Friday, December 2, 2011

BIỂN ĐÔNG : NGUỒN TRANH CHẤP TƯƠNG LAI hay CƠ HỘI HỢP TÁC TIẾN LÊN THÁI HÒA ? (Jacques Nguyễn Thái Sơn)



Jacques Nguyễn Thái Sơn
Thứ sáu, 02 Tháng 12 2011 22:11

Lời Giới Thiệu (Ngày Nay): Tác giả Nguyễn Thái Sơn (Sciences Po; Paris) hiện là Cố vấn Khoa học và Ngoại giao thuộc Viện Địa Lý Chính trị Paris, (Académie de Géopolitique de Paris, France), và cũng là Đồng tổng biên tập (Coediteur) của Tạp Chí Géostrategique (Địa Chiến Lược Hoàn Cầu) do viện trên xuất bản mỗi tam cá nguyệt (www.strategicsinternational.com). Bản gốc của bài tham luận này do Giáo Sư Nguyễn Thái Sơn soạn thão và đăng trong số 33 sắp phát hành của tạp chí nói trên,vừa phiên bản điện tử vừa in trên giấy, và đã được Giáo Sư Nguyễn Thái Sơn chuyển đến Ngày Nay để phổ biến. Bản tiếng Việt do Ngày Nay chuyển ngữ.

Một vài cảm nghĩ của GS Vũ Quốc Thúc: nhân dip đọc bài khảo luận của Ông Nguyễn Thái Sơn.

Ông Nguyễn Thái Sơn có nhã ý gửi cho tôi bài khảo luận của Ông sẽ đăng trong tạp chí Revue Géostratégique Académie de Géopolitique de Paris) cùng bản dịch ra Việt văn dưới tựa đề: “Biển Đông (Biển Hoa Nam): Cội nguồn tranh chấp tương lai hay cơ hội hợp tác tiến đến thái hoà?”. Đây là một tài liệu có giá trị rất cao vì tác giả là Cố vấn của một cơ quan đào tạo và khảo cứu danh tiếng là Viện Địa lý chính trị Paris . Từ điểm quan sát “siêu quốc gia” này, dựa trên nhiều tin tức khả tin, Ông Sơn có thể cho chúng ta thấy bức hình toàn diện của một khu vực rộng lớn, không phải chỉ có những nước thuộc Hiệp Hội Đông Nam Á (ASEAN) mà còn cả các quốc gia ven bờ Thái Bình Dương như: Hoa Kỳ, Trung Hoa, Nga, Nhật Bản, Đại Hàn, thêm Uc Đại Lợi, Ân Độ ... Tất nhiên, tác giả cũng từng trao đổi ý kiến với nhiều nhân vật có tầm nhìn xa xôi trong tương lai .

Đọc bài khảo luận cô động nhưng rất phong phú của ông tôi đặc biệt chú ý đến mấy điểm sau đây:

Điểm thứ nhất – Sự trở lại vùng Đông Nam Á của Hoa Kỳ

Từ ngày Hoa Kỳ rút lui khỏi chiến trường Đông Dương, nhiều người đã thành thực tin rằng ảnh hưởng của siêu cường này trong vùng Đông Nam A ngày càng suy yếu giống như trường hợp các “mẫu quốc” Anh, Pháp, Hoà Lan sau khi các thuộc địa của họ giành lại quyền độc lâp. Sự thực những năm gần đây khác hẳn dự đoán này: Dựa trên nhiều chứng cớ cụ thể, tác giả xác quyết là Hoa Kỳ sẽ là một thế lực có ảnh hưởng quyết định không những trong giai đoạn trước mắt mà còn trong tương lai. Sự trở lại của Hoa Kỳ sẽ khiến cho cục diện vùng Đông Nam Á nói riêng và toàn vùng Thái Bình Dương, Ân Độ Dương nói chung, thay đổi hẳn. Mặc dù, quân đội của Mỹ không chắc còn đồn trú trên lục địa nhưng với các phương tiện tối tân mà siêu cường này có thể sử dụng bất cứ lúc nào ở bất cứ nơi nào thìđó vẫn là một lực lượng mà mọi địch thủ phải kinh nể. Đây là một điều khiến những nước đang tranh chấp với Trung Hoa về chủ quyền lãnh hải trên biển Đông – trong đó có Việt Nam – vững tâm hơn không chịu nhượng bộ trước những yêu sách quá đáng của cường quốc “đang vươn lên” này.

Điểm thứ hai – Trung Hoa không mạnh như nhiều người nghĩ

Trong những năm qua, người ta đã nói rất nhiều đến các thành quả ngoạn mục mà Trung Hoa đã đạt được: Chẳng hạn cán cân mậu dịch luôn luôn thặng dư khiến nước này hiện nắm giữ một số ngoại tệ rất lớn, trên 3000 tỉ đô la Mỹ; rồi thì việc Trung Hoa hiện đại hoá quân lực, đặc biệt là trong ngành hải quân, với những hàng không mẫu hạm khả dĩ tham chiến ở các vùng xa xôi; rồi tới việc Trung Hoa tung tiền và di dân đến những nước ở Nam Mỹ, ở Phi Châu và dĩ nhiên ở các nước “láng giềng sát nách” như Việt Nam, Lào Quốc, Thái Lan, Miến Điện v.v... Có người còn tiên tri rằng: Trong một tương lai không xa, Trung Hoa sẽ vượt cả Hoa Kỳ và trở nên đệ nhất siêu cường. Khỏi cần nói người ta đã nêu cao xu hướng bành trướng bá quyền của Trung Hoa, khiến những kẻ khiếp nhươc vội vã “đầu hàng” muốn xung ngay vào hàng ngũ của kẻ “sẽ thắng”!
Trong thực tế, Trung Hoa có mạnh như ta tưởng không? Ông Nguyễn Thái Sơn đã dựa trên những tin tức chinh xác, rất khả tin, để chứng minh là Trung Hoa có nhiều nhược điểm và có thể lâm vào tình trạng bất ổn trong lãnh vực kinh tế, xã hội, chính trị ... Sở dĩ thế giới không biết rõ thực trạng của Trung Hoa, chỉ vì nước này kiểm soát gắt gao mọi phương tiện truyền thông đại chúng. Nhưng với những tiến bộ “cao tốc” của kỹ thuật truyền thông, sự kiểm soát còn giữ mãi được hiệu quả không? Chắc chắn không. Do đó, sớm muộn gì người ta cũng biết Trung Hoa là “một anh khỗng lồ chân đất sét”. Sự bùng nỗ từ nội tâm có thể xảy ra khiến quốc gia khỗng lồ này tan thành nhiều tiểu quốc... Dù không tin những điều tiên đoán của tác giả, ta vẫn có quyền hoài nghi sức mạnh của Trung Hoa, do đó có thể yên tâm chống lại mọi mưu toan xâm lăng của Bắc Kinh . Nhất là khi ta có thể nhờ Đồng Minh tiếp tay.

Điểm thứ ba – Trong giai đoan trước mắt, chiến tranh quân sự có cơ xảy ra do các vụ tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông không?

