Sunday, December 25, 2011

MIẾN ĐIỆN DÂN CHỦ HÓA hay TỰ DIỄN BIẾN ? (Lý Thái Hùng)



Lý Thái Hùng
Gửi cho BBC từ Hoa Kỳ
Cập nhật: 11:04 GMT - chủ nhật, 25 tháng 12, 2011

Các diễn biến chính trị tại Miến Điện trong những tháng vừa qua phải nói là rất bất ngờ và ngoạn mục.
Từ một hình ảnh độc tài quân phiệt bị thế giới lên án và cô lập trong suốt 20 năm qua, bỗng chốc chính quyền Tổng thống U Thein Sein đã được thế giới ca ngợi là biết thay đổi đúng lúc khi trả tự do cho khoảng 200 tù nhân chính trị trong số 2000 ngàn tù nhân chính trị đang bị giam giữ; nới rộng kiểm soát báo chí, công nhận đảng đối lập Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ và mở đường cho bà Aung San Suu Kyi ra ứng cử dân biểu quốc hội bổ khuyết tại Rangoon.

Những thay đổi nói trên có vẻ nằm trong sự chủ động của phía chính quyền Miến Điện. Nói cách khác, người ta không thấy những cuộc xuống đường rầm rộ xảy ra ngay trước đó như những diễn biến dân chủ hóa tại Đông Âu, hay Trung Á và Bắc Phi, khởi động bằng các áp lực đấu tranh của quần chúng trên đường phố với hình ảnh xuống đường biểu tình của hàng trăm ngàn người.

Tại Miến Điện, những hình ảnh xuống đường biểu tình rầm rộ của quần chúng có xảy ra nhưng từ nhiều năm trước như cuộc biểu tình của thanh niên, sinh viên tại Rangoon vào năm 1988, hay cuộc xuống đường của Tăng Ni năm 2007; cả hai cuộc biểu tình đòi dân chủ đều bị đàn áp đẫm máu và bị công luận thế giới lên án nặng nề.

Nếu diễn biến dân chủ hóa xảy ra ở Đông Âu, Trung Á và Bắc Phi là do những áp lực quần chúng hạ tầng, thì diễn biến dân chủ hóa tại Miến Điện vừa qua đã xảy ra từ những tháo gỡ ở thượng tầng.

Nhiều bài viết đã phân tích một số nguyên do như chính quyền Miến Điến muốn giảm bớt các ảnh hưởng của Trung Quốc nên phải thay đổi để tiếp cận với khối ASEAN và Phương Tây, hay chấp nhận đối thoại với bà Aung San Suu Kyi và lực lượng đối kháng để qua đó giải tỏa cấm vận kinh tế của thế giới nhằm cải tổ tình hình suy thoái trầm trọng hiện nay.

Những nguyên do nói trên, thật sự không phải là những đe dọa sinh tử đối với nhóm quân phiệt Miến Điện. Nói cách khác, thiểu số tướng lãnh và thân nhân của họ trong chính quyền Miến sẵn sàng dập tắt mọi chống đối của quần chúng và dựa vào Trung Quốc để thao túng quyền lực độc tôn.

Việc Tổng thống U Thein Sein tiến hành một số bước dân chủ hóa như hiện nay phản ảnh khuynh hướng thay đổi của tập đoàn tuớng lãnh, chứ không chỉ riêng gì Thein Sein, và đến từ hai áp lực chính, đó là đòn cấm vận của Hoa Kỳ và Âu Châu, và phong trào dân chủ hóa đang trổi dậy khắp nơi từ đầu năm 2011.

Đòn Cấm Vận
Việc nhóm quân phiệt Miến hủy bỏ kết quả bầu cử quốc hội năm 1991, không chịu trao quyền lãnh đạo đất nước cho bà Aung San Suu Kyi và Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ chiếm 361 ghế trên tổng số 465 ghế quốc hội, đã là nguyên nhân chính khiến cho Liên Hiệp Quốc và các quốc gia dân chủ trên thế giới đã ủng hộ những biện pháp cô lập ngoại giao và phong tỏa kinh tế đối với Miến Điện.

Từ năm 1991 đến năm 2011, Miến Điện hoàn toàn bị cô lập và chỉ còn có thể trao đổi buôn bán với Trung Quốc và một số quốc gia độc tài.

Trong số những quốc gia đưa ra các biện pháp trừng phạt, chính quyền Hoa Kỳ, Nhật Bản và Âu Châu là những nước đã tạo áp lực nặng nề từ cúp viện trợ ODA, ngưng hợp tác kinh tế, ngưng trao đổi ngoại giao cho đến phong tỏa thương mại đối với các công ty có quốc tịch Miến Điện, không cấp chiếu khán nhập cảnh cho các quan chức, cán bộ và thân nhân của những người liên hệ trong chính quyền quân phiệt.

