Wednesday, December 28, 2011

CHỈNH ĐỐN ĐẢNG HAY LÀ SỤP ĐỔ (Mặc Lâm, RFA)



Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2011-12-28

Như lệ thường, mỗi cuộc họp của Ban Chấp hành Trung ương Đảng được chú ý nhất vẫn là phát biểu của Tổng Bí Thư về những vấn đề có liên quan đến Đảng cầm quyền.
Kỳ họp lần thứ Tư khóa XI đã mở ra nhiều câu hỏi qua phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng kêu gọi xây dựng và chỉnh đốn Đảng nếu không muốn vị sụp đổ. Mặc Lâm theo dõi và ghi nhận.

Ngày 26-12-2011, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Khóa XI đã khai mạc tại Hà Nội và bài phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm hội nghị nóng lên bởi tính chất quan trọng của nó. Ông Nguyễn Phú Trọng thẳng thắng cho rằng xây dựng, chỉnh đốn Đảng là công việc rất phức tạp, nhưng không thể không làm, vì nó liên quan đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ...

Nhìn nhận của Tổng Bí thư

Phát biểu của Tổng Bí thư ngoài một phần sự thật được hé lộ công khai cho thấy tình trạng ô nhiễm thật sự trong Đảng nó còn dẫn đến những thông tin phía sau khiến người dân không thể không quan tâm. Đây là lần đầu tiên một Tổng Bí thư lo ngại cho sự tồn vong của chế độ, điều mà nhiều đời Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam không bao giờ lo lắng bởi sức mạnh vô địch của nó đã được chứng minh qua từng thời kỳ trước đây.

Giáo sư Tương Lai, nguyên viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết ý kiến của ông về phát biểu
Với tư cách là một đảng viên hơn 50 năm tuổi Đảng rồi tôi rất mừng nếu ông Tổng Bí thư nhận ra được điều đó. Vấn đề đặt ra là tìm giải pháp nào để chỉnh đốn Đảng.
Nếu tự phê bình tự chỉnh đốn mình thì tôi không tin lắm việc tự phê bình đó nếu nó không có một cơ chế vận hành để hỗ trợ và làm áp lực. Nếu anh không tự chỉnh đốn thì anh bị gạt đi. Tạo ra cái cơ chế ấy thì mới chỉnh đốn Đảng được. Nếu như chỉ kêu gọi hãy thế này, hãy thế nọ thì tôi cho rằng rất vô duyên.

Đảng: ông vua tập thể?

Cái gốc khiến mỗi ngày Đảng càng rời xa những cương lĩnh ban đầu do chính Đảng lập ra là “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, dân làm chủ”. Đây là cơ chế gồm ba chủ thể có chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn riêng, không ai làm thay ai, không ai quyết thay ai.
Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An từng có nhận định rất nổi tiếng đó là vì Đảng làm thay, quyết thay nên Nhà nước và dân trở thành hình thức, hữu danh vô thực, người ta có cảm giác Đảng là vua. Không phải là một ông vua như thời phong kiến mà là vua tập thể thời Cộng hòa XHCN.

Việc làm thay quyết thay của Đảng thấy rõ nhất là trong những vụ án có liên quan đến các đảng viên cao cấp. Những bản án chỉ đạo hay bỏ túi đã khiến dư luận bức xúc vì tài sản quốc gia bị chiếm dụng không hoàn trả. Những bản án quá nhẹ so với mức độ phạm tội. Những đồng phạm không bao giờ bị phát hiện cùng những cái chết oan sai không giải quyết mà tội đồ là đảng viên cao cấp đã gây bao bất bình xã hội.

Giáo sư Tương Lai lên tiếng về việc này:
Mạng lưới pháp luật đang để cho ruồi to chui lọt, ruồi con mắc lưới. Xử án không ra xử án, kiểm sát không ra kiểm sát, công an tùy tiện bắt người. Tình trạng xã hội không thượng tôn pháp luật đó nó làm trầm trọng thêm tình hình tham nhũng.

Dư luận trong nhiều năm qua đã tỏ ra mất kiên nhẫn khi tình trạng cán bộ cao cấp, dĩ nhiên tất cả đều là đảng viên, lại vi phạm pháp luật công khai và thường xuyên trong những vụ án từ lớn tới nhỏ trên cả nước. Nếu thống kê đầy đủ từng vụ việc thì động cơ thúc đẩy đảng viên phạm pháp có thể gói chung trong ba nguyên nhân. Thứ nhất là quyền lực quá lớn, thứ hai là những kẻ phạm tội ngồi cao hơn luật pháp, và thứ ba là tâm lý bứt giây động rừng.

