Thursday, February 23, 2012

HÃY BẮT ĐẦU BẰNG TỪNG BƯỚC NHỎ ĐỂ ĐẠT MỘT THAY ĐỔI LỚN - PHẦN 6 (Nguyễn Ngọc Già)



Nguyễn Ngọc Già
Thứ Sáu, 24/02/2012

Thật vui mừng với thông tin bà con Việt kiều tại Mỹ đã cùng nhau ký thỉnh nguyện thư gởi cho Tổng Thống Barack Obama đòi hỏi Việt Nam cải thiện nhân quyền mạnh mẽ, thông qua việc trả tự do cho các tù nhân lương tâm & tù nhân chính trị tại Việt Nam: Nhạc sĩ Việt Khang, Linh mục Nguyễn Văn Lý, Hòa thượng Thích Quảng Độ, Blogger Điếu Cày, Blogger Bùi Thị Minh Hằng và hàng trăm tù nhân khác. Đợt ký tên này đã lên đến con số 64,058 chữ ký (1) tính đến 11:49 trưa ngày 22/2/2012. Trong khi đến ngày 8/3/2012, phong trào này mới kết thúc nhận chữ ký, do đó con số 100,000 người hưởng ứng ký tên hoàn toàn trong tầm tay.

Nhiều người cũng nhắc đến sự kiện này kết hợp với cuộc bầu cử Tổng Thống tại Mỹ trong thời gian sắp tới, để xem như một cách Chính phủ Hoa Kỳ lấy lòng cử tri gốc Việt trong cuộc đua. Dù cho ai lên làm Tổng thống Mỹ thì nước Mỹ vẫn là nước Mỹ. Mặc dù, tác giả Bùi Văn Phú nhận định: "Với quan hệ hai nước đang phát triển, không hi vọng một dự luật liên quan đến nhân quyền Việt Nam sẽ được quốc hội thông qua và được Tổng thống Barack Obama ban hành" (2) vẫn không làm ngã lòng bà con hải ngoại trong cuộc vận động Nhà nước Hoa Kỳ quan tâm hơn và có biện pháp hữu hiệu gây áp lực lên Việt Nam. Chiến dịch ký tên vẫn đang rất hào hứng với lớp trẻ Nam Cali tham gia vào chủ nhật vừa qua và thứ bảy tuần này (25/2/2012) (3).

Từ tấm lòng của bà con Việt kiều Mỹ làm tôi nảy sinh một sáng kiến nhỏ từ sự kiện này, để viết ra như một lời sẻ chia và góp sức cho người dân trong nước hiện nay tham khảo.

Trước hết, chúng ta đều biết rất nhiều kiến nghị của các tầng lớp nhân dân cho các sự kiện: chống khai thác bauxite, trả tự do cho Cù Huy Hà Vũ, Blogger Điếu Cày, Blogger Bùi Thị Minh Hằng, cũng như kiến nghị của giới trí thức hải ngoại góp ý chấn hưng đất nước... hầu như đều rơi vào khoảng không thinh lặng từ phía cầm quyền.

Thêm nữa, các đơn từ kêu oan của người dân mất đất, người lương thiện chết oan khuất trong đồn công an, cho đến các cuộc đình công từ phía công nhân đòi cải thiện lương và phúc lợi khác cũng cùng tình trạng - bặt vô âm tín, thậm chí nó trở thành nguyên cớ cho phía cầm quyền thẳng tay đàn áp để dập tắt các cuộc biểu tình, đình công, thậm chí, mới đây kiến nghị trả tự do cho Đoàn Văn Vươn do TS. Nguyễn Xuân Diện khởi xướng cũng đoán trước sẽ cùng chung số phận - không bao giờ có hồi âm.

Giới cầm quyền đang biến từng người dân trở thành một "Chu Văn An bất đắc dĩ", bất chấp đó là Tướng về hưu Nguyễn Trọng Vĩnh hay học giả Nguyễn Huệ Chi cho đến người dân vô danh. Dường như, phía cầm quyền cũng hài lòng với việc:
Gửi đơn thì cứ gửi đơn
Tôi không trả lời là việc của tôi
(!)

