Sunday, January 1, 2012

NHÌN LẠI NĂM CŨ : 2011 - NĂM BẢN LỀ TRONG CHIẾN LƯỢC CHÂU Á CỦA OBAMA (Mạnh Kim)



Mạnh Kim
Chủ Nhật, 01/01/2012

Phải nói rằng năm 2011 là năm chứng kiến sự trở lại ngoạn mục của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương. Một năm bản lề cho chính sách đối đầu trực diện của Washington đối với Bắc Kinh trong những năm kế tiếp. Vài dòng điểm lại để có cái nhìn sơ lược về phác thảo của Mỹ trong chính sách đối ngoại mà điểm tập trung giờ đây là châu Á; và cũng để thấy Trung Cộng đã “té ngửa” như thế nào khi bị Mỹ ra đòn tổng lực và bất ngờ dồn “bè lũ” Hồ Cẩm Đào vào “xó bếp” Trung Nam Hải; để thấy Trung Cộng đã non tay như thế nào khi đấu cờ chính trị với Mỹ…

Với một thị trường tiềm lực chưa khai thác hết, với vị trí địa lý thuận lợi cho giao dịch quốc tế, với nguồn nhân lực dồi dào, và một thị trường năng động, và với nguồn tài nguyên còn chưa bị vét cạn như châu Phi, Mỹ sao có thể bỏ lỏng châu Á-Thái Bình Dương? Tuy nhiên, nếu chỉ đơn giản vì châu Á-Thái Bình Dương mang lại nhiều cơ hội kinh tế, Mỹ hẳn đã không trở lại châu Á theo cách như họ đang cho thấy, như cách thể hiện trong ngôn ngữ thẳng thừng của họ tại các diễn đàn. Tìm kiếm cơ hội đích thực là bản chất của người Mỹ nhưng tham vọng đương đầu thách thức mới thật sự là “bản chất của bản chất” trong lịch sử văn hóa chính trị nước Mỹ!

Khi Tổng thống Barack Obama nói rằng nước Mỹ là “một cường quốc Thái Bình Dương”, rằng thế kỷ 21 là “thế kỷ Thái Bình Dương của Mỹ”, và rằng mình là “tổng thống Thái Bình Dương đầu tiên” thì thông điệp của ông hiển nhiên ngụ ý về một vấn đề đối ngoại mang tính chính sách chiến lược, mà thực chất của nó hứa hẹn những mục tiêu thuần chất giao đấu chính trị, cạnh tranh chính trị, đối đầu chính trị, được bày tỏ với không chút dè dặt. Và đối thủ mang tính thách thức của Mỹ tại mặt trận địa chính trị châu Á-Thái Bình Dương trong bối cảnh mới bây giờ, ai cũng biết, là Trung Quốc. Mỹ đã chẳng hề giấu giếm mục tiêu đối đầu trực diện với Trung Quốc, thiếu điều nói toạc móng heo ra rằng “tôi đến đây để cản mũi anh đấy, rõ chửa!”. Sự ra mặt đối đầu Trung Quốc đã thể hiện ở chuyến công du châu Á của Tổng thống Barack Obama vào tháng 11-2011 (dự Hội nghị APEC từ ngày 12 đến 13-11; và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á từ ngày 18 đến 19-11). Tại APEC 2011, một cách rất không “khách sáo”, Tổng thống Obama đã đốp chát với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào rằng Mỹ đã bắt đầu “hết kiên nhẫn và rất khó chịu với cách mà Trung Quốc hành xử trong chính sách kinh tế”, rằng ngài chủ tịch Trung Quốc “hẳn đã nghe rõ thông điệp và hiểu rõ ngụ ý của nó”, rằng Trung Quốc “phải chơi theo luật”…

