Wednesday, November 30, 2011

NGUYÊN NHÂN CÁI CHẾT LÂM SÀN CỦA LIÊN HIỆP CHÂU ÂU - EU (Mạnh Kim)



Thứ Tư, 30/11/2011

Bài 1: Ngôi nhà chung không có tiếng nói chung

Hai ông thủ tướng (Hy Lạp và Ý) đã phải “tháo chạy” trong tình huống “bỏ của chạy lấy người” và cuộc khủng hoảng nợ công EU càng lúc càng rơi vào hố sâu tuyệt vọng. Người ta bắt đầu bàn đến khả năng giải tán khối Eurozone hoặc thậm chí rút ra khỏi tư cách thành viên EU. Đâu là nguyên nhân ê chề của tấn bi kịch thảm não đối với số phận EU? EU với một lá cờ chung ít ai ngã mũ chào và một “quốc ca” gần như không ai thuộc đã cho thấy ý tưởng hòa nhập tất cả thực thể – từ xã hội, kinh tế đến chính trị – thành một khối thống nhất, một mô hình “xã hội chủ nghĩa”, vẫn chưa thành hiện thực và thậm chí hoang tưởng!

Một đại gia đình quanh năm cãi nhau như mổ bò!
Đâu phải cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới mới làm EU “sụm bà chè”. Ngay từ những năm đầu thế kỷ 21, mô hình chung EU đã lộ ra nhiều khuyết điểm mang tính hệ thống. Còn nhớ, trên tờNewsweek (26-3-2007), tác giả Andrew Moravcsik (giám đốc Chương trình EU thuộc Đại học Princeton) từng viết một cách chua chát rằng EU trông như “một viện bảo tàng kích cỡ to bằng châu lục đang rơi vào sọt rác lịch sử”. Năm 2007, nhân dịp EU cắt bánh sinh nhật lần thứ 50, hãng FT-Harris đã thực hiện cuộc thăm dò tại 5 nước lớn nhất EU, cho thấy có đến 44% công dân than rằng cuộc sống ngày càng tệ hơn từ khi quốc gia họ gia nhập EU. Trước đó một năm, tháng 5-2006, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã bắt đầu miêu tả bức tranh kinh tế Ý với những gam màu ảm đạm và u ám đến mức tờ La Repubblica gọi đó là một “sự thật phũ phàng đáng thương”. Kinh tế gia Giuseppe Turani nói rằng nhiệm vụ của Thủ tướng (lúc đó) Romano Prodi và Bộ trưởng Tài chính Tommaso Padoa-Schioppa “giống như việc cố thay động cơ của một máy bay khi nó còn trên không trung. Nếu giá nhiên liệu tiếp tục tăng, điều đó cũng giống như việc thay động cơ máy bay khi nó đang phóng vào tâm bão”. Tất nhiên tình cảnh tồi tệ lúc đó không chỉ với Ý…
Nguyên chủ tịch Ủy ban châu Âu Romano Prodi từng nói chủ trương thành lập cũng như việc mở rộng EU không phải để tạo ra một “siêu quốc gia” (superstate) mà là một “siêu cường” (superpower). Tuy nhiên, một châu Âu như Winston Churchill từng mong mỏi (thống nhất tuyệt đối, đến mức chỉ còn khái niệm “người châu Âu” chứ không còn khái niệm quốc gia) đã không bao giờ hình thành. Và nội bộ cộng đồng chung này luôn tồn tại nhiều suy tư riêng rẽ, nếu không nói là gần như luôn lục đục cắng đắng nhau. Chẳng hạn mậu dịch, các quốc gia nông nghiệp trong EU vẫn đòi hưởng