Friday, December 30, 2011

NGOÁI NHÌN NĂM 2011 - CON NGƯỜI TỪ ĐÂU ĐẾN, VÀ ANH TA ĐI VỀ ĐÂU ? (Lê Phú Khải)



Lê Phú Khải
31/12/2011

Kể từ khi bức tường Berlin sụp đổ, Liên Xô và khối XHCN Đông Âu tan rã cho đến nay, có lẽ năm 2011 vừa qua là năm nhân loại chứng kiến nhiều biến động nhất. Từ thế giới dân chủ văn minh đến những quốc gia độc tài man rợ còn sót lại trên hành tinh, con người đều lo âu, hoảng hốt, run rẩy trên đôi chân của mình. Cả bơ vơ nữa!

Ngoái nhìn năm 2011, tôi bỗng nhớ đến Sartre, hiện thân của chủ nghĩa hiện sinh, hiện thân của nỗi lo âu về than phận con người sau hai cuộc đại chiến chém giết nhau ở thế kỷ 20. Sartre viết: Con người từ đâu đến và anh ta đi về đâu? Trái đất này không phải là nơi cư trú của con người?!

Năm 2011, vâng đúng năm 2011, cả nhân loại đang rơi vào tâm trạng của Sartre.

Trước hết nói về thế giới văn minh dân chủ phương Tây. Cuộc bạo loạn ở Anh khiến người ta phải sửng sốt. Mượn cớ một tên cảnh sát bắn chết một người da màu, dân Anh, chủ yếu là thanh niên, đã “bức xúc” và thi nhau đập phá các cửa hàng, cửa hiệu sang trọng để cướp đi thứ họ thèm muốn như tivi đời mới, điện thoại di động thời trang, máy vi tính loại đắt tiền, v.v. và v.v. Có một câu chuyện khôi hài như thế này, tại một dãy phố sang trọng ở Luân Đôn, sau khi người ta đã đập phá hết các cửa tiệm, một ông chủ tiệm sách ngồi run sợ chờ đến phiên cửa hiệu của mình bị đập phá và cướp bóc!. Chờ mãi, chờ mãi… không thấy ai phá cửa để cướp sách cả!

Thật là buồn cho nước Anh, thì ra sau nhiều năm xây dựng nền dân chủ tư sản văn minh, người ta đã tạo ra một lớp người chỉ say sưa hưởng thụ, tiêu dùng… ngoài ra không có… gì nữa! Trong khi đó thì ở Nhật, trong cơn hoạn nạn động đất, sóng thần, rò rỉ lò phản ứng hạt nhân… tiền trôi ra từ những căn nhà sụp đổ… Nhưng không phải tiền của mình thì không ai nhặt cả. Năm 2011 người Nhật đã dạy cho cả loài người thế nào là nhân phẩm. Dĩ nhiên là có cả Việt Nam chúng ta, nơi đã diễn ra cảnh một người bị cướp túi tiền trên đường phố ở Sài Gòn, tiền của ông ta vung vãi ra… và mọi người đã xông vào cướp tiền của người bị cướp… Nhà thơ Bùi Minh Quốc đã khái quát tình hình của đất nước hôm nay như sau:

Ngoảnh mặt vào đâu cũng phải ghìm cơn mửa
Cả một thời đểu cáng đã lên ngôi!

Nói tiếp về xã hội dân chủ phương Tây ngày nay. Đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước, sau 27 năm sống ở Pháp, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện bị trục xuất về nước. 27 năm sống giữa kinh thành hoa lệ Paris, về nước, nhà trí thức tên tuổi này vẫn mặc những đồ tuềnh toàng chẳng mấy khi là ủi… Ông than phiền với chúng tôi, họ – tức tây đầm – mua một lúc một tá sơmi, rồi chỉ mặc một chiếc, rồi vứt đi, rồi lại đi sắm một tá sơmi khác cho “à la mode”. Trái đất này hết chịu nổi cách tiêu xài phá hoại môi sinh đến thế. Ngày trả giá của xã hội tiêu dùng phương Tây không còn bao xa nữa!

