Monday, January 30, 2012

MẤT TÍCH THEO LỆNH : NGHỆ THUẬT PHÁ BIÊN GIỚI CỦA NGẢI VỊ VỊ (Diane Solway)




Chuyn ng: Đinh Từ Bích Thúy
30.01.2012

(Dịch từ nguyên bản Anh ngữ “Enforced Disappearance” trên tạp chí thời trang W (chuyên đề Nghệ Thuật, tháng 11 năm 2011)

Với tác phẩm đầu tay từ khi được chính quyền Trung hoa trả tự do, nghệ sĩ Ngải Vị Vị cộng tác với tạp chí thời trang W trong loạt ảnh đầy ấn tượng—từ bên kia địa cầu …

Bìa Tạp Chí Thời Trang W (tháng 11 năm 2011, nhiếp ảnh: Max Vadukul, đạo diễn: Ngải Vị Vị)

Một buổi tối tháng 8 vừa qua, có nhóm công an hình sự rảo quanh trung tâm James A. Thomas, vài người đứng cạnh một cái thùng sắt lớn có biển dán: “Trang bị và hoán trả mọi vũ khí ở đây.” Trong xà lim số 2, một vòi nước hoa sen đang chảy. Buổi tối hôm đó có thể là bất cứ buổi tối mùa hè nào trên côn đảo Rikers – địa thế nhà tù khét tiếng của thành phố Nữu Ước – nếu không có sự hiện diện của người mẫu Trung Hoa dưới vòi nước hoa sen, nhiếp ảnh gia đang chụp hình cô, các phụ tá viên đang nhìn vào những khuôn máy vi tính, và nghệ sĩ đối lập Ngải Vị Vị.

Tuy Ngải không đích thân hiện diện tại Rikers, ông đang theo dõi buổi chụp ảnh qua Skype và đích thân đạo diễn buổi chụp ảnh từ phòng làm việc cách đó 13 múi giờ, tại Bắc Kinh. Bị chính quyền Trung Hoa giam giữ vào tháng Tư năm 2011, chuyện ông biến mất trong 81 ngày ở một nhà tù tại Bắc Kinh đã tác động sự phản kháng mãnh liệt từ cộng đồng quốc tế. Được trả tự do vào tháng 6 năm ngoái, Ngải, một nghệ sĩ hiện đại nổi tiếng và nhiều ảnh hưởng nhất của Trung hoa, đã bị cấm không được phát biểu ở các diễn đàn công cộng, trò chuyện với báo chí hoặc rời Bắc kinh—và phải xin giấy phép bất cứ lúc nào cần lưu thông ra ngoài tư gia và phòng làm việc của ông – nơi ông sống với vợ. Nhưng ông đã nhận lời tạp chí W mời ông sáng tạo một tác phẩm mới cho số nghệ thuật năm thứ sáu của báo. Trong thời gian sửa soạn, Ngải đề nghị năm “phông” ảnh nhằm khai phá cái ông gọi là “sự xung đột giữa cá nhân và chính quyền—bất kể trong lãnh vực kinh tế, văn hóa, chính trị, hoặc tôn giáo.” Qua email, Ngải Vị Vị gửi chúng tôi đề nghị làm một tác phẩm nghệ thuật trình diễn qua nhiếp ảnh; hiện chúng tôi chịu trách nhiệm thi hành những ý tưởng của ông.

“Chào mọi người!” ông nói vui vẻ, cùng lúc khuôn mặt tròn, tươi tắn của ông, với làn râu thưa, hiện trên màn ảnh của cái laptop chúng tôi để cạnh phòng tắm có vòi nước hoa sen. “Chúng ta đang ở đâu vậy?” Đảo Rikers, tôi đáp. Ngải nhìn quanh phòng tắm, cô người mẫu, và hai nhân viên đứng bên cạnh cô. Thoát ra từ màn ảnh là những âm thanh từ “phòng làm việc” của ông: khoảng 20 con mèo kêu meo meo, ba con chim hót ồn ào, và mấy con chó đang sủa um. Chăm chú nhìn những chỗ cáu bẩn ở đường gạch men xám ngoét trong xà lim, ông nói với phó nhòm Max Vadukul là những vệt cáu này không nên xuất hiện rõ nét quá trên những hình ảnh. “Ngoài ra, ngoại cảnh trông tốt lắm. Nó có không khí thời sự của một bức ảnh chụp nhanh,” ông nói, giơ máy iPhone lên màn ảnh máy vi tính để chụp khung cảnh xà lim.