chính sách mở cửa thị trường và cắt trợ cấp tại các nước giàu. Trong khi đó, dân nước giàu tỏ ra bất bình trước việc tiền thuế của họ được dùng chi cho viện trợ thành viên nghèo. “Có một sự bất đối xứng giữa thực tế hành xử kinh tế và bản chất nội tại chính trị giữa các chính phủ châu Âu” – nhận xét của Loukas Tsoukalis, chủ tịch tổ chức nghiên cứu ELIAMEP (Hy Lạp) kiêm cố vấn kinh tế cho nguyên chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso.
Một trong những sự kiện điển hình nhất cho thấy khoảng cách bất đồng luôn hiển hiện trong ngôi nhà chung EU chính là vụ nước Pháp nói “NON” với Hiến pháp châu Âu gồm 458 điều khoản (trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2005), dù Pháp là một trong 6 thành viên sáng lập EU và cựu Tổng thống Pháp Valery Giscard d’Estaing là một trong những kiến trúc sư chính soạn bản hiến pháp chung này. Dân Pháp tin rằng – hoặc ít nhất được nghe nhiều ý kiến như vậy từ thành phần phản đối Hiến pháp châu Âu – một Hiến pháp châu Âu với nội dung mở rộng kinh tế tự do sẽ làm tăng nguy cơ thất nghiệp bởi lực lượng nhân công rẻ từ các thành viên Đông Âu. Trong thực tế, người Pháp cho rằng từ khi EU được mở rộng (với các thành viên mới chủ yếu từ các nước nghèo Đông Âu) đã làm đời sống kinh tế Pháp thêm nhanh suy kiệt và họ nghĩ mình chỉ là nạn nhân của những tham vọng thuần túy chính trị của chính giới.
Hình thành ban đầu với 6 thành viên trong Cộng đồng kinh tế châu Âu vào thập niên 1950 như một cách hợp sức vực dậy nền kinh tế tan nát sau Thế chiến thứ hai, EU với 27 thành viên trở thành một trong những khối kinh tế lớn nhất thế giới. Với những người ủng hộ chính sách kết nạp thêm thành viên mới, một châu Âu lớn hơn giúp nới rộng vùng hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Chất lượng cuộc sống tốt và đồng đều hơn cho công dân khắp châu Âu, môi trường cũng được bảo vệ và nạn tội phạm được đẩy lùi. Ngoài ra, sự mở rộng EU giúp tiếng nói châu Âu nặng ký hơn trong chính trường thế giới, ở những vấn đề ngoại giao, chính sách an ninh, chính sách mậu dịch và trong các lĩnh vực mang tính toàn cầu. Với việc mở rộng, EU trở thành thị trường có 450 triệu người tiêu dùng, một thị trường thống nhất lớn nhất thế giới về mậu dịch, dịch vụ và đầu tư (lớn hơn Mỹ và Nhật hợp lại). Tuy nhiên, đó là lý thuyết. Trong thực tế, từ ngày “hộ khẩu” EU có thêm “miệng ăn”, một số thành viên cũ đã bắt đầu bực dọc bởi những ảnh hưởng trực tiếp liên quan miếng cơm manh áo. Lá phiếu “Non” của người Pháp trong cuộc trưng cầu dân ý về Hiến pháp châu Âu ngày 29-5-2005 là thể hiện cụ thể của “lòng dân bất mãn” như vậy – một điềm gở cho sự bất toàn của mô hình EU.

