Wednesday, January 25, 2012

VỀ VAI TRÒ CỦA TRÍ THỨC (Nguyễn Văn Tuấn)


Nguyễn Văn Tuấn
Thứ ba, 24 Tháng 1 2012 01:04

Trước hết, cần phải nói đôi lời về chuyện “trí thức” này. Đây là bài viết của anh Nguyễn Quang Minh (Na Uy), người trong 2 năm qua từng gửi bài cho trang nhà này. Đây là ý kiến cá nhân của anh NQM, và trang nhà này chỉ là người đưa tin (messenger) như anh ấy có viết trong phần cuối bài viết. Cá nhân tôi sẽ không tham gia tranh luận, vì sẽ phải lo chuyện “cơm áo gạo tiền” trước rồi sẽ có ý kiến sau. Vả lại, chuyện trí thức này là chuyện lâu dài, nên không cần gấp so với chuyện grant application. :-)

Vài lời thưa trước

Thú thật với bạn đọc là do chuyện “cơm áo gạo tiền”, nên mấy tuần qua tôi không có chú ý -- thậm chí không biết đến -- những tranh luận chung quanh bài trả lời phỏng vấn của Gs Chu Hảo trên BBC và Gs Ngô Bảo Châu trên Tuổi trẻ cuối tuần. Đến khi nhận email của bạn bè bàn tán chung quanh bài này và bài của anh Nguyễn Quang Minh tôi mới đọc hết bài trả lời phỏng vấn. Đọc xong tôi muốn có vài ý kiến nhỏ. Chỉ là những ý kiến cá nhân – dĩ nhiên.

Cá nhân tôi là một trong những người ngưỡng mộ thành tựu nghiên cứu của NBC, và đọc bài này tôi cũng thích những ý kiến sâu sắc của anh ấy. Có những câu chữ người ta trích ra để nhận xét và bàn tán nhiều kể ra cũng khó hiểu và “nước đôi”, nhưng nhà khoa học là thế. Đối với nhà khoa học, lúc nào cũng nhìn một vấn đề qua nhiều lăng kính khác nhau. Trước một dữ liệu, có nhiều cách diễn giải. Và những cách diễn giải đó có thể không phù hợp với quan điểm của người này nhưng không bất đồng với quan điểm của người kia. Đó là chuyện bình thường. Riêng cá nhân tôi thì có ý kiến khác với anh ấy về thế nào là trí thức và cái gọi là “phản biện”. Trước đây, tôi đã có bàn về phản biện và không thích danh từ này, và nghĩ rằng cách dùng hiện nay là không đúng, nhất là trong khoa học.
Quay lại câu chuyện trí thức. Có lẽ không cần nhắc lại một khác biệt hiển nhiên giữa người có học và người trí thức. Có học cao hay có chuyên môn cao, cho dù là giáo sư, không phải là điều kiện đủ để làm người trí thức, nhưng một người không có học cao và chẳng cần phải “lao động trí óc” (ai cũng cần trí óc để lao động!) cũng có thể là nhà trí thức.

Để phân biệt trí thức với phi trí thức, có lẽ chúng ta phải xem thế nào là phi trí thức. Edward Said, một nhà trí thức nổi tiếng, từng nói đại khái rằng những người có học nhưng không phải là trí thức là những kẻ thụ động tinh thần. Họ chấp nhận một cách dễ dãi những gì được dạy. Họ không chịu nỗ lực suy nghĩ chín chắn về những vấn đề xã hội. Họ không có khả năng hình thành ý kiến độc lập với những gì được nhiều người công nhận. Họ có thể là một chuyên gia có kiến thức chuyên môn cao, nhưng kiến thức ngoài chuyên môn của họ thì tương đương với kiến thức của một người thường dân. Đó là đặc điểm của người không phải là trí thức nhưng có học cao và lao động chủ yếu dựa vào trí óc.

Theo tôi, cái căn cước của người trí thức, do đó, không phải dựa vào công việc của họ, mà là thái độhành động, và những giá trị mà họ muốn gìn giữ, dấn thân. Sứ mệnh của người trí thức là xiển dương tự do và truyền bá kiến thức. Vai trò của người trí thức là không phải thu tóm quyền thế, nhưng là hiểu, diễn giải, và chất vấn thế quyền. Người trí thức phải nói sự thật cho kẻ có quyền thế, dù những sự thật đó đi ngược lại giáo điều. Vì thế, người trí thức đích thực về mặt tinh thần có thể là người ngoài cuộc, và tự mình sống lưu vong và sống bên lề xã hội.