Ông Nguyễn Thái Sơn đã phân tích tỉ mỉ những cố gắng liên tục của các nhà ngoại giao trong vùng Đông Nam Á và nói chung trong toàn khu vục rộng lớn Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương để tiến tới sự chấp thuận những nguyên tắc ứng xử, những phương thức điều đình, kể cả những dự án cơ chế công tác để duy trì an ninh chung. Đây là một điều cho phép ta tin rằng nguy cơ chiến tranh càng lúc càng bị đẩy lùi. Các nhà lãnh đạo ở các nước trong khu vuc đã ý thức rõ ràng nhu cầu giải quyết mọi sự tranh chấp bằng ngoại giao, qua những cuộc điều đình đa phương hay song phương: nhờ vậy nếu có xung đột quân sự thì vẫn có thể giới hạn ở một địa phương hạn hẹp, không lan rộng ra những địa phương khác. Kinh nghiệm thời kỳ tiền Thế Chiến 2 cho thấy chiến tranh đã xảy ra chỉ vì có những kẻ muốn dùng võ lực để đặt đối phương trước một tình trạng bất ngờ. Ngày nay, qua những đường dây “điện thoại đỏ” họ có thể tiếp xúc dễ dàng để tránh những phản ứng vội vã. Vả chăng nhờ ở kỹ thuật thông tin hiện đại các cơ quan hợp tác quốc tế có thể can thiệp mau chóng nhờ vậy mà tránh được nguy cơ chiến tranh bất ngờ xảy ra .

Các điểm suy tư vừa rồi đưa tôi đến mộtđiểm chót có tính cách kết luận và đề nghị cụ thể:

Điểm thứ tư – Nhắc lại các đề nghị đã đưa ra nhân dịp Việt Nam đươc bầu làm Thành viên không thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc

Cách đây 4 năm, nhân dịp Việt Nam được bầu làm thành viên không thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, tôi có đưa 3 đề nghị cụ thể:

1) Kiện toàn nền độc lập của xứ sở để tách rời chính quyền khỏi sự thống trị của Đảng Cộng Sản Việt Nam và nhờ vậy tránh được sự “đô hộ” của Đảng Cộng Sản Trung Hoa;

2) Biến chính sách đối ngoại kiểu “đu dây” giữa Trung Hoa và Hoa Kỳ thành một quy chế “trung lập vĩnh viễn” theo Quốc Tế Công Pháp;

3) Vận động các nước Đông Nam Á,đồng cảnh ngộ với ta để hình thành một Khu Vực Trung Lập ngõ hầu bảo vệ nền độc lập của dân tộc trước mọi mưu toan bành trướng bá quyền của các siêu cường.


Qua bài phân tích thời cuộc của Ông Nguyễn Thái Sơn, tôi nhận định giờ đây là đúng thời điểm để giới hữu quyền nước ta thực thi hoặc hoàn tất những công tác nói trên: các điều kiện khách quan đều thuận lợi. Chỉ còn điều kiện chủ quan là các giới đó có thiện chí và dũng cảm để hành động không?

Vũ Quốc Thúc
Paris, ngày 28 tháng 11 năm 2011

***

Biển Đông : Nguồn tranh chấp tương lai hay cơ hội hợp tác tiến lên thái hòa?
Jacques Nguyễn Thái Sơn

Tóm lược:
Trong nhiều năm qua, nhất là kể từ 2008, BiểnĐông( Nam Hoa),viết tắt là BĐ(BNH) đã chứng kiến nhiều rối loạn nghiêm trọng, đối đầu một bên là nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (CHNDTQ) đang trổi dậy và có thái độ bành trướng hung hãn, và một bên là những nước trong khối Hiệp Hội các Quốc gia Đông Nam Á,(1) (ASEAN) cùng với Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản và Úc Châu, trong số nhiều quốc gia khác. Nhiều người đã vội vã tiên đoán một cuộc đụng độ không tránh được giữa hai khối nói trên khiến khu vực Biển Đông (BNH) có thể trở thành nơi phát sinh tranh chấp trong tương lai (Robert.D Kaplan, Foreign Policy, Oct 2011 “South China Sea: the future of conflict” và Hillary Clinton: Asia-Pacific: America’s Pacific Century, Nov 2011) (2). Bề ngoài; những rủi ro đó đều có thật và tình trạng căng thẳng đã thấy rõ. Tuy nhiên, tôi vẫn nghĩ rằng nền hòa bình Mỹ “Pax Americana”, tuy đôi lúc đã gặp khó khăn, vẫn có thể tiếp tục tồn tại và thích nghi được với tương quan lực lượng hiện nay trong vùng để có thể bao trùm luôn cả Trung Quốc, lúc đó sẽ trở thành một đối tác trưởng thành và tự tin, khôn ngoan và có trách nhiệm hơn khả dĩ chấp nhận một hệ thống an ninh chung hiện nay vẫn còn thiếu vắng, tuy rằng những nét căn bản của hệ thống đó đã được các quốc gia trong khối ASEAN phác họa. Chính vì vậy cho nên những nước duyên hải trong vùng BĐ(BNH), và ngay cả trong không gian Ấn Độ -Thái Bình Dương có thể phát triển dưới sự che chở của một nền Hòa Bình Thái Bình Dưong hoặc rộng hơn “Ấn độ - TháiBìnhDương” (Pax Pacifica” hoặc “Pax Indo-Pacifica”, và Biển Đông (BNH) có thể trở thành nơi phát sinh nhiều cơ hội hợp tác có hiệu quả trên đường tiến đến một Vùng thịnh trị Thái Hòa chưa từng có!

Biển Đông (BHN) một vùng chiến lược hàng đầu

Đại đa số chúng ta đều đồng ý về tầm quan trọng địa chiến lược vượt bực của vùng biển này, không những cho Đông Nam Á, mà còn cho cả vùng Tây Thái Bình Dương, và từ đó, cho toàn thế giới. Trước hết đó là một vùng biển nửa kín, gần như là một Địa Trung Hải của Á châu, Bắc giáp Đài Loan, Trung Quốc (đảo Hải Nam) và phía Nam, giáp những nước thành viên của ASEAN kéo dài đến Ấn Độ Dương. Đó là huyết mạch hàng hải lớn nhất thế giới vận chuyển gần 70% lượng mậu dịch, (gồm 80% về năng lượng) giữa Phi Châu và Âu Châu với vùng Đông Nam Á và Đông Á.

(Bản đồ khu vực BĐ (BNH) và bản đồ các nước ASEAN.)

