Sunday, January 1, 2012

VUI, ĐAU, NHỨC ĐẦU NĂM 2011 (Nhà thơ Hoàng Hưng)



Nhà thơ Hoàng Hưng, từ TP HCM
[31.12.2011 18:01 - Nhịp Cầu Thế Giới Online]

(NCTG) Bài viết ngắn này xin để mừng ngày kỷ niệm “Nhịp cầu Thế giới” (NCTG) 10 tuổi. Cái duyên nho nhỏ với NCTG mình vẫn nhớ: một giờ với người sáng lập Nguyễn Hoàng Linh trong chuyến thăm chớp nhoáng Budapest năm 2009.

Nhà thơ Hoàng Hưng (phải, chụp cùng Hoàng Cầm trong dịp sinh nhật lần thứ 80 của cố thi sĩ) - Ảnh: Internet

Ấn tượng sông Danube lung linh 2 bờ Buda và Pest, một thủ đô cổ kính đáng yêu xinh đẹp bậc nhất. Ấn tượng về kỷ niệm đen tối thời toàn trị còn đè nặng trong lòng dân Hung: nhà trọ mình ở là một nhà trọ tư nhân đầy tài liệu photocopy phát không cho du khách, trong đó những trang tố cáo quá khứ tội ác của nhà nước cộng sản nhiều hơn gấp bội những trang giới thiệu cảnh đẹp địa phương!

Và bức tượng chính khách đẹp nhất thế giới (do mình bầu chọn) là bức tượng khiêm tốn và trữ tình: Nagy Imre đội mũ phớt, khoác pa-đờ-xuy đứng vịn tay thành cầu cong giữa một công viên trung tâm Budapest. Ông không đứng trên cao nhìn xuống công chúng như đàn kiến, không giơ tay kêu gọi hay chỉ thị, không có vẻ mặt “diễn”, chỉ là một con người đứng lặng lẽ suy tư, nhìn rất gần ra phía trước như thể đang tính toán một bước đi tình thế mà cũng có thể là đang tự hỏi chính mình…

Ðài tưởng niệm cố thủ tướng Nagy Imre tại Budapest (công trình của điêu khắc gia Varga Tamás) - Ảnh: Internet

Bây giờ nói sang chuyện chính: những nỗi vui, đau, nhức đầu nổi bật về đất nước mình trong năm 2011.

Hãy để niềm vui lên đầu.

Chỉ xin chia sẻ niềm vui lớn nhất: những mầm xanh của xã hội dân sự đã mọc thành cây non mơn mởn đầy sức sống không cách nào bẻ gẫy. Mạng lưới truyền thông “lề trái” trở thành dày đặc và ngày càng khẳng định uy tín trong cộng đồng dân mạng, tức là bộ phận tinh hoa của dân tộc, và có tác động rõ ràng đến giới cầm quyền.

Những cuộc “bất tuân dân sự” mà biểu tình chính trị là đỉnh cao đã cho thấy sự thức giấc của ý thức công dân tưởng chừng ngủ đông nửa thế kỷ trong sự sợ hãi và bưng bít. Đặc biệt là vai trò của những trí thức trẻ có nhận thức xã hội chính trị vững vàng, tỉnh táo, nổi lên như dự báo một tương lai đầy hứa hẹn cho dân tộc này.

Và một hiện tượng nhỏ nhưng ý nghĩa rất lớn: lần đầu tiên có một số nhà giáo tập hợp trong nhóm Cánh Buồm tự nguyện vác cái ngà voi quá nặng, là soạn một bộ sách giáo khoa mới theo tinh thần hiện đại như một việc đột phá mở lối ra cho một nền giáo dục quá ư lạc hậu, bế tắc mà cả hệ thống nhà nước loay hoay bao nhiêu năm không thoát ra được.

Tất nhiên nỗi đau thì còn quá nhiều. Đau nhất là chưa bao giờ thấy người dân bị cướp bóc bởi các nhóm đặc quyền một cách công khai đến thế, bị khủng bố chà đạp bởi chính lực lượng có nhiệm vụ giữ an ninh cho mình một cách trắng trợn đến thế, chưa bao giờ thấy Tổ quốc bị bọn phản bội làm nhục một cách hèn hạ trơ trẽn đến thế. Mà tất cả những gì bỉ ổi đều được tô vẽ bằng đủ kiểu “chữ vàng”.

Những cuộc xuống đường thức tỉnh lương tâm và đánh động sự vô cảm - Ảnh: Huy Minh

Và nhức đầu.

Nhức đầu vì những câu hỏi mãi chưa có lời giải: những người Việt Nam yêu nước suốt 1 thế kỷ chưa bao giờ chịu thúc thủ, nay sao botay.com lâu thế? Chẳng lẽ mình hèn hơn cha anh quá vậy sao (tự hỏi mình đấy!). Hay là vì chưa thấy lối ra? Hay là vì cái thế địa chính trị nó bó buộc? Hay là vì dân tộc này phải bị trừng phạt vì quá khứ tội ác xâm lăng và đồng hóa một dân tộc khác, vì ngây thơ ngu dại chọn sai bạn-thù 60 năm trước? Những năm sắp tới là bước ngoặt quyết định số phận: thời cơ để thay đổi (time for change) hay cứ để từ từ chìm vào bóng tối như ngàn năm xưa? Lựa chọn nào đây, hỡi dân tộc tôi?

Nhưng cuối cùng, nghĩ đến nước Hung, đến Nagy Imre, lại tự an ủi: giờ đây, giống như Hungary và các nước Đông Âu 60 năm trước, người Việt Nam đã nhận ra nền độc lập của mình phải gắn với lý tưởng nào? Đó là sự khởi đầu quyết định. Còn lại là cách đi. Nhưng cách gì thì cũng không còn thời gian để trù trừ.

Ngày cuối cùng năm cũ.
Nhà thơ Hoàng Hưng, từ TP HCM

.
.
.

No comments:

Post a Comment