Tuesday, December 27, 2011

BÀN CỜ CÁC QUAN CHỨC (Nhã Nam)




Nhã Nam
Thứ tư, 28 Tháng 12 2011 01:09

Cờ tướng vốn là một thú chơi tao nhã từ xưa tại Việt Nam, hình ảnh các cụ ông trầm tư bên bàn cờ với chén trà luôn gợi lên phong thái vừa thông tuệ vừa cổ kính. Gần đây cờ tướng còn được xem như một môn thể thao nơi mà các kỳ thủ tranh tài cao thấp. Nhưng những ván cờ của các ông "quan" tại Sóc Trăng mà tiền thắng thua lên đến bạc tỉ và có sự ra tay "đòi nợ dùm" của giới giang hồ xã hội đen thì có lẽ là chuyện chưa từng xảy ra.

Theo báo Sài Gòn Tiếp Thị thì: "Tối 26-12, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Sóc Trăng đã có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 2 tháng về tội danh đánh bạc đối với ông Nguyễn Thanh Lèo - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Sóc Trăng và ông Trần Văn Tân - giám đốc Trung tâm đào tạo lái xe loại 3, liên quan vụ hai ông đánh cờ bạc tỉ... Khai với cơ quan điều tra, ông Lèo cho biết đã thua ông Tân lên đến 22 tỉ đồng nhưng chỉ trả được 5 tỉ. Nhiều lần bị đòi nợ nhưng không thể xoay xở, ông này bị một tay “xã hội đen” đến nhà xiết nợ, dọa giết chết cả nhà. Vì cùng đường nên ông phải tố cáo với công an".

22 tỉ đồng Việt Nam là hơn một triệu đô la Mỹ, số tiền quá lớn với đại đa số người dân, khi mà một công nhân bình thường chỉ kiếm nổi xấp xỉ hai triệu đồng cho một tháng lương thì số tiền ấy gấp hơn mười ngàn lần. Điều đáng nói là hai ông quan chức này chỉ là cấp quan nhỏ, nhưng nhà cửa, cơ sở làm ăn của hai ông chẳng hề nhỏ. Ông Lèo có biệt thự lớn, có ô tô đắt tiền thì ông Tân cũng làm chủ nhiều quán cà phê lẫn nhà hàng to và chưa biết của chìm của nổi của hai quan này còn những gì khác.

Tất nhiên, theo ngạch chính thức thì lương của hai ông không đủ để uống cà phê buổi sáng, huống chi còn hàng trăm, hàng ngàn khoản chi dùng cho gia đình và bản thân. Danh xưng "đại gia" mà báo chí và thường dân đặt cho hai quan chức này hẳn phát xuất từ cách sống và cách chi tiền.

Theo báo Tiền Phong thì: "Ô tô ông Tân đi giá mấy tỷ đồng, điện thoại di động cũng hơn trăm triệu đồng. Ông Tân chỉ học xong lớp 9 hệ bổ túc, năm 1992, lái xe ở Sở Thương mại Du lịch tỉnh Sóc Trăng... Rời ghế lái xe, ông Tân về giữ chức quản đốc Nhà máy bia Sài Gòn - Sóc Trăng. Sau một vụ rối ren tài chính, ông nghỉ việc rồi nhờ thân quen mà vào biên chế của Trường Kỹ thuật nghiệp vụ GT-VT khu vực ĐBSCL, nay là Trường trung cấp nghề khu vực ĐBSCL, trụ sở chính tại Cần Thơ. Ngay lập tức, ông được bổ nhiệm làm Phó phân hiệu chi nhánh Sóc Trăng, lại quậy tưng bừng và nhờ giỏi lách mà được bổ nhiệm GĐ Trung tâm Đào tạo Sát hạch lái xe cơ giới loại 3, đóng tại tỉnh Sóc Trăng".Từ một tài xế ít học bỏ vô lăng đã lên ngay chức quản đốc nhà máy, rồi "lập tức" tiến đến chức giám đốc một trung tâm; dù có ngây thơ đến mấy, ai cũng có thể biết ông quan này thăng tiến không phải bằng tài năng hay thành tích phục vụ nhân dân.

Còn "thành tích" của ông Lèo, cũng theo báo Tiền Phong: "Những năm 1990, ông Lèo là cán bộ của Phòng GT-VT huyện Thạnh Trị, rồi được lãnh đạo của Cty GT-VT thị xã (nay là thành phố) Sóc Trăng nhận về làm trưởng một ban của Cty. Sau đó, ông Lèo lên Phó ban điều hành GT-VT thị xã Sóc Trăng, được bổ nhiệm Trưởng ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng thị xã Sóc Trăng. Năm 1999, ông Lèo về giữ chức Bí thư Đảng ủy phường 6, dự kiến quy hoạch vào Thị ủy thị xã Sóc Trăng để tiến tới giữ chức vụ chủ chốt trong UBND thị xã. Nhưng ông không được tín nhiệm, hai nhiệm kỳ liên tiếp (2000-2005 và 2005-2010) đưa ra bầu đều rớt. Năm 2005, ông Lèo được đề bạt chức phó chủ tịch UBND thị xã Sóc Trăng nhưng vẫn không xong. Không đi lên được con đường chính quyền, ông Lèo lách sang đường ban ngành và được điều về Phòng kế hoạch vận tải thuộc Sở GT-VT tỉnh Sóc Trăng. Làm Trưởng phòng ít lâu, được ngồi vào ghế PGĐ Sở này".

Khi phóng viên đi tìm hiểu thêm cho rõ ngọn ngành con đường tiến thân của hai ông quan thì nơi này chỉ sang nơi khác và đều lắc đầu quầy quậy từ chối cung cấp thông tin. Thế là đã rõ, tài chơi cờ của hai quan chức trên không nghe nói đến, nhưng tài luồn lách, tài lo lót bôi trơn của cả hai đều vào hạng cao thủ, còn tài che chắn, bảo vệ bạn đồng thuyền nơi các ông từng công cán cũng được bảo mật thật kín kẽ.

Một bộ máy được lập ra để phục vụ dân chúng mà gồm toàn những "công bộc" như loại người này thì người dân chẳng thể trông mong được gì; báo chí thì đã bị ngăn cản và liệu công chúng còn có thể trông mong vào sự công minh của pháp luật trong các vụ như thế này nữa không? Câu trả lời tưởng không khó lắm (!)

Nhã Nam
.
.
.

No comments:

Post a Comment