Friday, December 30, 2011

10 BIẾN CỐ HÀNG ĐẦU CỦA ASEAN TRONG NĂM 2011 (Luke Hunt, The Diplomat)



Tác giả: Luke Hunt
Nguồn: (The Diplomat)

Dịch giả: Nam Hải Trường Sơn
Ngày 26 Tháng 12 Năm 2011

Trong năm 2011, Đông Nam Á bị chìm ngập trong nhiều biến cố chính trị bấp bênh bên miệng hố, tranh chấp lãnh thổ, và thiên tai. Có lẽ cũng quan trọng không kém là vai trò nổi bật của tòa án trong việc xét xử một số nhân vật có nhiều tai tiếng và lắm màu mè của khu vực đang chịu đựng sức mạnh toàn diện của mũi dùi luật pháp. Sau đây là một số sự cố được xếp vào hàng đầu.

1. Đại Thủy Tai Tại Đông Nam Á
Nhiều cơn bão lớn quét qua khu vực với những trận lụt kỷ lục đã khiến hơn 2.000 người tử vong và gây thiệt hại hàng tỉ Mỹ kim cho giới kinh doanh, chủ yếu tại Thái Lan và Phi Luật Tân, nhưng Miến Điện, Campuchia, Lào, và Việt Nam cũng bị đập mạnh.
Lũ lụt là nỗi âu lo dai dẳng trong suốt gần sáu tháng cuối năm, đạt cực điểm vào giữa tháng 12 khi cơn bão mang tên Washi gây ra nhiều trận lụt chớp nhoáng và nạn lở đất khiến hơn 1.000 người tử vong tại Phi Luật Tân. Cagayan de Ura và Iligan là hai thành phố bị tàn phá lớn nhất, với số nạn nhân vô gia cư lên đến hơn 250.000 người. Cũng như những cơn bão nhiệt đới đã hoành hành trong những tháng đầu năm, thiên tai này đã xảy ra rất đột ngột và hầu như cũng có sức gây chết chóc không kém những trận lụt kéo dài đến cả mấy tháng tại Thái Lan.
Liên Hiệp Quốc ghi nhận rằng Băng Cốc đã được cảnh báo trong nhiều năm qua về nhu cầu phát triển một phương án phòng chống lũ lụt có tầm phối hợp toàn diện. Nhưng chướng ngại lớn lao nhất vẫn là việc thuyết phục chính phủ, và tại Thái Lan điều này lại càng khó khăn hơn vì sự thay đổi nhanh chóng trong giới lãnh đạo đã cản trở năng lực hoạch định những chiến lược dài hạn cho việc chống lũ.
Các cơ quan viện trợ quốc tế đã phản ứng nhanh chóng bằng cách không vận thực phẩm, đồ tiếp tế, và thuốc men trị giá nhiều triệu Mỹ kim đến vùng bị nạn. Nhưng thái độ mới là chuyện khó thay đổi hơn. Khi mực nước lũ lên cao, chính quyền phàn nàn rằng cư dân không chịu di tản, nói rằng họ sợ bị trộm cướp.
Thái Lan là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới và sản lượng của vụ lúa năm 2012 được mong mỏi sẽ đạt 25 triệu tấn, một con số dự báo mức suy giảm vào khoảng 25%. Từ gia súc cho đến gia cầm và từ máy tính cho đến xe hơi, các ngành nghề vẫn còn đang kiểm kê thiệt hại.