Tinh thần đồng đội – một khái niệm chỉ mang tính lý thuyết
Nếu xem EU là một đội bóng mà tinh thần đồng đội là yếu tố sống còn thì điều này đã không bao giờ xảy ra. Cách đây vài năm, đã bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu ngán ngẩm kiểu chơi tập thể trong “quần thể EU” và nảy sinh tâm lý chơi “cá nhân” tách riêng, chẳng hạn Tây Ban Nha từng cố ngăn tập đoàn năng lượng khổng lồ Đức E.on mua công ty năng lượng Tây Ban Nha Endesa. Trường hợp Airbus càng cho thấy rõ hơn. Việc Airbus sử dụng 12.000 nhân công tại Đức (10 trong 16 nhà máy Airbus nằm ở Đức) là một trong những nguyên nhân khiến trong suốt thời gian dài chính trị gia Đức đụng độ tóe lửa với Pháp trong cuộc chiến bảo vệ quyền lợi công nhân nước mình. Trong khi đó, Airbus lâu nay vẫn được Pháp tự hào xem là nhà sản xuất máy bay thương mại “riêng” của họ trong cuộc chiến cạnh tranh đối thủ Mỹ Boeing.
Nhà phân tích công nghiệp hàng không Ulrich Horstmann (Bayerische Landesbank, Munich) nhận định: “Thật khó cho Airbus cởi trói khỏi sự giằng co chính trị”. Giovanni Federico – giáo sư Viện đại học châu Âu tại Florence (Ý) – nói: “Bởi yếu tố chính trị, Airbus không thể xử lý được việc cắt giảm chi phí theo cách như công ty Mỹ. Yếu tố chính trị ở đây là sự giành quyền kiểm soát giữa Đức-Pháp và cấu trúc “một rừng hai cọp” này là “vấn đề cơ bản trong va chạm văn hóa doanh nghiệp” – như nhận xét Isabelle Bourgeois, nhà phân tích thuộc Trung tâm thông tin và nghiên cứu nước Đức đương đại. Với người Đức, cạnh tranh là quan trọng nhất – theo Bourgeois – trong khi đó, với người Pháp, sự gần gũi chính trường được ưu tiên nhiều hơn. Sự tiếp cận khác nhau ở nhiều vấn đề, từ tư duy chiến lược cạnh tranh đến cơ chế quản trị, đã có lúc khiến Airbus lâm vào khủng hoảng quản lý, dù công ty có một thứ “tiếng nói chung” là tiếng Anh (qui định về sử dụng ngôn ngữ trong Airbus)! Tình trạng “năm cha ba mẹ” trong Airbus khiến việc quản lý đã khó càng trở nên vất vả. Sự “cấu véo” trong nội bộ EADS (công ty mẹ của Airbus) thể hiện ở các vị trí điều hành (về nguyên tắc được phân bổ theo tỉ lệ cổ phần). Tuy nhiên, sự ghìm nhau giữa Pháp và Đức luôn xảy ra. Với bất kỳ giám đốc điều hành Đức nào, ông cũng có một “anh” Pháp theo sát; và ngược lại. Vấn đề quốc tịch, chứ không phải khả năng quản lý, lại là yếu tố quan trọng trong EADS! Vụ Airbus chỉ là một trong vô số trường hợp tương tự cho thấy yếu tố tinh thần đồng đội của đội tuyển EU lỏng lẻo như thế nào cũng như làm lộ ra những lỗ hổng toang hoác trong bản thân cơ chế “hợp tác phát triển” của EU (năm 2008, ban giám đốc Nokia từng bị giới chính trị Đức chỉ trích kịch liệt khi quyết định đóng cửa một nhà máy sản xuất điện thoại di động tại Bochum-Đức và dời sang Cluj-Romania).
Nói cách khác, một EU chung với quá nhiều bất đồng đã khiến thực thể này chẳng bao giờ chịu chơi “chung sức” đúng nghĩa. Cần nhắc lại, tại cuộc họp thượng đỉnh EU tháng 12-2005, Thủ tướng Áo Wolfgang Schussel (lúc đó là chủ tịch Hội đồng châu Âu) đã phải thốt lên: “Lần tới, chúng ta sẽ giết nhau cho coi”, khi chứng kiến cảnh loạn cào cào trong bàn thảo chính sách tài chính cho các thành viên EU!