Thế giới phương Tây còn có khái niệm trí thức của công chúng -- public intellectual. Họ là những người trí thức dấn thân vào những vấn đề xã hội công hơn là những vấn đề mang tính học thuật chuyên ngành. Khi các nhà khoa bảng viết và diễn thuyết trước một diễn đàn lớn hơn diễn đàn chuyên ngành của họ, thì người đó là một nhà trí thức công. Alan Lightman (MIT) phân biệt 3 cấp trí thức công. Cấp I là những người viết và diễn thuyết trước những diễn đàn trong ngành nghề của họ. Cấp II là những người viết và diễn thuyết về chuyên môn của họ và liên đới với môi trường xã hội, văn hoá và chính trị. Cấp III là những người trở thành biểu tượng cho một việc gì đó lớn hơn chuyên ngành mà họ xuất thân. Họ thường được mời để viết và diễn giải về những vấn đề công mà không nhất thiết nằm trong chuyên ngành của họ. Einstein là một ví dụ tiêu biểu cho trí thức công cấp III, vì ông thường được mời nói chuyện về tôn giáo, giáo dục, đạo đức, triết học, chính trị, dù chuyên ngành của ông là vật lí. Einstein là biểu tượng của lí trí và tinh tuý của nhân loại. Những trí thức cấp III ngày nay có thể kể đến là Noam Chomsky, Carl Sagan, EO Wilson, Steven Jay Gould, Edward Said, Steven Pinker, v.v.

Do đó, vai trò của người trí thức là lên tiếng trước những vấn đề xã hội. Viết đến đây thì tôi nhận được ý kiến của một anh bạn mà tôi thấy anh đã nói những gì tôi dự định nói thêm. Vậy xin trích ý kiến của anh bạn tôi ở đây:
“Về chữ ‘trí thức’, không biết trong các ngôn ngữ khác thì sao chứ trong tiếng Anh, một ‘người trí thức’ (an intellectual) và một ‘người lao động trí thức’ (an intellectual worker) là hai động vật hoàn toàn khác nhau. Nói cho gọn thì người intellectual phải tham gia vào public debate về những vấn đề liên quan đến xã hội, còn intellectual worker thì chỉ đóng góp chuyên môn.
[…]

Nếu NBC không phân biệt được hai cái thì rõ ràng là trong suốt thời gian làm việc ở Pháp và Mỹ ông đã tập trung vào ‘lao động’ mà không quan tâm tới mở mang ‘trí thức’, ít ra là đủ quan tâm để hiểu ‘intellectual’ có nghĩa là gì.
NBC đã đóng góp cho VN bằng giải Fields của ông, đây là 1 đóng góp về chuyên môn của một intellectual worker, và người Việt chúng ta đều có thể ‘hãnh diện lây’. Chúng ta đừng nên tham lam mà kỳ vọng gì thêm ở ông như một người trí thức.”

NVT
====

Sau đây là bài của anh Nguyễn Quang Minh:

Về trí thức
Nguyễn Quang Minh
Những ý kiến của Gs Ngô Bảo Châu lại gây ra tranh cãi. Lần này, ông bàn về định nghĩa và vai trò của người trí thức. Ông nói: “Tôi không đồng ý với việc coi phản biện xã hội như chỉ tiêu để được phong hàm ‘trí thức’”, và “Đến bao giờ chúng ta mới thôi thi đua để được phong hàm ‘trí thức’? Đối với tôi, trí thức là người lao động trí óc. Cũng như những người lao động khác, anh ta cần được đánh giá trước hết trên kết quả lao động của mình. Theo quan niệm của tôi, giá trị của trí thức là giá trị của sản phẩm mà anh ta làm ra, không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội.” Theo tôi, đó là một quan điểm cần phải phản biện và thách thức công khai.

Tôi hoàn toàn không đồng ý với quan điểm trí thức là người lao động trí óc. Tôi hiểu “lao động trí óc” ở đây là những người có bằng cấp đại học, công chức, nhà khoa học, chuyên gia … để phân biệt với những người làm việc chân tay (công nhân, nông dân, thợ). Trong thực tế, ai cũng sử dụng trí óc để làm việc. Người nông dân, người thợ máy, anh kỹ sư, chị bác sĩ đều sử dụng trí óc. Do đó, định nghĩa trí thức dựa vào bằng cấp và công việc e không ổn. Trí thức là một tấm gương sống, chứ không hẳn là người có bằng cấp. Tấm gương đó là dấn thân xã hội cho những mục tiêu cao cả và chấp nhận nguy hiểm cho bản thân. Trí thức là người có tầm nhìn đứng cao hơn tầm nhìn chuyên môn của một chuyên viên. Do đó, tôi cũng không đồng ý khi ông nói rằng phản biện xã hội không phải là tiêu chuẩn của một người trí thức. Đã là trí thức thì phải có tư tưởng độc lập và sẵn sàng lên tiếng phê phán, thậm chí phản kháng, một tư tưởng độc hại.