2. Miến Điện Đang Trỗi Dậy?
Cách đây 13 tháng, quân đội Miến Điện chấp thuận tổ chức tuyển cử để mở đường cho chính phủ dân sự lên chấp chính lần đầu tiên kể từ năm 1962. Cuộc bỏ phiếu — mặc dù được mọi người xem là trò giả mạo — đã đưa đẩy đất nước này đi vào phương hướng mà cộng đồng quốc tế hoan nghênh.
Tổng Thống Thein Sein tiến hành việc tu chỉnh các luật lệ về đảng phái chính trị, trả tự do cho khoảng 300 tù nhân chính trị, tìm kiếm đường lối hòa giải với ngẫu tượng tranh đấu vì dân chủ Aung San Suu Kyi, và khiến các nhà quan sát phải sửng sốt với thái độ xem thường Trung Quốc, một nước trong nhóm đồng minh ít ỏi của Miến Điện.
Bắc Kinh đề xuất kế hoạch xây dựng một đập thủy điện siêu cấp tại Miến Điện, nhưng dự án này đã tạo nên một nỗi phẫn uất lớn lao trong nhiều tầng lớp quần chúng địa phương, khiến Naypyidaw phải đình hoãn việc kiến trúc. Chính phủ cũng đã tiến hành việc hợp pháp hóa công đoàn và nới lỏng luật lệ trong lãnh vực kiểm duyệt.
Khối ASEAN với 10 nước thành viên đã tán thưởng những chính sách này và quyết định trao tặng ghế chủ tịch cho Miến Điện vào năm 2014.
Khi Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đến viếng thăm Miến Điện trong một chuyến công du mang tính lịch sử để khuyến khích đất nước này tiến hành nhiều cải cách hơn nữa, Suu Kyi tỏ ý hỗ trợ bằng cách công bố sẽ tham gia cạnh tranh trong kỳ tuyển cử bổ sung sắp tới, một khi đảng Liên Minh Dân Chủ Quốc Gia của bà đã được đăng ký.
Tuy nhiên, vẫn còn 1.700 tù nhân chính trị đang bị cầm tù và nhiều khiếu nại về tình trạng vi phạm nhân quyền vẫn cứ dai dẳng, đặc biệt là tại vùng nông thôn, nơi xung đột chủng tộc còn đang tiếp diễn không ngừng, khiến nhiều người phải đưa ra cảnh báo rằng giai cấp thống trị Miến Điện cần phải tiến xa hơn nữa trước khi có thể thuyết phục những kẻ hoài nghi rằng những cải cách của họ không phải chỉ là biểu hiện bên ngoài.

3. Mã Lai Trong Sạch
Khi một nhóm gồm nhiều tổ chức phi chính phủ và các đảng đối lập quyết định xuống đường biểu tình để ủng hộ thể chế tuyển cử công bằng, ít ai dự liệu cảnh sát và chính khách tại Kuala Lumpur sẽ phản ứng một cách hà khắc như họ đã làm.
Lúc đầu Thủ Tướng Najib Razak cố gắng giảm thiểu tính quan trọng của cuộc phản kháng do liên minh Berish tổ chức (trong tiếng Mã Lai "berish" có nghĩa là "trong sạch") nhưng đã đổi giọng sau khi tổ chức Ân Xá Quốc Tế miêu tả biện pháp thẳng tay của chính phủ là một trường hợp đàn áp tồi tệ chưa hề có trong nhiều năm qua tại đất nước ông.
Cảnh sát được bố trí theo kế hoạch gọi là "Chiến Dịch Xóa Bỏ Trong Sạch." Họ ngăn chận đường phố, xuất động súng xịt nước độc, và nổ súng bắn hơi cay khi hàng ngàn người cố gắng tuần hành về phía Vận Động Trường Merdeka. Xô đẩy tán loạn xảy ra sau đó, và người biểu tình đã phân ra thành nhiều nhóm nhỏ để mắng nhiếc và khiêu khích lực lượng cảnh sát được trang bị bằng dùi cui, súng ống, và hơi cay. Tiếp theo, những trận tấn công bằng dùi cui đã bùng nổ.
Lãnh tụ phe đối lập Anwar Ibrahim (bị cáo trong phiên tòa xét xử tội kê gian vừa được kết thúc vào cuối năm) thọ thương sau khi cảnh sát bắn hơi cay vào một đường hầm. Nhưng người biểu tình vẫn tỏ vẻ bất khuất sau khi hơn 1.000 người đã bị bắt giam.
Hầu hết mọi người đều không dám mặc áo vàng, màu sắc biểu tượng của phong trào này. Một người đàn ông bị đấm đá và lôi đi ở bên ngoài Bệnh Viện Hộ Sinh Trung Hoa trong khi hơi cay được phóng vào giữa khuôn viên bệnh viện này cũng như Bệnh Viện Đồng Thiện nằm ngay bên cạnh, hai địa điểm mà người biểu tình đã tìm vào trú ẩn.