Vadukul điều chỉnh một vài chi tiết cần thiết và cho Ngải xem những mẫu ảnh anh vừa chụp trên một màn ảnh của máy vi tính gần chỗ anh đứng. Rồi anh cũng gửi những tấm hình này qua email cho Ngải. Trong lúc đợi hình ảnh download ở Bắc Kinh, chúng tôi cho Ngải đi “dạo” một vòng nhà tù, bằng cách đẩy máy laptop đi qua các khu giam giữ, làm các nhân viên canh gác bối rối không ít. Chúng tôi nói với Ngải rằng chúng tôi đang ở trong tòa nhà chính xây theo kiến trúc Art Deco của côn đảo, hoàn thành năm 1933 và là địa điểm cho các lớp huấn luyện trong tù, cũng là nơi quay phim và thỉnh thoảng làm show cho đài truyền hình Mỹ.

Ngải biết đảo Rikers, vì ông đã sống ở khu East Village, thành phố Nữu Ước, trong khoảng thời gian từ năm 1982 đến năm 1993. Lúc đó là thời ông ghi danh học một vài lớp tại trường thiết kế Parsons và Art Students League (Hiệp Hội Các Học Sinh Nghệ Thuật). Để kiếm tiền, ông đã làm những việc vặt, như vẽ chân dung vỉa hè, làm diễn viên vai câm cho nhà hát Metropolitan, và trông coi trẻ em. (Ông cũng là một tay đánh blackjack thiện nghệ, thường xuyên đáp xe buýt đi thăm các sòng bạc ở Atlantic City). Tuy Ngải đã học điện ảnh tại Hàn Lâm Viện Điện Ảnh Bắc Kinh, ông chỉ bắt đầu thử nghiệm với nhiếp ảnh trong lúc sinh sống ở Nữu Ước, từ đó khai triển sự nhận thức về vai trò của nghệ thuật trong những sinh hoạt xã hội chính trị. Chính vậy, những hình ảnh thời sự mà Ngải đã chụp trong cuộc bạo loạn ở Tompkins Square Park vào năm 1988 giữa cảnh sát Nữu Ước, thành phần mua bán ma túy, nhóm người vô gia cư và phần tử skinhead cực đoan —cùng những cuộc bắt bớ mà ông đã chứng kiến—tạo nền cho loạt ảnh nghệ thuật cho tạp chí W.

Chân dung nghệ sĩ lúc còn là chàng trai trẻ, Ngải Vị Vị trước Tompkins Square Park, Nữu Ước, 1986

“Tôi chụp loạt ảnh các vụ xô xát có các cảnh sát chìm bắt người dân tải đi, và khoảnh khắc [chứng kiến cảnh bắt bớ] rất căng thẳng, khó quên,” ông gợi lại biến cố bạo loạn mấy ngày trước đêm dàn cảnh ở Rikers. “Những người đứng chung quanh tôi hỏi, ‘Chuyện gì xảy ra vậy? Họ bị bắt vì tội gì vậy?’ và ‘Kết quả ra sao?’ Đó là khoảnh khắc tạo rất nhiều câu hỏi.” Kinh nghiệm thời đó, ông nói, “đã cho tôi cơ hội nhận diện một tình cảnh tàn nhẫn: rằng chính quyền thường lạm quyền. Nếu chúng ta coi cuộc đời như một cuốn phim dài một tiếng đồng hồ, thì kinh nghiệm Nữu Ước của tôi là nửa tiếng đầu. Nó ảnh hưởng những diễn biến tiếp nối.”

