Tuesday, January 24, 2012

TRUNG QUỐC - XỨ SỞ LẮM TƯƠNG PHẢN (Renee Montagne – Steve Inskeep)



Renee Montagne – Steve Inskeep

Sơn Dương chuyển ngữ
Chủ nhật, 22 Tháng 1 2012 18:58

LTS: Nhân khi đại sứ Hoa Kỳ tại Bắc Kinh, ông Gary Locke, về thăm Hoa Thịnh Đốn, đài phát thanh National Public Radio tại Hoa Thịnh Đốn đã phỏng vấn ông về tình hình ở Trung Quốc trên mọi mặt. Điều làm người ta ngạc nhiên là sự thẳng thừng của ông đại sứ khi nói về mặt vi phạm nhân quyền, các cuộc biểu tình diễn ra hàng ngày hiện nay tại Trung Quốc. Quan trọng hơn nữa khi ông đại sứ tỏ ra tin tưởng vào sức mạnh của người dân Trung Quốc, và sự bất mãn ngày càng dâng cao trong xã hội đã khiến cho tình hình Trung Quốc hiện nay được ông đại sứ mô tả như là‘rất mong manh’. Chúng tôi xin đăng lại nguyên văn bài phỏng vấn ông Gary Locke do phóng viên Steve Inskeep của đài NPR thực hiện vào ngày thứ Tư 18/1/ 2012 vừa qua.

Gary Locke là đại sứ của Hoa Thịnh Đốn tại Bắc Kinh. Ông nhận nhiệm sở sau khi [vị tiền nhiệm] Jon Huntsman rời chức vụ để ra ứng cứ tổng thống. Locke là đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên tại Trung Quốc có nguồn gốc tổ tiên tại xứ này. Đại sứ Locke nói những cảm tưởng của ông về Trung Quốc và về chính quyền của xứ này với Steve Inskeep.
Renee Montagne, người thực hiện chương trình:

Người ta không thể chú ý đến chiến dịch tranh cử tổng thống mà không nghe nhắc đến các vấn đề Trung Quốc. Các ứng cử viên đảng Cộng hòa đã than phiền về các thói tật buôn bán của Trung Quốc. Chỉ trích Trung Quốc trong mùa tranh cử đang có cơ trở thành một truyền thống chính trị - được các ứng cử viên tổng thống của cả hai đảng áp dụng.

Steve Inskeep, phóng viên của đài NPR:

Cũng cùng lúc ấy, chính quyền của Tổng thống Obama đang lặng lẽ điều chỉnh lại chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, tìm cách tập trung nhiều hơn vào các quốc gia dọc bờ biển Thái Bình Dương của Á châu. Nhân vật tiền tiêu của chính quyền là Đại sứ Hoa Kỳ Gary Locke. Ông nguyên là thống đốc bang Hoa Thịnh Đốn và có nguồn gốc tổ tiên tại một làng ở phía Nam Trung Quốc. Hiện nay Đại sứ Locke làm việc tại môt quốc gia đang trổi dậy mà nhiều người Hoa kỳ xem như một mối đe dọa. Nhân một chuyến về thăm Hoa Thịnh Đốn ngắn hạn, chúng tôi đã mời ông đại sứ Locke đến đài phát thanh của chúng tôi. Trung Quốc đang muốn cái gì đây, thưa ông đại sứ?

Gary Locke: Một cách cơ bản, tôi thiết nghĩ, họ đang cố gắng nâng cao mức sống và phẩm chất cuộc sống người dân. Vì nhiều lý do, sự tiến bộ của họ đã bị kiềm hãm lại trong suốt một, hai thế kỷ vừa qua so với nền văn minh hàng ngàn năm của họ mà theo đó họ cho họ là đứng đầu nền văn minh thế giới, vì họ đã phát minh ra và cống hiến rất nhiều cho nền văn minh ấy – từ cái địa bàn, đồng hồ, máy in, giấy cho đến máy ghi địa chấn. Và họ cảm nhận rằng, bằng nhiều cách, hành động của Tây Phương, kể luôn các nhà cai trị bản địa của họ, đã làm đất nước tụt hậu, và vì thế họ cố gắng đuổi bắt lại thời gian đã mất.

Inskeep: Tự ái bị tổn thương…

Locke: Trên một số mặt nào đó.

Inskeep: ...từ thời thuộc địa và từ những thời điểm khác của lịch sử.

