Monday, January 23, 2012

MẬU THÂN & NỖI ĐAU CỦA HUẾ (Tạp ghi Huy Phương)



Tạp ghi Huy Phương
Friday, January 20, 2012 3:50:23 PM

Xin gọi trăng soi khe Ðá Mài
Thời gian rêu phủ mảnh đầu ai
Bãi Dâu đau xót hồn Gia Hội
Phú Thứ tóc vương trảng cát dài.
(Huế Oan Khiên- Huy Phương) 

Ðịnh mệnh sắp đặt cho tôi, đứa con của Huế phải trở lại quê hương trong những ngày đầu năm Mậu Thân để chịu tang với Huế. Sau 23 ngày, lúc tôi rời Huế, trời còn lạnh, sương mù buổi sáng chưa tan, còn như nghe chút rát trên mắt của những trận bom cay giải tỏa thành phố hay là nước mắt khóc cho những tang tóc của quê nhà. Ngày tôi đi, Huế chưa được hoàn toàn “giải phóng.” Dù tôi để nó ở trong ngoặc kép, đó là chữ chính xác nhất phải được dùng. Giải phóng là cởi ra, ai ai cũng vui mừng chứ không phải cột lại cho người ta than khóc, kiểu “một nửa nước vui, một nửa nước buồn.” Chuyện rất đơn giản: người dân chạy về phía nào thì phía đó chính là phe giải phóng. Chính vì Việt Cộng không hề thấy có ai chạy về phía mình, hay “tổng tấn công” mà chẳng thấy “nổi dậy,” nên phải trút tất cả hận thù lên đầu người dân hiền lương, vô tội. Chúng trả thù Huế! Ðó là đập đầu, xử tử hay chôn sống. Không có những nấm mồ cá nhân mà chỉ có những hố chôn tập thể. Nhanh, gọn và vì quá nhiều người phải chết.

Tôi còn trở lại Huế sau đó để chứng kiến cảnh đồng bào của tôi được mang lên mặt đất, với dây thép gai, dây điện thoại trói tay, với xương sọ bị vỡ, áo quần đã rữa nát, thi thể dính chùm với nhau, đã bốc mùi. Tôi phải chứng kiến những tiếng kêu la, gào thét tuyệt vọng của những người mất chồng, mất cha, mất con, mất anh em, mất họ hàng. Cả thành phố quấn khăn tang, cả thành phố đầy mùi hương trầm, cả thành phố sau 28 ngày được sống dậy nhưng trên nỗi chết! Từ những nấm mồ tập thể, giờ đây là những đám tang tập thể, “những con đường trắng” với áo mũ mấn khăn sô.

Nỗi đau của Huế trước nhất là những khuôn mặt dương dương của những đứa con, mang danh Huế đã đem oan nghiệt đến cho hàng nghìn dân Huế, bây giờ mỗi năm còn ngồi ca tụng nhau, kể chuyện chiến công giết người như anh em nhà Hoàng Phủ (Tường-Phan), như nhà “huyết học” Nguyễn Ðắc Xuân, như Tôn Thất Dương Tiềm, như gia đình Nguyễn Ðóa-Ðoan Trinh. Những tên lính cầm súng dài đã khuất dạng hay nhờ chiến công xương máu lên cầm quyền, bọn súng ngắn băng đỏ, mang chút chữ nghĩa văn chương, trí thức, ngày nay đã thất thời, còn ngồi ôm lấy huyền thoại “giải phóng,” “tiến bộ,” “sinh viên tranh đấu,” nhởn nhơ nhe răng cười cợt trên những oan khuất, xót xa của Huế. Dù đã 44 năm qua, chiến tích máu đã khô sẫm thời gian, được tô vẽ lại dưới danh xưng “hào khí Mậu Thân” và những “băng đỏ” còn mang mặc cảm công thần, bám víu vào và nghĩ đến những huyền thoại vàng son, nhưng thực tế chỉ là những quan viên lơ láo, đã bị xếp xó vì bọn có quyền lực trong tay chẳng coi ra gì. Những đoạn phim ngắn, những bài viết, những câu thơ kể công trạng, nêu thành tích vào Huế năm xưa như xé nát thêm nỗi đau của những gia đình đã là nạn nhân của Mậu Thân, những người mà chúng vẫn nhận là bà con, bạn bè, đồng hương, dòng họ.