Mạnh Kim

------------------------

* Ngày 25-3-1957, nhóm nguyên thủ 6 nước châu Âu (Pháp, Tây Đức, Ý và bộ tam Benelux – gồm Bỉ, Hà Lan và Luxembourg) gặp nhau tại Rome và ký hiệp ước thành lập Cộng đồng chung kinh tế châu Âu (EEC). Ý tưởng thành lập một liên minh hiện đại tại châu Âu bắt đầu từ sau Thế chiến thứ hai. Vài tài liệu ghi, năm 1952, Cộng đồng thép-than châu Âu (European Coal & Steel Community) trở thành hình ảnh đầu tiên của một châu Âu gắn kết và mô hình này phát triển thành EEC. Tuy nhiên, ý tưởng giúp thai nghén EEC thật ra bắt đầu từ hai sự kiện: Quốc hội Pháp bác bỏ đề xuất Cộng đồng chung về quốc phòng châu Âu năm 1954; và vụ khủng hoảng kênh đào Suez năm 1956. Sự kiện thứ nhất liên quan đến việc đánh giá lại các quốc gia nằm ở trung tâm châu Âu; sự kiện thứ hai khiến Pháp kết luận rằng một cộng đồng chung châu Âu sẽ là vì lợi ích chung. Năm 1957, Hiệp ước Rome dẫn đến thành lập một thị trường chung cho các thành viên trong EEC. Hai năm sau khi Hiệp ước Rome có hiệu lực, 7 nước (Áo, Anh, Đan Mạch, Na Uy, Bồ Đào Nha, Thụy Điển và Thụy Sĩ) thành lập Hiệp hội mậu dịch tự do châu Âu (EFTA). Năm 1992, Liên minh châu Âu (EU) ra đời, đưa đến việc thành lập một thị trường đơn nhất bằng việc hủy bỏ mọi rào cản cho dòng chảy tài chính và thương mại. Ý tưởng dùng chung một đồng tiền ra đời cuối thập niên 1960. Năm 1969, các nhà lãnh đạo Pháp, CHLB Đức, Ý, Bỉ, Hà Lan và Luxembourg (6 thành viên ban đầu của EEC) gặp nhau tại The Hague và đưa ra sáng kiến thành lập một liên minh kinh tế-tiền tệ (EMU). Năm 1991, các nhà lãnh đạo châu Âu ký Hiệp ước Maastricht để thành lập EU. Năm 1994, EMU thành lập Viện tiền tệ châu Âu. Năm 1995, đồng tiền chung mang tên euro được thống nhất chọn. Năm 1998, Ngân hàng trung ương châu Âu được thành lập, trụ sở tại Frankfurt…

* 27 quốc gia EU: Áo, Bỉ, Cyprus, Estonia, Phần Lan, Pháp, Đức, Hy Lạp, Ý, Luxembourg, Malta, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Slovakia, Slovenia, Tây Ban Nha, Ireland (17 quốc gia thuộc khối Eurozone); và Bulgaria, CH Czech, Đan Mạch, Hungary, Latvia, Lithuania, Ba Lan, Romania, Thụy Điển, Anh.

----------------------------------

Mạnh Kim
Thứ Tư, 30/11/2011

Bài 2: Một ngôi nhà không móng

Việc sống với nhau với thái độ bằng mặt không bằng lòng không chỉ là vấn đề duy nhất khiến EU “cất đầu lên không nổi”. Nói đến sự suy sụp của EU, còn phải nhắc đến một nguyên nhân sâu xa nữa. Đó là một cơ chế bất toàn đối với giáo dục và sử dụng nguồn nhân lực. Không có nhân tài, làm sao phát triển?

Nhân tài gạt nước mắt ra đi!
Hồi còn ở Pháp, Hamid Senni và Edouard Jozan như sống ở hai hành tinh khác nhau. Senni, gốc Morocco, trưởng thành tại khu qui hoạch “vô hồn” gần Valence và chật vật lắm mới có thể đến trường. Không chỉ một lần, Senni đối mặt câu trả lời chua chát rằng anh không thể tìm được việc. Trong khi đó, Jozan từng học tại một trong những trường trung học tốt nhất Paris. Sau khi tốt nghiệp đại học, Jozan làm trong lĩnh vực tài chính quốc tế. Tuy nhiên, cả hai đều có điểm chung: mang quốc tịch Pháp, ở độ tuổi chớm 30 và nhiều tham vọng. Và cả hai cũng đều rời nước Pháp trong tâm trạng chẳng biết bao giờ hồi hương. Bị “uất ức” bởi tình trạng phân biệt đối xử tại Pháp, Senni thoạt đầu sang Thụy Sĩ và sống ở Luân Đôn, nơi anh lập hãng tư vấn chuyên giúp các công ty đa quốc gia của Pháp. Phần mình, Jozan ở Đức 5 năm sau khi tốt nghiệp rồi trở về Pháp trong sự ngỡ ngàng rằng nơi mình từng làm việc bây giờ hoang tàn u ám. Lập tức rời Pháp lần thứ hai, Jozan sang Anh học thạc sĩ tại Trường kinh thương Luân Đôn, nơi tình cờ cách không xa văn phòng Senni… Như văn hào Ernest Hemingway từng viết, Paris đúng là thành phố của lễ hội. Sống ở đó hẳn nhiên nhiều vui thú nhưng để kiếm tiền và vươn lên trong sự nghiệp thì đừng hòng.

