Saturday, December 31, 2011

10 SỰ KIỆN LỚN NHẤT LÀM RUNG CHUYỂN CHÂU Á TRONG NĂM 2011 (Elizabeth C. Economy & Adam Sega)




Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ

Nếu cần một từ để diễn tả châu Á trong năm 2011, chắc chắn nó sẽ là từ chấn động - không chỉ về mặt địa lý đã tàn phá Nhật Bản mà còn là những sự kiện chính trị vang dội trong cả khu vực, làm rung chuyển Ấn Độ, Trung Quốc và Thái Lan, đánh thức Miến Điện và làm bất ổn Bắc Hàn hơn nữa.

1. Giã biệt người trần
Sau cú đột quị vào năm 2008 và một năm bệnh tâ;t, Kim Jong Il đã từ giã cõi trần. Nhưng chẳng ai mong đợi rằng 17 năm trị vị đầy thảm hại của vị Lãnh tụ Kính yêu sẽ chấm dứt vào tháng Mười hai 2012 vì “suy yếu trầm trọng về tinh thần lẫn thể xác sau chuyến đi huấn thị không ngừng nghỉ “ khi ngồi trên tàu. Với giày đế cao, tóc chải bồng và tình yêu điện ảnh, ông là một mục tiêu dễ dãi cho những trêu chọc của mọi người. Nhưng ông đã liên tục qua mặt Washington, Bắc Kinh, Tokyo và Seoul - thử nghiệm vũ khí hạt nhân, phóng tên lửa, và đòi hỏi viện trợ lương thực và năng lượng - trong khi bỏ đói cả nước. Còn quá sớm để tiên đoán liệu Kim Jong Un, người con trai và kẻ thừa kế thiếu kinh nghiệm và chưa được thử thách của Kim Jong Il, sẽ làm khác đi - cả thế giới và đặc biệt là người dân Bắc Hàn, chỉ có thể hi vọng.

2. Ô Khảm, Ôn Châu, Đại Liên
Việc người dân biểu tình tại Trung Quốc không làm ai ngạc nhiên nữa. Nói cho cùng, quốc gia này được biết là đã có 180 nghìn cuộc biểu tình của quần chúng chỉ trong năm 2010. Nhưng trong năm 2011 có ba cuộc biểu tình đặc biệt nhắc nhở chúng ta rằng những cuộc biểu tình này khác nhau ra sao và gây thách thức như thế nào đối với Bắc Kinh. Vào tháng Bảy, sự kiện chiếc tàu cao tốc bị lật ở Ôn Châu thuộc miền nam Trung Quốc đã dẫn đến một cuộc biểu tình trên mạng Internet ở Trung Quốc. Khi chính quyền có vẻ tìm cách che giấu bằng chứng, hình ảnh từ điện thoại di động, tin nhắn, và tweet đã làm cho mọi cố gắng che đậy của chính phủ bị thất bại, làm xấu mặt Bắc Kinh và bắt buộc có một điều tra minh bạch hơn về tai nạn này. Tháng kế tiếp đã xảy ra một cuộc biểu tình của giới trung lưu tại thành phố phía bắc giàu có là Đại Liên về việc thiếu các biện pháp an toàn tại nhà máy sản xuất Paraxlyene tại địa phương. Với số người biểu tình vào khoảng 12 nghìn (con số của nhà nước) và 70 nghìn, chính quyền đã nhanh chóng nhượng bộ, đồng ý đóng cửa và di chuyển nhà máy. Không gì làm các quan chức sợ hãi hơn là một nhóm người biểu tình trung lưu hoà bình nhưng cương quyết... ngoại trừ có lẽ là một nhóm người biểu tình nông dân cực đoan. Vào tháng Mười hai, ngôi làng nhỏ Ô Khảm đã làm thế giới lưu ý khi người dân chiếm quyền kiểm soát ngôi làng, kêu gọi chấm dứt việc bán đất bất hợp pháp và gian lận bầu cử cũng như điều tra cái chết đầy nghi vấn của một người đứng đầu trong họ. Sau một tuần bao vây, các quan chức cấp tỉnh đã thương lượng thoả mãn tất cả những yêu sách của người dân. Bài học của người dân Trung Quốc trong năm 2012 nên là: cứ biểu tình thì sẽ nhận được kết quả.

