Monday, November 28, 2011

NGUYỄN TRƯỜNG TỘ LÀ NGƯỜI YÊU NƯỚC MỘT TRĂM PHẦN TRĂM (TS/GM Nguyễn Thái Hợp)



Nguyễn Thái Hợp
27/11/2011

Nhân kỷ niệm 140 năm ngày mất nhà yêu nước, nhà cải cách Nguyễn Trường Tộ (28/11/1871-28/11/2011), Tạp chí Văn hóa Nghệ An đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ Nguyễn Thái Hợp, Giám mục địa phận Vinh. Chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung của cuộc trao đổi này cùng bạn đọc.
Tạp chí Văn hóa Nghệ an
--------------------------

PV: Thưa tiến sĩ, Giám mục Nguyễn Thái Hợp, theo ông thì đóng góp xuất sắc nhất của Ngài Nguyễn Trường Tộ là gì?
Tiến sĩ, Giám mục Nguyễn Thái Hợp: Theo thiển ý, phần đóng góp xuất sắc nhất của Nguyễn Trường Tộ là những sáng kiến, những kế hoạch, những hoạt động cụ thể để bảo vệ và xây dựng đất nước, trong thời gian đế quốc Pháp vào xâm chiếm nước ta. Đó là năm 1859, Pháp và Tây Ban Nha đánh phá Gia Định; năm 1862 triều đình Huế phải ký hòa ước bồi thường chiến phí cho Pháp và Tây Ban Nha, nhường cho Pháp làm thuộc địa 3 tỉnh Gia Định, Biên Hòa, Định Tường; năm 1867, Pháp đem quân cưỡng chiếm 3 tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên. Suốt thời gian ấy, chính xác là từ năm 1861 đến khi qua đời năm 1871, Nguyễn Trường Tộ (sinh năm 1830) đã đệ lên triều đình Tự Đức 58 bản điều trần nhằm giải phóng quê hương và canh tân xứ sở. Ông không chỉ đệ trình những điều trần lý thuyết, mà còn tích cực hành động góp phần giải quyết vấn đề. Điều không may cho Nguyễn Trường Tộ là “sinh bất phùng thời”, sống vào giai đoạn gặp phải ông vua Tự Đức nhu nhược và các quan lại vô trách nhiệm! Chắc chắn ông rất đau khổ khi thấy tâm nguyện và ước nguyện canh tân đất nước không được đón nhận. Và chắc chắn ông cũng mang cái tâm sự u uất của một trí thức đành bất lực nhìn vận nước suy vong, mà Cao Bá Quát đã diễn tả một cách thật sắc nét:
Thái bình vô nhất lược
Lộc lộc sỉ vi nho
(Chẳng có một sách lược cho đời được thái bình
Thẹn cho mình là một nhà nho tầm thường)

PV: Trong các điều trần của Ngài để lại, ông thấy những nội dung nào thể hiện viễn kiến sâu sắc nhất và có ý nghĩa thiết thực cho đến tận hôm nay?
Tiến sĩ, Giám mục Nguyễn Thái Hợp: Tất cả 58 điều trần của Nguyễn Trường Tộ đệ lên triều đình tạo thành một khối nhất thống nhằm mục đích duy nhất là giải phóng 3 tỉnh rồi cả 6 tỉnh Nam kỳ. Cho dù các điều trần dài ngắn hay đề tài khác nhau, nhưng đều có chung một định hướng. Do đó, khó có thể trả lời trong khối điều trần ấy “những nội dung nào thể hiện viễn kiến sâu sắc nhất...”, bởi vì Nguyễn Trường Tộ với nhãn quan thực tế, với kiến thức sâu rộng, biết mình biết người, đã đệ những kiến nghị để giải quyết những vấn đề bức xúc đương đại, trong tinh thần “Ngôi vua là quý; chức quan là trọng”. Thí dụ: Nguyễn Trường Tộ dâng điều trần “Bàn về tự do tôn giáo” (ngày 29.3.1863) là trình bày về lịch sử từ xa xưa các dân tộc đã có những tín ngưỡng và tôn giáo khác nhau. Riêng về đạo Công giáo thì từ thời Minh Mạng (1833) bị cấm triệt để. Liên quân Pháp - Tây Ban Nha mượn cớ bách hại Công giáo để mang quân vào đánh Đà Nẵng năm 1858, rồi vào chiếm Gia Định (Sài Gòn) năm 1861. Trong hòa ước 1862, điều đầu tiên là yêu cầu cho tự do theo đạo trong toàn quốc Việt Nam. Điều sau mới là cắt 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ cho Pháp làm thuộc địa... Chính vì vậy, Nguyễn Trường Tộ điều trần xin thành thật bỏ việc cấm đạo và đặc biệt nên nhớ rằng Pháp lấy cớ bách hại tôn giáo (tuy là có thật), nhưng chủ yếu là để xâm chiếm nước ta. Nguyễn Trường Tộ là tín hữu công giáo nhưng không có mặc cảm hay hận thù, mà còn thành khẩn đệ lên triều đình hàng loạt điều trần nhằm khẩn trương cứu quốc và canh tân xây dựng vững bền cho tương lai. Tự Đức lúc đầu còn ngờ vực, sau đánh giá cao các bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ, nên đã ra chỉ dụ: “Nay hãy đệ nạp các bản, trong đó các khoản nên chăng như thế nào, khoản nào nên làm ngay, khoản nào nên đình lại, nhất phải nói rõ (phải phác trình riêng cho biết có bao nhiêu nguyên bản, sát kiểm sơ qua các khoản để tiện xem). Lại phải tiến trình các bản chưa đóng hãy đóng chung lại kẻo mất”. Đó là chỉ dụ ngày 14.3.1868 cho Cơ mật viện gồm Nguyễn Tri Phương, Đoàn Thọ, Vũ Trọng Bình, Nguyễn Văn Phong, Phan Huy Vịnh, Phạm Phú Thứ, Trần Tiễn Thành.

