Saturday, December 31, 2011

LÃNH TỤ ĐỐI LẬP MIẾN ĐIỆN AUNG SAN SUU KYI SẼ GẶP TỶ PHÚ MỸ GEORGE SOROS (Trọng Nghĩa, RFI)



Trọng Nghĩa   -   RFI
Thứ bảy 31 Tháng Mười Hai 2011

Thêm một dấu hiệu Miến Điện mở cửa: Theo phát ngôn viên của bà Aung San Suu Kyi vào hôm qua, 30/12/2011, lãnh tụ đối lập Miến Điện sẽ tiếp nhà tỷ phú Mỹ George Soros vào thứ Hai 02/01/2012 tới đây tại tư dinh của bà ở Rangoon. Nội dung cuộc gặp không được tiết lộ, nhưng nhà tỷ phú nổi tiếng nằm trong một loạt nhân vật tầm cỡ thế giới ghé Miến Điện, tiếp xúc với người từng đoạt giải Nobel Hòa bình từ khi bà được chính quyền trả tự do.

Năm nay 81 tuổi, tỷ phú Soros trong thời gian qua đã được biết đến trong tư cách là một nhà hảo tâm, rất quan tâm đến việc tài trợ cho các sáng kiến nhằm phát huy dân chủ trên thế giới thông qua Hội Open Society Foundation do ông thành lập.

Đối với Miến Điện, hiệp hội của ông Soros hàng năm chi khoảng 2 triệu đô la vào các dự án ở trong cũng như ngoài nước nhằm khuyến khích tiến trình dân chủ hóa. Sự kiện một nhân vật như ông được chính quyền Miến Điện bật đèn xanh cho gặp lãnh tụ đối lập là thêm một dấu hiệu phản ánh tiến trình mở cửa tại quốc gia Đông Nam Á này từ một năm nay.

Dù thông tin về chuyến ghé thăm Miến Điện của ông Soros được hoàn toàn giữ kín, nhưng các nguồn thạo tin tại Rangoon đã xác định với nhật báo Anh Financial Times rằng nhà tỷ phú Mỹ đã đến Miến Điện bằng phi cơ riêng từ ngày 26/12. Ông đã được nhân viên hiệp hội của ông tại Miến Điện tháp tùng theo trong chuyến thăm.

Theo các nhà quan sát, ngoài vấn đề phát huy dân chủ tại Miến Điện, cuộc tiếp xúc giữa ông Soros và bà Suu Kyi chắc chắn sẽ đề cập đến lãnh vực kinh tế và triển vọng nước này được Hoa K và châu Âu gỡ bỏ trừng phạt. Là công dân Mỹ, nhà tỷ phú Soros không thể đầu tư vào Miến Điện do việc Washington còn duy trì cấm vận. Tuy nhiên, trong thời gian tới đây, các biện pháp ngặt nghèo này có rất nhiều khả năng được bãi bỏ.

Từ khi được trả tự đo, lãnh tụ đối lập Miến Điện đã được rất nhiều thượng khách quốc tế ghé thăm, từ Ngoại trưởng Mỹ, Indonesia, hay là Nhật, cho đến thủ tướng Thái Lan và nhiều quan chức cao cấp khác.

------------------------------

Trọng Nghĩa   -   RFI
Thứ bảy 31 Tháng Mười Hai 2011

Nhận xét chung của tất cả các nhà quan sát cho đến nay đều thống nhất trên một điểm : Lãnh tụ đối lập Miến Điện Aung San Suu Kyi và Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ do bà thành lập rất được lòng dân. Sắp tới đây, nhận xét này sẽ được kiểm nghiệm trong thực tế với cuộc bầu cử Quốc hội bổ sung được tổ chức vào đầu tháng Tư năm 2012.
Trong một thông cáo đọc trên đài phát thanh và truyền hình vào hôm qua, 30/12/2011, Ủy ban Bầu cử Miến Điện cho biết là cuộc bầu cử mới sẽ diễn ra ngày Chủ nhật 01/04. Những ai muốn tham gia sẽ phải đăng ký và nộp danh sách ứng cử viên trong thời gian từ ngày 16 đến ngày 31 tháng Giêng 2012.