4. Thắng Lợi Của Bà Yingluk Khiến Tình Hình Bớt Căng Thẳng
Trong năm 2011, Thái Lan là quốc gia duy nhất tại Đông Nam Á được trải nghiệm sự đổi mới trong giới lãnh đạo, sau khi Yingluk Shinawatra và đảng Pheu Thai của bà đã hạ bệ Thủ Tướng Abhisit Vejjajiva bằng một thắng lợi long trời lở đất vào hồi tháng 7.
Thắng lợi của bà đã khiến tình hình trong nước cũng như tại biên giới bớt căng thẳng và mở đường cho cựu lãnh tụ Thaksin Shinawatra, bị truất phế trong một cuộc đảo chánh không đổ máu vào năm 2006, và cũng là anh trai của bà, trở về nước. Chiến thắng của bà còn mang lại một ít thời gian ngơi nghỉ cho nhân dân Thái Lan vốn đã quá chán nản trước nhiều trận đối chọi đẫm máu và dai dẳng giữa hai phe Áo Đỏ và Áo Vàng.
Cũng quan trọng không kém, thắng lợi đã cải thiện bầu không khí chính trị với Phnom Penh, tạo điều kiện cho khả năng giảm bớt căng thẳng ở các vùng dọc biên giới. Khi quân đội Thái Lan và Campuchia đụng độ nhau vào hồi tháng 2, tối thiểu có 10 người chết tại ngôi đền 900 tuổi mang tên Preah Vihear. Thêm 18 người tử vong khi đụng độ lại bộc phát vào hồi tháng 4 ở các nơi khác dọc vùng biên giới.
Nhiều người đã tưởng rằng nhiệm vụ đầu tiên mà Yingluck sẽ làm là đàm phán việc ân xá cho anh trai của mình. Nhưng các kế hoạch ưu tiên của bà đã được thay đổi nhanh chóng khi thảm họa tồi tệ nhất của đất nước bà, kể từ thời Đệ Nhị Thế Chiến, bắt đầu xảy ra.
Lũ lụt đã gây thiệt hại nặng nề và là yếu tố tái định nghĩa những tháng chấp chính đầu tiên của bà, giành được nhiều tán thưởng của giới ủng hộ, và, có lẽ là điều rất dễ tiên đoán, bị các đối thủ chính trị phê phán.

5. Khép Màn Một Thời Kỳ Chết Chóc
Gần 9 năm sau khi phần tử kích tiến Hồi giáo tiến hành các đợt đánh bom khiến 202 người thiệt mạng tại hòn đảo Bali thanh bình của Nam Dương, kẻ đánh bom cuối cùng rốt cuộc đã bị tóm, đánh dấu sự kết thúc của một chiến dịch truy lùng tội phạm mang tính lịch sử cũng như cuộc Chiến Tranh Chống Khủng Bố tại Đông Nam Á theo định nghĩa đã được đặt ra trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ này.
Omar Patek bị nhà chức trách Pakistan bắt vào hồi tháng giêng sau khi được tình báo Hoa Kỳ chỉ dẫn. Nhưng tin tức này không được công bố suốt cả 2 tháng sau ngày tội phạm bị bắt.
Việc bắt giam Omar Patek đã mang lại một kết thúc có đôi chút an ủi cho gia đình của nạn nhân và chính những kẻ đã sống sót qua cơn bi thảm này, một biến cố báo hiệu sự ra đời của một giới tuyến được mệnh danh Mặt Trận Thứ Hai của cuộc Chiến Tranh Chống Khủng Bố, trải rộng trên địa bàn Đông Nam Á.
Chẳng bao lâu sau đó Osama bin Laden cũng bị giết.
Patek, một chuyên gia về chất nổ, là phó chỉ huy trưởng tác chiến của tổ chức Jemaah Islamiyah vào thời điểm mà vụ đánh bom đầu tiên tại Bali được tiến hành giữa lời hiệu triệu thành lập một lãnh địa Hồi giáo khắp Đông Nam Á. Patek đang bị tòa án xét xử tại Nam Dương và các nhà chức trách tại Úc, Hoa Kỳ, và Phi Luật Tân cũng muốn y [được dẫn độ về nước họ].