Việc câm lặng của giới cầm quyền từ địa phương tới trung ương nếu tiếp tục như phương thức hiện nay, sẽ dễ dẫn đến sự nản lòng của dân chúng và trong sự mòn mỏi đó người dân dễ rơi vào tâm trạng yếm thế, bi quan và chủ bại, đồng thời càng ảnh hưởng đến sức khỏe mọi người do sự phẫn uất chất chứa lâu ngày, từ sức khỏe giảm sút dẫn đến mọi hành động đòi hỏi quyền lợi chính đáng cũng bị suy giảm nghiêm trọng.

Từ đó, xin có đề xuất nhỏ trong việc này như sau:

- Thay vì đầu đề lâu nay thường là "ĐƠN...", mọi người hãy thay bằng: "GIẤY YÊU CẦU" (4).

Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Độc lập - Tự Do - Hạnh Phúc
Tp.HCM (Hà Nội, Hải Phòng...)ngày tháng năm
GIẤY YÊU CẦU
Nơi nhận: - Quốc Hội (các cấp từ trung ương đến thành phố, tỉnh, quận huyện, phường xã)
- Ủy Ban Mặt trận Tổ Quốc (các cấp từ trung ương đến thành phố, tỉnh, quận huyện, phường xã)
- Công Đoàn các cấp (đối với công nhân, người làm công ăn lương trong DNNN, công sở...)
- Hội Nông dân (dành cho dân mất đất nông nghiệp) (các cấp từ trung ương đến thành phố, tỉnh, quận huyện, phường xã)
- Các cơ quan khác (tùy trường hợp mà chúng ta nghĩ là phù hợp)
- Nội dung của "GIẤY YÊU CẦU" sẽ gồm 2 phần chính:
1. Họ tên, địa chỉ, số điện thoại, email (nếu có).
2. Nội dung:
2.1 Đối với dân mất đất: (cần ngắn gọn trong vòng 3 cho đến 4 dòng, ví dụ) Tôi đã bị cưỡng chế...m2 đất, tại... vào lúc... một cách trái pháp luật.
2.2 Đối với người chết trong đồn công an (hoặc do lực lượng công quyền nói chung): Cha (mẹ, anh, chị, em, con, cháu...) tôi, tên là..., giới tính..... sinh ngày... bị chết oan tại địa chỉ.....
2.3 Đối với các tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị: Cha (mẹ, anh, chị, em, con, cháu...) tôi, tên là......, giới tính..... sinh ngày... bị bắt trái pháp luật vào ngày......tại địa điểm...
2.4 Đối với những ai đang bị xách nhiễu (như anh Đỗ Nam Hải, anh Bùi Thanh Hiếu, chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, anh Paulo Thành Nguyễn...): tôi đã bị theo dõi, hành hung, câu lưu, cản trở đi lại v.v... nhiều lần từ..... năm qua, do các công an (nếu có tên, số hiệu công an càng tốt) của Phường(Quận, thành phố, tỉnh v.v...) trực tiếp thực hiện vào ngày.... tại địa điểm.....
3. Nay tôi yêu cầu quý cơ quan (nói trên) phải trả lời cho tôi được rõ nguyên nhân, kết quả xử lý trong vòng 30 ngày kể từ ngày tôi gởi giấy yêu cầu này.
4. Tôi sẽ tiếp tục gởi GIẤY YÊU CẦU này cứ ba tháng một lần cho đến khi nào tôi nhận được hồi đáp.
5. Quyền lợi (nhân mạng của người thân đã khuất) của tôi chưa được giải quyết đúng pháp luật, thì tôi thông báo cho quý cơ quan rằng: TÔI SẼ KHÔNG BAO GIỜ ĐI BẦU CỬ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP VÀ QUỐC HỘI cho đến khi nào tôi còn sống.
Trân trọng kính chào
Ký tên.
Xin mọi người lưu ý khoản 5 là QUAN TRỌNG NHẤT trong "GIẤY YÊU CẦU".