Tại sao giới trẻ Pháp đành lòng bỏ quê hương? Lý do thật đơn giản. Pháp ngày càng hiếm những “chùm khế ngọt” và hiện là một trong những quốc gia khó tìm việc nhất thế giới. Càng tham vọng bao nhiêu càng đối mặt thất vọng bấy nhiêu. Khả năng tìm được việc thường nhờ vào quan hệ hơn là tài năng. Hơn nữa, bộ máy hành chính sự nghiệp Pháp là một trong những bộ máy công quyền nặng nề và cổ lỗ sĩ nhất thế giới. Đó là chưa kể tình trạng phân biệt chủng tộc (từng trở thành nguyên nhân khiến nước Pháp sống trong bạo loạn kinh hoàng vào năm 2005). “Tôi chỉ trở về khi cơ hội tại Pháp có nhiều hơn” – phát biểu của chuyên gia nghiên cứu thị trường Florence Cellot 32 tuổi, buộc phải dọn đến Luân Đôn sau khi sống 5 năm tại Tokyo – “Pháp giống như một mụ già bị bán thân bất toại bởi nỗi sợ những gì mình có thể mất” (trong khi Pháp đang mất rất nhiều, kể cả sinh khí quốc gia). Jacques Deguest (đến Tokyo năm 2001 sau khi công ty trực tuyến mà anh thành lập tại Pháp sụp đổ) bổ sung: “Pháp như một nhà hàng nơi thức ăn luôn tuyệt hảo nhưng sự tiện nghi và dịch vụ là zero, zero, zero và hóa đơn thanh toán lại cắt cổ mổ họng. Tôi yêu nước Pháp nhưng ở liều lượng ít thôi”… Với nhiều người Pháp, trong đó có nhà văn nổi tiếng Nicolas Baverez, hiện tượng chảy máu chất xám là bản tuyên ngôn mới nhất về sự xuống dốc không phanh của nước Pháp. Và thảm cảnh bỏ nhà mà đi không chỉ xảy ra với nước Pháp.

Giữa thập niên đầu thế kỷ 21, giới lãnh đạo châu Âu từng thề rằng EU sẽ là nền kinh tế tri thức (knowledge-based economy) năng động và có tính cạnh tranh cao nhất thế giới vào trước năm 2010. Tuy nhiên, viễn tưởng trên đã trở thành ảo tưởng, bởi hiện tượng chảy máu chất xám đã và tiếp tục bùng nổ tại châu Âu. Hàng ngàn bộ não tinh túy của châu Âu đang được sử dụng tại Mỹ. Time cho biết khoảng 400.000 sinh viên ngành khoa học-kỹ thuật mới tốt nghiệp tại châu Âu hiện sống tại Mỹ và mỗi năm có hàng ngàn người khác tiếp tục cuốn gói lên đường ra nước ngoài. Điều mỉa mai ở chỗ, châu Âu không phải không có những trung tâm nghiên cứu đẳng cấp thế giới, chẳng hạn Tổ chức nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN) tại Geneva, nơi khai sinh Mạng mở rộng toàn cầu (World Wide Web) hoặc Phòng thí nghiệm sinh học phân tử châu Âu (EMBL) tại Heidelberg, nơi hồi năm 1995, hai khoa học gia đoạt Nobel Eric Wieschaus và Christiane Nusslein-Volhard từng nghiên cứu bộ gien của nhặng. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ hệ thống quản trị khoa học châu Âu tiếp tục nặng thủ tục hành chính và quan liêu – như nhận xét của Claude Allègre, nguyên Bộ trưởng giáo dục Pháp. Có thể kể một trường hợp điển hình của hiện tượng quan liêu và kinh phí yếu trong làng khoa học châu Âu. Năm 2000, sau ba năm đóng góp lớn cho hãng dược phẩm khổng lồ Mỹ Eli Lilly, Matthias Tschop trở về quê nhà Đức và thành lập Viện dinh dưỡng con người Đức (DIfE) tại Potsdam. Dù Matthias Tschop nhanh chóng quyên được 11,7 triệu euro cho nghiên cứu hợp tác về bệnh béo phì nhưng khoản tiền ít ỏi không đủ để DIfE theo đuổi dự án đến cùng. Cuối cùng, Matthias Tschop lại sang Mỹ, làm giáo sư trợ giảng tại Đại học Cincinnati và lập tức được cấp 750.000 USD để thành lập phòng thí nghiệm riêng tại Đại học Cincinnati.