6. Quần Đảo Trường Sa
Các nước Đông Nam Á đã chứng kiến một sự gia tăng ngoài ý muốn trong mức căng thẳng về vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa khi Trung Quốc cố gắng gồng cơ bắp kinh tế và quân sự ngày càng lớn mạnh của họ. Tình trạng căng thẳng năm nay có lẽ đã đạt mức tồi tệ nhất khi thái độ hung hăng của Trung Quốc trong vấn đề này đã dẫn đến những đợt biểu tình hiếm hoi tại Việt Nam.
Việt Nam, Mã Lai, Brunei, Đài loan, và Phi Luật Tân đều tuyên bố có chủ quyền trên quần đảo này. Tuyên bố của Trung Quốc đầy tham vọng vì Trường Sa tọa lạc ở bên kia bờ đại dương và phần lớn đều nằm trong giới hạn 200 hải lý của Phi Luật Tân và chỉ cách Mã Lai và Brunei bằng một khoảng ném đá rất gần về mặt chính trị.
Tại Hà Nội, nơi mà Hoàng Sa là một chủ đề mẫn cảm, nhiều đợt biểu tình đã được phép tiến hành trong khoảng thời gian dẫn đến Diễn Đàn Khu Vực của ASEAN được tổ chức tại Bali, và ở đó Trường Sa đã trở thành vấn đề thảo luận quan trọng nhất. Đồng thời cũng có một cuộc vận động nhằm xóa bỏ danh xưng Biển Hoa Nam. Nhưng không ai có thể đồng thuận về chuyện đó. Manila hiện đang xúc tiến danh xưng Biển Tây Phi Luật Tân và Việt Nam gọi nó là Biển Đông.
Rồi Phi Luật Tân quyết định họ đã chịu đựng quá đủ và đưa một phái đoàn gồm 4 chính trị gia ra đảo Pagasa, nơi có 60 người dân Phi Luật Tân cư trú, thuộc quần đảo đang bị tranh chấp này. Họ tuyên bố hòn đảo này là lãnh thổ của Phi Luật Tân và Bắc Kinh lần nữa lại điên lên vì tức giận. Phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Mã Triều Húc nhất quyết tuyên bố Trung Quốc có "chủ quyền không thể tranh cãi" trên quần đảo này, bất chấp mọi thực tế địa lý. Không một nước láng giềng nào chấp nhận điều đó.

7. Phiên Tòa Xét Xử Khmer Đỏ
Phiên tòa xét xử Khmer Đỏ đã chứng tỏ khả năng vững chãi của mình khi ba lãnh tụ quan trọng nhất còn sống sót của phe Mao-ít cực đoan đang cố gắng đối chọi với pháp đình do Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn để kháng biện về tội ác chố
Công tố viên tập trung vào việc cưỡng bức di tản đã xảy ra tại Phnom Penh và các trung tâm đô thị khác sau khi Khmer Đỏ chiếm quyền kiểm soát vào tháng 4 năm 1975. Anh Hai Nuon Chea, cựu nguyên thủ quốc gia Khieu Samphan, và cựu ngoại trưởng Ieng Sary đều phủ nhận cáo trạng.
Nuon Chea nói rằng Việt Nam phải chịu trách nhiệm về những tội ác đó, bao gồm tội diệt chủng. Khoảng từ 1,7 triệu cho đến 2,2 triệu người thiệt mạng dưới thời Pol Pot, một nền thống trị đã bị kết thúc vào tháng giêng năm 1979 khi quân đội xâm lăng của Việt Nam đánh đuổi Khmer Đỏ về vùng nông thôn nơi mà xung đột đã tiếp diễn thêm 20 năm nữa.
Công trình xây dựng một phi đạo do Trung Quốc hậu thuẫn tại tỉnh Kampong Chhnang ở miền trung Campuchia thố lộ rất nhiều điều. Trung Quốc đã ủng hộ phe Khmer Đỏ trong suốt thời kỳ Chiến Tranh Lạnh.
Tối thiểu phải có hơn 30.000 người bị đày đến và cưỡng bức làm việc tại phi đạo này. Hoàn cảnh tồi tệ đến nỗi nhiều người thích chọn lựa tự sát hơn, bằng cách nhảy xuống đường cho xe tải chạy qua cán chết. Nhân chứng đã khai báo với tòa án về việc mỗi một thành viên trong Ủy Ban Thường Vụ của Pol Pot đã đến viếng địa bàn này và khuyến khích nhân công làm việc hăng hái hơn như thế nào.

