Wednesday, November 2, 2011

XU THẾ MỚI (Huỳnh Trọng Hiếu)




Chính sách cấm vận của Hoa Kỳ được áp đặt như một biện pháp trừng phạt thích đáng, lâu dài đối với các quốc gia Hồi giáo bảo trợ khủng bố tại khu vực Trung Đông. Sự kiện Hoa Kỳ lên tiếng mạnh mẽ bênh vực, và không loại trừ giải pháp quân sự để hậu thuẩn và bảo vệ đồng minh Israel. Tiếp theo đó là những cuộc tấn công bằng võ lực vào các nhóm Hồi giáo cực đoan tại Afghanistan, giật sập chính quyền Hồi giáo thế quyền của Sadam Husshen tại Iraq khiến cho những người Hồi giáo hận thù nước Mỹ thêm sâu sắc. Thế giới những tưởng Hồi Giáo và Hoa Kỳ sẽ không bao giờ tìm được bất kỳ điểm chung nào. Hai thế lực này vĩnh viễn không bao giờ đứng cạnh nhau trong một Thế giới toàn cầu.

Năm 2009, ông Barack Obama đắc cử Tổng thống, sau gần ba năm cầm quyền với nhiều cải cách (như việc đóng cửa trại tù Guantanamo) và những bước đi ngoại giao mềm dẻo trong nổ lực hòa giải với Hồi giáo, Hoa Kỳ đã chứng minh cho Thế giới Hồi giáo thấy rõ thiện chí của mình rằng người Mỹ muốn đối thoại và hợp tác với Hồi giáo. Sự thay đổi chiến lược ngoại giao của Mỹ tác động đáng kể đến não trạng và nhận thức của phần lớn người Ả rập, tạo động lực, điều kiện thuận lợi cho cuộc cách mạng đòi Dân chủ đang bùng lên và lan tỏa toàn bộ khu vực Trung Đông – Bắc Phi.

Một yếu tố khác mang tầm quan trọng không kém, ảnh hưởng đến Cách mạng Hoa Lài đó là sự bùng phát công nghê thông tin toàn cầu. Internet hầu như ăn sâu vào đời sống và sinh hoạt của mọi người dân ở mọi quốc gia. Nguồn thông tin mở đã cung cấp cho đại chúng sự hiểu biết khách quan, cần thiết về mối tương quan giữa họ với thế giới bên ngoài. Sự thuận tiện trong việc liên hệ và được bày tỏ quan điểm cá nhân thúc đẩy thay đổi trong nhận thức. Tuy nhiên đây không phải là yếu tố cốt lõi bảo đảm cho sự cải cách hay hình thành một cuộc cách mạng.

Thời gian vừa qua, những người yêu chuộng Tự do – Dân chủ, cho đến giới lãnh đạo của các chế độ độc tài chuyên chế đều hồi hộp, lo lắng chờ đợi tin tức từ cuộc cách mạng đang diễn ra tại Sirya…Cho đến thời điểm hiện nay, con số chính thức được thống kê có khoảng ba ngàn người biểu tình bị giết hại. Chính quyền Damascus vẫn tiếp tục triển khai quân đội đàn áp biểu tình, bắn giết dân chúng bất chấp sự kêu gọi hay trừng phạt của cộng đồng quốc tế.

Về phía dân chúng, không có bất kỳ dấu hiệu nào của sự nhượng bộ. Số lượng người tham gia biểu tình ngày càng đông. Từ trong các ngôi đền sau những buổi cầu nguyện, người dân khắp các ngả đường đổ dồn về trung tâm thành phố yêu cầu Tổng thống Bachar Al Assad từ chức. Lực lượng an ninh đã nổ súng vào những người biểu tình làm cho nhiều người thiệt mạng và bị thương. Từ nhiều ngày nay, đã xảy ra chạm trán giữa những người được trang bị vũ khí và lực lượng an ninh, quân đội trung thành với chính phủ, có thể họ là những người lính đào ngũ vì chống lại lệnh bắn vào đoàn biểu tình. Cao ủy Liên hiệp quốc về Nhân quyền lên tiếng bày tỏ quan ngại sẽ xảy ra một cuộc “nội chiến” tại Syria.

Phe đối lập ở Syria bắt đầu thành lập Hội đồng Quốc gia và tiếp tục kêu gọi nhân dân xuống đường đấu tranh giật sập chế độ độc tài của Bachar Al Assad. Có thể nói cuộc cách mạng đang diễn ra tại Syria không khác mấy so với “kịch bản” tại Libya. Cộng đồng quốc tế, nhất là Châu Âu và Hoa Kỳ luôn ủng hộ và đứng về phía dân chúng Syria. Cuộc đấu tranh hiện đang trong giai đoạn cam go, nhưng chúng ta có đầy đủ cơ sở để tin rằng: chế độ độc tài tại Syria cũng phải cáo chung để nhường quyền lãnh đạo cho dân chúng.

