Friday, December 30, 2011

VUA Ở TRUỒNG, VUA MẶC QUẦN, HAI VUA BĂNG HÀ (Đinh Từ Thức)



23.12.2011

Ít khi có hai nhân vật cùng nổi tiếng trên thế giới, nhưng khác nhau như mặt trăng mặt trời, một người là vua dân chủ, một người là vua độc tài, cùng từ trần vào một cuối tuần. Đó là trường hợp của hai ông Vaclav Havel, cựu Tổng Thống Tiệp Khắc và Cộng Hòa Czech, và ông Kim Jong-Il, lãnh tụ Đảng Lao Động cầm quyền tại Bắc Triều Tiên. Đúng ra, ông Kim mất ngày thứ Bảy, 17 tháng 12, ông Havel mất ngày Chủ Nhật 18. Nhưng trong chế độ độc tài, cái gì cũng phải có chút bí mật cho phải phép, ngày 19 Bình Nhưỡng mới báo tin ông Kim chết. Thành ra, ở Mỹ, được tin hai ông chết cùng ngày 18.

Vaclav Havel, người được đề cử làm Tổng Thống, đọc danh sách các tên trong chính quyền dân chủ đầu tiên của Tiệp Khắc từ năm 1948.
Hàng ngàn người dân Tiệp tụ tập vào ngày Chủ Nhật, 10 tháng 12 năm 1989 tại Quảng Trường Wenceslas của Praha  để chứng kiến sự thành công của Cách Mạng Nhung (Ảnh AP)

Cả hai ông cùng được dân chúng nước mình thương tiếc, và thế giới chia buồn. Theo truyền thông nhà nước Bắc Triều Tiên, có tới năm triệu người dân vật mình vật mẩy, bò lê bò càng khóc lóc thảm thiết, thương tiếc lãnh tụ kính yêu. Ở chốn riêng tư, không hiểu họ biểu lộ tình cảm với lãnh tụ thế nào, chẳng ai được thấy. Nhưng cảnh những sĩ quan cao cấp trong quân phục uy nghi, huy chương đầy mình, mặt mũi mếu máo, nước mắt đầm đìa, và dân từ già tới trẻ, đàn ông đàn bà, vật vã khóc lóc giữa chốn công cộng, trông rất cảm động, khó nhịn cười. Cứ nhìn bề ngoài, ông Kim được thương tiếc nhiều hơn ông Havel. Cũng hợp lý, theo kết quả bầu cử, bao giờ các lãnh tụ độc tài cũng đắc cử vẻ vang, với tỉ lệ cao hơn nhiều so với các lãnh tụ dân chủ.

Về thế giới chia buồn, ông Kim được nước bạn Cuba treo cờ rủ, để tang ba ngày liền. Bình Nhưỡng không tiếp khách nước ngoài tới đưa ma. Nước bạn Cộng Sản Việt Nam cử hai phái đoàn tới Đại sứ quán Bắc Triều Tiên ở Hà Nội chia buồn. Một phái đoàn đại điện Đảng, do Tướng Công an Lê Hồng Anh, trông diện mạo giống như anh hùng hảo hán trong phim Tầu, Ủy viên Bộ chính trị, Thường trực Ban Bí thư hướng dẫn; một phái đoàn đại diện Chính phủ, do Bộ Trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đứng đầu. Nếu ông Kim mất cách đây mấy tháng, chắc chắn đã được nước bạn Libya của Đại vương Gaddafi chia buồn. Nhưng chết sau cũng có lợi, thế nào ông Kim chả được ông Gaddafi đón ở Tầng đầu Địa ngục. Ông Havel được nhiều nước, và nhiều nguyên thủ quốc gia chia buồn và tiễn đưa hơn; Mỹ cử một phái đoàn hùng hậu tới Praha dự tang lễ, do Bà Ngoại Trưởng Hillary hướng dẫn, có chồng là cựu Tổng Thống Bill Clinton đi theo. Cũng hợp lý, vì các nhà vận động dân chủ yêu nước, khi chưa thành công, thường bị chính quyền của mình kết tội là “tay sai ngoại bang”.