Với quan niệm trí thức như thế, tôi cho rằng Gs Ngô Bảo Châu không phải là một trí thức. Ông là một người làm việc trí óc, nhưng không phải là một nhà trí thức. Xin nói thêm hai nhận xét để bổ sung cho ý kiến đó của tôi.

Trước hết là vấn đề lợi dụng trí thức. Nhà nước dùng tiền thuế của dân để đánh bóng thái quá Gs Ngô Bảo Châu, mục đích lấy tiếng thơm. Đỉnh cao là diễn viên chính tại Trung tâm Hội Nghị Quốc Gia ở Hà Nội, tối 29/8-2010. Là một người có một chút tỉnh táo và tự trọng, ai cũng thấy ngượng bởi quá tốn kém. Rồi lại giao cho ông cái Viện Toán với một bó tiền tươi, một căn hộ cao cấp, cũng từ thuế của dân. Không ai phủ nhận tài năng toán học của Gs Châu, nhưng “bổ đề cơ bản, chương trình Langlands”, thực ra đến lúc này còn mông lung với đời sống thực tại với đại đa số người dân nước Việt.

Gần thị trấn chúng tôi cư ngụ, cách 10 km, gọi là Gjesdal, có ông Gs Finn Erling Kydland, được giải Nobel kinh tế học năm 2004, về đến sân bay, chẳng có chính quyền địa phương nào ra đón hay kèn trống rùm beng. Báo chí đưa tin bình thường. Mãi đến năm 2011, đại học kinh tế Na Uy (Norwegian School of Economics, NHH, nơi ông từng học, cấp cho ông ấy bằng tiến sĩ danh dự (doctor honoris causa), cùng với 9 người khác, nhân dịp đánh dấu 75 năm lịch sử của trường. Ông không có đặc quyền gì cả. Đó là cách ứng xử của một xã hội trưởng thành về tri thức.

Tiếp theo là những phát biểu “ai muốn hiểu sao thì hiểu”. Gs Châu nổi tiếng một dạo, với câu tuyên bố khá thời thượng: “bám theo lề là việc của con cừu, không phải việc của con người tự do”. Sau đó, ông lên tiếng trên blog về vụ án Ts Cù Huy Hà Vũ, được bàn tán đình đám và gây tranh cãi; sau đó, hình như ”rét quá” (?), đóng blog một thời gian không một lời chia tay. Nhìn lại chặng đường Gs Châu đi đến nay, tôi thấy Gs Châu đi nhiều hàng, dân miền Nam gọi là đi chàng hảng. Dường như ông nói theo gió; gió chiều nào, lợi cho ông, ông đi, bất kể lề trái, lề phải hay giữa lề. Ông lấn sang lề cả con cừu và con sói. Thỉnh thoảng sa đà vào những chuyện PR, ban lời vàng ngọc cằn cỗi như các ông lãnh đạo trong chính phủ rất thiếu logic toán học.

Mỗi người tự do chọn lựa cho mình một con đường và một thái độ chính trị nhưng nói phải đi đôi với làm. Đó là thái độ chân chính của người trí thức: tri hành hợp nhất. Thiết tưởng một người như Gs Châu không nên để chính phủ lợi dụng, càng không biến thành một đối tượng để hợp thức hoá quan điểm của Mao chủ tịch: “trí thức là cục phân”.

Xin nhắc lại lời của Voltaire mà tôi đọc được từ blog của một vị nào đó: “Tôi có thể không đồng ý với điều anh nói, nhưng tôi sẽ bảo vệ cho đến chết quyền của anh được nói điều đó”. Vì thế, tôi thỉnh Gs Châu lên tiếng và xin mượn đất facebook của Osin HuyDuc hay nguyenvantuan.net để tranh luận một cách đối trọng mấy chuyện trên cho ra nhẽ.

Nguyễn Quang Minh
21.01.2012, cuối năm con mèo.

Ghi thêm:

Trên xa lộ blog những ngày cuối năm con mèo, bàn dân thiên hạ bàn khá nóng về“người trí thức”, trong đó có lời phát biểu trên báo, trên đài ... của Gs Chu Hảo, Gs Ngô Bảo Châu.
http://daohieu.wordpress.com/2011/04/11/pha%cc%89ng-pha%cc%81t-mo%cc%a3t-ca%cc%81i-mu%cc%80i/http://quechoa.info/2012/01/22/gửi-ngo-bảo-chau/

.
.
.

No comments:

Post a Comment