Monday, February 27, 2012

DU LỊCH VIỆT NAM ; CẢ NĂM "MÀI DAO" , MỘT MÙA "CHÉM KHÁCH" (Hải Linh, VEF)



Tác giả: Hải Linh ,  Diễn Đàn Kinh tế Việt Nam (VEF)
Bài đã được xuất bản.: 15/02/2012 06:00 GMT+7

(VEF.VN) - "Chặt chém" du khách bất kể là ai có lẽ đã trở thành thói quen với nhiều người Việt Nam làm trong lĩnh vực dịch vụ như bán hàng, lái xe... Và đây là thói quen rất xấu làm ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia trong con mắt của nhiều du khách nước ngoài.

Trong một lần sang Nhật Bản công tác, vào thời gian rảnh rỗi, một nhóm người Việt Nam chúng tôi đến phố công nghệ Akihabara tại Tokyo để mua sắm. Chúng tôi muốn tìm một cửa hàng bán camera cũ, nhưng không biết nó ở đâu. Hỏi một cô gái (chắc là nữ sinh của một trường trung học, vì thấy mặc đồng phục học sinh) đang đi trên phố, cô ấy liền lấy điện thoại ra để vào một trang tìm kiếm. Cô chỉ cho tôi cửa hàng đó, cách cũng không xa phố Akihabara - nơi chúng tôi đang đứng, nhưng phải đi khá vòng vèo. Thấy chúng tôi nói tiếng Anh không tốt và có vẻ như không hiểu lắm, cô gái đã cầm tay dẫn đến tận nơi có cửa hàng đó.

Thái độ và hành động của cô gái người Nhật khiến chúng tôi vô cùng cảm kích. Khi trao đổi chuyện này với một số người Việt Nam có thời gian sống tại Nhật, họ đều có chung nhận xét, người Nhật rất tận tình với tất cả mọi người, khi hỏi đường hay nhờ việc gì đó thường giúp đến nơi đến chốn.

Còn tại Việt Nam thì như thế nào? Trước đó, trong một chuyến công tác tại Nha Trang, hai anh em chúng tôi có mượn một chiếc ôtô lái từ đường Trần Phú ra Cam Ranh. Lúc đó khoảng 6 giờ chiều, trời không còn sáng nữa, do không biết đường nên bị lạc. Thấy mấy bác xe ôm đứng bắt khách, chúng tôi nhờ chỉ đường để chạy ra Cam Ranh. Khi một bác định trả lời thì bác đứng cạnh gạt đi không cho nói và cướp lời: "Để kiếm tiền bọn này coi". Ý của bác này là muốn được chỉ đường, chúng tôi phải trả tiền.

So sánh như vậy để thấy rằng, tại Việt Nam thiếu hẳn sự thân thiện với du khách. Nếu có cơ hội moi được tiền của du khách, bất kể là ai, nhiều người sẽ không chịu bỏ qua.

Nổi tiếng về "chém" khách tại Việt Nam phải kể đến là các lễ hội, nơi đông khách thập phương tìm đến. Nếu ai đã đi chùa Hương đúng mùa lễ hội, từ tháng 1-3 âm lịch hàng năm, chắc hẳn sẽ trải qua nhiều cung bậc cảm xúc.

Có một câu nói nổi tiếng mà những người ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức (nay thuộc Hà Nội) thường nói: "chín tháng mài dao, ba tháng băm". Nghĩa là, lễ hội chùa Hương diễn ra có 3 tháng và đó là 3 tháng kiếm tiền của những người làm dịch vụ tại đây. Một năm có 12 tháng nhưng lễ hội chỉ có 3 tháng, vì vậy 9 tháng còn lại không kiếm tiền được nên làm công việc chuẩn bị (mài dao) nghĩ ra các chiêu kiếm tiền đợi lễ hội tới là "chặt chém".

Chúng tôi cũng đã từng lĩnh trọn "nhát dao" của chủ quán tại đây. Đó là vào mùa lễ hội năm Tân Mão (2011). Khi đi từ động Hương Tích xuống, thấy đói, khát, muốn ăn, chúng tôi vào một quán ven đường, hỏi giá cả cẩn thận. Mỳ tôm 25.000 đồng/bát, trứng vịt luộc 10.000 đồng/quả. Tưởng thế là yên tâm, 7 người ăn xong mới gọi ấm trà tráng miệng. Chính cái không ngờ nhất lại bị chém ác nhất, cứ nghĩ là rẻ như nước nên không hỏi giá, đến lúc tính tiền chủ quán hét 210.000 đồng/ấm trà (30.000 đồng/người). Lý do là đường lên núi cao đưa nước lên khó khăn tốn nhiều công sức.

Tại các khu du lịch những ngày Tết hoặc lễ như 30/4, 2/9 cứ khách đến đông là mọi thứ tăng vọt từ giá phòng cho đến đồ ăn, nước uống.

Các bãi biển như Trà Cổ (Quảng Ninh), Đồ Sơn (Hải Phòng), Sầm Sơn (Thanh Hoá), Vũng Tàu... giá cả đều tăng vọt, cứ hở ra là bị "chém". Điều này chắc không có gì lạ đối với nhiều người. Không phải lúc nào các bãi biển này cũng đông vui, nên vào những ngày nghỉ người đổ về đông là bị "chặt chém" bù cho những ngày vắng khách "ngồi chơi xơi nước".