PV: Ông có nhận xét gì không về phương pháp tư duy của Ngài Nguyễn Trường Tộ? Và đặt nó trong phong cách tư duy của người Việt Nam ta trong thời bấy giờ nửa cuối TK XIX ?
Tiến sĩ, Giám mục Nguyễn Thái Hợp: Phương pháp tư duy của Nguyễn Trường Tộ là phương pháp tư duy của bậc sĩ phu yêu nước nhiệt huyết và tinh hoa nhất ở cương vị chính quyền cũng như ngoài chính quyền. Cơ sở tư duy của ông luôn đậm đà bản sắc dân tộc tương tự như Võ Trường Toản hay La Sơn Phu Tử, và giàu kiến thức đông tây kim cổ khác nào Lê Quý Đôn. Tuy nhiên Nguyễn Trường Tộ sinh trưởng đúng thời kỳ đế quốc tư bản Tây phương đua nhau đi xâm chiếm thuộc địa khắp thế giới, coi dân bản xứ như bán khai hay nô lệ. Thuở thiếu thời, Nguyễn Trường Tộ đã thấm nhuần nho học qua tứ thư ngũ kinh. Nhưng ông học để biết chứ không để đi thi. Đến tuổi thanh niên Nguyễn Trường Tộ được tiếp xúc với giáo sĩ Pháp nên có dịp nghiên cứu văn minh và lịch sử Tây phương. Khi đi sang Hồng Kông và có lẽ Pênăng - Mã Lai Nguyễn Trường Tộ đã đọc thêm “tân thư” mà người Trung Hoa đã dịch từ sách Tây phương, lại được tiếp xúc trực tiếp với nhiều nhân vật trí thức Á, Âu để trao đổi và kiểm nghiệm với kiến thức và thực tế mắt thấy tai nghe. Có lẽ nhờ đó mà Nguyễn Trường Tộ biết mình biết người hơn, biết so sánh nước mình với các nước trong thiên hạ rõ ràng hơn. Thí dụ so sánh nước ta với các nước trong bán đảo Đông Dương, Nguyễn Trường Tộ nhận định: “Ở miền Nam hải có ba nước: nước ta, Miến Điện và Xiêm La. Nhưng hai nước kia còn trong tình trạng kém cỏi, còn lâu mới đuổi kịp nước ta”. Song so với các nước Tây phương - như Pháp đã chiếm 3 tỉnh của ta làm thuộc địa - thì ta quá chú trọng về từ chương và lơ là về khoa học thực nghiệm. Nguyễn Trường Tộ đệ các điều trần luôn với một tấm lòng thành khẩn, đề nghị việc gì cũng rút từ kinh nghiệm Đông Tây và từ hiện tình Việt Nam, lời lẽ dễ hiểu với người đương thời hay tại chức. Ông thẳng thắn phê bình những sai sót hay bất cập của triều đình, của giới sĩ phu và của xã hội đương đại, mà không để ai mất lòng. Ông viết điều gì cũng có tình có lý. Ngay như điều trần 10 Thảo thư gởi Tây soái để chuộc lại 3 tỉnh đã mất với lời lẽ trang trọng và lý sự vững chắc. Đây là bản dự thảo để triều đình Huế sử dụng. Khi đọc xong, Tự Đức châu phê: “Bài này lý lẽ rất mềm dẻo, không chống, không theo, cũng rất nghiêm chỉnh và trang nhã khiến cho họ biết rõ có thế cũng không ỷ thế được, thật là không thèm dạy mà dạy cho họ vậy”. Có lẽ bài dự thảo này “để trả lời một văn thư nào đó của Tây soái phiền trách việc quấy phá của dân ta trong ba tỉnh đã nhường cho Pháp”.