Diện tích toàn vùng lên đến 3.500 000 cây số vuông, phía Bắc, từ Đài Loan, và phía Nam đến Singapore. Vùng này nhiều thủy sản và tài nguyên quặng mỏ, đặc biệt là dầu khí với trữ lượng được kiểm chứng được ước tính lên đến 7 tỷ thùng (trữ lượng ước đoán: 28 tỷ thùng) và khí đốt với trữ lượng được ước tính là 266 tỷ thước khối (3). Nhiều chiến lược gia đã đưa ý tưởng là nước nào làm chủ được vùng biển này thì sẽ kiểm soát được khu vực Tây Thái Bình Dương và Á Châu, và từ đó cả thế giới! Một thí dụ gần đây dường như đã kiểm nhận được tầm quan trọng của vùng biển này: vào những năm 1940, để có thể làm chủ được Á Châu, và ngăn chặn không cho Hoa Kỳ vào được cửa ngỏ hàng hải này, Nhật Bản đã chiếm đóng Đài Loan, Đông Dương, Phi Luật Tân, Singapore và Nam Dương, là những quốc gia vùng ven biển BĐ (BHN), để kiểm soát được vùng biển và những tài nguyên phong phú tại đó.

Nguyên do gây ra tình trạng căng thẳng và những tranh chấp tại Biển Đông (BHN): sự trỗi dậy và ý đồ bá quyền của Trung Quốc

Vùng Biển Đông (BHN) là một khu vực yên tịnh cho đến năm 2008 khi mà nền hòa bình Hoa Kỳ “Pax Americana” dường như còn đủ khả năng bảo đảm an ninh, sự ổn định và hòa bình,cần thiết cho sự phát triển của toàn vùng, kể cả nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa và khối ASEAN. Dường như Trung Quốc cũng đã chấp nhận tình trạng đó. Trong quá khứ, những triều đại Trung Hoa ít để ý đến vùng biển này, ít nhất là đến hai quần đảo Hoàng Sa ngoài khơi Đà Nẵng (Tourane cũ) và Trường Sa, phía Đông Trung Phần Việt Nam, ngoài khơi Qui Nhơn; Nha Trang và Vũng Tàu (Cap Saint Jacques) nằm mãi tận 1200 cây số phía Nam Trung Quốc. Không có một bản đồ chính thức nào của Trung Hoa thời đó có đề cập, hay ghi họa chính xác và rõ ràng những hải đảo này như thuộc chủ quyền của đế chế Trung Hoa. Mãi đến năm 1949, thì Mao Trạch Đông mới để ý đến tầm quan trọng chiến lược của vùng này, nhưng chưa đặt thành một vấn đề đối ngoại quan yếu trên trường quốc tế vì thiếu phương tiện. Tuy vậy, vào năm 1956, lợi dụng sự triệt thoái của quân lực Pháp khỏi Đông Dương; Bắc Kinh đã tiến chiếm một vài hải đảo trong vùng Hoàng Sa Đông, và tái tục hành vi lấn chiếm bằng vũ lực này vào tháng Hai 1974, để chiếm đoạt những hải đảo trong khu vực Hoàng Sa Tây trong một trận hải chiến đẩm máu với lực lượng Hải Quân Viêt Nam Cộng Hòa (miền Nam Việt Nam), lợi dụng sự triệt thoái của quân lực Hoa Kỳ khỏi Việt Nam kể từ năm 1973. Vào năm 1988, lợi dụng thế cô lập ngoại giao của Việt Nam và sự yếu kém của lực lượng hải quân nước này, Trung Quốc đã vận dụng vũ lực để truy đuổi các lực lượng Việt Nam ra khỏi một số hải đảo trong vùng Trường Sa, vốn vẫn do Việt Nam giành chủ quyền kể từ thế kỷ 17, dựa vào những chứng cứ lịch sử rõ rang, chính xác và sự khai thác liên tục trên quần đảo.

Tuy nhiên, kể từ năm 2008, đặc biệt là từ 2009 cho đến nay, nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc đã vận dụng thủ thuật "đả đả, đàm đàm" quen thuộc của họ, để lần lượt đe dọa, và hơn thế, còn khiêu khích và hăm dọa, rồi xoa dịu đối với các nước trong khối ASEAN, đặc biệt là Phi Luật Tân và Việt Nam, là hai nước quan ngại nhất trước những sự lấn chiếm của Trung Quốc, đồng thời cũng là hai nước kháng cự mạnh nhất.

Về phần mình, vào năm 2009, nước CHNDTQ đã đòi chủ quyền trên 80% vùng Biển Đông (BNH), nại lý do "những yếu tố chủ quyền do phát hiện lịch sử" từ thời Hán (2 thế kỷ trước Công Nguyên), nhà Minh và nhà Thanh (từ thế kỷ thứ 15 đến 19) mà không có ý tôn trọng công pháp quốc tế về biển đảo, đặc biệt là Công Ước UNCLOS 1982 của Liên Hiệp Quốc, mà chính Bắc Kinh đã phê chuẩn, cũng như những bằng chứng về sự chiếm đóng và khai thác liên tục. Từ đó, Trung Quốc đã tìm cách áp đặt tham vọng lãnh hải bằng sức mạnh hải quân đang phát triển, cũng như bằng những động thái không chính thống như việc quảng bá rộng khắp về cái gọi là bản đồ "đường Lưỡi Bò" gốm 9 đường gián đoạn hình chữ U chạy từ đảo Hải Nam cho đến tận Nam Dương và chiếm nguyên 80% diện tích vùng biển BĐ (BNH)! Sự kiện đó cũng ví thử như, một ngày nào đó, Ý Đại Lợi (La mã) quyết định rằng biển Địa Trung Hải phải trở thành ao nhà của Ý (mare nostrum) với lý do là khoảng hơn 2000 năm trước đây, đế chế La Mã đã kiểm soát vùng biển này!

Vào năm 2010, tình trạng căng thẳng tăng lên khi Bắc Kinh tìm cách truyền đạt đến các nước thuộc khối ASEAN và cộng đồng thế giới, đặc biệt là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc Châu, rằng BĐ (BNH) cùng với hai quần đảo nằm trong vùng biển này thuộc loại lợi ích quốc gia (lợi ích cốt lõi) của Trung Quốc, tương đương với Tây Tạng và Đài Loan!

Động thái đó đã đưa đến phản ứng ít nhiều mãnh liệt từ phía các nước thành viên ASEAN, nhưng phản ứng mạnh nhất đã đến từ phía Hoa Kỳ vào khoảng giữa năm 2010, qua lời tuyên bố rõ rệt và cứng rắn của Ngoại Trưởng Hillary Clinton nhân Hội nghị về An Ninh Khu Vực do ASEAN tổ chức tại Hà Nội, khi bà tuyên bố rằng lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ là bảo đảm tự do giao thông hàng hải và mậu dịch trong khu vực BĐ(BNH) trong khuôn khổ công pháp quốc tế, và bảo đảm rằng mọi tranh chấp trong vùng phải được giải quyết qua hiệp thương đa phương, không bị đe dọa bằng vũ lực hay xử dụng vũ lực. Bộ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc đã tỏ ra phẫn nộ đối vời lời tuyên bố này, và đã rời bỏ phòng hội và chỉ trở lại hội nghị khoảng một giờ sau để lên án Hoa Kỳ về hành vi “công kích” Trung Quốc nói trên!

