Tuesday, January 31, 2012

CẦN PHÂN BIỆT TRÍ THỨC VỚI TRÁCH NHIỆM CÔNG DÂN CỦA TRÍ THỨC (Hồ Quang Huy)



Hồ Quang Huy
Thứ Ba, 31/01/2012

Thời gian qua cộng đồng bạn đọc báo mạng bình luận sôi nổi về chủ đề trí thức. Đặc biệt các ý kiến trái chiều về phát biểu của GS Ngô Bảo Châu đăng trên báo tuổi trẻ online qua bài trả lời phỏng vấn của GS với báo này.

Trong các ý kiến đó thì có thể phân làm hai nhóm: nhóm thứ nhất phản bác, phê phán GS Ngô Bảo Châu vì cho rằng GS Châu đã khuyến khích, tiếp sức, bào chữa cho loại trí thức “trùm chăn” vốn đã quá nhiều ở Việt Nam nay càng nhiều hơn và “trùm chăn” kỹ hơn vì phát biểu của GS Châu (nhóm này nhiều hơn); Nhóm thứ hai đồng ý với quan điểm của GS Châu, thậm chí có người còn nói trí thức và phản biện chẳng liên quan gì nhau hoặc đừng bắt trí thức phải phản biện vì họ chỉ cần làm tốt chuyên môn là đủ rồi…

Sau khi đọc bài trả lời phỏng vấn của GS Ngô Bảo Châu tôi thấy GS Châu nói đúng tuy nhiên GS nói như vậy chưa đủ, nên bị dư luận phản đối nhiều.

Chúng ta cần phân biệt khái niệm thế nào là trí thức với khái niệm trách nhiệm công dân của trí thức. Trong phát biểu của GS Ngô Bảo Châu nhấn mạnh đến định nghĩa trí thức mà không nói trách nhiệm công dân của trí thức (hoặc nói một cách mờ nhạt). Trong khi đó những người bình luận hoặc phản đối lại nói đến trách nhiệm công dân của trí thức, trong số đó có người nhầm lẫn cho rằng một trong các điều kiện cần có để được gọi là trí thức là phải phản biện (trách nhiệm công dân). Tôi cho mấu chốt thứ nhất của vấn đề là ở điểm này, khi đã phân biệt được hai khái niệm này thì ta thấy cả hai phe đều có lý cả mà không hề mâu thuẫn.

Như mọi người đều biết, mọi công dân phải có trách nhiệm đối với đất nước, dân tộc, cộng đồng (trách nhiệm công dân). Chúng ta lại có câu: “Nắm người có tóc chứ không ai năm kẻ trọc đầu”. Tầng lớp trí thức là tầng lớp hiểu biết nhất mà không phản biện thì ai phản biện? Vì vậy chúng ta (xã hội) đòi hỏi người trí thức phải phản biện là đòi hỏi chính đáng chứ không thể nói phản biện thì tốt còn không thì cũng chẳng sao.

Trong một chừng mực nào đó, vấn đề cụ thể nào đó, nếu anh thấy những vấn đề nóng bỏng của đất nước, những việc làm nguy hại đến an ninh quốc gia, cộng đồng… mà làm ngơ tức là anh đã gián tiếp tiếp tay cho cái ác nên không thể nói anh là người lương thiện. Trong trường hợp này không thể gọi anh là trí thức chân chính mà là trí thức lưu manh. Một người có hiểu biết nói riêng và trí thức nói chung nếu thấy điều không phải, không đúng mà làm ngơ thì khó có thể coi là người chân chính.