3. Đánh thức tầng lớp trung lưu
Trong suốt cả năm, Anna Hazare đã nắm được sự quan tâm của truyền thông lẫn dân chúng Ấn Độ khi ông thúc đẩy Dehli thành lập một cơ quan chống tham nhũng độc lập. Trong suốt mùa hè, hàng chục nghìn người Ấn đã tham gia cuộc biểu tình chống tham nhũng của Hazare tại Delhi, Mumbai, Hyderabad, Bangalore và những nơi khác, xoá bỏ qui luật vốn được nhiều người chấp nhận trong nền chính trị Ấn Độ: giới trung lưu không quan tâm và xa lạ với đời sống chính trị. Sau khi đối phó một cách tồi tệ những cuộc biểu tình, tạm giam Hazare và bắt giữ hơn 1000 người ủng hộ Hazare, chính quyền đã nhượng bộ với đòi hỏi của ông và thành lập một cơ quan giám sát, còn gọi là Lokpal. Hazare đã chỉ trích điều luật này là quá yếu, trong khi những người chỉ trích Hazare cho rằng điều cuối cùng mà Ấn Độ cần là một cơ quan khổng lồ nữa. Cho dù kết quả của dự luật ra sao, một điều chắc chắn là: các chính trị gia Ấn không còn có thể tảng lờ giới trung lưu.

4. Thoát ra cuộc Chiến tranh Lạnh
Với vở kịch thuần tuý chính trị trong năm 2011, không gì có thể qua mặt việc Tổng thống Miến Điện Thein Sein bất ngờ đưa ra hàng loạt đề xuất cải cách chính trị. Ông đã trả tự do cho hàng trăm tù nhân chính trị, đình chỉ việc xây dựng đập Myitsone ít người ủng hộ do Trung Quốc hậu thuẫn, khởi xướng việc hoà giải chính trị với nhà lãnh đạo đối lập bị giam giữ và người từng nhận giải Nobel Hoà bình Aung San Suu Kyi, và mở cửa thảo luận ngoại giao với Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Hillary Clinton. Tổng thống đã hứa hẹn sẽ có nhiều thay đổi hơn nữa trong năm 2012; hãy hi vọng rằng ông sẽ tiếp tục đưa chúng ra.

5. Việc hạ cánh khó khăn vẫn... chưa xảy ra
Nửa sau của năm 2011 được đánh dấu bởi việc theo dõi gắt gao nền kinh tế của Trung Quốc, khi các nhà quan sát tìm kiếm những dấu hiệu đã đến điểm đỉnh đổ vỡ. Những kẻ bi quan thì nhắm vào việc lạm phát về tiền lương và giá lương thực, một bong bóng bất động sản đang căng, nợ của chính quyền địa phương cũng như sự đầu tư đầy hoang phí của chính quyền trung ương, sức tiêu dùng thấp và tỉ lệ xuất khẩu giảm. Những người khác thì lạc quan hơn về khả năng của giới lãnh đạo Trung Quốc trong việc quản lý kinh tế, cho rằng những cơ bản dài lâu vẫn mạnh ngay cả nếu quốc gia này phải chịu đựng những khó khăn ngắn hạn dọc đường. Nên trông chờ sự tranh cãi này tiếp tục sang năm 2012.

6. Sự chuyển hướng
Chủ đề bàn luận trong mùa hè tại châu Á toàn là về “chuyển hướng”. Một cảm giác lo lắng ngày càng cao qua những luận điệu hung hãn cũng như những hoạt động hải quân của Trung Quốc đã kích thích một số các quốc gia châu Á tìm kiếm một tiếp xúc sâu đậm hơn với Hoa Kỳ. Trong khi sự liên quan của người Mỹ tại Iraq và Afghanistan đang giảm dần, Tổng thống Obama và đội ngũ đặc trách châu Á của ông đã nhanh chóng hành động để thu tóm cơ hội nhằm củng cố những liên minh truyền thống ở châu Á và kiến tạo những liên minh mới. Chỉ trong vài tháng ngắn ngủi, Hoa Kỳ đã đạt được những nâng cấp quan trọng về quan hệ quân sự với Úc, thúc đẩy một thoả thuận thương mại tự do trong khu vực là Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương, tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, và thậm chí tham gia vào điệu vũ ngoại giao với Miến Điện. Việc chuyển hướng chắc chắn sẽ là một việc dễ dàng; việc giữ nguyên đường lối khi áp lực tài chính của Hoa Kỳ đang tăng và việc tạo ra kết quả thực sự trong vấn đề thương mại và an ninh khu vực sẽ là những thước đo thực sự đối với sự cam kết của Hoa Kỳ.

