Tuesday, November 29, 2011

NHÀ CẦM QUYỀN NGĂN CẤM CHIẾU PHIM VỀ HOÀNG SA Ở SÀI GÒN (tin tổng hợp)



BBC
Cập nhật: 14:20 GMT - thứ ba, 29 tháng 11, 2011

Ý định chiếu bộ phim tài liệu về Hoàng Sa ở một quán cà phê tại TP. HCM đã không thành sau sự can thiệp của công an.

Ông Andre Menras (Hồ Cương Quyết), công dân người Việt gốc Pháp, dự định cho chiếu phim tài liệu do ông thực hiện có tựa đề "Hoàng Sa-Việt Nam: Nỗi đau mất mát".
Bộ phim dự tính chiếu ở một quán cà phê trong Khu du lịch Văn Thánh chiều nay 29/11.
Tuy vậy, tin cho hay một số người tham gia tổ chức như ông Cao Lập (Giám đốc khu du lịch Văn Thánh) và luật gia Lê Hiếu Đằng được công an triệu tập.
Một người tham gia cho hay khi các bạn bè đến quán Ami Art khoảng 17h30, họ thấy điện bị cúp.
Những người tổ chức sau đó vào một nhà hàng bên cạnh, nơi ông Hồ Cương Quyết cầm tấm biển ghi dòng chữ "phản đối các hoạt động phi pháp và bạo động của Công an TP. HCM ngăn chặn và cấm việc chiếu phim".

Trước đó, theo một bài viết của nhà thơ Đỗ Trung Quân, ông Hồ Cương Quyết "đi đặt một áp- phích với nội dung "Hoàng Sa là của Việt Nam".
"Áp- phích được đồng ý với giá 220.000 đồng.
...Cũng thương cho những người dân làm ăn hiền lành, hàng chục năm qua tâm lý đã sống quen nỗi sợ , chỉ muốn làm ăn yên ổn không muốn được chính quyền lưu ý. Khi Hồ Cương Quyết đến nhận áp – phích, cái ông được nhận lại là chiếc phong bì hoàn tiền với dòng chữ 'Trả lại ông Tây, không làm được.'"

Theo giới thiệu, phim tài liệu 60 phút kể về người dân ở Bình Châu, Lý Sơn vật lộn với biển để mưu sinh và khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Phim này được Chính phủ Việt Nam cho phép quay phim, ghi hình tại Quảng Ngãi.
Một bài trên Tạp chí Nhân quyền Việt Nam gần đây còn ca ngợi phim này là "gửi ra thế giới một thông điệp rõ ràng và lạc quan: Cộng đồng này, dân tộc này sẽ không nhượng bộ cho ai một tấc đất, một tấc biển của mình".

Ông Hồ Cương Quyết, sinh năm 1945 tại Pháp, được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trao quyết định nhập tịch năm 2009 "vì có công đối với Việt Nam trong thời gian kháng chiến chống Mỹ".
Đầu tháng Sáu năm nay, ông Hồ Cương Quyết tham gia cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở TP. HCM.
Theo tường thuật của ông, trong buổi gặp lãnh đạo TP. HCM khi đó, ông cùng bạn bè "đã yêu cầu chính phủ và Nhà nước Việt Nam tạo điều kiện để sự công phẫn được thể hiện trong tinh thần trách nhiệm, hòa bình, kiên quyết, toàn diện trong sự tôn trọng trật tự".

Đến tháng Tám, ông lại có thư ngỏ phê phán Đài truyền hình Việt Nam khi kênh VTV1 liệt trang Bauxite Việt Nam - nơi ông là cộng tác viên - vào trang web "phản động".

--------------------

PV Bauxite Việt Nam
30/11/2011

Ông Lê Hiếu Đằng giúp ông André Menras-Hồ Cương Quyết căng biểu ngữ thể hiện quan điểm trước hành động ngăn cấm buổi chiếu phim.

TP. HCM – Bộ phim tài liệu Hoàng Sa Việt Nam - Nỗi đau mất mát nói về cuộc sống của ngư dân huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi, Việt Nam) do ông André Menras-Hồ Cương Quyết và Đài Truyền hình TP. HCM (HTV) thực hiện năm 2011 dự kiến sẽ có buổi giới thiệu đoàn làm phim và chiếu ra mắt với các thân hữu vào lúc 17g30 ngày 29-11-2011, tại khu du lịch Văn Thánh (Q. Bình Thạnh, TP. HCM).

Thế nhưng, vào giờ chót, buổi chiếu phim đã không được diễn ra như mong đợi. Trong lời cáo lỗi với hơn 50 người hiện diện tại nhà sảnh Ami Art Gallery, ban tổ chức nêu rõ lý do phía an ninh (cả công an quận và thành phố) đã yêu cầu không được chiếu bộ phim này. Theo ông Cao Lập, thậm chí đã có sự đe dọa từ phía công an đối với các thành viên ban tổ chức và khu du lịch Văn Thánh.