Đúng vậy, tiền là vấn đề muôn thuở của giới khoa học châu Âu – như nhận xét Luciano Maiani, giám đốc CERN. “Châu Âu ngày càng yếu vì chúng tôi không được đầu tư đủ” – Luciano Maiani nói. Chỉ Phần Lan và Thụy Điển là đạt tiêu chuẩn châu Âu với ngân sách 3% GDP cho nghiên cứu. Với mục tiêu “đứng đầu thế giới về kinh tế tri thức” trước năm 2010, đầu tư cho R&D của châu Âu phải tăng 8%/năm nhưng điều này đã không xảy ra. Tại Ý, ngân sách cho nghiên cứu công cộng đã giảm một thập niên qua. Ngân sách nghiên cứu khoa học 2004 của Pháp chỉ khoảng 0,9%, không bằng ½ kinh phí cần có. Và để sống, nhiều nhà khoa học đã xé rào bước vào lằn ranh mờ ám mà tính đạo đức không cho phép. Giáo sư Michael Krausz (khoa tâm lý Đại học Hamburg) đã nhận quỹ nghiên cứu từ một hãng dược phẩm vô danh và cuối cùng bị cáo buộc tội bán rẻ lương tâm trong việc giúp tung ra các sản phẩm thuốc tào lao. Ngành công nghiệp châu Âu cũng thiếu kinh phí R&D nghiêm trọng. Cuối cùng, nguyên nhân nữa dẫn đến trào lưu “trốn” sang Mỹ của giới khoa học châu Âu là tình trạng phân biệt đối xử. Tại châu Âu thế kỷ 21, người ta vẫn còn phổ biến hiện tượng trọng nam khinh nữ trong giới khoa học, trong khi ranh giới nam-nữ trong làng khoa học Mỹ ngày càng xóa mờ. Tại châu Âu, đồng nghiệp nữ thường bị trả lương thấp hơn đồng nghiệp nam (trong lĩnh vực nghiên cứu lẫn giảng dạy đại học). Ngoài ra, Mỹ cũng ưu ái cho giới khoa học trẻ – điều hiếm khi xảy ra tại châu Âu. “Ở Đức, nguyên tắc tưởng thưởng không tồn tại” – phát biểu của Michael Alexander Rubhausen, 32 tuổi, trưởng nhóm nghiên cứu vật lý hóa sinh Đại học Hamburg…

Một cơ chế giáo dục kỳ quặc
Thật khó tưởng tượng cái nôi của những Sorbonne bây giờ lại bệ rạc đến như vậy. Nghe cứ như chuyện xảy ra tại các nước thế giới thứ ba chứ không phải xã hội văn minh và hiện đại như châu Âu. Giáo viên không sống nổi phải còng lưng làm thêm và học sinh-sinh viên bỏ trường bỏ lớp với đủ lý do… Tại viện đại học lớn nhất châu Âu La Sapienza (Đại học Rome) với 150.000 sinh viên, lớp học được dựng trong những căn lều xiếc bởi không có tiền sửa phòng học đổ nát. Thông tin liên quan giáo dục châu Âu bây giờ không phải là những khám phá sáng chói mà là những xìcăngđan chẳng hạn vụ một số giáo sư bán điểm để đổi lấy quan hệ tình dục với sinh viên. Tệ chưa! Immacolata Curinga 27 tuổi, người có bằng thạc sĩ giáo dục và tâm lý học, phải kiếm thêm bằng nghề giữ trẻ với 6 euro/giờ. Tình cảnh tương tự xảy ra khắp châu Âu, từ hệ thống giáo dục phổ thông đến giáo dục đại học. Tại Trường Rtli (Berlin), nằm tại một trong những khu Arab-Thổ Nhĩ Kỳ với 83% học sinh không biết tiếng Đức, các bức tường gần như muốn sập. Tại hauptschule (trung học dạy nghề) này, học sinh ra trường ít có cơ hội tìm được việc làm. Cựu hiệu trưởng Brigitte Pick cho biết, năm 2005, không học sinh nào tốt nghiệp Rtli có thể tìm được việc. Tháng 3-2006, tập thể giáo viên Rtli đã nhất trí ký đơn xin giải thể trường!