***

Nhiều năm qua, việc tẩy chay bầu cử được các nhân vật nổi tiếng (HT. Thích Quảng Độ, BS. Nguyễn Đan Quế...) kêu gọi nhưng không hiệu quả. Thiết nghĩ, do người dân trực tiếp là nạn nhân của giới cầm quyền chưa chú ý đến tiểu tiết nhỏ mà rất quan trọng này. Tẩy chay bầu cử, là phương pháp ôn hòa, hợp pháp, văn minh mà chúng ta chưa chú trọng xoáy vào đó như là một trong các phương thức hữu hiệu đấu tranh bất bạo động(*).

Chúng ta đều thấy, dù người dân trực tiếp bị oan khuất hiện nay rất nhiều, nhưng chính bản thân những người này (tôi cho rằng) có thể vẫn đi bầu cử, do có thể họ chưa thấy mối liên hệ "Nhân - Quả" giữa bầu cử và oan khuất họ đang gánh chịu, vì vậy cần vạch ra cho những người này thấy rõ.

Cũng nên nhìn thẳng vào sự thật, chính những người oan ức này sẽ là thành phần nòng cốt trong việc tẩy chay bầu cử và vận động ngay chính người thân trong gia đình, bà con ruột thịt. Tôi lấy ví dụ, LS. Nguyễn Thị Dương Hà không đi bầu cử thì ít nhất chị thuyết phục được 2 con trai, chị Cù Thị Xuân Bích, ông Cù Huy Thước, Cù Huy Chữ v.v... và hãy nghĩ đến con số cấp số nhân khi xuất phát từ các gia đình: chị Dương Thị Tân, anh Đỗ Nam Hải, anh Huỳnh Ngọc Tuấn, anh Trần Huỳnh Duy Thức, anh Lê Công Định, anh Nguyễn Tiến Trung, anh Lê Thăng Long, gia đình chị Tạ Phong Tần, anh Nguyễn Bắc Truyển, anh Huỳnh Nguyên Đạo, anh Lê Nguyên Sang, anh Phan Thanh Hải (anh Ba Saigon), anh Vi Đức Hồi, anh Trần Đức Thạch, gia đình của mười mấy giáo dân bị bắt cóc vừa qua, các đệ tử của HT. Thích Quảng Độ, các con chiên của LM. Nguyễn Văn Lý, LM. Vũ khởi Phụng, các gia đình của đệ tử Thiền sư Thích Nhất Hạnh hiện đang sống trong nước v.v... tôi cho là rất nhiều.

Con số tẩy chay bầu cử nếu được chính những người thân (tạm liệt kê chưa đầy đủ) nêu trên kết hợp với những người thầm lặng như tôi, Trần Thị Hồng Sương, Phan Châu Thành, Thu Thảo, Đinh Mạnh Vĩnh, Lò Văn Nhẻn, Bùi Văn Nịt, Hà Văn Nèo... sẽ là con số đáng kể mà nhà cầm quyền buộc phải lưu tâm và lo sợ.

Thêm vào đó, các gia đình nạn nhân: Trịnh Thanh Tùng, Nguyễn Công Nhựt v.v... không chỉ cá nhân cô Trịnh Kim Tiến, cô Nguyễn Thị Thanh Tuyền đứng trên "giấy yêu cầu" mà hãy sử dụng phương thức "gập ông đập lưng ông" theo quyết định "cấm khiếu kiện tập thể", nghĩa là cha (mẹ, vợ, con, cháu, anh, chị, em... ) của các nạn nhân này cũng sẽ đứng riêng trên một giấy. Ví dụ, cô Tuyền đứng một giấy, cha, mẹ, anh (em) anh Nhựt mỗi người đứng một giấy riêng. Hãy cùng tưởng tượng, một buổi sáng nào đó, tại hàng trăm bưu điện trên toàn cõi Việt Nam, có 100 người cùng lúc xếp hàng tại một Bưu điện (gây quá tải vì cùng lúc) để gửi thư bảo đảm thì đó có phải là ý nghĩa đáng suy nghĩ??? Các hình ảnh này cũng nên được ghi lại và đưa lên mạng.