Như vậy là CHNDTQ đã được cảnh báo trước! Và năm 2010 đã trở thành "năm kinh hoàng" (Annus Horribilis) của Trung Quốc về mặt đối ngoại. Tất cả vốn liếng sức mạnh mềm mà Bắc Kinh đã kiên nhẫn tích luỹ được trong 20 năm trời đối với các láng giềng Châu Á qua chính sách trỗi dậy hòa bình "tao guang yang hui" (Thao quang dưỡng hối) đã biến thành mây khói, và Trung Quốc đã gây ra nghi kỵ và ngờ vực nơi các láng giềng, và nhất là các nước lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc Châu, và ngay cả Nga, mặc dù nước này là thành viên đồng sáng lập với CHNDTQ, của Liên Minh O.C.S. (Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải, có lúc được coi như là khối NATO phương Đông?!)

Nhiều chuyên gia về Trung Quốc cắt nghĩa sự rối loạn nói trên trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc bằng giả thuyết là có hai trường phái trong giới lãnh đạo chính sách Trung Quốc: Một trường phái chủ trương bành trướng về hướng Tây "Sijin" (Tây chinh) do "ông Hoàng Đỏ" là Tướng Liu Yazhou (Lưu Á Châu) chủ trì, và trường phái bành trướng mạnh về hướng Đông, chủ yếu do các tướng lãnh không quân và hải quân chủ trương, với sự yểm trợ của giới tư bản và các thành phần quốc gia cực đoan.

Thêm vào đó, ngành ngoại giao Trung Quốc luôn phải lèo lái gian nan giữa nhiều phe phái có quyền quyết định trong đảng cộng sản Trung Quốc, từ các quan viên trung ương cho đến giới lãnh đạo các tỉnh quan trọng nằm ở miền duyên hải bờ Đông và Đông Nam Trung Quốc, và ngay cả những nhân vật cầm đầu các bộ có tính chiến lược như bộ Năng Lượng và Ngoại Thương.

Cũng có thể là những khó khăn trong chính sách ngoại giao phát xuất từ việc các cấp lãnh đạo Bắc Kinh đã quen áp dụng những quy tắc cỗ xưa trong cẩm nang Tôn Tử Binh Pháp (Nghệ thuật Chiến tranh, thế kỷ thứ 5 trước Công Nguyên: Dùng thuật di động uyển chuyển và ngụy trang để làm địch rối loạn và hỗn loạn trong hàng ngũ để có thể thắng địch bằng lối đánh bất ngờ) và chiến lược cờ Gô (Ngũ) (linh động và nhanh nhẹn trong nước cờ để bao vậy địch)?

Nghĩ cho cùng, tôi nhận thấy rằng giới lãnh đạo Bắc Kinh bị chia thành hai khuynh hướng: thành phần cứng rắn được hỗ trợ bởi phe giáo điều trong đảng, phái quốc gia cực đoan, cũng như khối quốc phòng-kỹ nghệ (Không và Hải quân) cùng với khối công nghiệp hầm mỏ và dầu khí, là những giới muốn khai thác triệt để lợi thế nhất thời hiện tại của CHNDTQ tại vùng BĐ hầu tìm cách chiếm đoạt toàn vùng này trước khi Hoa Kỳ có thể hoàn tất việc tái phối trí thế trận quân sự và ngoại giao trong vùng để thực hiện kế hoạch phòng thủ và bao vây Trung quốc, bằng sự liên kết với các đồng minh của mình trong vùng (Nhật Bản, Úc Châu, Nam Hàn, Thái Lan), với những đối tác có ít nhiều trọng lượng chiến lược như Ấn Độ, Nam Dương, Singapore và Việt Nam (5). Công cụ chiến thuật của Trung Quốc là đơn phương tạo dựng ra cái gọi là chủ quyền "lịch sử" của họ trên 80% vùng BĐ gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, dưới dạng cái Lưỡi Bò, chủ yếu là để tạo sự rối trí và hỗn loạn trong dư luận thế giới để hy vọng rằng, bằng cách đó, cuối cùng họ sẽ chiếm được một miếng bánh lớn, nhờ sự đe dọa của lực lượng hải quân của họ, bội phần mạnh hơn lực lượng của các nước thành viên ASEAN.

Lối suy luận đó cũng là luận cứ búa tạ của họ đối với dư luận trong nước, cũng như đối với giới lãnh đạo kinh tế Trung Quốc, vốn là những thành phần tiêu thụ nhiều năng lượng và nguyên liệu, là những thứ mà, theo họ, vùng Biển Đông tồn trữ những lượng khổng lồ.

Khuynh hướng thứ hai, ôn hòa gồm đại loại những thành phần có kiến thức và ôn hòa trong đảng Cộng Sản Trung Hoa, giới ngoại giao, thành phần trí thức cởi mở và giới thương gia, kinh doanh và hợp tác gần với phương Tây. Khuynh hướng này có luận cứ hợp lý hơn vì được tiếp cận nhiều thông tin hơn, thường ủng hộ một chính sách đối thoại và hợp tác với Phương Tây trong khi chờ đợi việc hoàn tất chính sách 4 Hiện Đại. Những người ủng hộ chủ trương nhìn về hướng Tây "Sijin" (Hành trình về phương Tây) dĩ nhiên cũng theo xu hướng này.

Vào khoảng giữa tháng 10/2011 vừa qua, hai khuynh hướng nói trên đã đấu đá ác liệt trên Hoàn Cầu Thời Báo (Global Times), ấn bản Anh ngữ của Nhân Dân nhật báo Trung Hoa, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Bắc Kinh đã để cho cuộc tranh cãi diển tiến mà không can thiệp, một phần có thể bởi đó là một chiến thuật của họ, cũng có thể là vì họ không có khả năng để kiểm soát phe cứng rắn,vốn dĩ được hỗ trợ bởi dư luận quần chúng đã bị đầu độc đến cao độ bởi tuyên truyền phục hưng chủ nghĩa,và có tiềm năng ảnh hưởng nguy hại đến sự ổn định của đất nước và hòa bình thế giới.

Trong suốt mùa hè 2011, phe cứng rắn đã thực hiện tại BNH-BĐ, đặc biệt là đối với Phi Luật Tân và Việt Nam, nhiều cuộc biểu dương lực lượng hải quân có tính khiêu khích, nhiều cuộc truy sát liên tiếp và có kế hoạch chống lại ngư dân và tàu thám hiểm địa chất dầu khí, đến mức độ mà Phi Luật Tân đã phải phản ứng mạnh mẽ và cầu cứu đồng minh Hoa Kỳ trợ giúp, trong khi phía Việt Nam đã phải quyết định thực hiện những cuộc tập trận hải quân bằng đạn thật ở ngoài khơi vùng biển Trung phần, ở một địa điểm chỉ cách các tàu Trung Quốc một vài sải cáp, và không xa bờ biển Trung Quốc là bao!

Tình hình đó đã buộc Hoa Kỳ phải lên tiếng kêu gọi mọi bên nên bình tĩnh, và sau đó đã có một loạt gặp gỡ có tính cách địa chiến lược giữa một bên là Phi Luật Tân và Việt Nam, và một bên là Hoa Kỳ, Úc, Ấn Độ, và Nhật Bản, dưới hình thức song phương cũng như đa phương.