Tại Miến Điện – một chế độ độc tài tàn bạo và khép kín nhất thế giới đã tồn tại gần 50 năm đang bắt đầu đi vào cải cách. Năm 2007, cuộc biểu tình của các Tăng ni Phật tử bị chính quyền quân nhân đàn áp đẫm máu. Họ ra lệnh tống giam hàng ngàn người tham gia cuộc đấu tranh, những người lên tiếng cổ súy cho Tự do Nhân quyền.
Cuộc Cách mạng Hoa Lài diễn ra thành công tại Trung Đông – Bắc Phi đã tạo một áp lực đủ mạnh khiến chính quyền Naypidaw phải nhượng bộ. Thời gian qua, chính quyền Dân sự Miến đã có nhiều bước đi mà Thế giới và lực lượng đối lập – Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà Aung shan Shuky cho là tiến bộ. Lần đầu tiên, chính quyền tại Miến Điện công nhận tại đất nước này có “tù nhân lương tâm” và vị Tổng thống đương nhiệm đã phải ký quyết định trả tự do cho gần 200 tù chính trị. Ngoài ra, những quan chức đang tại vị trong chính phủ Dân sự còn kêu gọi tự do thông tin ngôn luận, đóng cửa các cơ quan kiểm duyệt. Ngày 14/10/20011 chính quyền Naypidaw thông qua một đạo luật mới về việc thành lập công đoàn độc lập và đình công. Qua nhiều động thái từ chính quyền mà các Tổ chức Nhân quyền quốc tế đánh giá là tiến bộ làm chúng ta hi vọng rằng một “Mùa Xuân Miến Điện” sắp đến.

So sánh tình hình Việt Nam và hai nước đang có xu hướng tiến gần đến lộ trình Dân chủ như Miến Điện và Syria, chúng ta tự hỏi liệu Việt Nam trong tương lai gần, có thể hình thành một cuộc cách mạng Dân chủ như đang diễn ra tại Syria hay không? Và lực lượng Dân chủ trong nước có đủ mạnh để tạo áp lực khiến chính quyền CSVN tính đến giải pháp cải tổ như Miến Điện đang thực hiện hay không?

Syria có dân số gần 20 triệu người trong đó 80% dân số là người Ả rập theo hệ phái Sunni. Hầu hết, các tín đồ Hồi giáo trên Thế giới có niềm tin và sự thuần phục vào tín ngưỡng một cách mãnh liệt. Chính ở sự sùng tín tôn giáo mãnh liệt đã đưa họ lệch về một thái cực. Có thể nói những tín đồ Hồi giáo có một tinh thần cực đoan về tín ngưỡng mà không nơi nào trên Thế giới có được. Điều này làm nên bản sắc riêng, một kiểu “dân tộc tính” tồn tại trong bản chất, ý thức và hành động của người Hồi giáo. Khi đã theo đuổi bất kỳ mục tiêu nào mà họ cho là phù hợp, là chính đáng được hướng dẫn bởi Kinh Coran, các tín đồ sẽ lao vào thực hiện cho bằng được bất chấp phải trả giá đắt như thế nào. Tinh thần “tử vì đạo” có lúc khiến cho các tín đồ Hồi giáo trở nên nguy hiểm trong mắt của cộng đồng quốc tế.

Nhưng ngày hôm nay lịch sử đã sang trang, tinh thần chống Mỹ, Phương Tây hay Thánh chiến không còn là chiêu bài để các tổ chức khủng bố có thể đem ra lợi dụng được. Người dân Hồi giáo đã thay đổi nhận thức, họ biết Dân chủ là động lực thúc đẩy sự phát triển và phồn thịnh ở mọi quốc gia và nó thật sự hữu ích cho cuộc sống và sự phát triển chung của cộng đồng Hồi giáo. Lần này những người Hồi giáo đứng lên đấu tranh một cách ngoan cường vì giá trị Tự do

Từ khi bắt đầu cuộc Cách mạng Hoa Lài cho đến nay là một khoảng thời gian không dài. Trước các đợt càn quét từ chính quyền Damascus mà con số thương vong mỗi ngày một tăng, những bước chân của nhân dân Sirya trên đường phố là một bước tiến lớn đối với tiến trình Dân chủ tại quốc gia này và là bước ngoặc trong lịch sử phát triển của nhân dân Syria, làm thay đổi vận mệnh của đất nước Hồi giáo này, điều mà nhân dân Việt Nam chúng ta hiện nay vẫn chưa thể thực hiện được bởi vì nhiều nguyên nhân. Người dân VN đa phần vẫn chưa ý thức được Dân chủ có ý nghĩa quan trọng thế nào đến sự phát triển đất nước. Chúng ta còn quá nhút nhát để tiến hành một cuộc biểu tình yêu nước hay đòi Dân chủ. Đó chính là sự khác biệt rất lớn giữa người dân Việt Nam và nhân dân Ả Rập.

