đất nước này theo Hiến pháp 2008.

Chẳng có gì nhiều để nói bàn về những người cai trị ở Hà Nội. Thật vậy, thật khó mà nói bàn gì về họ.
Hết tuần này đến tuần khác, lần lượt các luật sư, học giả và các nhà báo ủng hộ cải cách chính trị bị ném vào trong tù. Dù số lượng tù chính trị ở Việt nam hiện nay có nhiều như ở Myanmar hay không còn là điều phải bàn cãi, nhưng quả là rất nhiều.

Trong tháng Mười một, cuối cùng thì Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã có đủ dũng cảm để chê trách chính sách đàn áp dã man của Hà Nội. Bà đã tuyên bố, "Chúng tôi muốn nói rõ rằng, nếu chúng ta muốn phát triển một mối quan hệ đối tác chiến lược, như cả hai quốc gia từng mong muốn, Việt Nam phải làm nhiều hơn để tôn trọng và bảo vệ các quyền cho người công dân của mình".

Đừng cố nín thở mà chờ đợi những điều không thực nữa thưa bà bộ trưởng. Như nhà phân tích về Việt Nam Carl Thayer đã từng nói, "Hoa Kỳ còn phải nghiêm khắc cảnh cáo bao nhiêu lần nữa về những vụ vi phạm nhân quyền trước khi họ thực sự tạo áp lực lên chính quyền Hà Nội ?"

Tất nhiên, bên cạnh vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, Washington cũng còn phải phải cân nhắc đến các quyền lợi về địa chính trị của mình ở châu Á, đặc biệt là giá trị của việc có các đồng minh ở cả hai bên - Philippines và Việt Nam - vùng biển Tây Phi Luật Tân (Biển Đông) sẵn lòng hợp tác với Đệ thất Hạm đội Hoa Kỳ trong việc ngăn chặn tham vọng của Bắc Kinh trên đại dương.

Thực ra, ngay cả với tình trạng Washington còn do dự chưa chiụ tạo áp lực lên Hà Nội, vẫn còn có một cái gì đó có thể có hiệu quả hơn trong việc thúc giục các nhà lãnh đạo Việt Nam, đó chính là phương cách mà Myanmar đang trả tự do cho các nhà hoạt động chính trị gần như là nhanh chóng như phía Việt Nam đang bắt giữ họ.

Ở đó, Naypyidaw đang trả tự do cho một số lượng tù nhân khá đáng kể. Danh sách tha tù trong tháng Một bao gồm cựu Thủ tướng Khin Nyunt, và Hkun Htun Oo, nhà lãnh đạo Shan hàng đầu, cả hai nhân vật này đã từng bị án tù dài hạn.

Khin Nyunt từng được coi là nhân vật "phóng khoáng" của của chính quyền quân sự trước đây, nhưng khi tôi phỏng vấn ông một thập niên trước, dường như ông còn thực sự cứng rắn hơn cả các tướng lãnh đồng sự của mình. Là người đứng đầu ngành tình báo quân đội, ông thường được gọi là "ông hoàng của bóng đêm".

Tuy nhiên, với nhiều người, ấn tượng cá nhân về ông rất khác nhau. Một đại sứ phương Tây tại Yangon từng bộc lộ với tôi rằng Khin Nyunt là một người "quyến rũ và hết mức lịch sự".

Nhà lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi đã nói với tôi: "Bạn có thể gọi Khin Nyunt bằng hỗn danh gì cũng được, nhưng diễn tả ông như một 'ông hoàng của bóng đêm' thì ấn tượng quá".

Nhưng thực sự, nhân vật quan trọng từng được thả thự do là Hkun Htun Oo- tôi sử dụng tên Shan mà ông thích, không phải tên Khun Tun Oo, cái tên có ý gán ông là một loại con hoang, như từng được dùng trong các bản tin tức khác. "Chúng tôi người Shan, chứ không phải người Miến Điện" ông đã nói với tôi như vậy.

Là nhân vật đứng đầu Liên đoàn Dân tộc Shan vì Dân chủ, ông đã giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cữ toàn quốc năm 1990 nhưng đã không bao giờ được có ghế của mình trong quốc hội, như những người còn lại của phe đối lập trong một cuộc bỏ phiếu tương đối công bằng dưới chính quyền quân phiệt.

Khi tôi gặp ông lần đầu vào tháng 4 năm 2000, trong văn phòng nhỏ bé của ông gần các tòa án tại thủ đô cũ của Yangon, dạo ấy cũng như hiện nay, là một người đàn ông đeo kính, khá mập lùn, một con người mà hình dáng bề ngoài của ông không khiến người đối diện khó có thể tin tưởng.

Nhưng khi phát biểu, ông rất thẳng thắn. "Đất nước đã trở nên khốn nạn" ông nói. "Kinh tế thì vô vọng và hệ thống giáo dục thì bát nháo". Đất là loại bình luận khiến ông phải ngồi trong nhà tù của chính quyền.

Ông đã trở thành Chủ tịch Liên minh Dân tộc, một liên minh của tất cả phe sắc tộc ủng hộ dân chủ, và nếu ông ta có thể thực sự trở lại vị trí ấy, Myanmar sẽ có một cơ hội để được thực sự cất cánh.

Bằng cách đó, sẽ cho phía Hà Nội thấy rằng việc trả tự do cho các nhà cải cách chính trị sẽ ích lợi nhiều hơn là bỏ tù họ. Và điều ấy cũng sẽ không làm sụp đổ chính phủ.

Đáng buồn thay, đó là một trong những bài học mà các nhà lãnh đạo Việt Nam quyết không chịu học. Năm ngoái, hơn 60 nhà hoạt động đã được thêm vào danh sách hàng trăm người từng nằm trong những nhà tù tập trung ở Việt Nam, nơi vẫn còn giam các nhân vật nổi tiếng như nhà sư Phật giáo tuổi bát tuần đáng kính Thích Quảng Độ và học giả pháp lý Cù Huy Hà Vũ, người đã bị kết án bảy năm tù vào tháng Tư.

Thật ra, nếu Hkun Htun Oo hoặc bất kỳ nhà lãnh đạo thế hệ 88 nào của Myanmar từng là người Việt, hoặc họ sẽ vẫn còn ở trong tù, hoặc đã chết rồi.

Ví dụ như, Nguyễn Hữu Cầu, người vận động chống tham nhũng đã phải chịu 34 năm tù, và tháng rồi, bà Hồ Thị Bích Khương bị năm năm tù vì những nhận xét trên các phương tiện truyền thông ở nước ngoài vốn bị coi là "chống lại Nhà nước".

Có nhiều hoàn cảnh các nhà hoạt động dân chủ bị giam giữ trong điều kiện khủng khiếp tại Việt Nam, vì thế chúng ta hãy nhớ đến họ trong lòng khi kêu gọi Myanmar phải trả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị.

Roger Mitton là cựu phóng viên hàng đầu của tạp chí Asiaweek và là cựu giám đốc văn phòng The Straits Times của Singapore ở Washington và Hà Nội.

.
.
.

No comments:

Post a Comment