Wednesday, February 1, 2012

5% TỐT , 5% XẤU , QUYẾT ĐỊNH VẬN MẠNG ĐẤT NƯỚC (Trần Việt Trình, danlambao)



2-2-2012

Ngày nào mà 5% xấu vẫn còn nắm quyền hành trong tay thì ngày đó đất nước còn nguy nan, dân tộc còn chao đảo và dân tình còn thống khổ. Ngày nào mà 5% tốt chưa đánh gục được 5% xấu thì ngày đó “niềm tin vào lẽ phải và sự thật” của người sinh viên và cô giáo sư vẫn chưa được hiện thực, ngày đó 90% còn lại của dân tộc vẫn còn long đong...

"Em chào cô
Trước đây, ba em học ngành Y. Ba em bỏ học năm thứ 3 vì nhiều lí do. Ba luôn nói với em, giá ngày đó có ai đó nói cho ba biết rằng nhất định sẽ có sự thay đổi, rằng xã hội sẽ trả công xứng đáng với năng lực và nhân phẩm của mình.
Ba nói, dù có những lúc sự dối trá, chạy chọt đầy rẫy, nhưng con luôn phải tin rằng nhất định sẽ có sự thay đổi. Phải có niềm tin vào lẽ phải và sự thật. Những người sống trung thực và dũng cảm dù chỉ chiếm 5% , nhưng chính họ - chính 5% đó đã, và sẽ tiếp tục làm thay đổi thế giới.
Em sợ nhất là trở thành một người ngu dốt, vì ngu dốt sẽ dẫn đến yếu hèn. Em không muốn làm một con người sống đớn hèn và chạy chọt. Em đã tin tưởng và sống như những gì ba em khuyên.
Nhưng cô ơi, thỉnh thoảng em thấy thật yếu đuối và cô đơn. Như lúc này đây, trong một thời buổi mà sống lương thiện thôi đã khó biết bao rồi, huống hồ sống và trở thành một trí thức chân chính.
Nhưng mà nhất định sẽ có sự thay đổi, phải không cô?
Sinh viên cũ của cô"

Trên đây là một bức thư của một sinh viên ở Sài Gòn viết gởi cho cô giáo sư cũ của mình đăng trên VietNamNet ở trong nước mới đây. Cô giáo sư được đề cập đến trong thư là tiến sĩ Nguyễn Thị Từ Huy, cô hoàn tất Tiến sĩ Văn học Pháp, Khoa Văn học - Nghệ thuật và Điện ảnh, Đại học Paris 7 (còn gọi là Trường Đại học Paris Diderot) vào năm 2008. Cô vừa từ bỏ làm giảng viên khoa Văn học và Ngôn ngữ của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, thành phố HCM.

Nỗi niềm của người sinh viên trong bức thư này đáng để đề cập đến là một việc, nhưng tâm tình và niềm hy vọng của vị giáo sư còn đáng để chúng ta suy ngẫm nhiều hơn. Cô viết thư trả lời đăng trên VietNamNet vào ngày 7 tháng 12 năm vừa qua như sau:

Ảnh: Tiến sĩ Nguyễn Thị Từ Huy

"Đọc thư của bạn, buồn vui lẫn lộn. Buồn thì rõ rồi. Nghe những chuyện đó sao mà không buồn được. Nhưng vui, vì bạn tin vào sự thay đổi. Bạn chỉ chia sẻ, chứ không cần lời khuyên của tôi, có nghĩa là bạn tự biết phải làm gì. Bạn biết rằng bạn thuộc vào số 5% những người trung thực và dũng cảm, và bạn biết phải hành động như thế nào để có sự thay đổi. Cho dù bạn tự thấy mình yếu đuối. Nhưng chính là vì bạn cảm nhận được sự yếu đuối và cô đơn mà bạn có thể trở nên mạnh mẽ.

Mong bạn, mong các bạn đủ mạnh để bảo vệ và phát triển phần tốt đẹp, phần thiên lương trong con người các bạn. Mong các bạn đủ mạnh để làm lan tỏa phần tốt đẹp ấy ra cộng đồng chung của chúng ta. Nếu không như vậy thì xã hội này sẽ vẫn vận hành theo nguyên tắc của cái xấu, cái tồi tệ, cái vô đạo đức; từ đó mà tiến tới chỗ cái ác, cái dã man, tiến tới thú tính, không còn bao xa.

Mong các bạn đủ mạnh để có những lựa chọn đúng, những lựa chọn thể hiện phẩm chất người của các bạn. Các bạn là tương lai của đất nước này. Nếu như từ bây giờ, ngay ở ngưỡng cửa cuộc đời, các bạn đã không đủ mạnh để có những lựa chọn giúp các bạn xác định nhân tính, nhân phẩm của mình, thì cái xã hội mà nay mai các bạn sẽ góp phần xây dựng sẽ là một xã hội như thế nào?

Tôi không thể khẳng định điều gì, nhưng bằng những trải nghiệm cá nhân, tôi tin rằng, đa số những đồng nghiệp cũ của tôi, những người mà tôi từng cộng tác trong công việc giảng dạy, sẽ ủng hộ và đánh giá cao những lựa chọn đúng đắn, những lựa chọn giúp các bạn chứng tỏ phẩm giá của mình.