Lời tiên đoán của “ông đồ nghệ” Nguyễn Khắc Viện đã thành sự thật. Nước Mỹ phải đem tiền đóng thuế của dân để cứu các ngân hàng tư nhân phá sản vì cho vay bạt mạng để thiên hạ mua sắm vila, biệt thự… Đau đớn cho nước Mỹ là Quốc hội phải thông qua việc làm phản dân chủ này không thì… chết cả nút! Đồng Euro mất giá nghiêm trọng. Người ta đã phải họp bàn để xoá 50% nợ cho Hy Lạp, Ý, Tây Ban Nha… đang khốn đốn về tài chính. Đồng Euro chạy đi đâu? Nó chạy vào túi người Tàu đã bán hàng rẻ cho các nước EU. Sau những năm phè phỡn tiêu xài hàng rẻ, chính phủ các nước phương Tây đang kêu gọi người dân “thắt lưng buộc bụng”. Nhưng dân chúng quen tiêu xài, quen mua một tá sơmi rồi chỉ mặc một chiếc, vứt đi 11 chiếc, lại xuống đường phản đối chính phủ. Thật là một “trò hề văn minh” đang diễn ra trên trái đất này. Hò hét “kích cầu” rồi lại hò hét “thắt lưng buộc bụng”! Oái oăm là phải kêu gọi người Tàu cứu vãn đồng Euro! Phụ nữ Trung Quốc phải xích chân con mình bên cỗ máy (vì không có tiền gửi con đi nhà trẻ) để làm ra những thứ hàng rẻ bán cho thế giới. Những ông chủ tư bản đỏ Trung Quốc nhờ vắt kiệt mồ hôi và nước mắt của dân chúng mình để xuất khẩu hàng rẻ và trở thành những ông chủ nợ lớn của phương Tây. Báo chí Hoa Lục đã tiết lộ… Trung Quốc đã tìm thấy gót chân Achille của Mỹ là “sống trên mức mình có” nhằm “hạ thủ” đối thủ. Tờ Le Figaro của Pháp đã dùng lại cụm từ này (vivre au dessus de ses moyens) để cảnh báo bàn dân thiên hạ nước mình! Thật trớ trêu cho nhân loại tiến bộ ở đầu thế kỷ 21 này, là những quốc gia tự nhận mình là dân chủ văn minh lại phải “nhờ cậy” vào túi tiền bẩn thỉu của một nhà nước độc tài toàn trị đang trên đường phát xít hoá là Trung Quốc.

Môi trường xã hội thì như thế, còn môi trường tự nhiên thì ra sao? Các nhà khoa học đã cho biết, từ năm 1860 và trong vòng 100 năm lại đây, trung bình nhiệt độ toàn cầu tăng 0,8 độ C. Còn sắp tới, nếu tầng ozone bao quanh trái đất chúng ta vẫn bị tổn thương như hiện nay, trái đất sẽ nóng lên 3 độ C trong vòng 100 năm tới! Các tảng băng khổng lồ Iceland, Norway, Rhone (núi Anpes), Lemon Creek (Alaska)… ngày càng ngắn đi, ở Bắc Cực ngày càng mỏng đi… Rồi sẽ ra sao ? (Que sera, sera!). Con người không lo âu sao được khi trái đất bị cào cấu, đào bới đến rỗng ruột. Thảm hoạ hạt nhân ở Nhật Bản năm qua khiến nhiều quốc gia như Đức tuyên bố thà thắp nến chứ không xài điện hạt nhân. Người Pháp hô khẩu hiệu với điện hạt nhân: “Rủi ro số 0, không bao giờ có” (Risque 0, n’ existe pas).

Cũng may là đến 2011, nhân loại đã nhận ra mối rủi ro ở tầm thảm hoạ đang rình rập con người ở phía trước. Phải thay đổi cách sống, lối sống, lối cư xử với thiên nhiên khi chưa quá muộn.

Cũng năm 2011, lần đầu tiên nhân loại chứng kiến một người bình thường đã làm nên cuộc cách mạng long trời lở đất, làm thay đổi lịch sử thế giới hiện đại. Nói đúng hơn là, ngọn lửa tự nhiên của anh sinh viên thất nghiệp Bouazizi ở Tunisia đã làm bùng cháy cả một châu lục. Cái mà người ta gọi là sự “ổn định”, và hùa nhau cố giữ cái “ổn định” chết người này, chỉ cần một tia lửa điện bật lên là cái pít-tông khổng lồ Bắc Phi đã nén đầy chất cháy nổ nửa thế kỷ qua đùng đùng khởi động. Hàng triệu con sư tử Châu Phi đã lồng lên rung động cả thế giới.