Từ năm 2003, sau khi Thượng Viện Hoa Kỳ thông qua đạo luật Tự Do và Dân Chủ Miến Điện, các biện pháp cấm vận Miến Điện đã được Hoa Kỳ, Quốc Hội Âu Châu gia tăng sức ép đáng kể qua những biện pháp đánh thẳng vào quyền lợi của một số công ty và nhất là thành phần cán bộ trung tầng đang phục vụ chế độ quân phiệt như cấm xuất cảng, phong tỏa các trương mục, đông lạnh tất cả tài sản của cấp lãnh đạo và gia đình nhóm quân phiệt Miến.
Bản báo cáo của Congressional Research Service (CRS) của Quốc hội Hoa Kỳ về tình hình cấm vận Miến Điện phổ biến ngày 1 tháng 11 năm 2011 và Bản báo cáo của Commission Implementing Regulation (EU) số 383/2011 vào ngày 18 tháng 4 năm 2011, cho thấy chính quyền quân phiệt Miến Điện chịu những thiệt hại đáng kể từ chính sách cấm vận của các quốc gia Phương Tây, đặc biệt là vấn đề phong tỏa chuyển ngân và đông lạnh tài sản đối với hơn 1000 công ty Miến và vài ngàn cán bộ lãnh đạo cao cấp, cán bộ trung tầng và thân nhân của họ.

Các công ty Miến Điện bị phong tỏa tài sản hiện nay đa số liên hệ đến việc khai thác các tài nguyên thiên nhiên, chia làm 7 loại công ty như:
Những công ty liên quan đến gỗ (Wood), chế biến, xuất khẩu gồm 428 công ty. Những công ty về Sắt và Thép (Iron & Steel) gồm 9 công ty; Những công ty về hầm mỏ (Mining) có 62 công ty; Những công ty cung cấp về dịch vụ và dụng cụ hầm mỏ (Mining Equipment & Supplies) gồm 54 công ty; Những công ty về đá quý (Gems) gồm 473 công ty; Những công ty sản xuất về ngọc bích (Jade) gồm 27 công ty; và những công ty về bạc (Silversmiths) gồm 40 công ty.
Đa số những công ty này nằm trong sự điều hành trực tiếp hoặc gián tiếp của một số tướng lãnh và thân nhân liên hệ như vợ, con gái, con trai, cháu vân, vân...

Danh sách đen
Danh sách những cá nhân bị Hoa Kỳ và Cộng đồng Âu Châu quyết định đóng băng tài sản tại hải ngoại, dựa theo tài liệu công bố hồi tháng 11 năm 2007 đến nay gồm 7 nhóm tướng lãnh được phân loại, liệt kê như sau:

Các tướng lãnh và vợ con đã và đang lãnh đạo nhóm quân phiệt Miến Điện gồm 21 người như Tướng Than Shwe (Chủ tịch Hội Đồng Hòa Bình và Phát Triển Quốc Gia SPDC), bà Kying Kyaing (vợ Tướng Than Shwe), bà Thandar Shwe (con gái Tướng Than Shwe), Tướng Zaw Phyo Win (Bộ trưởng mậu dịch), Tướng Maung Aye (Phó chủ tịch SPDC), Tướng Min Aung Hlaing (Tổng tư lệnh Quân đội Miến Điện); Tướng Arnt Maung (về hưu)...
Các tướng lãnh đang là tư lệnh hay phó tư lệnh các vùng, các sư đoàn và thân nhân liên hệ gồm có 59 người như Tướng Tun Than (tư lệnh vùng Rangoon), Tướng Ye Aung (tư lệnh vùng Mandalay), Tướng Soe Lwin (tư lệnh vùng Sagiang), Tướng Aung Kyaw Zaw (tư lệnh vùng Đông Bắc Miến Điện), Tướng Soe Hunt (tư lệnh vùng Bago và Magwe), Tướng Win Myint (phó tư lệnh phía Nam Miến), Tướng Tint Swe (phó tư lệnh vùng Đông Nam Miến Điện)...
Các lãnh đạo nhà nước, các Bộ trưởng và thân nhân liên hệ trong guồng máy chính phủ gồm có 117 người như U Thein Sein (hiện là Tổng thống Miến Điện), bà Khin Khin Win (vợ của Tổng thống Thein Sein), Tin Aung Myint Oo (Phó Tổng thống Miến), Đại tá Naing Lin Oo (con trai Tướng Tin Aung Myint), Tướng Thein Htak (Bộ trưởng hầm mỏ), Tướng Thein Htay (Bộ trưởng phát triển công nghiệp), ông Soe Maung (Chánh văn phòng Tổng thống), bà Nang Phyu Phuy Aye (vợ của Soe Maung)...
Các Thứ trưởng, Giám đốc các Bộ và Tổng Cục và thân nhân liện hệ trong guồng máy chính quyền trung ương và các địa phương gồm có 105 người như Tướng Kyaw Nyunt (Thứ trưởng quốc phòng), Đại tá Aung Thaw (thứ trưởng quốc phòng); Maung Myint (Thứ trưởng ngoại giao), Tint Lwin (Thứ trưởng truyền thông, bưu chính và điện tín), ông Kyaw Kyaw Win (Thứ trưởng dân số và di dân), ông Kyaw Zan Myint (Thứ trưởng nội an)...
Các tướng lãnh và thân nhân đã hay đang tại ngũ trong quân đội Miến Điện gồm 158 người như Tướng Khin Maung Win (Giám đốc công ty công nghiệp quốc phòng), Tướng Naung Thein (Giám đốc trung tâm kỹ thuật quốc phòng), Tướng Tin Ngwe (Tư lệnh lực lưọng đặc biệt), bà Khin Thida (vợ tướng Tin Ngwe), Đại Tá Aung Tun (Tư lệnh lữ đoàn 66), Hnin Wuryi Win (vợ Đại Tá Aung Tun)...
Các Sĩ Quan chỉ huy cảnh sát và các trại tù gồm 21 người như Tướng Kyaw Tun (Chỉ huy lực lượng cảnh sát Burma và trại tù Trung ương), Tướng Aung Saw Win (Chỉ huy lực lượng cảnh sát điều tra đặc biệt), Trung Tá Tin Thaw (Chỉ huy Viện kỹ thuật điều tra)...; và
Các cán bộ phụ trách những cơ quan chuyên biệt như báo chí, truyền hình, hành chánh, kinh doanh phục vụ cho chính quyền quân phiệt Miến gổm 508 người như Tin Aye (Tối cao pháp viện), Tin Aung Aye (Nguyên Tối cao pháp viện), Mya Than (Quyền giám đốc ngân hàng thương mại)...

