Monday, January 30, 2012

KÊU GỌI TẨY CHAY NHÀ XUẤT BẢN ELSEVIER (TS Lê Văn Út)



TS. Lê Văn Út (ĐH Oulu, Phần Lan)
Tháng Một 28, 2012 at 12:24 chiều

Nếu cộng đồng khoa học chung sức làm cho Elsevier thay đổi các chính sách của họ, đặt biệt là về giá cả thì sẽ rất có lợi cho một nước đang phát triển như Việt Nam.

Elsevier là một nhà xuất bản quốc tế lớn xuất bản trên 2000 ấn phẩm khoa học các loại, có trụ sở tại Hà Lan và chi nhánh ở rất nhiều nước. Nhà xuất bản này xuất bản nhiều ấn phẩm có giá trị khoa học rất cao trong hầu hết các lĩnh vực nghiên cứu nên rất nhiều đại học và viện nghiên cứu trên thế giới đã phải trả những khoản tiền rất lớn để mua bản quyền truy cập các tập san của Elsevier.

Hiện tại, chưa có một đại học hay viện nghiên cứu nào của Việt Nam có khả năng mua bản quyền trực tiếp từ Elsevier. Chỉ có Thư viện Quốc gia Việt Nam mua bản quyền truy cập Elsevier và sau đó chia sẽ lại cho các nơi khác, nhưng việc truy cập bị giới hạn về thời gian và số lần trong ngày nên gây ra nhiều bất tiện cho các nhà khoa học. Điều này cho thấy Việt Nam chưa có một hạ tầng (khoa học) tối thiếu cho quá trình xây dựng đại học nghiên cứu hay đại học đẳng cấp quốc tế.

Vào ngày 21.1.2012, GS. Timothy Gowers đăng bài “Elsevier – phần của tôi trong sự sụp đổ của nó” trên blog của ông. Trong bài viết của mình, GS. Gowers đã lên án ít nhất bốn vấn đề đối với Elsevier:
- giá ấn phẩm rất cao và đương nhiên rất khó khăn cho các nước đang phát triển,
- luôn tìm cách “ép” các thư viện phải mua nhiều tập san bằng việc kèm các tập san kém chất lượng vào các nhóm tập san và buộc các thư việc phải mua các nhóm tập san (không được mua riêng lẻ một tạp chí),
- nếu các thư viện tìm cách đàm phán để có các thoả thuận tốt hơn thì Elsevier tàn nhẫn cắt quyền truy cập của họ,
- luôn tìm nhiều biện pháp để ngăn chặn việc tiến tới hình thức truy cập mở và họ ủng hộ mạnh mẽ đối với đạo luật SOPA và PIPA.

Sau đó, ông đã kêu gọi các nhà khoa học tẩy chay Elsevier bằng việc không hợp tác với họ; cụ thể là:
(1) không tham gia vào ban biên tập của các tập san thuộc Elsevier,
(2) không gửi bài cho các tạp chí này,
(3) không tham gia làm phản biện cho các tạp chí của Elsevier.

Một ngày sau lời kêu gọi của GS. Gowers, TS. Tyler Neylon, hiện là đồng sáng lập công ty phân tích dữ liệu Zillabyte (Austin, Texa, Mỹ), đã lập trang web http://thecostofknowledge.com/ để mọi người ký tên phản đối Elsevier. Trang web mới lập ra vài giờ thì đã có hàng trăm người ký tên và cho đến hôm nay (27.1.2012) đã có đến 629 nhà Toán học và học giả ký tên; đặc biệt, Terence Tao (giải Fields năm 2006 và rất nhiều giải thưởng khác) hiện là giáo sư ĐH California ở Los Angeles đã tham gia ký tên từ rất sớm.

Thiết nghĩ sự liêm khiết trong môi trường khoa học cần được tôn trọng, cũng như cần tạo các điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học từ các nước đang phát triển. Việc phản đối Elsevier với 4 điểm mà giáo sư khả kính Timothy Gowers đã chỉ ra là rất cần thiết.

Hy vọng việc phản đối nhà xuất bản Elsevier do GS. Gowers phát động sẽ mang lại kết quả khả quan.

Trước đây ban biên tập của vài tập san do Elsevier xuất bản (như Topology, Journal of Algorithms, Journal of Logic Programming, European Economic Review, v.v.) đã kéo nhau từ chức vì chính sách giá cả “cắt cổ” của Elsevier. Điều này đã làm cho Elsevier gặp không ít khó khăn. Họ phải thành lập ban biên tập mới hoặc tập san mới, và đương nhiên kém chất lượng hơn.

Rất mong các nhà khoa học của Việt Nam cũng có sự quan tâm đến vấn đề này, vì thật sự các đại học và viện nghiên cứu ở Việt Nam vẫn đang gặp nhiều khó khăn về tài chính để mua bản quyền truy cập các tập san khoa học của Elsevier. Nếu cộng đồng khoa học chung sức làm cho Elsevier thay đổi các chính sách của họ, đặt biệt là về giá cả thì sẽ rất có lợi cho một nước đang phát triển như Việt Nam.

Vài nét về GS. Timothy Gowers
Timothy Gowers mà một nhà Toán học Anh. Ông hiện là giáo sư tại ĐH Cambridge (Anh). Ông được tặng giải thưởng Fields của Hội toán học thế giới năm 1998 cho cống hiến của ông trong lĩnh vực Giải tích hàm và Tổ hợp. Ông là một blogger rất năng động và khả kính trong giới Toán học. Ngoài những bài viết về Toán học, ông có rất nhiều bài viết về việc xây dựng một cộng đồng khoa học lành mạnh. Đặc biệt, ông đã từng viết bài lên án Chính phủ Anh về việc cắt giảm kinh phí nghiên cứu, và lên án các nhà xuất bản quốc tế về việc bán bản quyền các tập san khoa học của họ với giá “cắt cổ”. Mới đây ông đã kêu gọi mọi người tham gia “biểu tình” nhằm phản đối dự luật chống vi phạm bản quyền SOPA (hay còn gọi là Đạo luật chấm dứt vi phạm bản quyền trên mạng), và ông đã đóng cửa blog của ông trong 24 giờ để phản đối.

Nếu hiểu “Trí thức là những người có sự hiểu biết, có suy nghĩ độc lập và biết thức tỉnh xã hội” (xem thêm) thì Gowers là một trí thức đáng kính của thế giới.

***

TS. Lê Văn Út (ĐH Oulu, Phần Lan)
Bài viết gần đây: Xem

.
.
.

No comments:

Post a Comment