Sau Thiên An Môn, đây là lần thứ hai có một chính quyền nã súng vào nhân dân biểu tình tay không một cách cực kỳ dã man – khi họ vừa tan lễ nhà thờ ra ở Tripoli. Và cái điện thoại di động của những người biểu tình phản đối ông Gaddafi đã báo cho cả loài người biết, cái dã man đã hết thời! Cũng lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, một ông vua có cả trăm tỷ đôla phải chui xuống cống để chết nhục nhã. Trả lời phỏng vấn của tạp chí Time ngày 19/10/2011 bà Hillary Clinton nói: “Bây giờ không còn chỗ cho các nhà lãnh đạo độc đoán độc tài trước kia. Lãnh đạo ngày nay bắt buộc phải ý thức được những gì đang sôi sục ở bên dưới. Tôi hoàn toàn coi đó là một sự thay đổi lịch sử thế giới. Tôi nghĩ rằng đó là một sự kiện có thể làm thay đổi lịch sử. Những gì đã xảy ra sau vụ người bán hoa quả người Tunisia phản ánh sự thừa nhận rằng trong thời đại mới của sự tham gia, trong thời đại mới của tính minh bạch và truyền thông tức thời thì các nhà lãnh đạo sẽ chắc chắn ngày càng khó mà lãnh đạo độc đoán theo những cách thức truyền thống như trước đây”.

“Người bán hoa quả” người Tunisia mà bà ngoại trưởng Clinton nhắc tới chính là anh sinh viên 27 tuổi Bouazizi sau khi đã tốt nghiệp đại học, không kiếm được việc làm, phải đi bán hoa quả rong trên đường phố đã bị cảnh sát đánh đập và tịch thu xe hoa quả, triệt đường sinh sống. Chỉ đơn giản vậy thôi, nhưng không hề đơn giản. Tổng thống Ben Ali của Tunisia vẫn dùng tiền thuế của dân để mời mọc các nhà lãnh đạo thế giới sang Tunisia nghỉ mát để mong một sự “đồng thuận” cho “ổn định” bất công! Chính bà Ngoại trưởng Pháp vừa sang nghỉ mát ở Tunisia về thì sau đó ngọn lửa Bouazizi bùng cháy. Báo chí Pháp đã chửi tan nát bà Ngoại trưởng này và bà đã phải từ chức!
Bouazizi đã đòi “quyền được sống” như chữ dùng trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ… bằng chính máu của mình. Và cái chết của anh đã giành được “quyền được sống” cho hàng trăm triệu người Phi nhờ thời đại thông tin “truyền thông tức thời” như lời lẽ của bà Hillary Clinton.

Cách mạng hoa lài ở Bắc Phi diễn ra suốt năm 2011 đã soi rọi mọi chân tướng. Những quốc gia độc tài, những kẻ muốn làm tổng thống suốt đời đã không ngừng phản đối mọi “can thiệp” và họ trở nên bẽ bàng khi ngài Gaddafi chết trong cống rãnh trên chính quê hương minh!. Hương hoa lài “cuốn theo chiều gió” đã phảng phất bay tới các khu rừng núi hoang vu Châu Á. Và nó đã toả hương trên những cánh đồng màu mỡ nhưng luôn thất mùa ở Miến Điện. Hy vọng và hy vọng cho những khu rừng Châu Á âm u…