Trong số những cá nhân nằm trong danh sách bị đông lạnh tài sản nói trên có tên của Tổng thống U Thein Sein, Phó Tổng thống Tin Aung Mynt Oo, Tư lệnh Quân Đội Min Aung Hlaing, Bộ trưởng Quốc Phòng Tin Ngwe… là những nhân sự đang lãnh đạo chính quyền “dân sự” Miến Điện hiện nay.
Mặc dù những người này đã xin giải ngũ và được bầu vào quốc hội trong kỳ tổng tuyển cử tháng 10 năm 2010 nhưng tên và những thân nhân của họ vẫn còn nằm trong danh sách bị phong tỏa tài sản của Hoa Kỳ và các quốc gia Âu Châu. Chính cái “vòng kim cô” cấm vận này đã ảnh hưởng đến nguồn tài chánh sống còn mà họ đã vơ vét cho thân nhân và gia đình trong hơn 20 năm qua dưới chế độ độc tài quân phiệt.

Thay Đổi Để Sống Còn
Những nhà lãnh đạo Miến Điện đã đứng trước hai sự chọn lựa để sống còn.
Một là tiếp tục giữ độc quyền thống trị để vơ vét tiền bạc quốc gia làm của riêng; nhưng sẽ bị Hoa Kỳ và các quốc gia Phương Tây không những đông lạnh tài chính mà còn bị lên án và cô lập.
Hai là chấp nhận “dân chủ hóa” với sự tôn trọng các quyền chính trị căn bản của người dân để thoát ra khỏi vòng cô lập của thế giới.
Với những chuyển biến của thế giới toàn cầu hóa ngày nay, tình hình đã không cho phép các lãnh đạo quân phiệt Miến Điện tiếp tục cố thủ trong ốc đảo bần cùng như thời chiến tranh lạnh.
Tài sản vơ vét được họ không thể cất giấu một cách an toàn ở trong nước vì sẽ bị phe nhóm khác phanh phui vô cùng nguy hiểm; nhưng mang ra cất giấu tại hải ngoại thì sẽ mất trắng do lệnh phong tỏa của Hoa Kỳ và Cộng đồng Âu Châu như hiện nay.
Sự tháo chạy của Ben Ali tại Tunisia, sự đầu hàng của Mubarak tại Ai Cập và nhất là cái chết thê thảm của Gadhafi tại Lybia đã là bài học cho chính lãnh đạo Miến Điện thấy rằng một khi bà Aung San Suu Kyi đã ra khỏi nhà tù sau 20 năm bị cô lập vào tháng 11 năm 2010 vừa qua, Miến Điện khó tránh khỏi cơn lốc dân chủ hóa đến từ sức bật của khối quần chúng nghèo khổ và bất mãn.

Thay vì bị nhận chìm trong cơn lốc dân chủ và mất trắng tài sản đang cất giấu ở hải ngoại, nhóm quân phiệt Miến Điến đã phải “tự diễn biến hòa bình” để cứu chính họ.

Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả Lý Thái Hùng, Tổng Bí Thư Đảng Việt Tân, người đồng thời là tác giả tập biên khảo chính trị "Đông Âu Tại Việt Nam."
.
.
.

No comments:

Post a Comment