Sau lễ nghi quốc táng, ông Havel được hỏa táng—theo yêu cầu của chính ông—vào ngày 23 tháng 12. Ông may mắn hơn ông Hồ của Việt Nam, cũng từng mong thân xác mình được hỏa táng, hay tốt hơn là điện táng, nhưng bị đàn em trưng thu, mấy chục năm sau vẫn cỏn bị trưng bầy giữa nơi thị tứ cho thiên hạ tới coi, như một thứ bùa hộ mệnh. Ông Kim, sau nghi lễ quốc táng kéo dài 13 ngày đề toàn dân đủ thì giờ biểu lộ thương tiếc cho đến 28 tháng 12, thi hài có thể được bảo quản trong Lăng Kumsasan, cùng với cha mình là ông Kim Il-Sung (Kim Nhật Thành). Cứ theo bề ngoài, sự sùng kính của dân chúng đối với ông Kim hơn hẳn so với ông Havel. Điều này khiến dư luận không khỏi thắc mắc: Sự khóc thương đối với Kim lãnh tụ là thật tình, hay giả dối?

Tom Geoghegan của BBC News Magazine ngày 20 tháng 12 viết:
Cảnh vật vã khóc than tại Bắc Hàn sau khi ông Kim Jong-Il qua đời thật như một cơn sốt lan rộng. Nhưng người dân thực sự cảm nhận mất mát hay chỉ là vì họ nghĩ mình phải ra vẻ như thế? Cả quốc gia Bắc Hàn như nhận được ám hiệu từ người dẫn chương trình truyền hình nhà nước mặc áo đen và không thể kiềm được nước mắt.

Phóng viên BBC John Sudworth ở Seoul (Nam Hàn) cho biết không thể kiểm chứng con số năm triệu người để tang ông Kim mà hãng thông tấn nhà nước Bắc Hàn đưa ra. Nhưng nếu con số này đúng, thì nó có nghĩa là một phần năm dân số nước này đã tham gia ‘khóc thương tập thể’ ở đất nước bị cô lập nhưng có vũ khí hạt nhân này.

Tom Geoghegan đã dùng lời của ba tác giả có kinh nghiệm về Bắc Triều Tiên để giải thích hiện tượng dân chúng khóc thương Kim lãnh tụ.

Trước hết, theo lời Anthony Daniels, một nhà phân tâm học, từng thăm Bắc Hàn năm 1989 trong đoàn đại biểu Anh quốc tham dự Lễ hội Quốc tế Thanh niên và Sinh viên:
“Tất cả là sự trộn lẫn tội nghiệp giữa sợ hãi, khủng bố, lo lắng về tương lai, sự cuồng tín của đám đông và cũng có thể có cả nỗi đau từ đáy lòng.”
“Việc kiểm soát thông tin lớn đến mức rất có thể người dân bị sốc thật.”
“Ta còn nhớ khi Stalin chết, người dân khóc than trên đường phố, dù rằng ít dạt dào như ở Bắc Hàn.”
Thứ nhì là bà Barbara Demick, qua tác phẩm Nothing To Envy: Ordinary Lives in North Korea, nói về cái chết của ông Kim Nhật Thành năm 1994, bà viết: “Tấn kịch đau khổ có cả tính chất cạnh tranh. Ai có thể khóc to nhất?”
Bà để ý một sinh viên ở Bình Nhưỡng chẳng thấy cảm xúc gì trong khi xung quanh vật vã than khóc.
“Cả tương lai của anh tùy thuộc khả năng khóc được không. Không chỉ sự nghiệp, tấm thẻ đảng Lao Động, mà cả sinh mạng. Đó là chuyện sống hay chết.”
Anh ta được cứu thoát sau khi tự kéo căng mi mắt và nhãn cầu cho đến khi mi mắt rách toạc. Thế là, anh ta bắt đầu khóc hệt như mọi người.
Người thứ ba là ông Kerry Brown, đứng đầu chương trình Á châu của Chatham House. Theo ông: nhiều người có lẽ thực sự phản ứng tự nhiên, vì cái chết của lãnh tụ đặt ra những câu hỏi về bản ngã, an toàn và khả năng sống sót của họ.
Đây là một đất nước cảm thấy luôn đứng ở bờ vực chiến tranh, được lãnh tụ yêu quý chăm sóc. Việc kiểm soát thông tin lớn đến mức rất có thể người dân bị sốc thật. Người dân được nhắc nhở luôn đang ở trong chiến tranh với Mỹ, và “những chiến thắng vĩ đại” trong quá khứ là nhờ tài lãnh đạo, vì thế khi người đứng đầu hệ thống qua đời, từng người dân đều cảm nhận mất mát.