Trong thế giới “đi chậm là chết” – theo ngôn ngữ nhà báo-nhà toàn cầu học Thomas Friedman, châu Âu đã không bắt kịp nhịp kết nối sự chuyển dịch toàn diện xảy ra trong nền kinh tế thị trường được thúc đẩy bằng chất xám và cạnh tranh sáng tạo. Trong khi đó, hệ thống giáo dục châu Âu tiếp tục “nổi tiếng” với ngân sách khiêm tốn và bộ máy quản trị cồng kềnh. Hơn nữa, tình trạng bất bình đẳng cũng tồn tại như một nhức nhối xã hội. Tháng 2-2006, cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc Vernor Muđoz Villalobos đã chỉ trích Đức tống học sinh thuộc thành phần nhập cư vào những trường “cấp ba” (hạng bét) và tình trạng tương tự cũng hiện diện tại Pháp, Tây Ban Nha, Hà Lan, nơi trường dành cho dân da màu luôn đồng nghĩa với hình ảnh học sinh nhếch nhác cá biệt, quậy có đẳng cấp và tất nhiên biếng học (năm 2005, giáo sư Georges Felouzis tại Bordeaux từng nói đến nạn “apartheid” trong học đường Pháp). Trong khảo sát gần đây của Tổ chức phát triển và hợp tác kinh tế (OECD), thành phần nhập cư thế hệ thứ ba tại Đức cũng như một số nước khác có học bạ “bê bối” hơn thế hệ thứ hai (Newsweek).

Hiện trạng trên khiến châu Âu đang đối mặt nguy cơ tụt hậu, không chỉ với Mỹ mà thậm chí với châu Á. Hệ thống đại học châu Âu vẫn sản xuất đều đặn và cung cấp xã hội tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp nhất định nhưng lực lượng này nhanh chóng trở thành đối tượng sống nhờ trợ cấp chính phủ. Ở cả ba cấp độ – giáo dục tiểu học, trung học và đại học – Mỹ và Nhật đều tiến xa hơn châu Âu. Mỹ đầu tư 2,6% GDP vào riêng hệ thống đại học, so với 1,1% tại Đức, Ý và Pháp. Năm 2005, Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí cũng qua mặt ba cụ trí thức cựu trào trên. Theo xếp hạng thường niên mới nhất của hai chuyên san uy tín là US News & World Report (Mỹ) và Times Higher Education (Anh), trong top 10 đại học hàng đầu thế giới, chẳng hề có một mống đại học châu Âu lục địa nào (chỉ có các đại học thuộc Vương quốc Anh). Một trong những nỗi khổ triền miên của hệ thống giáo dục châu Âu là tình trạng quan liêu. Tại Pháp và Đức, các vị đáng kính thuộc bộ ngành trung ương nhúng tay vào đủ tiểu tiết, từ ngân sách đến bổ nhiệm nhân sự. Áo, Bỉ, Đức và Hà Lan bây giờ vẫn duy trì hệ thống trường học thế kỷ 19, phân chia học sinh từ độ tuổi rất sớm (10 tuổi) thành các cấp khác nhau. Và hệ thống hauptschule tại Đức chỉ cung cấp trình độ sơ đẳng (đây là vết tích của thời phong kiến, khi xã hội chỉ cần một đại học tinh hoa nhưng cần một lượng lớn nhân công).