8. Giới Lãnh Đạo Cáu Kỉnh Của Singapore
Khi một chính phủ mất mát năm bảy ghế đại biểu trong một kỳ tổng tuyển cử nhưng quyền lãnh đạo nhà nước ở tầm mức tổng thể không bị ảnh hưởng gì nhiều, thì sự quan tâm của giới truyền thông cũng luôn luôn ở mức tối thiểu. Nhưng tại Singapore, nơi mà trong nhiều năm nay chính quyền chỉ mong muốn không gì ngoài sự ủng hộ hết lòng cho quyền lãnh đạo của họ, những mất mát đó dường như được xem là bi thảm.
Trong kỳ tuyển cử quốc hội khóa 16 vào tháng 5 vừa qua, phe đối lập đạt tỉ lệ phiếu bầu cao chưa từng có. Đảng Nhân Dân Hành Động (PAP), chấp chính từ khi Singapore giành được độc lập vào năm 1965, đắc cử với tỉ lệ phiếu bầu giảm xuống mức 60% từ mức 67% vào năm 2006.
Nhưng PAP vẫn xoay xở để chiếm được 81 trong tổng số 87 ghế đại biểu trong kỳ tranh cử này.
Lý Quang Diệu, vị quốc phụ và cựu thủ tướng có nhiệm kỳ dài nhất của Singapore, tỏ vẻ bức xúc và lập tức từ chức Nội Các Tư Chính [Cố Vấn Nội Các hay Bộ Trưởng Cố Vấn], một chức vụ mà ông bắt đầu nắm giữ từ năm 2004. Ngay sau đó, con trai ông, Thủ Tướng Lý Hiển Long, đã lên tiếng kêu gọi nhân dân tham gia công cuộc xây dựng một Singapore tốt đẹp hơn.
Ông cũng đưa ra nhận định rằng cuộc tuyển cử này là một bước ngoặt. Tình trạng thiếu thốn phòng ốc, hệ thống chuyên chở công cộng có nhiều vấn đề, hố giàu nghèo ngày càng lan rộng, và vấn đề dân nhập cư là những yếu tố dẫn đến thành tích tồi tệ chưa hề có trong lịch sử của PAP. Giai cấp thống trị của Singapore không quen bị chỉ trích. Ngài thủ tướng đã bình luận rằng: "... vấn đề không phải là chính sách hay chúng ta làm đúng hay sai, mà ai là người đảm trách, chấp chính."

9. Nạn Buôn Lậu Người
Đối với Úc, năm 2011 đã bắt đầu và kết thúc hầu như bằng một cách thức giống hệt nhau. Nạn buôn lậu người và vấn đề dân nhập cư bất hợp pháp chi phối nghị trình của Úc với các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Mã Lai, Nam Dương, và Thái Lan.
Kế hoạch trao đổi người tỵ nạn với Mã Lai bị Tối Cao Pháp Viện Úc vô hiệu hóa, trong khi đó nhiều tàu thuyền chuyên chở những lô hàng người quá tải từ Afghanistan, Iraq, Pakistan, và Sri Lanka vẫn tiếp tục cập bờ. Tình trạng này đã khiến một con tàu bị đắm chìm ở ngoài khơi Nam Dương, có lẽ đã khiến cho khoảng 180 người thiệt mạng.
Tuy nhiên, Thủ Tướng Julia Gillard vẫn cứ nhất định rằng đạt thỏa thuận với Mã Lai phối hợp với một giải pháp khu vực vẫn là sách lược tốt nhất để chống đối nạn buôn lậu người. Hơn 1.200 người xin tỵ nạn đang bị lưu giữ tại các cơ sở tạm giam trên đảo Christmas ngoài bờ biển tây bắc của Úc.

10. Áng Thơ Hào Hùng Của Người Mã Lai Tại Luân Đôn
Bằng vào đức tính tử tế, một thanh niên Mã Lai đã rất xứng đáng giành được cho mình một chỗ đứng trong các sự cố hàng đầu của năm 2011. Asyraf Haziq Rosli, một người có tiếng nói nhẹ nhàng, được quay phim trong lúc tâm trạng chưa hết bàng hoàng và vết thương còn nhỏ máu và đang được đỡ dậy sau khi bị đánh đập ở khu Đông Luân Đôn vào cao điểm của những đợt bạo động hồi tháng 8.
Máy chụp hình bắt quả tang những kẻ rành rành là "người cứu hộ" nhưng lại đang lục lọi ba-lô của anh và cướp giựt bất cứ cái gì mà họ có thể. Tối thiểu phải có đến 3 triệu người chứng kiến hành vi hèn hạ này trên YouTube. Nhưng Rosli đã được tán thưởng vì phản ứng mà anh đã thể hiện sau khi anh và một người bạn bị khoảng 100 thiếu niên tấn công khiến anh bị bể hàm và gãy mất mấy cái răng.
Có nguồn tin cho hay chàng thanh niên 20 tuổi này đã phát biểu rằng: "Tôi cảm thấy họ thật đáng thương ... Đó là điều đáng buồn, vì trong số đó có cả trẻ em, các bé trai ở bậc tiểu học. Quả đúng là chuyện gây sốc."
[Thủ Tướng] Cameron nhìn nhận rằng cảnh ngộ của Rosli đã nêu bật vì sao lại có nhiều chuyện "sai trái một cách tồi tệ trong xã hội của chúng ta."

Tháng 12, 2011
Copyright © 2011 Nam Hải Trường Sơn

.
.
.

No comments:

Post a Comment