Điều khá đặc biệt là, hiện tượng than khóc của người dân Bắc Triều Tiên dành cho ông Kim, đã được ông Havel giải thích từ hơn ba mười năm trước. Đó là thái độ “ai sao tôi vậy” của những người đã quen sống như cái máy dưới chế độ toàn trị. Làm theo yêu cầu do lệnh trên hay hoàn cảnh, mà không theo lý trí của mình.
Qua tiểu luận nổi tiếng nhất viết năm 1978 “Quyền lực của người vô quyền” (“The Power of the Powerless”), Vaclav Havel đã phân tích về việc viên quản lý tiệm bán rau trưng bầy trong cửa hàng của mình khẩu hiệu “Lao động thế giới hãy đoàn kết lại!”
Tại sao anh ta làm như vậy? Anh ta muốn nói gì với thế giới? Anh ta có phấn khởi tới nỗi không thể cưỡng lại việc cho mọi người biết lý tưởng của mình? Có bao giờ anh ta bỏ ra một khoảnh khắc để tự hỏi liệu sự đoàn kết đó có thể xẩy ra được không, và có ý nghĩa gì?
Đặt vấn đề rồi, Havel tự trả lời:
Tôi dám chắc là đại đa số các quản lý tiệm không bao giờ suy nghĩ về những khẩu hiệu họ trưng bầy ở cửa tiệm, và họ cũng không dùng nó để biểu lộ quan điểm riêng của mình. Khẩu hiệu đó đã được phân phối cho quản lý từ trụ sở trung ương của doanh nghiệp cùng với hành và cà rốt. Họ trưng bầy tại cửa tiệm chỉ vì nó đã được làm như thế từ lâu rồi, và mọi người cùng làm như vậy, và bởi vì nó phải được làm như thế. Nếu từ chối, quản lý tiệm có thể gặp rắc rối. Anh ta có thể bị khiển trách vì cửa hàng không được trang trí đúng cách; có người còn có thể kết tội anh ta là không trung thành. Anh ta làm thế vì phải làm như thế để hòa nhịp với đời. Đó là một trong hàng ngàn chi tiết đề bảo đảm cho anh ta một đời sống tương đối yên ổn “để hòa hợp với xã hội” như người ta thường nói.
Đối với dân Bắc Triều Tiên, khóc thương Lãnh tụ vĩ đại Kim Il-Sung năm 1994, hay Lãnh tụ kính yêu Kim Jong-Il bây giờ có khác gì việc trưng khẩu hiệu trong cửa hàng. Họ làm như người khác, để hy vọng được yên thân sống như mọi người.

Trở lại đề tài về người quản lý bán rau, theo Havel, chất liệu nuôi dưỡng chủ nghĩa toàn trị là hỗn hợp của sự sợ hãi và giả dối. Người quản lý giả bộ trung thành vì sợ hậu quả. Ông viết:
Hãy tưởng tượng, một ngày nào đó, người quản lý bán rau không làm theo người ta hay theo thói quen, không trưng khẩu hiệu nữa. Không đi bầu vì biết là trò hề, và bắt đầu phát biểu ý nghĩ thực của mình tại các cuộc họp. Và hơn nữa, còn dám can đảm tỏ tình liên đới với những người mà lương tâm mình nói nên ủng hộ. Trong sự vùng lên này, người quản lý đã bước ra khỏi cuộc sống giả dối. Anh đã phủ nhận thói thường, và phá vỡ luật chơi. Anh đã tìm lại được con người thật và nhân phẩm của mình. Cuộc vùng dậy của anh là cố gắng để sống với sự thật.

Theo Havel, sống với sự thật là phủ nhận chế độ cộng sản, và tính chính thống cùng quyền lực tối hậu của nó.
Khi làm theo lương tâm của mình, người quản lý không chỉ làm một chuyện nhỏ có tính cá nhân, mà chính là làm chuyện động trời, góp phần vào việc phá sập thành trì toàn trị. Bằng cách phá luật chơi, anh đã phá cả cuộc chơi. Anh đã chứng tỏ nó chỉ là trò chơi. Anh đã phá hư kiến trúc của quyền lực bằng cách phá hủy những gì chống giữ nó. Anh đã chứng tỏ sống giả dối là giả dối. Anh đã phá hủy bề mặt của chế độ và phơi bầy cái nền tảng thực của quyền lực. Anh đã hô lên rằng hoàng đế đang ở truồng. Và bởi vì thực sự hoàng đế đang ở truồng, một vài điều cực kỳ nguy hiểm đã xẩy ra: Bằng hành động của mình, anh bán rau đã nói với thế giới. Anh đã giúp mọi người có thể nhìn qua tấm màn để thấy hậu trường. Anh đã cho mọi người thấy là có thể sống với sự thật.