Tôi biết nhiều người trong số họ cũng đau khổ như bạn trước những biểu hiện của sự suy đồi đạo đức ngày hôm nay.

Tôi hy vọng rằng họ sẽ bảo vệ các bạn, như là bảo vệ phần tốt đẹp trong con người họ.

Chỉ bằng cách đó, chúng ta mới có thể lấy lại được sức mạnh đang dần dần kiệt quệ của dân tộc này.

Chúng ta đang mất rất nhiều thứ: tài nguyên, khoáng sản, biên giới, biển đảo…; mất các nguồn lực trí tuệ; nền kinh tế của chúng ta đang hồi nguy khốn chưa biết bao giờ mới có thể phục hồi.

Nhưng chừng nào chúng ta còn chưa đánh mất con người, tức là chưa mất hết ý thức về cái đúng, cái tốt, về công lý, về các giá trị nhân văn, chừng nào chúng ta vẫn còn 5% những người can đảm và trung thực, như bạn nói (trên thực tế, tôi tin, những người đó nhiều hơn 5%), chừng đó chúng ta vẫn còn hy vọng. Ba bạn đã truyền cho bạn một điều hết sức tốt đẹp: bạn sinh ra là để làm thay đổi thế giới, để khiến thế giới này tốt đẹp hơn.

Bạn đừng quên rằng bạn là niềm hy vọng của tôi, của chúng tôi. Bạn hãy lựa chọn và hành động để giữ cho chúng tôi niềm hy vọng vào tương lai của xứ sở này, cũng là tương lai của chính bạn!"

Cô giáo sư tiến sĩ Từ Huy nói đúng, “chừng nào chúng ta vẫn còn 5% những người can đảm và trung thực, chừng đó chúng ta vẫn còn hy vọng”. 5% những người can đảm và trung thực mà chúng ta hiện có ở trong nước điển hình như TS LS Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Bắc Truyển, … mới đây là Bùi Thị Minh Hằng, Đỗ thị Minh Hạnh, Huỳnh Thục Vy, … và gần đây nhất là Việt Khang. Đó là “những người can đảm và trung thực” thực sự, những nhân tố tốt cho giới trẻ trong nước noi theo.

Cô giáo sư tiến sĩ nói đúng nhưng chỉ mới đúng có một phần. Đó là 5% tốt, phần “những người can đảm và trung thực”. Còn phần kia, phần xấu, phần những người quyền lực, chưa đầy 5% (3.6 triệu đảng viên trên tổng số 87 triệu dân) làm cho “xã hội vận hành theo nguyên tắc của cái xấu, cái tồi tệ, cái vô đạo đức; từ đó mà tiến tới chỗ cái ác, cái dã man, tiến tới thú tính”.

Cô giáo sư tiến sĩ cũng là nhân vật trong bài viết “Những bộ óc tuyệt nhất đang dùng vào việc nhỏ” đăng trên VietNamNet vào ngày 18 tháng 11 năm vừa qua. Trong cuộc trao đổi với VietNamNet này, cô xác nhận những bộ óc tuyệt nhất của các trường đại học VN đang bị dùng vào một việc rất nhỏ là mưu sinh để tồn tại. Theo cô, họ là nguồn trí thức rất quan trọng của đất nước, là những người rất có năng lực, nhưng năng lực của họ, “chất xám” của họ, trí tuệ của họ phần lớn bị sử dụng vào việc làm thế nào để tồn tại, bởi vì đồng lương không cho phép họ tồn tại, thậm chí chỉ tồn tại ở mức độ tối thiểu. Cô nói: “nhiều trí tuệ mạnh đã chỉ được sử dụng để giải quyết những việc rất nhỏ nhặt, đôi khi buộc phải dùng chỉ để giải quyết vấn đề mưu sinh cá nhân mà thôi”. Đó là lý do cô quyết định từ bỏ công việc dạy học để chuyển sang làm việc ở Viện Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục (Institute for Research on Educational Development).

Cô giáo sư tiến sĩ nói đúng nhưng cũng chỉ mới đúng có một nữa. Những bộ óc lớn của VN đang làm những việc rất nhỏ, đó là vật lộn với miếng cơm manh áo. Còn một nữa kia là: những bộ óc nhỏ, dở và tệ hại nhất lại đang làm những việc rất lớn.

Ngày nào mà 5% xấu vẫn còn nắm quyền hành trong tay thì ngày đó đất nước còn nguy nan, dân tộc còn chao đảo và dân tình còn thống khổ. Ngày nào mà 5% tốt chưa đánh gục được 5% xấu thì ngày đó “niềm tin vào lẽ phải và sự thật” của người sinh viên và cô giáo sư vẫn chưa được hiện thực, ngày đó 90% còn lại của dân tộc vẫn còn long đong.

Nhưng mà nhất định sẽ có sự thay đổi, phải không cô?

PHẢI. Sẽ có sự thay đổi. Sớm hay muộn, nhất định sẽ có sự thay đổi. Ngày ấy không còn xa.

1 tháng 2 năm 2012


.
.
.

No comments:

Post a Comment