Xung đột giữa thường dân và quân cảnh ở Tompkins Square Park, 1988 (ảnh: Ngải Vị Vị)

Điều cá nhân từ lâu đã trở thành điều chính trị trong cuộc đời và sự nghiệp của Ngải Vị Vị. Con trai của Ngải Thanh, một trong những nhà thơ nổi tiếng nhất của Trung Hoa hiện đại, Ngải Vị Vị lớn lên ở một vùng quê hẻo lánh, nơi ông và gia đình bị chính quyền đầy ải cho đến hết thời Cách Mạng Văn Hóa. Vào năm 2008 Ngải Vị Vị đã trở thành một trong những sứ giả văn hóa của Trung Hoa, được hoàn cầu biết đến qua sự cộng tác của ông với tổ hợp Herzog & de Meuron thiết kế sân vận động Tổ Chim cho Thế Vận Hội Bắc Kinh. Trong vai trò đa diện là nghệ sĩ, chuyên gia thành phố, nhà thiết kế, và kiến trúc sư, Ngải thường nêu lên các vấn đề tác động bởi sự xung đột giữa nền nếp cổ truyền với cuộc chạy đua không phanh đến cái mới. Trong một loạt ảnh ấn tượng sáng tạo vào năm 1995, Ngải đập vỡ tan tành một bình sứ triều nhà Hán; trong một tác phẩm khác vào năm 1997, Ngải sơn thương hiệu Coke trên một bình cổ khác.

Ngải Vị Vị đập tan bình sứ triều nhà Hán, 1995

Càng ngày, kỹ thuật và các phương tiện truyền thông đã trở thành phương tiện cũng như dụng cụ cho Ngải, một môi trường trình diễn nghệ thuật mà tất cả chúng ta đều là diễn viên. Ngải có hơn 100,000 người “theo” ông trên Twitter—và con số này vẫn gia tăng, cho dù ông đã bị “im hơi” gần đây. “Tôi nghĩ những giới hạn chính ra lại là yếu tố cần thiết trong cuộc tranh đấu cho quyền tự do phát biểu,” ông nhận xét với tôi trong một email, “[Mọi giới hạn] cũng là nguồn cho bất kể mọi sáng tạo. Kỹ thuật giải phóng chúng ta thành những cá nhân. Tôi cảm thấy vui khi nghĩ rằng kỹ thuật cũng đã trở thành một phần của tôi.”

Ngải Vị Vị, Bình cổ trang trí với thương hiệu Coca Cola, 1997. (Bình cổ thời Đồ Đá Mới (5000 – 3000 BCE) , 11 7/8″ x chu vi 13″)

Sau vụ động đất vào năm 2008 ở Tứ Xuyên giết hại hàng ngàn trẻ em (theo các tin tức thì trường tiểu học của các em đã bị xây cất bởi những vật liệu dưới tiêu chuẩn do sự tham nhũng của chính quyền địa phương). Ngải dùng blog cá nhân của mình để huy động các nhà tranh đấu trong công cuộc thu thập danh sách tên người chết sau khi chính quyền từ chối không thông báo danh sách này. Tác phẩm cài đặt—kết quả của quá trình huy động—có tên là Ghi Nhớ (Remembering), phủ kín mặt tiền Haus der Kunst (Viện Nghệ Thuật) tại Munich với gần 9,000 ba-lô đựng sách vở của trẻ em, kết thành câu: “cháu sống hạnh phúc trên thế gian này đúng bảy năm”—câu nói từ người mẹ của một trong những trẻ em xấu số. Khi tôi hỏi vai trò nào ở địa vị nghệ sĩ ông đã giúp người khác nhận thức biến cố thời đại, ông đáp, “Tôi tận dụng hầu hết mọi khả năng của mình để giải phóng chính tôi ra khỏi vai nghệ sĩ hầu trở thành một con người thật sự.”

Tác phẩm (cài đặt từ hơn 9,000 ba lô đựng sách vở) phủ kín mặt tiền Haus der Kunst với giòng chữ:“cháu sống hạnh phúc trên thế gian này đúng bảy năm,” 2009

Đã gần nửa đêm ở Nữu Ước khi chúng tôi gọi Ngải và cho ông biết chúng tôi đã di chuyển ngoại cảnh và hiện đang ở trong một khu phố. “Có phải chúng ta đang ở khu Bowery?” ông hỏi, quan sát cả một rừng cửa hàng và các ký hiệu đầy màu sắc qua khung laptop của chúng tôi. “Chúng ta đang ở Phố Tàu, khu Flushing, quận Queens.” Tôi đáp. Trong lúc người trong phố bắt đầu tụ lại chỗ chúng tôi, thu hút bởi máy hình chụp flash lia lịa của Vadukul và cô người mẫu diện từ đầu tới chân trong y phục thiết kế bởi Alexander Wang, chúng tôi mau mắn trùm laptop trong tấm vải đen để tránh chuyện Ngải bị nhận diện. Vadukul chụp vài mẫu ảnh của khu phố, những hình ảnh, theo Ngải, có thể miêu tả cảnh “bất cứ ai đó ở bất cứ một thành phố nào đó trên thế giới, như Luân Đôn, Bắc Kinh, một quốc gia Ả rập,” bị chính quyền bắt giam. “Người này có thể bị [chính thức] buộc tội, hoặc không bị buộc tội—không có một lý do chính đáng nào cả.”

