Sunday, January 29, 2012

NGÔ BẢO CHÂU , DƯ LUẬN & TÂM LÝ NHÀ CẦM QUYỀN (Song Chi)



Song Chi

Cả tuần nay các trang mạng xã hội, blog cá nhân cứ sôi lên quanh những tranh cãi thế nào là trí thức, vai trò của người trí thức trong xã hội... khởi đầu từ bài trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ của Giáo Sư Ngô Bảo Châu.

Có vẻ như Giáo Sư Ngô Bảo Châu là người luôn “được” hay “bị” dư luận quan tâm rất kỹ và mỗi lời nói, bài viết của ông đều tạo ra những luồng khen chê, đồng tình, phản đối rất trái ngược. (Dù chính Ngô Bảo Châu chắc cũng không ngờ đến hiệu ứng ồn ào này.) Người khen, bênh cũng hết lời mà người xỉa xói cũng rất nặng. Ðến độ một dạo ông phải tuyên bố đóng blog cho... đỡ phiền toái, nhọc đầu.

Còn sau bài phỏng vấn của báo Tuổi Trẻ, ông cũng phải có vài lời “trần tình” qua thư trả lời nhà văn Nguyễn Quang Lập, đăng trên blog Quê Choa, dẫu ông có cho rằng những ầm ỹ ấy, cũng chỉ là “cơn bão trong tách trà”.

Nhớ lại khi Giáo Sư Ngô Bảo Châu đoạt giải toán học Fields 2010, nhà nước VN đã hoan hỉ chào mừng sự kiện này một cách ồn ào và phô trương ra sao. Báo chí truyền thông thả giàn chạy hàng loạt bài về Ngô Bảo Châu, bất cứ cái gì liên quan đến Ngô Bảo Châu đều được khai thác tối đa.

Một buổi lễ chào mừng hoành tráng, truyền hình trực tiếp, được tổ chức ở Trung Tâm Hội Nghị Quốc Gia Mỹ Ðình đêm 29 tháng 8, 2010 với 3,500 người tham dự tiệc tùng, đủ mặt các quan chức đầu ngành, tốn kém hàng trăm nghìn đô la.

Một căn hộ mới, rộng rãi, cao cấp, nằm giữa Hà Nội, mà theo báo chí, tổng trị giá khoảng 600,000 USD, tương đương 12 tỷ đồng Việt Nam, được “chính phủ sử dụng ngân sách nhà nước mua, giao cho gia đình Giáo Sư Ngô Bảo Châu sử dụng lâu dài”.

Rồi ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng ký quyết định chính thức thành lập Viện Nghiên Cứu Cao Cấp về Toán, do Giáo Sư Ngô Bảo Châu làm giám đốc, trụ sở đặt tại Hà Nội.

Ông Ðào Hồng Tuyển, mà nhiều người vẫn quen gọi là chúa đảo Tuần Châu, trao tặng cho viện một căn biệt thự nằm ngay cạnh vịnh Hạ Long trị giá 3 triệu USD. Với hy vọng “...ngôi biệt thự này sẽ là nơi nghỉ ngơi của các cán bộ Viện Nghiên Cứu Cao Cấp về Toán và là địa điểm đón tiếp các nhà khoa học khắp nơi trên thế giới.” (báo Dân Trí ngày 28.8.2011)

Mới đây, trong buổi lễ ra mắt viện, ông Phó Thủ Tướng Nguyễn Thiện Nhân thay mặt nhà nước thông báo “Chính phủ dành 650 tỷ đồng để viện hoạt động... Chính phủ không yêu cầu viện phải nghiên cứu cái gì, việc sử dụng số kinh phí trên như thế nào là quyền của GS Ngô Bảo Châu, Hội đồng khoa học...” (báo Ðất Việt ngày 18.1.2012)

Nhưng ông Thiện Nhân lại trình bày lý do phải có một viện nghiên cứu cao cấp về Toán là vì “Khi xây dựng chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học giai đoạn 2010-2020 đã xác định, đến năm 2020 toán học Việt Nam có thể xếp hạng xung quanh thứ 40 trên thế giới. Ðến năm 2020 đội ngũ giảng viên toán ở các trường đại học ít nhất 70% phải có trình độ tiến sĩ, v.v.”

Qua các diễn đàn độc lập, blog cá nhân, nhiều người đã bày tỏ những “lấn cấn” trong suy nghĩ trước sự trọng thị, ưu ái hết mức của nhà nước Việt Nam đối với Ngô Bảo Châu cho đến việc thành lập viện nghiên cứu cao cấp về Toán này. Bởi, họ đã nhìn ra trong cái thái độ trọng thị đó là tâm lý muốn đánh bóng chế độ của nhà cầm quyền, muốn chứng tỏ nhà nước luôn luôn ưu ái giới trí thức nói chung và những tài năng nói riêng.

Thực tế, một sự ưu đãi đặc biệt dành cho cá nhân Ngô Bảo Châu không thể xóa đi cái “thành tích” luôn coi rẻ trí thức, không hề lắng nghe những lời phân tích, phản biện có tình có lý trước mọi vấn đề xã hội của giới trí thức, thậm chí sẵn sàng chà đạp nếu họ trở thành cái gai trong mắt nhà cầm quyền, từ xưa đến nay.

Sâu xa bên trong là cái mặc cảm của nhà cầm quyền biết rõ dưới chế độ “ưu việt” của nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, giáo dục của Việt Nam tệ hại như thế nào, nhưng lại cứ vơ vào như thể nền giáo dục này, chế độ này đã tạo ra Ngô Bảo Châu.

