Thursday, December 29, 2011

NẾU NGÀY MAI . . . (TS Nguyễn Đình Thắng)



Vì Cộng Đồng và Dân Tộc
Ts. Nguyễn Đình Thắng
Posted on Tuesday, December 27 @ 10:42:26 EST

Nếu ngày mai có biến động ở Việt Nam thì liệu chúng ta, tập thể người Việt ở hải ngoại, có sẵn sàng để góp sức thổi đốm lửa cho bùng lên thành ngọn lửa cách mạng hay, vì thiếu chuẩn bị, sẽ phải hối tiếc khi nó tàn lụi đi và bóng đêm sẽ dài thêm đằng đẵng?

Câu hỏi này, chúng ta phải tự hỏi và hỏi lẫn nhau ngay lúc này để không quá trễ.

Câu hỏi thực ra gồm hai phần: (1) Sẵn sàng để làm gì? (2) Phải làm gì để sẵn sàng?

Để trả lời cho phần (1), chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm cuộc cách mạng dân chủ ở các quốc gia Trung Đông và Bắc Phi vừa qua. Cộng đồng lưu vong của họ đã tích cực góp phần trong ba lãnh vực:
(1) Quốc tế vận để tranh thủ sự yểm trợ của các thế lực trong vùng và trên thế giới;
(2) Huy động nhân, tài, vật lực để yểm trợ cho cuộc tranh đấu ở quê nhà; và
(3) Đóng góp cho việc hoạch định và xây dựng một thể chế tương lai.

Để sẵn sàng cho ba công cuộc trên, có hai việc mà tập thể người Việt ở hải ngoại phải làm:
(1) Tạo một mạng lưới liên kết rộng rãi trong tập thể người Việt trên toàn thế giời; và
(2) Phát triển năng lực cho các cá nhân và tổ chức trong mạng lưới ấy trong ba lãnh vực trên.
Đây là phần (2) của câu hỏi.

Muốn nhanh chóng tạo mạng lưới đan kết những người đồng tâm đồng chí thì trước hết phải nối kết những người đã có quá trình hợp tác với nhau và đã tin tưởng nhau về tinh thần dấn thân và trách nhiệm, về thực tâm hợp tác trong sự tương kính, và nhất là về đạo đức. Đây là những yếu tố cần thiết để tạo niềm tin, mà nếu thiếu thì sẽ không thể nào phát triển các vòng liên kết.

Tuy nhiên, chúng ta không thể liên kết khơi khơi mà phải qua các công tác cụ thể, vừa để thao dượt với nhau, vừa để củng cố niềm tin và cũng vừa để tạo thêm môi trường thuận tiện cho đốm lửa loé lên. Muốn vậy, các công tác cụ thể này phải hội đủ bốn yếu tố:
(1) Bao gồm các hoạt động quốc tế vận;
(2) Đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ của nhiều cá nhân hay tổ chức;
(3) Nới rộng vòng đai an toàn cho những người tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền ở trong nước; và
(4) Rất quan trọng, phải có những mục tiêu cụ thể với mốc điểm rõ ràng.

Một số ví dụ về công tác với các yếu tố trên là:
(1) Vận động quốc tế áp lực Việt Nam chấm dứt tình trạng công an dùng bạo lực, tra tấn và xã hội đen.
(2) Vận động Hoa Kỳ, trong tiến trình phát triển mậu dịch, áp lực Việt Nam phải tôn trọng quyền của người lao động thành lập hay tham gia các nghiệp đoàn độc lập với chính quyền.
(3) Vận động Liên Hiệp Quốc điều tra các vụ bắt và giam người tuỳ tiện.
(4) Vận động Hoa Kỳ và các quốc gia tiếp nhận đòi hỏi Việt Nam phải thực tâm ngăn chặn tình trạng buôn người qua con đường xuất khẩu lao động.
(5) Vận động các tổ chức nhân quyền quốc tế đồng loạt lên tiếng về chính sách đàn áp tôn giáo đang được thực hiện qua các biện pháp tịch thu đất đai, không cho các tổ chức tôn giáo ghi danh hoạt động, khủng bố thành viên và các chức sắc của các tổ chức tôn giáo.

Trên đây chỉ là một ít ví dụ trong số rất nhiều công tác mà tập thể người Việt ở hải ngoại có thể thực hiện. Qua các công tác rất cụ thể và có mục tiêu nhất định ấy chúng ta sẽ đánh giá được chính khả năng của mình và của nhau, từng bước kiện toàn khả năng quốc tế vận, và dần dà phát triển tập quán phối hợp và nới rộng mạng lưới liên kết.
Nói tóm lại, để chuẩn bị cho một vận hội có thể đến cho đất nước, nhiệm vụ của chúng ta ở hải ngoại là ngay lập tức bắt tay vào công cuộc liên kết hàng ngang qua những công tác thực tiễn. Qua đó chúng ta cùng nhau thao dượt và đồng thời dọn đường cho đốm lửa khi loé lên thì sẽ lan nhanh ra toàn xã hội mà một chế độ toàn trị sơ cứng không thể nào dập tắt.
..
.
.

No comments:

Post a Comment