Nỗi đau của Huế còn vì những người không dám nói sự thật. Tư lệnh Mặt Trận Huế, Trần Văn Quang có thể thi hành và nói theo ý đảng, nhưng những người có chữ nghĩa như Hoàng Phủ Ngọc Tường, và Bùi Tín vì sao lại có thể “hàm huyết,” sợ sự thật đến độ cho rằng hằng nghìn người bị thảm sát chôn trong những hầm tập thể là “có nợ máu,” nói như Hoàng Phủ Ngọc Tường, do quần chúng nổi dậy vì căm phẫn giết chết, hay như Bùi Tín, là do bom đạn, phi pháo vùi dập trong đó có cả thường dân, tù binh lẫn cán binh Việt Cộng. Ðây là những người dối trá, luôn luôn sợ hãi sự thật, nhưng sự thật sẽ luôn luôn ám ảnh họ suốt đời. Chỉ cần công nhận sự thật được một lần trước công luận để lương tâm được thanh thản. Ðây là lúc không cần nói dối vì một bát cơm hay vì dao găm kề bên hông. “Con chim sắp chết cất tiếng hót bi ai, người sắp chết nói lời nói phải!” Hy vọng đến tuổi già, những người này biết nói một lời hối lỗi.

Chúng dối trá vì trong hơn mười hầm chôn được khai quật sau Tết Mậu Thân dưới sự quan sát của báo chí truyền hình trong và ngoài nước không hề có được một chiếc dép râu, nửa cái nón cối hay một vuông khăn dù! Và phải chăng những người bị Việt Cộng kết án phải chết vì mang nợ máu là những giáo sư ngoại quốc đến khai hóa cho Huế, những linh mục, những y tá, những giáo sư trung học, những nam nữ sinh viên, những người lính đi phép không có một tấc sắt trong tay. Cả đến một ông chủ quán bún bò hay một thiếu nữ chạy theo cha già bị bắt, một đứa trẻ phụ việc cho linh mục cũng được xem là “kẻ thù của cách mạng!” cần phải giết. Coi nhân dân là kẻ thù rồi, mi sống với ai?

Nỗi đau của Huế còn rơi rớt ngày hôm nay, tại hải ngoại, do những hành động vô ý thức của một vài cá nhân người Huế, đã vì sợ hãi hay tâng công, háo danh hay muốn nhờ vả chút quyền lợi trong nước, đã tiếp đón đãi đằng những tên mang món nợ máu với Huế ra hải ngoại. Những tên mang danh trí thức, nhà văn này có ảo tưởng như thế là tiến bộ, hòa giải nhưng sự thật là đã xát muối vào vết thương của bà con, đồng bào Huế đã gánh chịu nổi tang tóc Mậu Thân vì chúng là khuôn mặt đại diện cho tội ác.

Nỗi đau của Huế còn ở lỗi chúng ta, những con dân của xứ Huế ở hải ngoại, những tấm lòng đôn hậu thật thà, nhưng nông cạn, chóng quên như trẻ thơ. Chúng ta tụ tập với nhau vui chơi ngày Tết gọi là nhớ Huế, nhưng quên mất Mậu Thân. Ðối với tôi, tiếng “Tết” hay tiếng “Huế” luôn luôn gắn liền với hai tiếng “Mậu Thân” dù thời gian đã lâu, 44 năm, hơn cả một nửa đời người. Dù Huế có giồi phấn tô son, vẽ vời đến đâu, dù Huế có giăng đèn kết hoa, hội hè đình đám gì nữa, thì linh hồn oan khuất của 6,000 người dân Huế bị thảm sát vẫn như còn lẩn khuất đâu đây, chưa hề siêu thoát.

Ðối với thành phố Huế, đầu Tháng Giêng là những ngày giỗ lớn, một đại tang chưa có ngày xả tang. Bây giờ tôi là đứa con lưu lạc xa xứ, mỗi năm ngày Tết về chạnh lòng thương nhớ quê hương, mỗi lần nghĩ đến Mậu Thân, lòng ai không khỏi xót xa, đau đớn. Tôi chỉ là một người dân Huế, tấm lòng thành, vài dòng chữ viết - nói như Nhã Ca - chút nhang đèn góp giỗ.

(Nhâm Thìn 2012)
.
.
.

No comments:

Post a Comment