Tổng cộng sẽ có 48 đại biểu được bầu bổ sung lần này : 40 ghế dân biểu tại Hạ viện, 6 ghế Thượng nghị sĩ và hai thành viên trong các Nghị viện địa phương. Cuộc bầu cử này được tiến hành nhằm bổ khuyết vào các chỗ bị bỏ trống sau khi một loạt những người được bầu trong cuộc tuyển cử vào tháng 11 năm 2010, đã trở thành bộ trưởng và thứ trưởng trong chính phủ dân sự của tổng thống Thein Sein.

Ngay trước khi ngày bầu cử được chính thức loan báo, bà Suu Kyi đã cho biết ý định ra tranh cử lần này. Đảng đối lập Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà đã chính thức đăng ký hoạt động cách đây một tuần, sau khi chính quyền đã điều chỉnh luật bầu cử để họ có thể tham gia.

Theo giới quan sát, cuộc bầu cử sắp tới đây sẽ là bài trắc nghiệm trên hiện trường đầu tiên về uy tín của đảng được quân đội Miến Điện hậu thuẫn so với Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ do nhà lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi dẫn đầu.

Đối với chính quyền của tổng thống Thein Sein, cho dù Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ giành được toàn bộ số ghế bổ sung trong cuộc bầu cử sắp tới, thực lực của đối lập vẫn không đđđe dọa đa số tuyệt đối mà đảng cầm quyền và quân đội đang nắm giữ trong nghị viện Miến Điện.

Thật vậy, hiện nay, quân đội Miến Điện mặc nhiên có 110 ghế trong Hạ viện có 440 dân biểu, và 56 ghế trong Thượng viện gồm 224 Thượng nghị sĩ. Trong số 498 ghế được đưa ra bầu cuối năm ngoái, đảng Liên hiệp Đoàn kết và Phát triển do quân đội ủng hộ chiếm khoảng 80%.

Tuy nhiên, vì cuộc bầu cử hồi tháng 11 năm 2010 không có sự tham gia của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, cho nên không thể biết được là chiến thắng của đảng được quân đội Miến Điện hậu thuẫn có thực sự thể hiện nguyện vọng của người dân hay không. Kết quả cuộc bầu cử sắp tới đây sẽ cung cấp lời giải đáp đầu tiên.

Đối với Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ cũng thế, dù đã từng thắng lớn trong cuộc bầu cử vào năm 1990 - mà kết quả không hề được tập đoàn quân sự Miến Điện công nhận nhưng hơn 20 năm sau, liệu uy tín của họ còn nguyên vẹn hay không ? Ẩn số này cũng sẽ có đáp án vào ngày 01/04.

Riêng đối với bà Aung San Suu Kyi, cuộc bỏ phiếu sắp tới sẽ cho bà cơ hội tham gia một Quốc hội vẫn còn bị các đồng minh của chính quyền quân sự trước đây thống trị. Nếu đắc cử, hiển nhiên bà ​​sẽ trở thành lãnh đạo phe đối lập chính thức của Miến Điện trong Quốc hội.

Về phần chính quyền Miến Điện, việc bà Aung San Suu Kyi và Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ tham gia đời sống chính trị sẽ mang lại cho họ tính chính đáng mạnh mẽ hơn, cả ở trong nước lẫn ngoài nước.

Theo nhiều nguồn tin thân cận với chính quyền Miến Điện, hiện tại, bản thân chính phủ cũng muốn bà Suu Kyi và đảng của bà có mặt trong Quốc hội để cung cấp cho định chế này tính chính đáng còn đang thiếu và giúp chế độ cải thiện hình ảnh của mình.

Các chuyên gia phân tích đều cho rằng giới lãnh đạo Miến Điện, được quân đội hậu thuẫn, đã nhận thức rõ ảnh hưởng to lớn của bà Suu Kyi đối với cộng đồng quốc tế. Họ cũng đã hiểu được rằng đóng góp của bà rất cần thiết, không chỉ đđạt được quyền làm chủ tịch ASEAN vào năm 2014 điều mà họ đã giành được - mà còn là để thúc giục phương Tây bãi bỏ các biện pháp trừng phạt vốn đã kềm hãm sự phát triển kinh tế của Miến Điện từ năm 1988 đến nay.
.
.
.

No comments:

Post a Comment