Nhìn về khu vực Đông Nam Á, đất nước Miến Điện – quốc gia chủ yếu theo Phật giáo. Sau Thế chiến II, Miến Điện rơi vào tranh chấp chính trị nhưng sau đó đã xây dựng được một Nhà nước Cộng hòa liên bang. Một hệ thống chính trị lưỡng viện được thành lập…Thời gian sống trong nền Cộng hòa giúp người dân Miến Điện có cái nhìn thấu đáo hơn về giá trị thực sự của một chính thể Dân chủ, từ đó hình thành một lực lượng đối lập mạnh mẽ.

Năm 1962, tướng Ne Win lãnh đạo giới quân nhân đảo chính Chính quyền Dân chủ để thành lập Chính quyền Quân sự độc tài. Từ đó đến nay, đất nước Miến Điện rơi vào suy thoái và tụt hậu vì không thể hội nhập quốc tế. Tuy bị cưỡng bách chính trị, nhưng nền tảng Dân chủ tại Miến Điện vẫn còn khá vững mạnh. Năm 1990, Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi thắng lớn trong một cuộc tranh cử tự do nhưng kết quả bầu cử không được công nhận. Những người đấu tranh bị bắt giữ, giam cầm với mức án nặng nề. Nhưng uy tín chính trị của bà Aung San Suu Kyi và thực lực của Liên đoàn quốc gia vì Dân chủ luôn là một chướng ngại đối với sự lãnh đạo của chính quyền quân phiệt Miến.

Một lực lượng đối lập hùng mạnh như Liên đoàn quốc gia vì Dân chủ và một vị lãnh tụ hội đủ những yếu tố như: Tài năng, uy tín, phẩm hạnh, bản lĩnh, và sự hậu thuẫn quốc tế như bà Aung San Suu Kyi là điều mà lực lượng Dân chủ tại Việt Nam hiện nay không có. Như phần trên đã đề cập, người dân Việt Nam không thể làm một cuộc xuống đường rầm rộ như Syria để tạo nên cao trào dẫn đến cuộc cách mạng, cũng không có một lực lượng đối lập đủ mạnh như Miến điện khiến Đảng CSVN phải đi vào cải tổ…Vậy Tương lai nào cho nền Dân chủ của chúng ta?

Mỗi một quốc gia có mỗi sắc thái văn hóa cũng như hoàn cảnh lịch sử khác nhau. Theo cách đó, điều kiện để hình thành một chính thể Dân chủ cũng có nhiều khác biệt. Việt Nam hiện nay có những tôn giáo lớn như Công giáo, Phật giáo, Cao đài, Hòa Hảo với số lượng tín đồ đông đảo…Vì là một nền kinh tế chuyên gia công nên có một lực lượng công nhân rất lớn,giới công nhân tại Việt Nam thường xuyên bị tư bản nước ngoài câu kết với các quan chức chính quyền bóc lột sức lao động và luôn bị ngược đãi. Đời sống của công nhân đang trong lúc khó khăn do mức lương quá thấp, cộng với nền kinh tế đang trong giai đoạn lạm phát nghiêm trọng. Nhân dân Việt nam có truyền thống yêu nước chống ngoại xâm, nhưng đất nước hiện nay đang bị Tàu cộng lấn át, xâm lược mà nhà cầm quyền VC lại bất minh và bất lực.

Có lẽ đây là những “đốm lửa” nhỏ đang âm ỉ trong lòng đất nước chỉ chờ một ngọn gió là bùng lên thành biển lửa, như tại Bắc Phi và Trung đông.

CSVN là một chế độ độc tài toàn trị nên họ có xu hướng đàn áp để bảo vệ độc quyền hơn là đối thoại để đồng thuận. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay, khi mà châu Á đang là trọng tâm trong chiến lược ngoại giao của Hoa Kỳ, một chiến lược lấy giá trị dân chủ và tự do chính trị làm nền tảng như lời Ngoại trưởng Hillary Clinton đã nói với nhà cầm quyền CSVN. Chúng ta tin rằng, lực lượng đấu tranh cho dân chủ tại VN sẽ không đơn độc.

26/10/2011
© Huỳnh trọng Hiếu
© Đàn Chim Việt
.
.
.

No comments:

Post a Comment