Monday, January 23, 2012

NỖI BUỒN TRƯỚC PHÚT GIAO THỪA (Phan Võ Hoàng Nam)



Phan Võ Hoàng Nam
22.01.2012

Còn vài tiếng nữa là đã đến giao thừa, kết thúc năm Tân Mão đầy những biến cố xã hội. Những tờ lịch trên tường tự nó không rơi xuống, nhưng thời gian thì vẫn cần mẫn, đều đặn vận hành cái guồng quay của vũ trụ. Một năm ba trăm sáu mươi lăm ngày, chưa kịp làm xong điều gì thì đã hết năm. Cuộc sống hiện tại luôn buộc chúng ta phải tất bật, phải bươn về phía trước để mà sinh tồn. Nếu không có phút giây chuyển giao giữa năm cũ và năm mới thì chúng ta cũng không có dịp ngồi nhìn lại những vui buồn, được mất trong một năm qua. Có thể nói năm Tân Mão – 2012 – là một năm đầy thử thách với đạo đức xã hội của người Việt. Nhìn lại những gì diễn ra trong đời sống có lẽ chúng ta khó tránh khỏi nổi buồn. Chưa bao giờ xã hội Việt nam phải đối mặt với nhưng vấn nạn về đạo đức hết sức nghiêm trọng như hiện nay. Cái ác, cái xấu xuất hiện ở khắp mọi nơi, trong mọi ngóc ngách của đời sống. Và thật sự nó đã làm những người còn có chút cái tâm thiện không khỏi buồn dai dứt.

Từ ngàn xưa, người Việt Nam luôn tôn trọng và giữ gìn các giá trị đạo đức đã được dày công vun đắp qua bao đời, bao thế hệ. Đạo đức Việt Nam hình thành trên cơ sở tư tưởng nhân văn cao đẹp của dân tộc. Người Việt yêu chuộng hòa bình, sống chan hòa đùm bọc lẫn nhau, ứng xử có chừng mực và trọng chữ tín. Những giá trị đạo đức ấy qua bao nhiêu năm tháng đã trở thành nền tảng của xã hội với những quy tắc cụ thể mà mỗi thành viên trong xã hội phải lấy đó làm chẩn mực để ứng xử. Nền tảng đạo đức xã hội là cái gốc, là thước đo, là giới hạn cho mỗi cá nhân để có thể có một sự hành xử chừng mực đúng lúc mỗi khi gặp phải vấn đề liên quan đến đạo đức xã hội. Nó như một thứ luật bất thành văn mà mỗi cá nhân trong cộng đồng đều tuân thủ một cách tự nguyện. Tôn trọng những giá trị đạo đức của cộng đồng chính là tôn trọng phẩm giá cá nhân của bản thân và của mọi người, qua đó góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị đạo đức ấy trong đời sống. Một xã hội văn minh không thể không có đạo đức. Luật pháp chỉ có thể phát huy tác dụng của nó trong quản lý xã hội khi các thành viên trong xã hội ấy có được một nền tảng đạo đức đủ để hiểu, chấp nhận và tuân thủ các quy định của pháp luật.

Đọc báo mạng, chúng ta không thể không xốn xang trong lòng với những vấn đề vi phạm đạo đức đang diễn ra hàng ngày trong xã hội. Người ta ứng xử với nhau như chưa bao giờ là đồng bào của nhau. Chỉ là những va quẹt nhỏ cũng có thể dẫn đến xô xát. Bạo lực diễn ra ở khắp mọi nơi, từ trong gia đình, nhà trường cho đến ngoài xã hội. Học sinh đánh nhau hội đồng, cô giáo thô bạo với học trò, học sinh đánh thầy cô giáo…Đạo đức xã hội xuống cấp ngay trong môi trường hình thành nhân cách cá nhân cho những công dân tương lai. Đi học là để học làm người biết cách cư xử theo lễ nghĩa, biết hành động theo nguyên tắc, biết tôn trọng các giá trị đạo đức. Thế nhưng qua những thông tin mà chúng ta nhận được trên các phương tiện thông tin đại chúng, rõ ràng cái lễ nghĩa trong ” tiên học lễ, hậu học văn ” đã không được tôn trọng và thực hiện. Nơi dạy lễ nghĩa mà ứng xử với nhau không có lễ nghĩa như thế thì làm sao có thể phát huy được cái nền tảng đạo đức của ông cha ta đã dày công đúc kết. Ở một góc độ nào đó, các bài học đạo đức trong nhà trường có được dựa trên những chuẩn mực đạo đức của dân tộc hay nó chỉ mang tính triết lý trừu tượng xa rời thực tế. Và vô tình ta đã đánh mất đi những thứ hết sức quý giá mà tiền nhân phải trãi qua hàng nghìn năm.đúc kết, giữ gìn.