Tôi không đồng ý với GS Ngô Bảo Châu khi ông cho rằng “giá trị của trí thức là giá trị của sản phẩm mà anh ta làm ra, không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội.” Giả sử ta so sánh hai trí thức ngang ngửa nhau về chuyên môn, trong đó trí thức A có tham gia phản biện xã hội, còn trí thức B thì không. Trong mắt mọi người chắc chắn công dân A có giá trị cao hơn công dân B vì công dân A có trách nhiệm với xã hội hơn, có đóng góp nhiều hơn công dân B. GS Châu chỉ đúng nếu tách biệt con người trí thức ra khỏi con người công dân, nhưng rỏ ràng con người công dân bao trùm, lớn hơn con người trí thức. Hay nói một cách khác một con người (công dân) có nhiều thuộc tính thì “trí thức” là một trong các thuộc tính đó, nếu anh phản biện hay không phản biện thì thuộc tính “trí thức” không thay đổi nhưng thuộc tính khác (tinh thần trách nhiệm, đạo đức…) sẽ thay đổi nên giá trị con người anh cũng khác đi. Lấy ví dụ GS Ngô Bảo Châu là trí thức lớn được mọi người yêu mến, nhưng ông lại còn lớn hơn, mọi người quý trọng hơn khi ông tham gia phản biện vụ khai thác boxit ở Tây Nguyên hay khi ông bình luận về vụ án Cù Huy Hà Vũ. Mặc dù là nhà khoa học nổi tiếng nhưng nhiều người quý ông ở tính cách, trách nhiệm của ông qua việc ông phản biện hơn danh hiệu khoa học của ông (dĩ nhiên là phản biện đó được gia tăng giá trị rất nhiều là vì nó gắn liền với sự nổi tiếng trong khoa học của ông) vì họ cho rằng ở Việt Nam trí thức có chính kiến và thể hiện chính kiến còn quá hiếm trong lúc nhu cầu lại rất lớn.

Điều mấu chốt thứ hai gây nên sự phản ứng GS Châu là GS không đòi hỏi người trí thức phải phản biện, coi phản biện không liên quan gì đến giá trị trí thức (mặc dù vẫn tôn trọng các phản biện đó) trong bối cảnh đất nước có nhiều sự kiện nóng bỏng liên quan đến an ninh quốc gia, sự tồn vong của dân tộc … nhưng hầu như trí thức Việt Nam trong nước ít quan tâm chứ chưa nói phản biện. Trí thức là tầng lớp hiểu biết nhất nên được đặt nhiều hy vọng và trách nhiệm nhưng những phản biện mà trí thức đóng góp cho xã hội như hiện nay là quá ít làm cho người dân thất vọng. Trong lúc người dân đòi hỏi trách nhiệm ở trí thức mà GS Châu lại có phần dễ dãi về trách nhiệm đó nên có sự phản ứng là điều tất nhiên.

Tuy nhiên nếu đọc kỹ ta thấy cuối câu trả lời, GS Châu có nói “Tôi quan niệm vai trò của trí thức là như vậy, anh ta có vai trò gây sức ép lên người lãnh đạo, nhưng cũng như lãnh đạo, anh ta không độc quyền chân lý”. Phần trên của câu trả lời ông nói phản biện không liên quan đến giá trị trí thức, nhưng phần dưới lại nói “anh ta (tức trí thức – TG) có vai trò gây sức ép lên người lãnh đạo”. Với câu này thì dường như GS đã thừa nhận vai trò phản biện của trí thức. Vì vậy theo tôi một số ý kiến phản bác GS có lẽ có phần nóng vội, không cần thiết. Đối với tôi đến giờ phút này tôi vẫn kính trọng GS Châu vì những gì ông đã phản biện cũng như phát biểu trên báo Tuổi Trẻ online vừa qua (về vai trò của phản biện, về lãnh đạo cần phải ứng xử với phản biện ra sao, không ai được độc quyền chân lý…).

Để kết luận bài này tôi có thể nói rằng: cần phải phân biệt khái niệm trí thức với khái niệm trách nhiệm công dân của trí thức. Phát biểu của GS Ngô bảo Châu về thế nào là trí thức không sai tuy nhiên lại có phần nào đó dể dải với trách nhiệm công dân của trí thức. Còn những người đòi hỏi trí thức phải phản biện xã hội cũng hoàn toàn chính đáng nhưng không nên coi phản biện là một điều kiện để gọi một người nào đó là trí thức.

Nha Trang, ngày 31 tháng 01 năm 2012
Hồ Quang Huy
ĐT: 0905029813

.
.
.

No comments:

Post a Comment