Nếu hơn hai thập kỷ qua Phương Tây “sập bẫy” vì những món hàng rẻ Trung Quốc thì năm 2011 vừa qua, không nghe lời ông Đặng khuyên “phải giấu mình chờ thời”, phái quân sự hiếu chiến Trung Quốc đã làm cho quốc gia này sập bẫy vì những lời hò hét chiến tranh và bành trướng của họ. Trung Quốc không hề mạnh như mấy anh tướng võ biền huênh hoang. 5000 người giàu có nhất nước này, chiếm đến 28% GDP của quốc gia này đều chuyển hết tiền và con cái của họ đi Mỹ thì đất nước này đâu có tương lai. Trông chờ gì ở những kẻ giàu có đã ly dị với chính Tổ quốc của họ. Còn gần 800 triệu người nghèo ở Trung Quốc thì luôn chống đối vì bị cướp ruộng đất để làm “công xưởng thế giới”, công xưởng nào sinh ra mà thiếu luật lệ thì cũng tàn phá môi sinh. 1/3 đất đai Trung Quốc đang bị sa mạc hoá vì những công xưởng này, nhà máy hoá chất nằm trong khu dân cư đã khiến cả một huyện ở Trung Quốc, phụ nữ đẻ ra toàn quái thai. Tính đến tháng 10/2011 đã có 178 nghìn cuộc nổi dậy bạo loạn và hàng loạt vụ tự thiêu vào cuối năm ở Tây Tạng nói lên sự bất ổn của quốc gia này. Tăng trưởng bằng mọi giá là hoang tưởng và chỉ có lợi cho kẻ cầm quyền và tạo nên một nền kinh tế bong bóng. Giá nhà ở quận Thuận Nghĩa tỉnh Thiên Tân đã lên đến 4000 đô một mét vuông, đắt nhất nước. Nhưng phải 25 năm nữa Thiên Tân mới sử dụng hết số nhà cao tầng đã xây. Vũ Hán phải 8 năm nữa mới bán hết nhà đã xây! Các địa phương ở Trung Quốc đang nợ của Ngân hàng Credit Suisse 16.000 tỷ đô la vì cướp đất để xây nhà trong năm 2010! Phải viết 100 luận án tiến sĩ về đề tài “bất ổn ở Trung Quốc” cũng chưa đủ để nói lên điều gì!. Trung Quốc cũng không hề mạnh về quân sự. Hơn 10 tàu sân bay của Mỹ đỗ trên các vùng biển, ngày nào mỗi tàu cũng có 100 chuyến máy bay lên xuống tập dợt thì còn lâu một cái tàu sân bay cổ lỗ sĩ Thi Lang của Trung Quốc mua lại của Ucraina chưa hề tập máy bay lên xuống mới làm bá chủ được Thái Bình Dương. Vậy mà người ta đã vội vã vẽ đường lưỡi bò chiếm 80% biển Đông Nam Á, một sự vội vã đến hoang đường. (Xin mở ngoặc chú thích khái niệm biển Đông Nam Á là do tiến sĩ Tô Văn Trường gọi tên. Đó là một cái tên chính xác.) (*)

Vì thế người Mỹ đã quyết tâm quay lại biển Đông Nam Á. Tổng thống Obama đã nhận Mỹ là một quốc gia Thái Bình Dương. Họ đã đưa quân đội đến hợp tác với nước Úc, nơi các tầm tên lửa của Trung Quốc không với tới được. Đó là tín hiệu lớn của năm 2011.

Ngoái nhìn những gì diễn ra ở năm 2011 tôi không khỏi nhớ đến nỗi u hoài của Sartre về thân phận con người. Nhưng cũng những gì diễn ra ở năm 2011 cũng đã thức tỉnh nhân loại, rằng không thể đối xử với thiên nhiên như con người đã làm những năm tháng qua. Không thể cứ tiêu xài bạt mạng, cứ điên rồ “kích cầu” mãi mãi…

Trái đất đang nóng lên, nước biển sẽ dâng cao, càng nhiều điện hạt nhân bao nhiêu thì càng sớm đến ngày diệt vong. “Thiên nhiên trả thù đấy!”, lời cảnh báo của Engel năm xưa còn nguyên tính thời sự ở thế kỷ 21 này!
Rằng, không thể bất chấp số phận của những người nghèo khó, thấp cổ bé miệng như anh sinh viên Bouazizi, như hàng triệu quần chúng lao khổ… chỉ để duy trì quyền lực của bạo quyền.

Sự hy sinh không tiếc xương máu, không khiếp sợ trước họng súng cường quyền của hàng ngàn, hàng vạn nhân dân Tunisia, Ai Cập, Libya, Syria… để đổi lấy tự do và công lý là đều bất ngờ vĩ đại của năm 2011 mà những người cầm quyền chỉ tin vào súng đạn, dùi cui, nhà tù, cảnh sát, mật vụ… chưa bao giờ nghĩ tới. Dân chủ, công bằng tự do là khát vọng có thật của loài người tiến bộ. Không gì đảo ngược được . Đó là thông điệp lớn lao của năm 2011.
Trái đất này vẫn là nơi cư trú của con người, xin văn hào Jean Paul Sartre hãy ngậm cười nơi chín suối.

L. P. K.
TP. HCM 30.12.2011
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

(*) Cuộc vận động đổi tên Biển Hoa Nam thành Biển Đông Nam Á

.
.
.

No comments:

Post a Comment