Tôi nghĩ, nơi nhận "GIẤY YÊU CẦU" không cần gởi cho các cơ quan ĐCSVN, môt mặt đây là cách hạ thấp vai trò, hạ thấp uy tín ĐCSVN, mặt khác nâng cao vai trò và trách nhiệm, ép buộc tiếng nói của các cơ quan (mà ĐCSVN nói) của dân phải lên tiếng (như vụ Đoàn văn Vươn). Quốc hội, UBMTTQ, Hội nông dân, Công đoàn v.v... lâu nay quá mờ nhạt và ai cũng biết là cơ sở ngoại vi và chịu sự điều khiển của ĐCSVN. Do đó, khi ta nâng "vai phụ" lên cao ắt nhiên, "vai chính" đã bị "vùi dập" một cách êm nhẹ, đó có thể nói làm mờ dần vai trò "lãnh đạo tuyệt đối" của ĐCSVN (như giới cầm quyền luôn phô phang khắp nơi). Đây cũng có thể nói là kế "chỉ tang mạ hòe" và "minh tri cố muội" trong 36 kế Tôn tử (5).

Mặt khác, bầu cử là quyền của công dân. Chúng ta đang đấu tranh hợp pháp, công khai và đúng luật với thể thức "bất bạo động", do đó việc nêu rõ trong "GIẤY YÊU CẦU" về quyết định không đi bầu sẽ lan tỏa rộng lớn trong dư luận, dễ được hưởng ứng theo. Các "GIẤY YÊU CẦU" sau khi gởi đi cần được truyền tải lên mạng cho công luận trong và ngoài nước biết rõ đang có phong trào lan rộng.

Thử nghĩ, tại sao chúng ta không tự trách, chính mỗi lá phiếu của từng người chúng ta đã góp phần cho bầu cử cuội "thành công". Tất nhiên, tôi sẽ không quan tâm đến câu nói:"Không mợ thì chợ cũng đông", bởi khi chúng ta xem thường từng lá phiếu của mình thì hậu quả hiện nay là ĐÁNG ĐỂ TỪNG NGƯỜI CHÚNG TA GÁNH CHỊU.

Xin đừng nôn nóng khi nghĩ đến cuộc bầu cử vài năm sau trong khi nỗi oan khuất nung nấu mỗi ngày, bởi con đường đi đến dân chủ dù quanh co, gập ghềnh, nó vẫn đang hướng tới.

Tôi có niềm tin mãnh liệt, trong năm nay cho đến năm sau, kết quả dân chủ có thể thấy được hiệu quả mà không cần viện dẫn việc tẩy chay bầu cử của 4 năm tới.

Thậm chí, dù cho hiệu qủa tẩy chay bầu cử không xảy ra, chúng ta vẫn quyết tâm tiến tới bằng nhiều cách, bằng nhiều cánh quân, bởi trận chiến đấu tranh bất bạo động vẫn đứng về phía đại đa số người dân.

Cuối cùng, xin trả lời cho những ai đã đặt câu hỏi: Dân chủ là gì? Mất dân chủ là mất gì? Được dân chủ là được gì? bằng câu hỏi:
Anh (chị) có cảm thấy bình an với cuộc sống ở Việt Nam hiện nay không? Nếu câu trả lời là "có", thì coi như tôi không đủ khả năng thuyết phục. Nếu câu trả lời là "không" - đó chính là câu trả lời ngắn gọn nhất về dân chủ.
Dân chủ là chúng ta có cuộc sống (ít nhất) bình an.
Mất dân chủ là mất sự bình an trong cuộc sống.
Được dân chủ là được sự bình an trong cuộc sống.
Có lẽ là vậy?

Nguyễn Ngọc Già
________________

p/s: bài viết cũng xin được gởi tặng cho các bạn đọc: Lò Văn Nhẻn, Bùi Văn Nịt, Tôn Kính Đảng v.v... và những ai cần định nghĩa dân chủ và được (mất) dân chủ một cách giản dị nhất.
(*) bản thân tôi đã không đi bầu trong 20 năm qua và chỉ vận động được gia đình riêng của mình bằng cách nhẹ nhàng (ra khỏi nhà từ sáng sớm hôm bầu cử và đến tối mịt mới quay về. Tắt điện thoại hoàn toàn trong khoảng thời gian đó).

---------------------------------------------

Tin liên quan

.
.
.

No comments:

Post a Comment