Friday, December 2, 2011

CÁ NÓC, THUYỀN THÚNG & CHÓ (Đào Tuấn)



Đào Tuấn
Đăng ngày: 01:05 02-12-2011

Trong ngày Yingluck Shinawatra, Thủ tướng chân dài, váy ngắn nhất Châu Á có chuyến thăm Việt Nam thì ở một làng nghề Phú Yên, ngư dân đang say sưa với việc xuất khẩu 80 chiếc thuyền thúng. Địa chỉ nhận hàng, lẽ dĩ nhiên là Bangkok, nơi trận lụt lịch sử vẫn đang hoành hành. Tin này thoạt nghe như đùa. Là bởi sau (quả) cau, và cá nóc, đây là một trong những mặt hàng thu ngoại tệ có vẻ kỳ cục. Tin này cũng thuộc loại tin khó tin bởi người Thái không hài hước đến mức bỏ ngoại tệ nhập khẩu một phương tiện dùng bất đắc dĩ vài ngày mà người ta có thể tạo ra chỉ cần bằng mồ hôi.

Có người cho đây là một sự nhanh nhạy của ngư dân, chính xác hơn là của các tư thương, được gợi ý từ trận lụt lịch sử năm 2008 ở Hà Nội. Nhưng thuyền thúng, cũng như cau, hay cá nóc sẽ là một trong những loại hàng hóa mang tính thời điểm, chỉ xuất được một lần duy nhất.

Đến đây, không thể không nhắc đến Đề án chế biến và xuất khẩu cá nóc được thực hiện hồi năm 2009. Đó là thời điểm, ở trong nước, cá nóc bị cấm đánh bắt, cấm mua bán, cấm…ăn. Do độc tính mà nó mang lại có hậu quả quá lớn mà cơ quan chức năng không thể chặc lưỡi như dân nhậu. Cần phải nói đây là đề án được Chính phủ chấp thuận, giao Bộ NN và PTNT tiến hành, với vốn đầu tư cỡ 3 triệu USD và kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu đến 10 triệu USD vào 3 thị trường Nhật, Hàn, Trung.

Có cái gì đó tiểu nông, chụp giật, thâm hiểm và bất chấp trong việc đồng ý cho phép triển khai Đề án. Bởi nếu, như TQ chẳng hạn, xuất khẩu cá nóc vào Việt Nam, hẳn báo chí sẽ tạo ra được một scandal kiểu như “Đầu độc dân tộc”.

Đành hiểu đây là một cái chặc lưỡi thiếu “tính nhân loại”. Đứa nào ăn đứa đó phải chịu trách nhiệm với cái…khẩu phàm. Miễn đó không phải là dân Việt.

Nhưng chưa qua giai đoạn thí điểm, đề án đứt gánh do phía đối tác dường như cũng nhận ra đây là một loại hàng hóa nguy hiểm, giống chất độc hơn là một loại thực phẩm.

Còn chuyện cau, xảy ra vào năm 2006. Bấy giờ, cả miền trung lao vào trồng và xuất cau khô. Giá mỗi kg cau tươi bầy giờ được thương nhân TQ mua tại vườn với giá 14.000 đồng. 1 kg cau khô xuất khẩu có giá tới 3,9 USD. Một năm sau, nông dân phá cau hàng loạt khi thậm chí cái giá 1.400 đồng/kg còn không đủ thuê nhân công leo trèo. Và từ đó, người TQ cũng không thấy nói lại câu chuyện mua cau ăn trầu nữa.

Mới nói, việc xuất khẩu một loại hàng hóa, không thể theo lối đánh bạc, không thể nhắm mắt mà bất chấp tất cả.
Chuyện xuất khẩu thuyền thúng có thể ngay lập tức mang về vài chục ngàn USD, nhưng sẽ rất nguy hiểm khi tư duy xuất khẩu này cứ duy trì. Bởi, Thái Lan, hay bất cứ quốc gia nào khác, sẽ khó có một trận lụt lịch sử thứ hai nặng nề và kéo dài đến mức phải bỏ ngoại tệ ra để nhập cả “hạm đội thuyền thúng”.

Dường như ngoài tài nguyên, “mồ hôi trên mồ hôi dưới” của những người đàn bà, và giờ là thuyền thúng, nước Việt chẳng xuất khẩu được cái gì được làm bằng đầu. Chẳng tạo ra một loại hàng hóa gì ngoài những thứ có sẵn.

Ngày 27-11, một bản tin của BBC lấy tiêu đề: “Cảnh sát Thái cứu chó khỏi bàn nhậu Việt”. Tuy không nói rõ người Việt mua chó bằng tiền gì, nhưng chắc chắn không phải là tiền đồng. Đây là bản tin thứ tư của BBC về chuyện chó Thái, người Việt. Và nếu như một cơ quan truyền thông lớn vào loại hàng đầu thế giới như BBC đưa về chuyện chó thì rõ ràng, vấn đề không đơn thuần chỉ là chuyện buôn lậu, không đơn giản chỉ là câu chuyện “ăn thịt chó” của người Việt Nam. Vấn đề cả thế giới nhìn thấy là tư duy tiểu nông với một bản tính hám lợi đến bất chấp. Ở quốc gia là Phật giáo là quốc giáo như Thái Lan, người ta không những không ăn thịt chó mà còn lập quỹ 20 triệu bạt để giải cứu chúng khỏi những bàn nhậu Việt Nam.

Liệu có nên mặc kệ những tay buôn lậu chó mang ngoại tệ đi nhập chó lậu, một hoạt động mà cái giá của nó phải đổi bằng những tháng năm bóc lịch sau song sắt?

Liệu có nên mỉm cười, vỗ tay ngay cả khi ngư dân thu được ngoại tệ bằng việc xuất khẩu hàng hóa chỉ dùng một lần, chỉ xuất một lần, loại hàng hóa được chế tạo bằng chân tay to hơn là bằng cái đầu?


.
.
.

No comments:

Post a Comment