Monday, December 26, 2011

DU HỌC SINH VIỆT TẠI MỸ : GIA ĐÌNH NÀO CÓ KHẢ NĂNG CHO CON DU HỌC ? (Huy Phương)



Du học sinh Việt tại Mỹ
Huy Phương/Người Việt

Trong số 60,000 du học sinh Việt Nam hiện nay, ngoại trừ khoảng hơn 4,000 người học bằng ngân sách chính phủ theo đề án 322, vài ngàn người theo học bằng các học bổng chính phủ, số còn lại đi học bằng con đường tự túc. Số lượng sinh viên Việt Nam học tập tại các trường đại học và cao đẳng của Mỹ lên tới gần 15,000 người trong năm học hiện tại, đưa Việt Nam lên thứ 8 trong danh sách các nước có nhiều sinh viên học tại Mỹ. Trong năm học này, số sinh viên người Việt theo học tại các đại học và cao đẳng của Mỹ đã tăng 14%, từ 13,112 người lên thành 14,888 người. Với con số này, Việt Nam hiện xếp thứ 8 trong số những nước có nhiều sinh viên du học nhất ở Mỹ, cách đây 5 năm, số sinh viên du học Mỹ chỉ đứng hạng 20.

Những con số

Những con số thực tế sau đây do gia đình một du học sinh tại Mỹ (thuộc loại giàu có) cung cấp cho chúng tôi vào thời điểm 2011:
- Ðóng lệ phí xin visa: $140 cho lãnh sự quán tại VN (nếu phỏng vấn không đậu thì không hoàn trả)
- Dịch vụ làm hồ sơ (chọn trường, liên lạc với trường và hướng dẫn làm thủ tục phỏng vấn, hồ sơ chứng minh tài chính ...) từ $1,500 - $2,000 (nếu mình tự làm thì không mất tiền).
- Chi phí cho du học: Nếu vào trường cộng đồng: Học phí từ $15,000 - Vào thẳng các đại học từ $30,000 đến $40,000/năm (tùy theo trường và tiểu bang).
- Ăn, ở, đi lại tự túc: Thuê nhà hoặc share phòng từ $350 đến $1,000 (rẻ như ở Dallas, đắt như San Francisco) một tháng. Một năm khoảng $4,000 - $12,000. Tiền ăn, tiền xe khoảng $150- $200/1 tháng. Một năm khoảng $1,800- $2,400.
- Ở ký túc xá: Ăn ở trong trường 1 năm từ $10,000 -$15.000.
Tiền di chuyển: ít đi lại khoảng $600-$1,000/ năm
- Bảo hiểm y tế: $1,000/năm
- Sách và tài liệu: $500 (tùy thuộc vào môn học).
- Chi phí về thăm nhà mỗi năm một: $1,500.
Tổng số chi phí cho 1 năm du học tại Mỹ từ: $45.000 - $60,000.

Một sinh viên từ Việt Nam muốn sang du học tại Mỹ thường phải lo từ các dịch vụ ở Mỹ, “bao trọn gói” khoảng $2,000. Dịch vụ sẽ tìm đại học ghi danh cho sinh viên cho đến khi họ được cấp mẫu I-20, nghĩa là chấp nhận cho sinh viên được ghi danh theo học tại một trường ở Mỹ, lúc đó Tòa Ðại Sứ Mỹ mới cho phép sinh viên được vào phỏng vấn. Cũng không phải ai được ghi danh tại một trường ở Mỹ đều giỏi Anh ngữ, bên cạnh nhân viên sứ quán Mỹ có thông dịch viên. Nhân viên phỏng vấn sẽ xem xét học bạ, giấy tờ công ăn việc làm, tài khoản ngân hàng, bất động sản của cha mẹ, ý hướng của du học sinh. Việc phỏng vấn du học sinh càng ngày càng gay go, nhưng cứ đóng lệ phí $200 là được vào phỏng vấn, nên có du học sinh kiên nhẫn đi phỏng vấn đến lần thứ 4 mới đậu, nhưng cũng có du học sinh cảm thấy khó khăn nên chuyển sang các nước khác.

Dư luận vẫn thường cho rằng sinh viên Việt Nam được du học sang Mỹ đều là “con ông cháu cha” hay “con cái cán bộ cao cấp,” nhưng theo kỹ sư Nguyễn Hoan, một công dân Mỹ ở Dallas Ft Worth có những khế ước làm việc tại Việt Nam và là người gần gũi với các du học sinh ở địa phương thì cho rằng cũng có 30% là thuộc gia cảnh trung bình đã tạo đầy đủ chứng từ nhà đất, tài khoản hay học bạ vì muốn sở hữu mọi thứ giấy tờ ở Việt Nam không phải là chuyện khó. Một viên chức chỉ có số lương $500 mỗi tháng, có thể làm những hợp đồng (ma) với những công ty quen biết, để có thể có đủ con số lợi tức cho con du học.