Khi có được một nền tảng đạo đức xã hội nhất định, làm việc gì người ta cũng phải đắn đo, phải suy nghỉ. Trong những hoàn cảnh cụ thể không phải cá nhân nào cũng có thể phân định đúng sai, cũng có thể suy xét để dừng lại đúng lúc. Chính cái nền tảng đạo đức xã hội hình thành trong mỗi cá nhân sẽ lá một thứ luật lệ vô hình nhắc nhở, kềm hãm để mỗi người có thể xử sự vừa phải, chừng mực. Không có cái nền tảng đạo đức, chắc chắn khi gặp các vấn đề đụng chạm đến quyền lợi mang tính sống còn, người ta sẽ hành xử theo bản năng và cái ác dễ dàng trổi dậy. Hãy đọc và cảm nhận thực trạng đạo đức xã hội hết sức nhức nhối hàng ngày trên báo chí. Sự giả dối trong kinh tế thì đã có bao đời nay, nhưng sử dụng bằng giả để tiến thân, để trở thành những người quản lý xã hội thì thật sự là chẳng còn lương tri. Đã không đủ cái tài, lại gian dối, không sớm thì muộn những con người này cũng sẽ là cái mối họa cho xã hội. Những kẻ như Sầm Đức Sương, Nguyễn Đức Nghĩa chắc chắc không thể có nền tảng đạo đức (hay đã đánh mất) nên đã chà đạp lên luân thường đạo lý chỉ để đạt được chút tham vọng nhất thời.

Người Việt Nam sống chan hòa, yêu thương nhau trên tinh thần ….người trong một nước phải thương nhau cùng. Thế nhưng trong những ngày giáp tết này, ai không băn khoăn về vệ sinh thực phẩm khi đi chọn mua quà tết cho gia đình. Hàng giả, hàng kém chất lượng, thực phẩm ôi thiu, thịt thối….kể cả quán lẩu tái chế tràn lan. Chỉ vì một chút lợi nhuận mà bất chấp tất cả, sẵn sàng lừa gạt nhau, “sống chết mặc bay” kể cả việc chà đạp tính mạng và nhân phẩm của kẻ khác. Phải chăng các giá trị đạo đức của tổ tiên không còn phù hợp nữa hay nó đã bị đánh mất hết trong lòng của những kẻ ấy. Chồng giết vợ, vợ giết chồng, giết người vì ghen tuông, vì hiềm khích, vì cướp của….Mạng sống của con người dường như rẻ mạt khi mà người ta chết chỉ vì có một chỉ vàng. Sự nghiêm minh của pháp luật và nền tảng đạo đức là hai yếu tố quan trọng bổ túc cho nhau góp phần giữ gìn kỷ cương xã hội. Không có sự tôn trọng pháp luật, lại đánh mất cái nền tảng đạo đức chắc chắn những kẻ ấy sẽ luôn hành xử có lợi nhất cho bản thân mà không cần biết sẽ gây ra hậu quả thế nào và đó cũng chính là nguy cơ tiềm ẩn cho xã hội.