Những cuộc gặp gỡ cấp cao đã diễn tiến với một nhịp độ chưa từng thấy giữa các giới chức ngoại giao và quân sự Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc Châu và Ấn Độ, dưới hình thức song phương cũng như đa phương, mỗi nước đều xác quyết ý định tăng cường phòng thủ và kiên định nhập cuộc vào vùng Biển Đông. Phía Ấn Độ thì đã được các đối tác công khai khuyến khích nên tiến ra khỏi vùng Ấn Độ dương và gia tăng liên kết với khối ASEAN và tham dự vào hoạt động trong vùng Biển Đông.

Kể từ giữa tháng 10/ 2011, phía Ấn đã mạnh mẽ hành động và mời lãnh đạo Myanmar và Việt Nam sang thăm viếng chính thức. Nhân các cuộc thăm viếng đó, Thủ Tướng Ấn Độ đã long trọng cam kết quyết tâm cao độ của chính phủ Ấn để thực hiện chính sách hướng về phía Đông (Nhìn về hướng Đông) đã được Hoa Kỳ công khai khuyến khích và ủng hộ cùng với hai đồng minh là Úc và Nhật Bản.

Một sự kiện quan trọng hàng đầu: Ấn Độ kiên định yểm trợ sự tham gia của công ty dầu khí ONGC Videsh bên cạnh đối tác Việt Nam là công ty PetroVietnam, bất chấp những lời phản kháng và hăm dọa có bài bản và trịch thượng của chính quyền Bắc Kinh, phần lớn được chuyển qua các cơ quan báo chí của đảng CSTQ và của chính phủ (Nhân Dân nhật báo và Hoàn Cầu Thời Báo, trong số nhiều cơ quan báo chí khác). Mặt khác Nhật Bản cũng đã hỗ trợ cho quyết định của Ấn Độ vào tháng Chín 2011. Trước đó, hải quân Ấn Độ cũng đã giữ thái độ phớt tỉnh của người Anh, cũng thường được gán cho người Ấn Độ và không để ý đến lời cảnh báo trên làn sóng phát thanh từ một chiến hạm Trung Quốc yêu cầu chiến hạm Ấn tới thăm bến cảng Việt Nam phải trình diện và rời khỏi "vùng biển Trung Quốc", trong khi chiến hạm này đang di chuyễn trong vùng biển của Việt Nam, trên đường rời khỏi nước này!

Về phía Miến Điện, với sự khuyến khích và hỗ trợ của Ấn Độ, đối tác truyền thống của nước này, tân Tổng Thống Miến Điện (và là cựu tướng lãnh) Thein Sein đã tỏ rỏ thái độ độc lập với nước CHNDTQ khi quyết định đình chỉ, căn cứ trên sự khuyến cáo của giới bảo vệ môi trường, và chống lại những đe dọa kẻ lớn từ phía Trung Quốc, một dự án xây đập thủy điện vĩ đại trên thượng nguồn sông Irrawady, trị giá vài tỷ Mỹ Kim trong một hợp đồng ký kết với một công ty Trung Quốc. Ông đã tuyến bố rằng, đối với nước ông, Ấn Độ cũng quan trọng ngang với Trung Quốc!

Phi Luật Tân tỏ rỏ là nước kháng cự mạnh mẽ nhất đối với những đe dọa từ phía Trung Quốc, và đã công khai cầu cứu đồng minh Hoa Kỳ, đồng thời mua sắm, cũng của Hoa Kỳ và cả từ những xứ khác, nhiều chiến hạm để tăng cường khả năng phòng thủ BĐ. Mặt khác, một cuộc chạy đua vũ khí cũng đã được phát động ở các nước thuộc khối ASEAN, trước mối đe dọa quân sự ngày càng hiện rõ từ phía Trung Quốc.

Việt Nam đã trở thành khách hàng lớn nhất của kỹ nghệ quốc phòng Nga trong những năm 2009 đến 2011, với những đợt giao hàng tăng tốc về chiến hạm, tàu ngầm hạng Kilo, những phi cơ khu trục SU 27, SU 30, những dàn hỏa tiễn phòng thủ duyên hải Bastion loại tối tân nhất... Nam Dương, Mã Lai và Singapore cũng có những quyết định tương tự để hiện đại hóa quân đội của họ.

Kể từ mùa hè 2011, nước CHNDTQ đã bi cô lập và ở trong một vị thế yếu kém về mặt đối ngoại tại Đông Nam Á, đối diện với một liên minh trên thực tế đã được, tiên khởi, dựng lên từ năm 1954, do sáng kiến của Hoa Kỳ với mục đích ngăn chặn Trung Quốc phiêu lưu!

Sự hung hãn và tham vọng bá quyền lộ liễu của Trung Quốc tại BĐ đã đẩy những nước trong khối ASEAN vào vòng tay của Chú Sam, trong lúc đương sự liên tục tuyên bố và thăm viếng khắp nơi,trong vùng, để khẳng định quyết tâm giao tiếp trở lại và can dự lâu dài với vùng Châu Á Thái Bình Duơng, nay đã trở thành ưu tiên hàng đầu của Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ đã phái đến Thái Bình Dương trên 60 % lực lượng hải quân và trong tương lai gần, sẽ điều động thêm nhiều đơn vị quân đội và Thủy Quân Lục Chiến đến đây, vì Tổng Thống Obama sẽ triệt thoái quân lực Hoa Kỳ khỏi Iraq vào cuối năm nay và từ Afghanistan không lâu sau đó, để thực hiện lời hứa tranh cử của ông một cách vừa khôn ngoan vừa đúng lúc.

Để thuyết phục dư luận quần chúng Hoa Kỳ, rất nhiều phương tiện đã được vận dụng kể cả hai tờ báo New York Times và Washington Post (6). Từ tháng 10/2011, tạp chí tiếng tăm và có nhiều ảnh hưởng Foreign Policy đã dương giàn đại bác và khai pháo với một bài tham luận dài và rất ngoạn mục tựa đề: Biển Nam Hoa: Tương lai của những Tranh chấp” (7) với tác giả là cựu quan chức chuyên gia Mỹ M. Robert D. Kaplan. Số tháng 11, 2011 còn xuất sắc hơn với một bài tham luận có tính di ngôn dài được của một nữ lưu trọng vọng: bà Hillary Clinton, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ. Tựa đề: Châu Á Thái Bình Dương: Thế Kỷ Á Châu của Hoa Kỳ. Bà Clinton đã phóng ngòi bút ái quốc tuyệt vời của bà để chứng minh rằng Hoa Kỳ không hề yếu đi, mà ngược lại đã luôn luôn có khả năng vực dậy mạnh mẽ sau mỗi cuộc khủng hoảng, bởi vì Hoa Kỳ là nền dân chủ siêu việt nhất thế giới. Châu Á Thái Bình Dương là trọng tâm của nền kinh tế thế giới, và Hoa Kỳ sẽ trở lại vùng này trong tư thế thượng phong và cương quyết hơn bao giờ hết, nhờ lòng quyết tâm và sức mạnh rắn, được tăng cường bởi uy lực tuyệt vời của sức mạnh mềm, và dựa vào sự hợp tác hiệu năng của vô số đồng minh, đối tác và bạn bè trong vùng.