Phải nói là Trung Quốc đã “đọc sai” đường lối cũng như sức mạnh, kỹ năng lẫn kinh nghiệm đối ngoại của Mỹ. Với gánh nặng di sản 10 năm cuộc chiến chống khủng bố mà Tổng thống George W. Bush để lại, với mớ hỗn độn tài chính từ sự bê bối của phố Wall, với sự tan nát kinh tế từ cuộc suy thoái, với sự tuột dốc không phanh của đồng đôla, với gánh nặng nợ công chồng chất như núi…, cường quốc Mỹ trên bề mặt chẳng khác nào một anh bệnh ung thư giai đoạn cuối thoi thóp chờ chết! Sự suy yếu của Mỹ là cơ hội bằng vàng cho một ý định thay thế vai trò đầu tàu lãnh đạo thế giới đối với Trung Quốc. Và nơi đầu tiên cần “điền vào chỗ trống” đương nhiên ưu tiên là sân nhà châu Á, nơi có một vùng biển lý tưởng mà Trung Quốc đã vẽ một hình chữ U. Đó là cách mà Trung Quốc đã tận dụng cơ hội chiếm lấy sân khấu khu vực, bằng một chính sách ngoại giao cứng rắn, với tư thế của một kẻ có rất nhiều tiền và rất mạnh về cơ bắp quân sự. Nói cách khác, Bắc Kinh tin rằng thời của Mỹ đã thật sự chấm hết và bây giờ, chắc chắn, một cách đầy khẳng định và xác quyết, phải là thời của họ! Tuy nhiên, những gì diễn ra trong năm 2011 đã cho thấy một thực tế khác hẳn...

Phải chăng sự ngộ nhận Trung Quốc về nước Mỹ của Obama đã xuất phát từ những đánh giá và tổng kết sách lược ngoại giao Hoa Kỳ rút ra vào thời nước Mỹ của Bush? Khi mà Bush luôn tập trung tinh lực vào Trung Đông, vào mớ hỗn độn Iraq, vào mớ bùi nhùi nghị sự bao đồng (chẳng hạn kiến thiết hòa bình giữa Israel và Palestine), chưa kể bãi lầy Afghanistan. Trong thực tế, đúng là nước Mỹ của Bush đã bỏ ngỏ châu Á-Thái Bình Dương. Cần nhắc lại, giới ngoại giao châu Á từng phẫn nộ khi Ngoại trưởng Condoleezza Rice đột ngột “chơi xù” không dự Diễn đàn khu vực các nước ASEAN (ARF) năm 2007 tại Manila như đã định mà lại đến Trung Đông để họp với Ai Cập và Saudi Arabia rồi sau đó còn rảnh đến mức tạt sang Israel lẫn Bờ Tây. Cá nhân Tổng thống George W. Bush cũng từng hủy cuộc gặp với các lãnh đạo ASEAN dự kiến tại Singapore vào tháng 9-2007 để tập trung vào “sự bạo loạn” tình hình nội chính Iraq. Ngoài ra, những gì mà nước Mỹ của Bush nếu có bàn với châu Á thì cũng lại là những “tản mạn” quen thuộc về chống khủng bố, về chuyện “hoặc anh theo tôi hoặc anh chống tôi”, về chuyện “phe trục ma quỷ đang lộng hành”…