Vụ án giết người cướp của do Lê Văn Luyện thực hiện và vụ bạo hành ô-sin của bà chủ Trần Thị Tuyết Minh có thể nói đã là đỉnh điểm của sự vô nhân tính. Với Lê Văn Luyện, chỉ vì cần tiền chuộc chiếc xe máy, hắn đã có thể dể dàng xách dao, bình tỉnh đi tìm đối tượng rồi lạnh lùng xuống tay thật tàn độc với cả gia đình bốn mạng. Hắn đã từng đi học, nhưng có vẽ như hắn đã không tiếp thu được chút nào đạo lý của dân tộc. Hắn đã hành xử bằng bản năng như một con người chưa từng được giáo dục. Trong phiên tòa xét xử tên Luyện, đã xuất hiện một nhóm thanh niên ăn mặc đồng phục vỗ tay cho Luyện, còn có cả trang bloge ủng hộ Luyện của đám thanh thiếu niên xưng là đàn em của Luyện.. Điều đó chứng tỏ Luyện không phải là cá biệt trong xã hội. Còn trong vụ bạo hành ô-sin, bà chủ Tuyết Minh là người có học thức, đã từng công tác trong ngành giáo dục, thành đạt và giàu có. Nhưng đó chỉ là vẽ ngoài của một con người đã đánh mất hoàn toàn (hay không có) nhân cách, đạo đức. Cách hành hạ người làm của bà Minh mà nhiều cư dân mạng gọi là “Quỷ dữ“ nấp sau “vẻ đẹp phúc hậu” không khỏi làm cho ta rùng mình. Chỉ có những kẻ không còn là con người mới có thể có những hành động như thế. Nhưng một điều đáng nói là cả hai kẻ thủ ác đều không biểu lộ một chút hối hận hay ăn năn vì những hậu quả do mình gây ra. Và điều đó cũng nói lên cả hai chưa từng có trong lòng một chút nền tảng đạo đức để có thể tự soi rọi, suy xét mức độ đúng sai về những điều mình gây ra.

Tục ngữ Việt Nam có câu “Hùm dữ không nỡ ăn thịt con”, đó là đạo lý ngàn đời của dân tộc ta. Hãy lắng nghe Hà Thị Cầu hát sẩm “Thập ân” để thấy tình yêu thương của cha mẹ dành cho con cái. Các bậc làm cha mẹ sẵn sàng dành tất cả cho con kể cả phải hy sinh tính mạng. Thế nhưng chỉ cần vào Google với cum từ “cha mẹ giết con”, trong chưa đầy ba mươi giây, đã có hơn ba triệu kết quả cho chủ đề này. Cho dù với lý do gì, thì việc chấm dứt mạng sống đứa con do mình tạo nên là một hành động khó có thể tha thứ được. Nó chúng tỏ những con người ấy hoàn toàn không có trong lòng một chút đạo đức. Họ hành xử không có một chút tính người, sẵn sàng loại người khác ra khỏi đời sống. Kể cả những người thân, ruột thịt của mình mà họ vẫn xuống tay, thử hỏi trong cuộc đời này còn điều gì mà họ không dám làm. Không chỉ đơn giản là những vấn nạn về đạo đức, mà nó còn tiềm ẩn rất nhiều nguyên nhân dẩn sự bất ổn về xã hội. Những người như thế rất dễ trở thành tội phạm khi gặp phải những mâu thuẫn đụng chạm đến lợi ích của họ.

Có thể nói các vấn đề vi phạm đạo đức xã hội đang diễn ra hết sức phức tạp và đa dạng. Ở trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, nơi đâu cũng hiện diện sự giả trá, dối lừa. Người ta đã không còn xem trọng “Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”, một phẩm chất cần có của mỗi thành viên trong xã hội Việt Nam. Tệ tham nhũng, hối lộ xuất hiện khắp nơi. Nó không chỉ làm nghèo đất nước, mà nó còn gây ra những tác động xấu đến các thành viên trong xã hội. Nó đánh mất niềm tin vào công lý, niềm tin vào đạo lý của dân tộc và từ đó đẩy mọi người đến chỗ hành xử bất chấp pháp luật và đạo đức. Chúng ta đang xây dựng một xã hội Việt Nam tiên tiến, đậm đá bản sắc dân tộc. Chắc chắn cái bản sắc dân tộc ấy không thể thiếu những giá trị đạo đức mà cha ông ta đã đổ biết bao xương máu để đúc kết giữ gìn. Đã đến lúc chúng ta cần dũng cảm nhận ra rằng đạo đức xã hội hiện tại không chỉ là xuống cấp, mà bằng một cách nào đó, chúng ta đã đánh mất cái nền tảng đạo đức xã hội của người Việt Nam vốn đã được ông cha ta vun đắp và giữ gìn trong hàng nghìn năm qua. Chỉ có thể nói thật buồn khi nghĩ đến những điều này trước phút giao thừa, còn Tại vì sao ? và Làm thế nào ? xin dành lại cho những bậc cao nhân.

Tác giả gửi cho QC
(Bài vở gửi đăng QC là chủ kiến riêng của tác giả, không hẳn là chủ kiến của QC)
.
.
.

No comments:

Post a Comment