Locke: Trên một số mặt nào đó. Và vì thế, bạn chứng kiến một sự chuyển mình không thể tin nổi ở Trung Quốc. Trước khi tôi trở thành đại sứ, khi viếng thăm Trung Quốc nhiều lần trong tư cách một người dân bình thường và như một chức sắc của chính quyền, tôi bị chóng mặt vì sự thay đổi không thể tin nổi. Nhiều làng xã 20 năm trước đây chỉ có chừng 25 đến 50 ngàn dân nay đã hoá ra phố thị với năm triệu dân với một số toà nhà chọc trời cao hơn bất cứ nơi đâu trên thế giới.

[Phải nhìn nhận] Có một sinh lực, có một động năng ở Trung Quốc. Tuy vậy, Trung Quốc vẫn là một xứ sở của những tương phản vĩ đại. Trong khi hàng trăm triệu người tạo thành một phần giai cấp trung lưu và khao khát mọi thứ hàng hoá làm từ Hoa Kỳ, nhãn hiệu Hoa Kỳ, phim ảnh, âm nhạc – thì có hàng trăm triệu con người khác trên đất nước Trung Quốc đang sống bằng khoảng một đô la Mỹ một ngày. Họ không có quạt máy. Rồi bạn trở lại chính nơi làng xã của mình chỉ cách thành phố khoảng hơn một cây số với hàng triệu con người ở miền Nam Trung Quốc thì thấy họ không có cả cầu tiêu. Họ phải đi ngoài. Họ vẫn còn dùng các bánh bột than và củi nhóm bếp góp nhặt được ở ngoài đồng để nấu nướng.

Inskeep
: Vậy ông bắt đầu giả định rằng Trung Quốc đang tập trung nhiều vào sự phát triển nội địa hơn là chế ngự Á Đông, chế ngự thế giới, hất cẳng Mỹ hoặc bất cứ thứ gì mà người Mỹ đôi khi lo âu.

Locke
: Thì rõ ràng đây là một đối thủ đáng kể của nước Mỹ và phần lớn nền thương mại và kinh tế của họ tập trung vào vùng Thái Bình Dương và quả thật, trên khắp thế giới. Chúng ta thấy họ khai quật tài nguyên thiên nhiên ở Phi châu, Châu Mỹ La-tinh và nhiều vùng khác ở Á châu. Vì thế tôi nghĩ thế giới và các chính quyền trên khắp thế giới phải quan tâm, và đặt câu hỏi về các ý đồ của Trung Quốc là gì.

Inskeep
: Mặc dù ông đã làm việc ở đấy, đã tiếp xúc với chức sắc Trung Quốc, đã nghiên cứu về vấn đề này như đã thấy, ông vẫn còn thắc mắc các ý đồ của Trung Quốc là gì không?

Locke: À, thì, chúng tôi biết họ đang tập trung vào các vấn đề gì trước mặt. Cái cách thức mà họ thực hiện đưa đến nhiều quan ngại, từ những xung đột và tranh giành lãnh thổ trên Biển Nam Hải cho đến các chính sách kinh tế của họ. Như Tổng thống Obama đã nói rõ ràng chỉ cách đây vài tháng, Trung Quốc phải tôn trọng các qui luật của quốc tế, hệ thống thương mại của quốc tế mà qua đó họ đã hưởng lợi lộc rất nhiều.

Chúng tôi quan tâm rất nhiều về hồ sơ nhân quyền của họ và sự cởi mở ngay thật của họ trên bình diện một xã hội. Chúng ta cần nhiều trao đổi hơn giữa các cấp chỉ huy quân đội của chúng ta để tránh bị tính toán sai lầm. Một lần nữa, chúng tôi hoan nghênh một nước Trung Quốc phát triển phồn vinh nhưng phải là một nước đảm nhận nhiều trách nhiệm lớn hơn nữa cho trật tự quốc tế.

Inskeep
: Ông có nghĩ là sự suy nghĩ của ông đã xui khiến các chức sắc Trung Quốc, trong năm rồi gần đây thôi, càng ngày càng ra mặt công khai trấn áp những người bị coi là bất đồng chính kiến không? Chỉ mới tuần rồi thôi, một nhà thơ đã bị bắt giữ vì một bài thơ có ý khuyến khích thiên hạ đi đến quãng trường. Bài thơ không xác định rõ ràng một quãng trường nào, nhưng có vẻ như ám chỉ đến một nơi nào đó giống như Quảng trường Thiên An Môn.

Locke: Hồ sơ nhân quyền của Trung Hoa nóng nguội với thời gian nhưng rõ ràng trong thời kỳ chuẩn bị Thế Vận Hội Olympic 2008 và kể từ đó trở đi, nhà cầm quyền đã đối xứ bất dung hơn với những người bất đồng chính kiến và hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc đã chuyển sang hướng xấu hơn.