Ông André Menras-Hồ Cương Quyết cho biết ông sẽ viết bài yêu cầu các cơ quan chức năng làm rõ ai đã ra lệnh cấm chiếu bộ phim này và cấm vì lý do gì? Đồng thời, bằng một biểu ngữ lớn do chính tay mình viết bằng tiếng Việt, ông tuyên bố: “Tôi Hồ Cương Quyết, công dân Việt Nam, phản đối các hoạt động phi pháp và bạo động của công an TP.HCM ngăn chặn và cấm việc chiếu phim tài liệu Hoàng Sa Việt Nam – Nỗi đau mất mát, dù nó là tiếng nói của đồng bào ngư dân Miền Trung và hoàn toàn có lợi cho Việt Nam trong sự nghiệp khẳng định chủ quyền trên biển đảo Hoàng Sa”.

Theo quan sát của chúng tôi, rất khác mọi khi, các hàng quán dẫn vào khu du lịch Văn Thánh đều đồng loạt… đóng cửa. Lực lượng an ninh với trang bị máy quay phim, máy ảnh, máy ghi âm hoạt động ráo riết vòng ngoài, vòng trong tại khu vực mà các thân hữu của ông André Menras-Hồ Cương Quyết dự định thưởng thức tác phẩm của bạn mình.

Được biết, bộ phim này đã được Sở Ngoại vụ TP.HCM cấp giấy phép xuất nhập sản phẩm báo chí và xác nhận nội dung không vi phạm luật báo chí Việt Nam. Trước đó, công tác chuẩn bị và thực hiện bộ phim cũng đã được nguyên chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ủng hộ và nhận được sự hỗ trợ của Vụ Thông tin Báo chí (Bộ Ngoại giao Việt Nam).

PV BVN

Công văn của Vụ Thông tin Báo chí (Bộ Ngoại giao) gửi Đài Truyền hình TP. HCM đề nghị cử người quay phim đi thực hiện phóng sự tại Lý Sơn

Giấy phép của Sở Ngoại vụ TP. HCM xác nhận nội dung của phóng sự này không vi phạm luật báo chí Việt Nam

Từ phải qua: ông André Menras-Hồ Cương Quyết đang trao đổi với GS.TS. Nguyễn Đăng Hưng (Vương quốc Bỉ) và nhà báo David Cyranoski (tạp chí Nature, Hoa Kỳ) trước buổi chiếu dự kiến.

Nhà quay phim Nguyễn Hoàng (HTV), người cùng thực hiện bộ phim Hoàng Sa Việt Nam – Nỗi đau mất mát, đang chia sẻ với ông André Menras-Hồ Cương Quyết.

Ban tổ chức cáo lỗi cùng các thân hữu vì buổi chiếu đến giờ chót bị ngăm cấm.

Một an ninh (áo xanh) đang làm nhiệm vụ quay phim đám đông.

Ông André Menras-Hồ Cương Quyết (bìa trái) nói lên sự thất vọng của mình trước hành động của chính quyền TP.HCM.

Ông André Menras-Hồ Cương Quyết trao tận tay mỗi người đến tham dự những đĩa CD phim Hoàng Sa Việt Nam – Nỗi đau mất mát.

--------------------------------------

Posted by basamnews on 29/11/2011

Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc vừa cho biết:

Chiều nay, 29/11/2011, tại cafe Ami Art, Khu du lịch Văn Thánh, TPHCM, các ông André Menras Hồ Cương Quyết, Lê Hiếu Đằng, Cao Lập, v.v.. tổ chức chiếu phim Hoàng Sa-Việt Nam: Nỗ đau mất mát nhưng đã bị các cơ quan chức năng đình chỉ.

Tham dự “hụt” buổi chiếu phim, chúng tôi thấy sự hiện diện của khách mời đều là nhóm thân hữu như GS.TS Nguyễn Đăng Hưng (VK Bỉ), Nhà văn Hoàng Hưng, Nhà thơ Lê Thị Kim, Nguyễn Hòa VCV, Nguyên P.TBT Báo SGGP Kha Lương Ngãi, Vợ chồng họa sĩ Lê Triều Điển, Vợ chồng nhà thơ Bùi Chí Vinh,… các phóng viên của các báo TT, CATP,…và nhiều người nguyên là nguyên, nguyên, …

Đặc biệt chiều nay có ông David Cyranoski, Biên tập viên chính của Tạp chí Nature, người đã có bài phản biện “đường lưỡi bò” vô lý của các học giả Trung Quốc trên tạp chí này.

Trước đó, sáng nay tại nhà GS.TS Nguyễn Đăng Hưng, PGS.TS Hoàng Dũng (ĐHSP TP.HCM), nhà văn Hoàng Hưng, NNC Đinh Kim Phúc đã có buổi trao đổi với ông David Cyranoski, Biên tập viên chính của Tạp chí Nature về những vấn đề chung quanh “đường lưỡi bò” vô lý của các học giả Trung Quốc, về những luận cứ, luận chứng trong việc xác lập chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa, về vấn đề di chứng chất độc da cam tại Việt Nam và nhiều vấn đề quan trọng khác.

Qua tiếp xúc, chúng tôi thấy “ông Tây” David Cyranoski cũng giống như “ông Tây” André Menras yêu Việt Nam như người Việt Nam.
.
.
.

No comments:

Post a Comment