Chính sách giáo dục châu Âu còn có nhiều bất cập. Với học sinh tiểu học gốc Thổ Nhĩ Kỳ tại Đức, khoảng 2/3 sẽ được chuyển trường sau lớp bốn, đến hauptschule hoặc trường dành cho người khuyết tật! Trong nhiều trường hợp, bọn trẻ thường chọn con đường dẫn ra “trường đời”. Số học sinh thuộc thành phần nhập cư tại hệ thống dạy nghề Đức đã giảm từ 9,4% năm 1994 xuống còn 5,6% năm 2004, dù tỉ lệ đầu vào tăng 27%. Nếu số học sinh thuộc thành phần nhập cư chiếm 1/3 tổng học sinh Đức vào trước năm 2020 như dự báo, Đức chắc chắn khốn đốn về quả bom nổ chậm này đối với nền kinh tế quốc gia. Sự lãng phí tài năng, tiền của và nguồn đào tạo cũng là vấn đề đáng kinh ngạc. Tỉ lệ học sinh-sinh viên bỏ học tại hệ thống hauptschuleĐức là 10% và tại hệ thống đại học Ý là 60%! Và tất nhiên chúng trở thành “tầm gửi” của chế độ trợ cấp. Văn phòng lao động liên bang Đức hiện có 960.000 “khách hàng” dưới 25 tuổi và họ phải chi 6 tỉ euro chỉ riêng cho chương trình tái đào tạo những kỹ năng cơ bản chẳng hạn toán sơ cấp hoặc cách sử dụng Microsoft Word. Và dù tỉ lệ thất nghiệp chính thức tại Đức hiện là 6% (tính đến tháng 8-2011 – so với 9,9% tại Pháp; 7,9% tại Ý…) nhưng các công ty vẫn “bói” không ra nhân công có tay nghề chứ đừng nói kỹ sư và chuyên gia. Nỗi khổ tâm của giáo dục Đức có nguy cơ làm thiệt hại 0,9% trong tỉ lệ phát triển hàng năm.

Đúng là cơ chế quan liêu mang lại ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng cho giáo dục châu Âu. Trong 25 năm, các bộ trưởng giáo dục Đức luôn cấm học sinh dự bất kỳ cuộc thi quốc tế nào, từ sau một nghiên cứu 1970 cho biết học sinh Đức ngày càng có học lực kém. Trong khi Mỹ tạo ra mạng kết nối cực tốt giữa hệ thống giáo dục và hệ thống doanh nghiệp để tìm tài trợ cho nghiên cứu, giới quản lý giáo dục châu Âu vẫn không cho phép nhà nghiên cứu tiếp cận những dữ liệu mới nhất. Chẳng phải tự nhiên mà giới khoa học châu Âu kéo nhau sang Mỹ và thậm chí nhiều nước châu Á trong đó có Hàn Quốc để tìm kiếm một “cuộc sống chất lượng hơn”. Trong toàn khối EU, Anh có lẽ là quốc gia duy nhất không bị ảnh hưởng bởi không khí bảo thủ trong giáo dục đại học châu Âu nói chung. Toàn cảnh, có lẽ vấn đề lớn nhất của hệ thống giáo dục châu Âu là sự hạn chế của xã hội hóa, theo mô hình kinh tế thị trường, như thành công không thể không thừa nhận của hệ thống giáo dục Mỹ…

Với những khiếm khuyết mang tính hệ thống trong bộ máy giáo dục như vậy, thử hỏi làm sao châu Âu có thể trở thành một “siêu cường”, như bày tỏ mong muốn của cụ Romano Prodi (nguyên chủ tịch Ủy ban châu Âu)?

Mạnh Kim

------------------------------------------

Báo cáo UNESCO Science Report 2010 (công bố tháng 11-2010 – mới nhất, tính đến thời điểm hiện tại) cho biết, năm 2007, Mỹ có 81.811 bằng sáng chế (chiếm 52,2% – cao nhất thế giới), so với 33.572 của Nhật (21,4%). Đức chỉ có 9.713 bằng (6,2%) nhưng cũng còn đỡ hơn Pháp với chỉ 3.631 bằng (2,3%), tệ hơn cả Trung Quốc với 7.362 bằng (4,7%). Về các công trình nghiên cứu khoa học được công bố, năm 2008, Mỹ có 272.879 bài viết (chiếm 27,7% – nhiều nhất thế giới), Nhật có 74.618 bài (7,6%); Đức có 76.368 bài (7,7%) và Pháp có 57.133 bài (5,8%)…
.
.
.

No comments:

Post a Comment