Người Việt với nhau còn bị "chém" như vậy huống chi là người nước ngoài, không thông thuộc ngõ ngách, không nói được tiếng Việt và không nắm được giá cả.

Những câu chuyện "chém" khách nước ngoài đầy rẫy trên báo chí. Một vài vụ điển hình như năm 2011, tài xế taxi (hãng taxi Phú Gia) chở khách là ông Chen Ang Dani và Than Sha Pen (quốc tịch Singapore, khách đến dự Đại hội đồng Interpol lần thứ 80 tại Hà Nội) đi từ phố Phan Bội Châu (quận Hoàn Kiếm) tới Trung tâm Hội nghị quốc gia (Mỹ Đình, Từ Liêm). Với quãng đường hơn 10 cây số, tài xế bắt khách phải trả 200 USD, 100 đôla Singapore (tổng cộng gần 6 triệu đồng). Hai ông khi xuống xe để quên điện thoại Iphone 4 cũng bị lái xe "ỉm" đi.


Trước đó, cuối năm 2009, ông Lee Dae Won, Kim Joo Hwan, Jung Jaejin, Joo Jaehun, đều là giảng viên đại học, quốc tịch Hàn Quốc đến quán karaoke ở số 201 Giảng Võ, phường Cát Linh để hát. Đến lúc tính tiền, lợi dụng là khách nước ngoài, nhân viên phục vụ đã chặt chém, tính tiền nâng lên gấp 5-7 lần. Khi khách không đồng ý trả, lập tức nhân viên của quán xúm lại lục soát từng người để lấy 1,4 triệu đồng. Sau đó, đến khoảng 4h sáng cùng ngày, bốn người Hàn Quốc này phải thanh toán thêm 200USD để được về.

Để "giấu" địa chỉ quán, nhân viên đã đưa cả bốn người ra lối cửa sau và lên một chiếc taxi đã đợi sẵn rồi đi theo áp tải các vị khách này. Trên đường đi, ông Kim thấy tài xế chạy không đúng đường về nơi ở nên trong lúc xe vẫn chạy, ông đã chống cự và tự mở cửa nhảy xuống xe. Hậu quả là ông bị bị chấn thương sọ não.

Trong khi đó chúng ta đi du lịch nước ngoài, ít gặp phải nạn "chặt chém" như vậy. Tại BangKok (Thái Lan) đi xe Tuk tuk giá hoàn toàn như nhau, người lái xe dù biết khách là người nước ngoài, nhưng không bao giờ coi đó là cơ hội để "chém".

Tại Trung Quốc, đi xe taxi chỉ cần đưa địa chỉ là lái xe đưa đến tận nơi và giá giữa người nước ngoài với người Trung Quốc là như nhau không hề có hiện tượng chặt chém. Taxi ở đây không bao giờ được chở vượt người. Thừa người gọi thêm xe khác mặc dù chúng tôi nói trả thêm tiền cho họ vẫn kiên quyết không. Họ nói nếu bị cảnh sát bắt thì sẽ không bao giờ có cơ hội được lái taxi nữa chứ đừng nói chỉ bị phạt.

Tiếp xúc với nhiều người nước ngoài, người ta đều nhận xét: Việt Nam có rất nhiều bãi biển đẹp, đồ ăn ngon và họ cũng rất thích đến Việt Nam, nhưng cứ nghĩ đến bị "chặt chém" thì chẳng muốn quay lại. Người ta cho đó là sự thiếu thân thiện.

Penang là một bang khá nhỏ của Malaysia, ở đó thắng cảnh không thể đẹp so với Việt Nam. Nổi tiếng nhất có lẽ là một trại bướm được quảng cáo có tới hơn 2.000 loài, nhưng thực chất là 1nơi nhốt bướm với núi giả đắp bằng xi măng, quây lưới và thả bướm bên trong; hoặc ngôi chùa có 3 tầng kiến trúc (Trung Quốc, Miến Điện, Ấn Độ). Biển thì không thể tắm được, bởi cát có mùi vị tanh nên du khách thường phải tắm nước biển trong các bể bơi tại khách sạn, vậy nhưng mỗi năm hòn đảo này đón tới hơn 4 triệu khách nước ngoài chủ yếu là người Mỹ và Singapore đến đây để nghỉ dưỡng, mua sắm.

Còn Việt Nam thì sao? đất nước có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng cùng nhiều bãi biển đẹp... nhưng đến nay mỗi năm cũng chỉ thu hút được trên 5 triệu khách nước ngoài. Đặc biệt phần lớn trong số khách này đến một lần rồi không bao giờ trở lại.

Nếu chúng ta không thay đổi cách làm du lịch, không đưa du lịch vào giáo dục tại các trường học cũng như không có các chương trình giáo dục cộng đồng dành cho những người bán hàng rong, lái xe... để có thái độ thân thiện với khách, cũng như không có các chế tài đủ mạnh để ngăn chặn nạn "chặt chém" du khách thì chắc chắn ngành du lịch sẽ không thể phát triển

TIN LIÊN QUAN


Matt Kepnes
45 Comments | Posted January 30, 2012 | 01/30/12 08:00 AM ET

.
.
.

No comments:

Post a Comment