Trên vị trí một đại sứ quán, chúng tôi trao đổi hàng ngày về vấn đề nhân quyền trên mặt ngoại giao với các chức sắc Trung Quốc, quan hệ với công chúng, đưa ra các thông cáo chính thức, hỗ trợ các nhà hoạt động nhân quyền và bất đồng chính kiến; chúng tôi cũng tiếp xúc với các tổ chức độc lập, giáo hội và luật sư, những người thực sự là nạn nhân của chính sách trấn áp và bất khoan dung, những người bất đồng chính kiến. Chúng tôi rất chú trọng đến vấn đề này, bởi vì chúng ta là một quốc gia tin tưởng mạnh mẽ vào các giá trị nhân quyền vốn đã được coi là những quyền phổ cập của mọi con người trên thế giới. Nhưng hãy để cho tôi nói rằng người dân Trung Quốc có khả năng ngày càng gia tăng để vẫn nói được về các vấn đề này qua việc sử dụng mạng lưới truyền thông của xã hội, mạng lưới Internet. Và mặc dù [nhà cầm quyền] Trung Quốc có gia sức kiểm duyệt, hạn chế, và ngăn chận rất nhiều hoạt động và những cuộc thảo luận loại này, người dân Trung Quốc nói chung vẫn đi trước [nhà cầm quyền] một bước. Họ có thể sáng tạo các ngôn từ nguỵ hóa đế bàn về các vấn đề - thí dụ như về Tây Tạng, nói về những quyền tự do căn bản của họ, những quan tâm của họ về chính sách Trung Quốc [Đại Hán] của nhà cầm quyền , hệ thống chính trị, kinh tế, mọi vấn đề họ muốn nói.

Và các cuộc thảo luận ấy vẫn đang tiếp tục diễn ra.

Inskeep: Thưa Đại sứ, khi ông nói hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc càng tồi tệ hơn, ông có ý nói chức sắc Trung Quốc càng lúc càng lo âu về sự ổn định của nhà nước và ngôi vị chót vót của họ trong nước?

Locke: Tôi cho là cả hai. Họ rất lo lắng về trật tự và ổn định trong nước, đặc biệt về các mặt có thể ảnh hưởng và tác động vào khả năng bảo vệ quyền cai trị và về sức mạnh và sự tồn vong của đảng cộng sản.

Inskeep: Đảng [cộng sản] có đang suy yếu hay không?

Locke: À, chắc chắn là họ đang lắng nghe chăm chú hơn các mối quan tâm của người dân được biểu lộ qua các trang mạng cá nhân, vi mạng cá nhân và qua mạng Internet.
Và bạn thấy diễn ra hàng ngày – sự thông tin về các vụ biểu tình, đôi khi nhỏ, đôi khi rộng khắp, kể cả một cuộc biểu tình gần như là phong toả thành phố hoặc cuộc biểu tình ngồi tại một thành phố ở miền Nam Trung Quốc phản đối việc họ bị tịch thu đất đai mà không được bồi thường tương xứng. Và người dân nói chung đã ngăn chận được lực lượng tiếp viện đưa từ bên ngoài vào bên trong thành phố, họ đã làm cho thành phố bị tê liệt, và bắt buộc nhà cầm quyền Trung Quốc phải cử các lãnh đạo cộng sản lên tiếng trên đài phát thanh – để trả lời các sự than phiền khiếu kiện của người dân.

Vì thế, tôi thật sự tin tưởng có sức mạnh của người dân, và có nỗi bất mãn ngày càng gay gắt của dân chúng đối với các hoạt động của chính quyền, đối với nạn tham nhũng, sự thiếu rõ ràng trong suốt, và các vấn đề tác động đến cuộc sống hàng ngày của người dân mà họ nghĩ rằng đã bị chính quyền bỏ mặc xem thường.

Inskeep: Ông có nghĩ rằng tình trạng ngay hiện nay ở Trung Quốc trên căn bản đã thực sự ổn định?

Locke: Nó rất - tôi nghĩ - rất mong manh – rất, rất ư là mong manh. Và – nhưng hồi đầu năm rồi đã có những lời kêu gọi làm một cuộc cách mạng Hoa Lài nhưng đã không có việc gì xảy ra. Tôi nghĩ phải là một vụ gì rất ư là quan trọng, bên trong nội địa Trung Quốc, mới có thể đưa đến bất cứ một cuộc biến động nghiêm trọng nào.

Inskeep: Gary Locke, Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Hoa. Chúng tôi xin cám ơn ông đã đến đây.

Locke: Tôi rất hân hạnh.

(NHẠC NỀN)

Renee Montagne, Steve Inskeep


.
.
.

No comments:

Post a Comment