Sức mạnh của quốc gia: Luật pháp

Giáo sư Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Công nghệ và Khoa học cho biết ý kiến của ông:
Nếu người lãnh đạo cao nhất nhìn ra điều này mà khắc phục thì sớm bao nhiêu tốt bấy nhiêu cho xã hội. Tôi xin khẳng định là nếu thương tôn pháp luật không được những người, những tầng lớp cao nhất tôn trọng và
những người ấy không tôn trọng mà lại không bị xử lý một cách nghiêm khắc nhất, thì trong dân gian của ta các cụ cũng có nói: Thượng bất chính, hạ tất loạn.
Nếu trên không nghiêm thì dưới chắc chắn là sẽ vi phạm pháp luật và sa đọa về đạo đức nhiều hơn nữa. Mà muốn làm thì như người ta nói nhà đã dột thì phải chữa từ nóc chứ không phải sửa từ cầu thang trở lên. Trước hết là phải thượng tôn pháp luật.
Thượng tôn đúng với ý nghĩa tức là không ai được đứng trên pháp luật. Bất kể một tổ chức một cá nhân nào không được đứng trên pháp luật mà khi đã vi phạm pháp luật thì phải bị nghiêm trị. Cái đó mà làm được thì mới đưa tất cả hoạt động của xã hội vào nề nếp được.


Sự tồn vong của chế độ bị lung lay từ những mầm mống mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ ra là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Ông Trọng nhấn mạnh cán bộ quản lý, cán bộ lãnh đạo các cấp trong đó có cấp trung ương là những người đã tiên phong trong việc làm đạo đức xuống cấp bởi tham nhũng, bởi cửa quyền và nhiều hành vi bất chính khác.

Một trong những nguyên nhân: tham nhũng…

Không ai còn lạ gì tình trạng tham nhũng tại Việt Nam. Đảng viên càng cao cấp thì mức độ tham nhũng càng tinh vi và nghiêm trọng. Đảng đã tạo cơ hội cho những cán bộ cao cấp tham nhũng qua các chỉ thị ngầm hay gắn liền các liên hệ với nhau bằng một đường dây khép kín nhằm chia sẻ quyền lực lẫn lợi nhuận.

Giáo sư Tương Lai nói về vấn đề này:
Một trong những nguyên nhân rất cơ bản làm cho Đảng càng ngày càng mất uy tín trong dân chúng là việc các vị quyền cao chức trọng, các vị nắm trong tay quyền hành rất lớn để mà tham nhũng. Tham nhũng không phải bình thường mà qua hóa giá đất, hóa giá nhà biến thành “dĩ công vi tư”.
Cả một mạng lưới khép kín, tinh vi của quy trình hóa giá khiến trong phút chốc những công bộc của dân sở hữu những căn nhà to đùng ngạo nghễ nằm ở những vị trí một tấc đất không phải tấc vàng nữa mà là cả cây vàng, treo tấm gương lừng lững về sự bất công xã hội.

..và thiếu dân chủ

Qua lời của Tổng Bí thư hình như vẫn còn một giải pháp nào đó khả dĩ có thể tạo nên một khuôn mặt mới cho Đảng trước các xu thế không thể ngược lại của thế giới. Tuy nhiên vấn đề quan trọng nhất là thực thi dân chủ lại không được ông nói tới.

Giáo sư Tương Lai cho biết ý kiến của ông về giải pháp quan trọng bậc nhất này:
Giải pháp đó là phải thật sự mở rộng dân chủ. Tạo nên một cơ chế phê bình mạnh mẽ. Đối thoại mạnh mẽ. Tranh luận mạnh mẽ. Phản biện mạnh mẽ không chỉ trong Đảng mà còn trong xã hội nữa. Phải dùng áp lực của xã hội tác động vào Đảng để Đảng tự chuyển biến.
Rồi từ chuyển biến của Đảng nó tác động đến xã hội, hai mặt đó nó tương tác, biện chứng với nhau. Nếu chừng nào cón né tránh, không thật sự mở rộng dân chủ, còn ngại mở rộng dân chủ dễ bị lợi dụng thì tôi cho không đúng.

Sẽ mất tính chính đáng nếu vẫn ngủ quên

Và Giáo sư Chu Hảo nhấn mạnh:
Nếu Đảng Cộng sản Việt Nam muốn duy trì được sự lãnh đạo của mình thì phải củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng như thời kỳ trước đây. Cái niềm tin được tạo dựng trong lòng dân mấy chục năm trước qua hai cuộc kháng chiến dành thắng lợi vá thống nhất được đất nước thì cái niềm tin ấy trong dân theo tôi nghĩ còn đang rất mạnh. Thế nhưng những năm gần đây thì những niềm tin đó càng ngày càng sa sút.
Nếu như Đảng không gương mẫu trong chuyện thượng tôn pháp luật thì cái niềm tin ấy không còn. Nếu niềm tin trong lòng dân không còn thì tính chính đáng của sự lãnh đạo của Đảng sẽ không còn nữa.


Ngưởi dân mọi thành phần vẫn ao ước được sống trong một xã hội bình đẳng và thương tôn luật pháp trước khi nói tới những thành tựu có tính tuyên truyền hơn là ước mơ thật sự của họ. Nếu Đảng Cộng sản Việt Nam thật sự muốn chỉnh đốn để tiếp tục lãnh đạo đất nước thì con đường duy nhất là phải xem luật pháp cao hơn Đảng. Khi đã tư duy được như vậy thì mọi thứ khác sẽ tự nhiên tìm đến.

Theo dòng thời sự:
Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.
.
.
.

No comments:

Post a Comment