Nhà nước làm rùm beng đã đành, dưới sự tác động của báo chí truyền thông, cả xã hội cũng như ngây ngất, lên đồng theo. Giới trẻ Việt Nam vốn luôn khao khát thần tượng, nay đã có một thần tượng Ngô Bảo Châu. Cũng lại từ tâm lý mặc cảm của người dân một nước mà về nhiều mặt luôn luôn bị xếp vào hạng gần chót hoặc chót của thế giới!

Nên dễ hiểu vì sao từng lời từng chữ của Ngô Bảo Châu lại bị soi xét rất kỹ. Cả phe lề trái lẫn lề phải, phe nhà nước lẫn nhân dân.

Giữa lúc đó thì Ngô Bảo Châu lại định nghĩa về trí thức, lại nói về vai trò của giới trí thức trong xã hội, coi trọng công việc chuyên môn, kết quả lao động, “giá trị của sản phẩm người trí thức làm ra” mà không quan tâm/đặt nặng trách nhiệm phản biện xã hội của giới trí thức.

Xã hội Việt Nam lâu nay đã có quá nhiều trí thức “giả”,”dởm”- những kẻ có đủ loại bằng cấp, học hàm do mua bằng chạy chức mà không có kiến thức, tài năng tương xứng cũng không làm ra được “sản phẩm trí óc” nào có ích cho xã hội, ít nhất ở góc độ chuyên môn.

Loại thứ hai như mọi người thường gọi, là “trí thức trùm chăn”, hay “trí ngủ”-có kiến thức chuyên môn, có năng lực nhưng chỉ biết chúi mũi vào công việc, không quan tâm đến tình hình chính trị xã hội, vận mệnh của đất nước, nỗi đau của nhân dân. Lại có loại sẵn sàng nịnh bợ làm tay sai nhà cầm quyền, dùng kiến thức để vinh thân phì gia, đồng thời góp phần bảo vệ chế độ độc tài, đè đầu cưỡi cổ nhân dân...

Rất ít người trí thức dám dấn thân gánh vác vai trò, trách nhiệm đối với xã hội, đứng về phía nhân dân, lên tiếng vạch ra những cái sai của nhà cầm quyền, và của mô hình thể chế chính trị. Tiến hơn bước nữa là trở thành những người tiên phong trên con đường giành lại tự do dân chủ cho đất nước.

Nhưng dù sao, sự tham gia lên tiếng của giới trí thức cũng ngày càng nhiều hơn, bằng những bài báo, những trang mạng độc lập đóng vai trò phản biện với nhà nước, những bản kiến nghị trước những dự án, việc làm sai trái của nhà cầm quyền... Và bằng cả sự dấn thân trả giá qua việc hàng loạt nhân sĩ, trí thức phải vào tù trong những năm qua.

Vận mệnh đất nước, thực trạng xã hội Việt Nam hơn bao giờ hết, đang rất cần đến vai trò trách nhiệm công dân của người trí thức.

Vì vậy, chẳng có gì khó hiểu khi những lời nói của Giáo Sư Ngô Bảo Châu đã tạo ra “cơn bão”.

Nhiều người cũng tỏ ra hoài nghi về tính cần thiết, hiệu quả thực sự của việc thành lập viện nghiên cứu cao cấp về toán trên cái mặt bằng chung yếu kém, lạc hậu hiện nay của giáo dục Việt Nam, về khu biệt thự mà chúa đảo tặng và cả số tiền 650 tỷ được cấp không đòi hỏi phải nghiên cứu cái gì kia.

Chưa kể, có thể Ngô Bảo Châu thành tâm muốn đóng góp cho nền toán học nước nhà, có thể Ngô Bảo Châu không tham lam tư túi gì trong số tiền 650 tỷ, nhưng liệu ông có quản nổi số tiền đó. Hay cái trụ sở tại Hà Nội rồi để ngồi chơi xơi nước, cái biệt thự ven biển thành nơi nghỉ dưỡng cho các loại giáo sư tiến sĩ, những đề án nghiên cứu về toán được người này người kia trình lên cốt để xài tiền rồi... cất kho?

Ðứng về phía nhà nước Việt Nam nói chung và những người trực tiếp ký quyết định thành lập cái viện này, vẫn là tâm lý thích chơi trội, bệnh hình thức, thói quen chi tiền vô tội vạ... Nước còn nghèo, nợ công ngập đầu, kinh tế khủng hoảng, mặt bằng giáo dục, trình độ kỹ thuật... còn thấp, nhưng lại cứ thích những chuyện hoành tráng, “mơ giữa ban ngày”.

Từ đại lễ 1,000 năm Thăng Long-Hà Nội tốn kém, dự án xây đường sắt cao tốc, xây dựng tập đoàn đóng tàu Vinashin sánh vai thế giới (mà hậu quả thế nào chúng ta đều biết) cho đến việc thành lập viện Toán để “đến năm 2020 toán học Việt Nam có thể xếp hạng xung quanh thứ 40 trên thế giới...” Cũng chỉ là những biểu hiện khác nhau của một nhà nước chưa trưởng thành trong tư duy, trình độ điều hành quản lý đất nước, nhưng lại rất vô trách nhiệm trong việc xài tiền thuế của dân.

Tương lai Việt Nam vì thế còn tăm tối lâu!

.
.
.

No comments:

Post a Comment