Nói ngắn gọn: Hoa Kỳ đã trở lại Á Châu, và những ai đã đặt cược vào sự suy tàn của Hoa Kỳ, hãy coi chừng! Như thế, Trung Quốc đã được cảnh cáo một cách rõ rệt, ngược lại những lời tuyên bố của Bắc Kinh, nhiều khi mơ hồ và tối nghĩa, rất phù hợp với lối nói nước đôi của CHNDTQ đối với ASEAN.

Ngay lúc này, vào ngày 22 tháng 10, 2011, vị tân Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Léon Panetta đã thảo luận với người các đồng sự của ông ở Nhật Bản, Nam Hàn, Ấn Độ, Úc Châu và trong khối ASEAN, để phối hợp hành động hữu hiệu hơn, và hiện đại hóa trang bị của họ hầu có thể bảo vệ an ninh, ổn định và hòa bình tại Châu Á và bảo đảm sự phát triển của khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, là nơi cư ngụ của trên 3 tỷ con người!

Trong khi đó Trung Quốc sẽ hoặc có thể làm gì?

Phản ứng đầu tiên của Trung Quốc là triệu tập đến Bắc Kinh vào giữa tháng 10 vừa qua, người láng giềng ý thức hệ (?) lỗi thời đàn em của họ là Đảng Cộng Sản Việt Nam, từ trước tới nay chỉ là một đồng minh yếu kém với bề ngoài dễ bảo, đôi khi mang tính lệ thuộc. Thế nhưng, lần này đảng đàn em đã gửi đại diện là một tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng già nua và nhỏ bé, thiếu quyền uy thực sự và còn được hộ tống theo bởi nhiều thành viên của Bộ Chính Trị, Ủy Ban Trung Ương và bộ trưởng.

Gió đã đổi chiều! Nhiều cuộc biểu tình yêu nước chống bành trướng Trung Quốc đã xảy ra tại Hà Nội và Sàigon-TP Hồ Chí Minh vào mỗi sáng chủ nhật trong suốt gần ba tháng hè 2011. Đàn em Cộng sản Việt Nam đã bắt buộc phải khẳng định mình đối với người anh khỗng lồ Trung Quốc, và cuối cùng Bắc Kinh chỉ có thể ép buộc được đứa em ký kết một bản tuyên bố hình thức, ghi nhận sự đồng thuận cam kết trung thành với những chủ thuyết ý thức hệ (Kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa!?) giữa hai đảng và hai nước (?!), cộng với một số nghị định thư về những thỏa thuận trên nguyên tắc và những cuộc đàm phán song phương nhằm giải quyết những mâu thuẫn giữa hai bên về Biển Đông (thật sự chỉ về Vịnh Bắc bộ, theo nguồn tin đáng tin cậy), điều mà Trung Quốc hy vọng hão huyền có thể xử dụng được trong mục đích chia rẽ thế liên minh phía trước mặt !

Trong cùng thời điểm này, Hà Nội đã cử vị chủ tịch nước trẻ hơn và nhất là uy quyền sáng giá hơn, Trương Tấn Sang, qua Ấn Độ để ký kết một liên minh khởi đầu với một nước đã từng là đối tác truyền thống và trung thành của Hà Nội từ năm 1947, và hơn nữa, cũng lại là đối thủ của Trung Quốc!

Tiếp sau những sai lầm và thất bại nặng nề như vậy, nền ngoại giao Trung Quốc chỉ còn lại một vài con bài yếu kém: thúc đẩy Bắc Hàn gieo rắc hỗn loạn trong vùng Đông Bắc Á Châu? Nhưng dịp may của Bắc Kinh rất mỏng bởi vì Nam Hàn và Nhật Bản đã gắn kết chặt chẽ với nhau bên cạnh Hoa Kỳ, và hơn nữa cả hai nước này đã thành công trong việc đàm phán trực tiếp với giới lãnh đạo Bắc Hàn, một đất nước đang còn phải chịu đựng nạn đói.

Hoặc giả CHNDTQ có thể xúi giục Iran gây rối tại Trung Đông? Có thể là không, bởi vì Syria, đồng minh của Iran trong vùng đang ở trong một vị thế ngặt nghèo và rất có thể đang gần sụp đổ, cuộc giải phóng Libya và cái chết của Đại Tá Muammar Kadhafi có thể thúc đẩy tiến trình đó!

Lại thêm nữa, CHNDTQ đang phải đối mặt với những khó khăn khả dĩ làm suy yếu chính thể độc đoán cứng rắn và lỗi thời này, ngay trong thời điểm vừa tế nhị vừa nguy hiểm của cuộc chuyển giao quyền lực giữa nhóm lãnh đạo hiện thời, cho lãnh đạo mới vào năm 2013 tới đây: tình trạng suy giảm tăng trưởng, đồng nghĩa với sự gia tăng nạn thất nghiệp, một bong bóng sẵn sàng nổ vỡ trong ngành địa ốc sẽ làm sụp đổ một ngành được điều hành kém cỏi từ lâu; nguy cơ của một cuộc khủng hoảng ngân hàng do sự chồng chất những khoản nợ khó đòi; đại họa của nhiều chính quyền tỉnh, thành phố và doanh nghiệp nhà nước được quản lý quá tồi; tình hình căng thẳng trầm trọng tại Tây Tạng và những tỉnh chiến lược lân cận như Gansu (Cam Túc), Qinghai (Thanh Hải) và Sichuan (Tứ Xuyên)phía Tây Nam, nơi có những cộng đồng dân cư người Tây Tạng có tinh thần quốc gia tự trị cao; tiếp theo một loạt những vụ tự thiêu của các tu sĩ Tây Tạng; những biến loạn bạo động liên tiếp trong vùng Tân Cương và những vụ biểu tình tuần hành không kém bạo động trong vùng Nội Mông...

Trong tình huống này, nước CHNDTQ cần phải thay đổi chính sách và nằm yên để hy vọng có thể vượt qua được những giai đoạn khó khăn như họ đã từng trải nghiệm từ năm 1949, hầu có thể trổi dậy được, hay ít ra là như họ mong muốn!

Tuy nhiên lần này, Hoa Kỳ, một siêu cường quốc có sức chịu đựng bền bỉ, vì là một nước dân chủ, đã trở lại châu Á lâu dài, thêm vào đó họ còn đón nhận được sự hỗ trợ nồng nhiệt của đồng minh, đối tác, bạn hữu và khách hàng! Trong khi đó thì Trung Quốc vẫn chỉ còn là một cường quốc khu vực, non trẻ, ít kinh nghiệm, vụng về và thiếu khôn ngoan, và vẫn còn chưa ổn định, cùng lúc còn bị cạnh tranh và ngờ vực bởi những nước láng giềng, như Nhật Bản và Ấn Độ, và rất có thể bởi cả nước Nga, vốn đang chờ đợi thời cơ cho chính họ.