PV: Những bài học nào mà chúng ta có thể tiếp nhận ở Ngài Nguyễn Trường Tộ từ hôm nay và cho hôm nay, thưa ông?
Tiến sĩ, Giám mục Nguyễn Thái Hợp: Điều trần nào của Nguyễn Trường Tộ cũng nhằm mục đích giải quyết tình huống khẩn trương hay cấp bách như lấy lại những tỉnh thành đã mất, hoặc lâu dài như canh tân đất nước về mọi mặt chính trị, văn hóa, kinh tế, xã hội, ngoại giao, quốc phòng, kỹ thuật, khoa học, giáo dục, thương nghiệp, công nghiệp, khai khoáng, thủy lợi, v.v... Nguyễn Trường Tộ đệ đạt nhiều kế hoạch giải phóng vùng bị xâm chiếm, kể cả mưu tính đánh úp Gia Định mà ông đóng vai chính. Hầu như để chứng minh sự khả thi của các đề xuất, Nguyễn Trường Tộ đã chỉ đạo đào Kinh Sắt: “Bộ sai quan Tổng đốc Nghệ An là Hoàng Kế Viêm ra đào Kênh Sắt... Người viết thư cậy ông Tộ đi khám xem hình đất, thế đất, chỉ lối cho mà đào. Vì trước ông Cao Biền là quan của vua Đường bên Tàu sang làm quan Đô hộ úy nước Nam, lại vua Quý Ly nhà Hồ đã đào không xong, vì mắc nhiều đá cuội dưới đất. Ông Tộ đi xem nói rằng: Có một khúc vì có nhiều đá lớn, như bên Tây có cốt mìn thì phá đi, ta không có nên phải tránh, ông cắm nêu một hồi buổi sớm vừa xong, dân phu cứ thế mà đào thì kênh hoàn thành”. Hay như việc chỉnh trang xã thôn: “Mẹ của Nguyễn Trường Tộ là người Xuân Mỹ... Trước kia dân Xuân Mỹ ở vùng dưới chân đồi thấp, đất ruộng, cách chỗ ở hiện nay khoảng 400 thước về phía Tây. Nơi ấy gần khe suối, tới mùa mưa lụt thì lầy lội bẩn thỉu. Nguyễn Trường Tộ đã khuyên dân dời cả lên triền đồi (chỗ ở hiện nay). Ông vẽ đường chia ô cho các hộ. Dấu vết của một số đường sá còn thấy ngày nay”. Đó là chưa kể việc Nguyễn Trường Tộ cố vấn mua tàu thủy London, việc dẫn đoàn đi Pháp tìm thầy, mua máy móc, để lập trường kỹ thuật cho Huế, hay việc xây dựng nhà dòng nữ Áo Trắng (đường Tôn Đức Thắng, quận 1, TP.HCM) to tát vững vàng còn đến nay, v.v... Nguyễn Trường Tộ điều trần những giải pháp thiết thực và tiến bộ nhất đương thời nhằm khai thông tình huống cấp bách đương đại. Ngày nay, lịch sử đã nhiều lần sang trang và chúng ta đang ở vào giai đoạn toàn cầu hóa. Tuy nhiên, tinh thần canh tân xã hội hay biện pháp giải quyết tình huống của Nguyễn Trường Tộ vẫn còn là những bài học cho chúng ta ngày nay.

PV: Thưa, ông có thể nói rõ hơn về nhân cách một người Việt yêu nước và nhân cách một tín đồ đạo Thiên Chúa trong một con người cụ thể là Ngài Nguyễn Trường Tộ? Sự kết hợp, giao hòa giữa các phẩm chất đó như thế nào? Có thể coi Ngài là một đại biểu xuất sắc của cách ứng xử yêu Nước kính Chúa, thực hiện hài hòa bổn phận vừa là dân của Nước, vừa là con của Chúa?
Tiến sĩ, Giám mục Nguyễn Thái Hợp: Nguyễn Trường Tộ là một sĩ phu yêu nước nồng nàn và cũng là một tín hữu Công giáo. Ông yêu nước nhưng theo thuyết “dân vi quý” dù “vua là quý, quan là trọng”. Dân có bổn phận công dân, vua quan có sứ mệnh quan trọng nặng nề hơn thường dân. Ông kính thờ Chúa nhưng luôn gắn bó với đất nước Việt Nam. Ông cũng phân biệt được đức tin với giáo sĩ truyền giáo. Ông kính trọng các giáo sĩ, nhưng khi giáo sĩ ngoại quốc có liên quan đến việc nước, thì ông giấu việc cứu quốc với họ. Hoặc khi thấy nhiều giáo sĩ Pháp có liên quan với thực dân, thì ông đề nghị nên xin Tòa thánh sai phái các giáo sĩ khác tới thay thế. Nguyễn Trường Tộ là người yêu nước một trăm phần trăm và cũng là tín hữu Công giáo một trăm phần trăm. Nơi ông, hai phạm trù, hai phẩm chất này không đối lập nhau mà kết hợp hài hoà với nhau.

PV: Xin chân thành cảm ơn Tiến sĩ, Giám mục đã tham gia cuộc trao đổi ngày hôm nay. Kính chúc ông dồi dào sức khỏe!

VĨNH KHÁNH (thực hiện)
.
.
.

No comments:

Post a Comment