Anh quản lý chỉ là kẻ vô quyền, nhưng bằng cách hành động theo lương tâm và tôn trọng sự thật, anh có quyền lực đủ mạnh để lật đổ chế độ toàn trị. Vaclav Havel xuất thân cũng là một kẻ vô quyền. Và bằng cách quyết tâm theo đuổi sự thật, ông đã trở thành kẻ có trong tay quyền hành của một tổng thống. Tuy ra đời năm 1936 trong một gia đình giầu có tại Praha, chế độ toàn trị sau Thế chiến Thứ Nhì đã biến ông thành một thứ công dân hạng nhì. Không được đi học, ông đã phải vừa đi làm, vừa tự học, trước khi trở thành một người viết kịch có tiếng. Thay vì chạy theo quyền lực để được vinh thân phì gia, ông đã viết những vở kịch châm biếm chỉ trích chế độ. Năm1969 bị cấm hành nghề viết văn sau sự kiện Mùa Xuân Praha năm 1968. Là một trong những tác giả và người phát ngôn của Hiến Chương 77. Ngày 23 tháng 10 năm 1979, bị kết án 4 năm rưỡi tù giam vì âm mưu lật đổ chính phủ, trước khi trở thành lãnh tụ của cuộc Cách mạng Nhung năm 1989, và được bầu làm Tổng Thống dân chủ đầu tiên của Tiệp Khắc vào tháng 12-1989. Năm 1993, Tiệp Khắc tách làm 2 nước, Cộng hòa Czech và Slovakia; ông Havel được bầu làm Tổng thống Cộng hòa Czech và tại chức cho đến năm 2003.

Nếu Vaclav Havel là Vua Sự Thật, thì Kim Jong-il là Vua Giả Dối, vì cuộc đời của ông được tô điểm bằng sự giả dối từ khi sinh ra, cho đến khi chết. Tuy ra đời năm 1942 tại Nga, trong khi thân phụ Kim Nhật Thành là một sĩ quan trong quân đội Liên Xô, tiểu sử chính thức của Kim Jong-il ghi là ông ra đời trên đỉnh ngọn Bạch Đầu Sơn (白頭山, Baekdu-san), một núi thiêng nổi tiếng ở gần biên giới Bắc Triều Tiên và Trung Quốc, và khi ra đời có chim én báo tin, trên trời có sự xuất hiện của hai cầu vồng và ngôi sao lạ. Rồi khi chết, bí mật đến nỗi các cơ quan tình báo thượng thặng trên thế giới cũng không biết, gần 24 giờ sau tin ông từ trần mới được thông báo. Nói rằng ông chết vì làm việc quá sức trên chuyến xe lửa đang đi thăm dân. Nhưng tình báo Nam Hàn cho biết vào giờ nói là ông từ trần, toa xe lửa riêng của ông đậu tại Bình Nhưỡng.

Có thể nói, ông Kim là hiện thân của một thứ Vua ở truồng. Nhưng chừng nào có những người dân vẫn chưa nhìn thấy ông ở truồng, vẫn tưởng ông mặc kim bào lộng lẫy. Khi ông đang sống, bỗng “chuyển sang từ trần,” thì họ thực sự khóc thương ông, cũng là điều thế gian thường tình.

Rút cục, ở truồng hay mặc quần, vua nào cũng phải chết. Tuy nhiên, vào thời đại thông tin thuận tiện như ngày nay, Vua ở truồng rất khó sống, vì khó bưng bít. Cũng còn may, năm 2011 Vua ở truồng rụng như sung. Trong khi “Vua của các vua” Gaddafi bị lôi ra từ ống cống và chết thảm, ông Kim đã được chết yên lành vì bệnh, và được năm triệu dân thương khóc. Phải chăng thay vì có dầu lửa, ông đã có bom nguyên tử.
.
.
.

No comments:

Post a Comment