Những lực lượng võ trang của Trung Quốc còn yếu kém và thua xa về mặt kỹ thuật so với lực lượng Hoa Kỳ, theo sự thú nhận của chính những lãnh đạo quân sự của họ, tỷ như Đô Đốc Yang Yi (Dương Di)(8). Trung Quốc phải chấp nhận tìm cách dịu dọng, chủ yếu là với những láng giềng trong khối ASEAN, ít nhất là chỉ để làm giảm bớt tình hình căng thẳng tại Biển Đông và cố tránh để cho Hoa Kỳ lợi dụng những tranh chấp đó để trở lại châu Á nhanh chóng và ở thế thượng phong.

Như vậy, có thể chỉ là một vấn đề chiến thuật thuần túy, như trong cờ Gô Trung hoa, hay là pháp thuật kiên trì và ngụy trang như tướng quân Tôn Tử đã chỉ dạy trong binh thư cách đây hơn 2500 năm!

Vì thế, theo thiển ý, sẽ không có nguy cơ tranh chấp lớn tại Châu Á trong những năm sắp tới và vùng Biển Đông sẽ trở lại tương đối bình lặng. Huống chi là Hoa Kỳ đã tuyên bố rằng họ sẽ không trở lại Châu Á để độc tôn thống trị toàn vùng, vì lý do phương tiện của họ hiện nay đã bị tạm thời giới hạn bởi cuộc khủng hoảng trầm trọng và bởi tình trạng nợ công quá sức, và hơn thế nữa, những đồng minh, đối tác và bạn hữu Châu Á của Mỹ sẽ nhìn họ bằng một con mắt không mấy thân thiện nếu họ muốn trở lại châu Á Thái Bình Dương với vị thế thống trị.

Trong thực tế, và trong nhiều dịp, giới lãnh đạo Hoa Kỳ đã trao đổi với giới lãnh đạo Trung Quốc về ý muốn chia xẻ trách nhiệm với Trung Quốc trong việc gánh vác các vấn đề thế giới, trong cương vị một đối tác hài hòa, vừa có trách nhiệm, vừa tôn trọng những quy tắc và luật lệ quốc tế được thừa nhận (9). Tuy nhiên, giới lãnh đạo Trung Quốc đều là những thành viên của đảng CSTQ, vẫn tuân theo những giáo điều lỗi thời, và họ thường thực hiện một chính sách quá thiên về Trung Hoa, vừa sai lầm vừa thiếu trách nhiệm, và đôi khi tỏ ra khó hiểu, không những cho bạn mà ngay cả cho đối thủ.Cho nên Hoa Kỳ sẽ phải tìm cách lợi dụng sự trở lại của quận lực của mình ở Châu Á, để thuyết phục người Trung Hoa nên chấp nhận những luật chơi minh bạch và có trách nhiệm, cũng như trung thực qua phương thức tổ chức một nền an ninh chung. Hoa Kỳ thường ưa chuộng những hệ thống an ninh tập thể, và đã ưa thích điều đó từ lâu, trước tiên là cho khu vực Mỹ Châu, rồi đến Âu Châu và vùng Cận-Trung Đông (NATO, CENTO...) và cho toàn thế giới (Hội Quốc Liên sau đệ nhất thế chiến, và Liên Hiệp Quốc sau 1945). Với Đông Nam Á, vào thời kỳ chiến tranh lạnh, Hoa Kỳ đã hướng dẫn đồng minh của mình thành lập tổ chức OTASE (Tổ Chức Hiệp Ước Đông Nam Á Châu, SEATO), một tổ chức an ninh khu vục tương đương như một NATO tại Đông Nam Á, vào năm 1967, đã quy tụ các nước Thái Lan, Nam Dương, Mã Lai, Singapore và Phi Luật Tân.

Hoa Kỳ đã trang bị cho liên minh chống cộng này và đã trợ giúp họ về mọi phương diện, kể cả kinh tế, văn hóa và ngoại giao. Liên minh đó đã hoàn tất được vai trò của nó và đã trưởng thành và phát triển thành một khối kết hợp dân chủ trưởng thành về mặt đối ngoại để đưa ra tại Kuala Lumpur vào năm 1971, một bản tuyên ngôn hòa bình, chủ trương thiết lập một khu vực phi nguyên tử và trung lập! Kề từ thời điểm đó, tổ chức này đã tiếp nhận thêm năm thành viên mới, tuy không dân chủ và phát triển bằng những thành viên nguyên thủy, ngoại trừ Brunei, là Việt Nam, Lào, Cam Bốt, và Miến Điện, nay được gọi là Myanmar.

Sau khi chiến tranh lạnh chấm dứt, Tổ Chức này, mới đầu còn yếu ớt vì không thuần nhất, đã dần dần biến thành một tập thể vũng chắc và khá năng động, và hiện nay có tham vọng trở thành một cộng đồng (có chiếu khán chung, thị trường chung, và có một nền kinh tế hội nhập) từ nay cho đến năm 2015! Và sau đó sẽ diễn tiến theo mô hình Cộng đồng Châu Âu.

Mặc dù những yếu kém và thiếu sót của nó, ASEAN đã từ từ phát triển thành một hệ thống an ninh chung có khả năng tương đối bảo vệ các thành viên. Trong vòng 10 năm qua, Tổ Chức này đã triển khai được hệ thống an ninh tập thể ở mức độ có thể thử nghiệm bao gồm cả Trung Quốc. Đó là mục tiêu của Hiệp Ước Hữu nghị và Hợp tác (TAC Treaty of Amity and Cooperation), một Hiệp ước bất khả xâm phạm, hiện đã bao gồm được đại đa số các cường quốc) và của EAS Thượng Đỉnh Đông Á) bao gồm đại đa số các quốc gia vùng Á châu Thái Bình Dương.

Trung quốc được coi như là một nguồn cơ hội, nhưng cũng chứa đựng những mầm mống biến loạn có thể xảy ra, như căng thẳng và tranh chấp trong vùng Biển Đông do tham vọng bành trướng của Bắc Kinh.

Đó là trường hợp văn bản DOC (Declaration of Conduct of Parties) Bản Tuyên Bố Ứng Xử được ký kết giữa một bên là ASEAN và Trung Quốc tại Nam Vang năm 2002, với kỳ vọng phải sớm triển khai một Bộ luật Hành Xử "Code of Conduct", COC, có hiệu lực bắt buộc giữa các bên ký kết, và có mục đích ngăn chặn những tranh chấp võ lực, cũng như để giải quyết những tranh chấp đó, trong trường hợp không tránh được, và xẩy ra do thái độ hăm dọa của Trung Quốc tại vùng BĐ.

Trung Quốc đã viện dẫn những lý do chiến thuật thiển cận để kéo dài tiến trình đàm phán, và chỉ thỏa thuận ký kết một văn bản tối thiểu “Cẩm nang chỉ dẩn áp dụng Tuyên Bố Ứng Xử - DOC - này vào mùa hè vừa qua tại Bali, sau khi Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác đã tìm nhiều cách tạo áp lực!