Obama không giống Bush. Thậm chí có thể nói Obama “tỉnh” hơn Bush nhiều. Về bản lĩnh đối ngoại, Bush chỉ đáng là anh học trò tiểu học của Obama! Nước Mỹ của Obama đã không lạc đề như nước Mỹ của Bush. Sách lược đối ngoại nhanh chóng được điều chỉnh, ngay ở những phác thảo trong giai đoạn Obama còn đang vận động tranh cử tổng thống. Những gì có thể phân tán sức mạnh Mỹ (sẽ) được giảm (rút quân khỏi Iraq và Afghanistan), trong khi điểm nhấn đối ngoại (sẽ) tập trung vào kế hoạch tăng cường chiến lược tiếp cận châu Á, bằng cách thiết lập những liên minh quân sự mới, những ràng buộc kinh tế mới và những cuộc dàn quân mới (ken đặc tàu chiến tại Thái Bình Dương, trong cái khái niệm mà người ta gọi là “ngoại giao tàu chiến” – gunboat diplomacy). Sẽ là rất “hố” nếu không nhìn thấy hoặc đón đầu được chiến lược này, vì nó đã thể hiện rất rõ ngay trong những ngày đầu nhiệm kỳ của Barack Obama. Với những tay hoạch định chính sách đối ngoại lọc lõi, hẳn họ sẽ không thể không để ý động thái thực hiện chuyến “xuất hành” đầu tiên đến châu Á với tư cách tân ngoại trưởng của bà Hillary Clinton (chứ không phải châu Âu như truyền thống chào sân của người mới được bổ nhiệm vị trí đứng đầu Bộ ngoại giao Hoa Kỳ). Tiếp đó, nếu tinh ý một chút cũng đã có thể “nội soi” được bản thiết kế đối ngoại nước Mỹ của Obama (để xem trọng tâm nó nằm ở đâu), khi thấy Hillary Clinton tham gia một cuộc họp ASEAN tại Bangkok ngày 21-7-2010 và đăng đàn nói oang oang rằng “Chúng tôi đã trở lại!”, rồi vài ngày sau lại khẳng định tại Hà Nội ngày 23-7-2010, rằng Mỹ có “quyền lợi quốc gia” tại biển Đông; và “Hoa Kỳ ủng hộ Tuyên bố ứng xử về biển Đông của ASEAN-Trung Quốc 2002”. Còn nữa, tại cuộc họp thượng đỉnh ASEAN (ngày 7 và 8-5-2011) ở Jakarta, Mỹ đã lần đầu tiên cho “chào sân” vị đại sứ ASEAN Hoa Kỳ, David Lee Carden (trước đó, tháng 11-2010, Tổng thống Obama đã thành lập Văn phòng đại sứ ASEAN Hoa Kỳ…

Điều rất “thú vị” ở chỗ khi “người ta” bắt đầu nhìn thấy được “dã tâm của Mỹ” thì đã trở tay không kịp! Bản thiết kế chiến lược châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ đã dần định hình, theo đúng ý đồ Mỹ, được triển khai với rất nhiều công cụ mà tất cả đều nhằm kiểm soát và khống chế Trung Quốc, chẳng hạn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) – một hiệp định mậu dịch tự do với các thành viên dự kiến gồm Mỹ, Úc, Brunei, Chile, Malaysia, New Zealand, Peru, Singapore, Việt Nam và có thể có thêm Nhật. Còn là những Sáng kiến hạ Mekong (gồm Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam), là những cuộc góp mặt trong hầu hết diễn đàn an ninh khu vực; những chiến dịch xây dựng liên minh quân sự và tập trận “giao lưu” (chỉ cần lướt mắt “scan” vào bản đồ khu vực, có thể thấy ngay phạm vi hoạt động của Bộ tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ: trải dài trên 36 nước với 15 múi giờ!)... Tất cả đều được “set-up” chỉ trong thời gian cực ngắn, ráo riết không ngưng nghỉ, đến mức khiến đối thủ hoa cả mắt! Cho đến thời điểm hiện tại, vài món khai vị trong menu của bàn tiệc đã được dọn lên. Tuy nhiên, tất cả chỉ mới ở giai đoạn khởi động, phải cần thêm thời gian để nếm và đánh giá được sự ngon dở thật sự của bữa đại tiệc. Và cũng cần thời gian để đối phương hồi tỉnh sau cú choáng để mò được cách phá thế cờ vây đang bủa kín, gỡ được những “lá bùa” của tên phù thủy cao tay ấn đang ếm mình! Chính bởi thế, sân khấu chính trị châu Á-Thái Bình Dương trong tương lai gần hứa hẹn còn nhiều màn trình diễn hấp dẫn và bất ngờ. Nó chắc chắn sẽ là nơi tập trung những gì nóng bỏng nhất trong những năm kế tiếp của thế kỷ này. Những gì diễn ra trong năm qua, 2011, xin được nhấn mạnh, đều chỉ mới ở giai đoạn “làm nóng”!

Mạnh Kim

[*] Một phần bài viết đã đăng trong số Xuân KTNN 2012

.
.
.

No comments:

Post a Comment