Du học ở đâu?

Một sinh viên tên Thảo ở Saigon, sau khi được cấp visa du học vào Mỹ đã cho biết cô đã phấn đấu để được du học Mỹ vì Mỹ có hệ thống giáo dục tân tiến, bằng cấp được cả thế giới công nhận, đại học Mỹ có các hoạt động văn hóa thể thao, và có những con người năng động giúp cho cô có kinh nghiệm sống, và giúp tìm hiểu nhiều nền văn hóa khác nhau của một quốc gia đa văn hóa như tại Mỹ. Nhiều gia đình cũng tính toán vào giá trị của đồng ngoại tệ, du học ở Anh Quốc, Thụy Sĩ thì tiền quá cao, rẻ thì chọn New Zealand, Phần Lan hay chọn “gần nhà” như Úc, Singapore. Cách đây hai năm, du học ở Úc rẻ như Mỹ nhưng bây giờ du học ở Úc lại tốn kém hơn, nên có sinh viên sau hai năm ở Úc lại đổi sang quốc gia khác.

Nhiều người cho rằng Mỹ cấp visa du học căn cứ vào khả năng tài chánh của gia đình ứng viên du học, nhưng sự thật có nhiều con em của các “đại gia” giàu có nổi tiếng ở Saigon khi vào phỏng vấn vẫn bị rớt. Năm ngoái một tờ báo ở Saigon đã nêu vấn đề thắc mắc về nguyên tắc để được cấp visa du học, đã được Lãnh Sự Quán Mỹ tại Saigon trả lời là vấn đề này do các viên chức phỏng vấn sứ quán có toàn quyền quyết định mà không cần giải thích hay cứu xét khiếu nại.

Về hay ở lại?

Ở Việt Nam hiện nay du học nằm trong cơn sốt xuất ngoại, cũng như việc lấy chồng ngoại quốc, hay xuất khẩu lao động. Lấy chồng Ðài Loan hay đi làm công nhân là đường ngắn, những gia đình có học vấn nghĩ con đường xa, đầu tư cho tương lai gia đình bằng cách tạo cơ hội cho con ra ngoại quốc du học, nên dù phải bán xới của cải, vay mượn để có tiền lo cho con. Trên lý thuyết cho con đi du học là để kiếm bằng cấp và tương lai cho con, nhưng sự thật thì cha mẹ nào cũng muốn cho con có cơ hội ở lại ngoại quốc (có việc làm hay kết hôn) dù là Mỹ, Canada hay Úc, để lập một “đầu cầu” sau này cho toàn bộ gia đình rời bỏ Việt Nam. Hầu như tất cả du học sinh đi làm trong các tiệm ăn ở Dallas Ft Worth mà tôi được gặp, cố đặt câu hỏi “về hay ở lại” với các em, đều được trả lời với một cái nhún vai hay một nụ cười rộng mở. Các em cho biết có du học sinh sang đây chưa đầy hai năm đã có cơ hội kết hôn rồi. Sinh viên Ðào Nhật, quê ở Hải Phòng, mới sang Mỹ chưa đầy năm, thì dè dặt hơn, cho biết một cách thành thật: “ngày ấy nếu không có ai níu kéo thì về,” và “nếu kiếm được việc làm ở Mỹ thì cũng tốt thôi!” Ðó là đối với các sinh viên không có cha mẹ là cán bộ cao cấp trong chính phủ, không có cơ sở làm ăn của gia đình hay không là “đại gia.” Trong mười năm, ít nhất là một vài lần, tôi được những người quen có con cháu du học, nửa đùa nửa thật nói rằng: “Cháu nó qua du học, bác có đám nào thì giới thiệu cho cháu đi!”

Nhiều sinh viên khá giả du học trở về để quản lý các dịch vụ hay tài sản của gia đình. Báo chí kể về cô Bùi Khánh Trang 23 tuổi, được gia đình cho du học Anh Quốc về ngành quản lý kinh tế, về nước năm 2010, hiện nay quản lý một nhà hàng ăn ở Saigon với số vốn lên đến 400,000 đô la, số nhân viên lên đến 80 người, doanh thu mỗi ngày lên đến 2,000 đô la. Hay như con trai ông Nguyễn Tấn Dũng, tiến sĩ công chánh, du học xong chắc chắn phải về nước, đã sẵn có thế lực để “củng cố đời con,” bây giờ đã có chức thứ trưởng. Những trường hợp như vậy thì đâu cần ở lại ngoại quốc.

(Kỳ sau: Buồn vui của một du học sinh Việt Nam trên đất Mỹ)

.
.
.

No comments:

Post a Comment