Tại ASEAN, người ta hy vọng rằng, với tình hình mới do sự trở lại mạnh mẽ của Hoa Kỳ,Trung quốc sẽ ưng thuận tiến nhanh hơn trong tiến trình hiệp thương với ASEAN về văn bản COC (Code of Conduct; Bộ luật ứng xử về Biển Đông).

Song song với nỗ lực trên, trong vòng vài năm qua, Tổ Chức ASEAN cũng thiết lập được nhiều cơ cấu chung nới rộng khác như Diễn Đàn Khu Vực ASEAN, gọi tắt là ARF (ASEAN Regional Forum), thành lập vào năm 1993, và gồm 10 nước trong khối ASEAN cùng với 16 nước khác như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Liên Bang Nga…), ASEAN + 3 (gồm ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Hàn), Thượng Đỉnh Đông Á, gọi tắt là EAS (được khởi động vào năm 2005 và gồm có ASEAN + 5 nước Đông Á + Úc Châu + Hoa Kỳ + Liên Bang Nga = 18 nước).

Diễn đàn ARF, và đặc biệt là từ năm 2010, EAS với Hoa Kỳ là thành viên mới, dường như đã trở thành những diễn đàn hữu hiệu nhất để cho các nước thuộc khu vực Đông Á và ASEAN thảo luận và giải quyết, trong số những chủ đề khác, các vấn đề an ninh chung, với sự phối hợp, cộng tác và hỗ trợ của các cường quốc lớn như CHNDTQ, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Liên bang Nga, và sắp tới có thể có thêm cả Ấn Độ.

Hiển nhiên, những cơ cấu này, vì tương đối còn mới, chưa thể mang lại những kết quả thỏa đáng, tuy nhiên nó có giá trị là đã được thiết lập, và tạo cơ hội học hỏi và thực tập các phương thức hợp tác nhằm xây dựng nền an ninh chung cho khu vực.

Chúng ta có quyền kỳ vọng rằng chính sách can dự mạnh mẽ và vững bền của Hoa Kỳ tại Châu Á Thái Bình Dương sẽ tạo ra một động lực mới và hữu ích cho các cơ cấu trong vùng,để một khi Trung quốc trưởng thành hơn, tự tin hơn và khôn ngoan hơn,và vì thế có trách nhiệm hơn,thì một hệ thống an ninh chung mới cho khu vực khả dĩ đối phó với những thách thức chung, sẽ được thành lập cho các thành viên của ASEAN, cùng với Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Liên bang Nga, Ấn Độ, Úc châu...

Một tổ chức như thế sẽ đủ tầm để bảo đảm thế quân bình, sự ổn định và nền hòa bình cho -BĐ, điều kiện không thể thiếu được cho phát triển và tiến bộ. Người ta có thể gọi tổ chức đó là Pax Pacifica (Vùng Hòa Bình Thái Bình Dương) hay Pax Indo Pacifica ( Vùng Hòa Bình Ấn độ - Thái Bình Dương), để thay thế cho Pax Americana (Vùng Hoà Bình Mỹ), đã có từ sau Đệ Nhị Thế chiến nhưng cần cập nhật, vì lợi ích của các nước ASEAN,Trung Quốc và thế giới.

Trung quốc sẽ được bảo đảm một vị thế tương xứng sang giá trong khu vực, do tầm vóc và những thành quả kinh tế của Bắc Kinh. Trung hoa là một nền văn minh cổ xưa đã quen với vị thế đế chế trung tâm, và đôi khi với chính sách bành trướng đế quốc bá quyền, nhưng cũng sẽ phải tự mãn với một chỗ đứng trung tâm trong khuôn khổ của một Vùng Thái hòa ThịnhTrị chung cùng với những quốc gia khác trong khu vực, nhờ vào tổ chức an ninh chung đó.

Thay lời kết, chúng tôi thiển nghĩ không nhất thiết là định mệnh đã an bài để vùng Biển Đông phải trở thành nơi phát sinh ra tranh chấp trong tương lai giữa Trung Quốc và các nước láng giềng phía Nam, bởi vì chính sách can dự mạnh mẽ và vững bền của Hoa Kỳ ở Châu Á Thái Bình Dương sẽ tạo thành một yếu tố quân bình lớn lao, và do đó sẽ đem lại ổn định thay vì thế bất quân bình hiện nay, phát sinh từ chính sách bành trướng không kiểm soát của Trung quốc, vốn vẫn còn là một đế chế độc đoán phi dân chủ đang hồi trổi dậy, nghĩa là còn non trẻ hám ăn, ít kinh nghiệm địa chính trị và tương đối còn thiếu tinh thần trách nhiệm toàn cầu.

Khởi nguồn từ những cơ cấu an ninh chung hiện có trong vùng ASEAN, hẳn là vẫn còn chưa được kiện toàn, bởi vì còn non trẻ và chưa có nhiều trải nghiệm, một tổ chức mới có thể được những nước trong vùng cùng nhau thiết lập, trong khuôn khổ của một bối cảnh mới, quân bình và ổn định hơn, và vì vậy sẽ thuận lợi cũng như bền vững hơn.

Những quốc gia duyên hải vùng BĐ sẽ có cơ hội để phát triển trong niềm hạnh phúc chung của những nước biết phát huy nền thịnh vượng chung trong một bối cảnh ổn định và lành mạnh, như nhũng người trước họ đã từng hy vọng vào năm 1971 tại Kuala Lumpur, Mã lai Á, khi họ tự hứa là sẽ cố gắng bắt tay xây dựng một “khu vực phi nguyên tử, ổn định, trung lập và thái hòa.”

Jacques Nguyễn Thái Sơn
Nhà Ngoại Giao (hồi hưu) và Chủ Tịch Hội Giao Diện Pháp Ngữ

Ngày Nay chuyển ngữ

Ghi chú:

1) ASEAN gồm 10 nước (Thái Lan, Việt Nam, Myanmar, Lào, Cam Bốt, Mã Lai, Singapore, Nam Dương,Brunei,và Phi Luật Tân). Quốc gia Timor Lest phía đông Nam Dương chờ gia nhập. Tổng cộng dân số toàn khu vực là hơn 600 triệu người, trên một diện tích 3.5 triệu cây số vuông,với một Tổng sản lượng nội địa PIB - GDP là 1500 tỷ Mỹ Kim ( khoảng 2 500 Mỹ kim / GDP đầu người)

2) www.foreignpolicy.com/articles/2011/09/15

3) IrisFrance.org

4).Jacques NGUYEN Thai Son Géostratégique N°31 La Stratégie chinoise appliquée dans les Balkans, tt 223-235 www.strategicsinternational.com

5) Richard N.Haas/WaPo Why Europe no longer matters? The Washington Post t. 12

6) tài liệu đã dẫn

7) www.foreignpolicy.com/articles/2011/09/15

8) Jacques NGUYEN Thai Son op.cit. www.strategicsinternational.com

9) Cuộc họp báo chính thức của nhị vị Tổng Thống Mỹ B. Obama và Chủ Tịch TQ Hồ Cẩm Đào,Washington 19-01-2011

10) Jacques NGUYEN Thai Son, op.cit www.strategicsinternational.com

.
.
.

No comments:

Post a Comment