Trên laptop của anh, Vadukul “mở” những hình ảnh anh vừa chụp, rồi để laptop của anh sát cạnh laptop với màn ảnh có hình Ngải đang ngồi trong phòng làm việc của ông ở Bắc Kinh. Làm như vậy để Ngải có thể nhìn thấy quang cảnh được chụp—cho dù hiện giờ trời đã tối mịt—và cho chúng tôi ý kiến. Sau đó chúng tôi cũng gửi những hình này qua email cho Ngải và nhìn Ngải qua màn ảnh laptop xem lần lượt những tấm ảnh mà chúng tôi vừa chụp—những hình ảnh mà chúng tôi hy vọng sẽ gây ấn tượng mạnh. Ngải cho chúng tôi biết tấm nào ông thích, rồi chúng tôi tiếp tục làm việc. “Rất hữu ích được nghe thấy tiếng nói của Ngải trong đầu tôi.” Vadukul kể lại trong ngày sau buổi chụp ảnh. “Nhịp chảy của những trải nghiệm sâu kín nhất của ông bắt đầu ngấm xuyên qua những tấm ảnh của tôi; [quá trình hợp tác] này rất linh động, mau chóng.”

Các nghệ sĩ từ lâu đã hợp tác với các phụ tá viên, và Ngải thường thực hiện những dự án của ông với một nhóm chuyên gia trong môi trường nghệ thuật không khác gì một xưởng máy. “Hiện tôi không tốn nhiều công sức tự tay sản xuất một tác phẩm,” ông nói với Chris Dercon, người đảm trách chương trình nghệ thuật của Ngải Vị Vị ở Haus der Kunst và hiện là giám đốc viện bảo tàng nghệ thuật Tate Modern ở Luân Đôn. “Việc người khác thực hành tác phẩm của tôi luôn mang đến sự bất ngờ, cũng như một nhận thức sâu xa trên phương diện tập thể.” Dù sao, có thể nói rằng chưa có một nghệ sĩ nào đã hợp tác tương đắc và gần gũi với ê-kíp của ông từ một không gian thật xa cách như Ngải Vị Vị đã làm với dự án cho W. “Những cảm xúc thì thật gần gũi, nhưng [phương tiện nghệ thuật] thì ở thật xa,” ông nói với tôi sau này. “Quá trình hợp tác trở thành một phần của tác phẩm. Nghệ thuật luôn là cách vượt qua những trở ngại giữa tình cảnh nội tại và kỹ năng phát biểu.”

Gần 5 giờ sáng ở Nữu Ước chúng tôi mới chụp xong loạt ảnh. Sự hòa hợp siêu thực giữa nghệ thuật, kỹ thuật, thời trang, văn hóa, và, không ít, sự hiện diện của Ngải Vị Vị, đã nâng cao tinh thần toàn thể ê kíp suốt đêm. Tôi gọi Ngải và cho ông biết chúng tôi đã xong. “Một kinh nghiệm khá thú vị phải không?” Ông cười lớn. Hai tuần sau ông vẫn thích thú suy niệm về dự án này. “Tôi nghĩ kinh nghiệm này đã làm cả hai Leonardo da Vinci và Andy Warhol ganh với tôi,” ông nói. “Tôi cứ ngồi cười khì mà nghĩ như vậy. Nó làm tôi nhớ tới một bài thơ bố tôi làm trước khi tường Bá Linh sụp đổ. Bố nói, ‘Chẳng cần biết bức tường này cao, dài, hay dầy bao nhiêu, nó không thể nào ngăn được gió, không khí, hoặc niềm khao khát tự do của con người.’ Niềm khao khát tự do của chúng ta còn mạnh hơn cả gió.”



Phóng sự “hậu trường” cho dự án Sự Mất Tích Theo Lệnh (“The Making of Enforced Disappearance) của Ngải Vị Vị
.
.
.

No comments:

Post a Comment