Friday, January 27, 2012

CUỘC ĐẤU TRANH CỦA NÔNG DÂN ĐOÀN VĂN VƯƠN NÊU BẬT TÍNH BẤT CÔNG Ở VIỆT NAM (Ben Bland, Financial Times)




Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ

Khi khoảng độ 100 cảnh sát và quan chức địa phương đến để tịch thu mảnh đất của họ ở ngoại ô thành phố cảng Hải Phòng, gia đình nông dân Đoàn Văn Vươn đã sẵn sàng chờ đợi với súng hoa cải trong tay và bom tự chế cài đặt ngoài vườn.

Sáu nhân viên công an đã bị thương trong cuộc đấu súng vào ngày 5 tháng Giêng, điểm đỉnh của một tranh chấp đất đai lâu dài giữa ông Vươn và chính quyền địa phương, theo tường thuật của truyền thông nhà nước.

Chính quyền địa phương tuyên bố rằng hợp đồng thuê đất của ông đã hết hạn vài năm trước, trong khi ông Vươn và những người ủng hộ nói rằng ông vẫn giữ quyền quản lý khu ao đầm mà ông đã đầu tư để xây dựng một trại thuỷ sản.

Ông Vươn và thân nhân sau đó đã bị bắt giữ vì tội danh cố ý giết người và nhà cửa của họ đã bị san bằng.

Sự chống đối mang tính bạo lực như thế này thì vô cùng hiếm hoi tại Việt Nam Cộng sản, một quốc gia độc tài không có chỗ cho sự chống đối nhà nước.

Nhưng, với một dấu hiệu bất bình sâu nặng về việc tịch thu đất đai của chính quyền địa phương và việc bồi thường không thoả đáng, ông Vươn đã có được sự ủng hộ rộng rãi của những blogger, luật sư, và thậm chí cựu chủ tịch nước.

Đi theo con đường mà Trung Quốc đã vạch ra, Việt Nam đã đón nhận những bước đầu hướng về nền kinh tế thị trường trong những năm cuối 1980. Đến năm 1993, Việt Nam đã cho phép người dân có được “quyền sử dụng đất” nhưng nhà nước vẫn giữ quyền sở hữu toàn bộ đất đai.

Trong khi nền kinh tế Việt Nam bùng nổ trong thập niên qua, luật lệ thiếu rõ ràng đã làm con số những tranh chấp đất đai tăng cao giữa một bên là các hộ dân và một bên là những nhà xây dựng và chính quyền địa phương.

Các nhà ngoại giao nước ngoài nói rằng chính quyền đang quan tâm việc những tranh chấp này có tiềm năng vượt ra khỏi vòng kiểm soát trong giai đoạn họ đang phải đối diện với những đe doạ về bất ổn xã hội khác như con số những vụ đình công lao động đang chiếm mức kỷ lục và giá cả lương thực đang tăng mạnh.

Jairo Acuña-Alfaro, một cố vấn về chính sách của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc tại Hà Nội nói rằng những tranh chấp về quyền sử dụng đất “có lẽ là nguyên nhân lớn nhất của nạn tham nhũng tại Việt Nam hiện nay”, với việc nhiều người dân than phiền rằng chính quyền địa phương thường xuyên định giá bồi thường đất quá thấp.
Sự khác biệt này là yếu tố quan trọng trong việc làm tăng nhanh nạn bất bình đẳng trong xã hội.

“Trường hợp ở Hải Phòng tượng trưng cho một vấn đề rộng lớn hơn và người dân rõ ràng là đang bất bình,” ông nói. “Chính quyền cần phải quan tâm hơn đến vấn đề này vì đang có những lo lắng về hiệu ứng dây chuyền.”

Trường hợp này cũng tương tự như những tranh chấp đất đai tại quốc gia láng giềng Trung Quốc. Vào tháng Mười hai, một đụng độ về việc bán đất đã biến thành bạo lực tại ngôi làng Ô Khảm ở miền nam Trung Quốc khi chính quyền địa phương điều động lực lượng bán quân sự đến để dẹp cuộc biểu tình. Vào ngày 16 tháng Giêng, những người lãnh đạo cuộc nổi loạn đã được bổ nhiệm vào chức bí thư chi bộ Đảng Cộng sản địa phương, đây là một phần của nỗ lực của chính quyền Bắc Kinh nhằm giải quyết sự tranh chấp.

Trần Vũ Hải, một luật sư tại Hà Nội từng tham gia bào chữa trong một số những vụ án lớn, nói rằng sự kiện Hải Phòng là vụ tranh chấp đất đai nghiêm trọng nhất kể từ 1997, khi bạo lực đã nổ ra tại tỉnh Thái Bình.

Lê Đức Anh, người đã từ nhiệm chức Chủ tịch nước vào năm 1997 đã nói với báo Người Lao Động vào tuần trước rằng trong khi ông Vươn đã vi phạm luật pháp, chính quyền cũng đã hành động “sai trái” và cần phải bồi thường cho ông.

Hàng loạt những bài báo phê phán trên ngành truyền thông nhà nước vốn thường bị kiểm soát đã khiến cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra lệnh chính quyền Hải Phòng phải tiến hành một cuộc điều tra chính thức về nguyên nhân xảy ra sự kiện này.

Nhưng vì lo ngại rằng sự giận dữ sẽ được thổi bùng thêm, chính quyền thành phố Hải Phòng đã ra lệnh cho báo chí địa phương ngưng việc tường thuật vụ án. Họ cũng từ chối cấp phép cho phóng viên tờ Financial Times đến thành phố làm việc, một yêu cầu bắt buộc theo luật lệ báo chí hà khắc tại Việt Nam.

Lê Quốc Quân, một luật sư hoạt động dân chủ cho rằng sẽ có thêm nhiều va chạm tại Việt Nam cho đến khi luật đất đai được cải cách để cho phép quyền sở hữu toàn phần.

“Gia đình người này đã bắn vào cảnh sát nhưng ông lại được nhiều ủng hộ từ quần chúng vì nhiều người xem tình trạng của ông giống như tình trạng của mình,” ông Quân nói, ông từng bị công an bắt giữ nhiều lần và mới đây đã bị bắt “giáo dục” sáu tháng dưới sự giám sát của chính quyền địa phương.

.
.
.

No comments:

Post a Comment