7. Sự trở lại của họ nhà Shinawatra
Tháng Bảy trước, giới người nghèo thấp bé ở Thái Lan đã bầu lên vị nữ thủ tướng đầu tiên của đất nước Yingluck Shinawatra, em gái của cựu thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra - một cuộc bầu cử mà đồng nghiệp Josh Kurlantzick của chúng ta đã gọi nó có thể là “quan trọng nhất trong lịch sử của quốc gia”. Yingluck đã bị chỉ trích trong việc bà đối phó với cơn lũ tồi tệ nhất ở Thái trong vòng năm thập niên, nhưng thử thách lớn nhất của bà chắc chắn sẽ xảy ra vào năm tới khi anh trai bà có thể quay về nước. Bị trục xuất sau cuộc đảo chính năm 2006 và sau đó bị kết án tham nhũng, Thaksin vẫn còn là một nhân vật đầy chia rẽ về chính trị, bị ghét bỏ thậm tệ bởi nhiều người đứng đầu trong giới cầm quyền và quân đội. Việc Yingluck đối phó ra sao với việc anh trai mình quay về không chỉ đơn giản là câu hỏi về việc giữ yên dòng nước chính trị cáu bẩn mà còn về số phận chính trị của chính bà.

8. Tội phạm mạng là trọng tâm chính
Trong khi danh sách những nạn nhân mạng tiếp tục tăng trong năm 2011 - RSA, Lockheed Martin, Northrop Grumman, Sony, IMF, và Văn phòng Thương mại Hoa Kỳ bên cạnh những nạn nhân khác - chuyên gia an ninh mạng Dmitri Alperovitch đã châm biếm rằng có hai loại công ty: “những người biết rằng họ bị xâm nhập và những người chưa biết.” Đa số những tấn công được nhắm vào tài sản trí tuệ và bí mật công nghệ. Trong khi chính quyền Obama đã miễn cưỡng chỉ ra thủ phạm, Dân biểu bang Michigan Mike Rogers và Văn phòng Hành chính Phản gián Quốc gia vừa qua đã chỉ ra rằng Bắc Kinh là thủ phạm chính của gián điệp mạng. Câu hỏi cho năm 2012: nếu Trung Quốc không thèm quan tâm đến chỉ trích công khai hiện tại, Hoa Kỳ sẽ chuẩn bị làm gì nữa?

9. Ải Vị Vị
Việc Bắc Kinh bắt giữ hoạ sĩ/nhà hoạt động Ải Vị Vị vào mùa xuân trước đã tạo ra một làn sóng phản đối không ngừng nghỉ của công chúng. Ải, người với những tác phẩm nghệ thuật và việc hoạt động đấu tranh đã làm các quan chức Trung Quốc khó chịu, đã bị bắt giữ vào tháng Tư với tội danh “tội phạm kinh tế” (sau đó nói rằng vì không đóng thuế). Ông đã được trả tự do vào cuối tháng Năm, sau một chiến dịch Internet trên toàn thế giới phản đối việc bắt giữ ông. Vào tháng Mười một, Bắc Kinh đã buộc Ải phải trả lượng thuế 2,4 triệu Mỹ kim. Người dân Trung Quốc đã đứng lên bảo vệ ông bằng cách đóng góp 1,3 triệu Mỹ kim để giúp trả món nợ thuế - một số đã gửi qua Internet trong khi những người khác đã quẳng tiền qua cổng nhà ông. Vẫn còn trông đợi vào kết quả cuối cùng về rủi ro pháp lý của Ải. Tuy nhiên, về vấn đề đạo đức, người dân Trung Quốc đã chuyển một chuyện đùa thành chiến thắng.

10. Nhật Bản: Một thảm hoạ mùa xuân
Nhật Bản đã đối diện với một loạt thảm hoạ hầu như không tưởng tượng nổi vào tháng Ba: một cơn động đất ở mức 9.0 - lớn nhất trong lịch sử Nhật Bản - một cơn sóng thần, một khủng hoảng hạt nhân. Đối diện với sự kinh hoàng này, một số “nước Nhật” nhanh chóng xuất hiện: một giới cầm đầu quan liêu có vẻ như lạc lối và, theo nhận định cuối cùng, đã muốn che đậy việc này; lòng dũng cảm của lực lượng phòng vệ đã không do dự phản ứng với cơn khủng hoảng; và người dân trở thành khuôn mẫu của tính quảng đại và hy sinh. Hơn chín tháng sau, cơn thiên tai vẫn còn tiếp tục ám ảnh đất nước với những câu hỏi còn đọng lại như thành công của nỗ lực dọn dẹp, tính an toàn của thực phẩm trong nước, tương lai của ngành công nghiệp hạt nhân, và khả năng của chính phủ trong việc quản lý những việc này cũng như những thử thách khác. Tuy nhiên, Nhật Bản từng trải qua những tình huống tồi tệ hơn, và chúng ta đoan chắc rằng sự ngoan cường cố hữu của người dân Nhật để bảm đảm rằng đất nước họ sẽ đi lên mạnh mẽ hơn qua thảm hoạ mà họ đã phải chịu đựng.
.
.
.

No comments:

Post a Comment