Friday, November 25, 2011

HOA KỲ SẼ MANG GÌ ĐẾN THÁI BÌNH DƯƠNG ? (Quỳnh Chi, Andrew Shearer, RFA)



Quỳnh Chi, phóng viên RFA
2011-11-23

Bắt đầu từ đầu năm nay, đã có những nghi ngờ cho rằng Hoa Kỳ sẽ trở lại vùng Thái Bình Dương.
Từ khi Tổng thống đến Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ trong thời gian qua có những phát biểu về việc thực hiện kế hoạch này thì đó không còn là vấn đề nằm trong nghi vấn nữa.

Trọng tâm của vấn đề là việc Hoa Kỳ sẽ mang những gì đến khu vực này. Đó là câu hỏi mà Quỳnh Chi đặt ra với ông Andrew Shearer, hiện là Giám đốc nghiên cứu viện Lowy (Úc) về Chính sách Quốc tế và được ông cho biết:

Andrew Shearer: Tôi nghĩ là Hoa Kỳ chưa bao giờ thật sự rời vùng Thái Bình dương. Gần đây thì người ta nói nhiều đến việc Hoa Kỳ chuyển sự quan tâm từ Trung Đông sang Châu Á. Những gì Tổng thống Hoa Kỳ phát biểu trong thời gian gần đây là cách cam kết mạnh mẽ về sự can dự sâu hơn vào vùng này. Sự cam kết ấy bao gồm kinh tế khi mà tại APEC, ông Obama đã thúc giục sự hình thành Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình dương - TPP.
Ngoài ra, về chính trị, còn có vấn đề an ninh khu vực. Và dĩ nhiên là Hoa Kỳ còn mang đến vùng này vấn đề quân sự, điển hình và gần đây nhất là việc Hoa Kỳ thông báo sẽ tăng cường 2500 thủy quân lục chiến ở Darwin, là cửa ngõ phía Bắc của Úc vào vùng Châu Á.

Quỳnh Chi: Trong bài diễn văn đọc trước quốc hội Úc vừa rồi thì tổng thống Hoa Kỳ cho biết có 3 điều mà Washington sẽ mang đến Thái Bình Dương. Đó là “An ninh, thịnh vượng’” (Security, Prosperity) như ông vừa trình bày, và thêm vào đó, còn “Giá trị con người” (Dignity) nữa….
Andrew Shearer: Đó là vấn đề tôi cũng định chia sẻ. Ít nhất là trong khoảng 50 năm rồi, Châu Á đã để mắt đến vấn đề an ninh, vấn đề kinh tế của Hoa Kỳ. Đó cũng là lý do vì sao lần đầu tiên Tổng thống Hoa Kỳ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) tại Bali vừa rồi.
Ngoài những vấn đề ấy, còn một vấn đề rất quan trọng nữa là vấn đề dân chủ, nhân quyền để bảo vệ tự do cá nhân. Đó hầu như là những giá trị ngoại giao của Hoa Kỳ. Những điều này đã được biết đến, cụ thể là tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, cũng đã có những đồng thuận về việc thay đổi dân chủ tại các nước trong khu vực này. Và dĩ nhiên là rõ ràng Hoa Kỳ sẽ đóng vai trò xúc tác trong sự thay đổi ấy.


Quỳnh Chi: Ông từng cố vấn chính sách ngoại giao dưới thời Thủ tướng Úc John Howard. Theo ý ông, liệu rằng đây có phải là một tham vọng không? Và liệu rằng Hoa Kỳ có thể đạt được hết các mục tiêu đó giữa lúc Hoa Kỳ sẽ thực hiện cắt giảm ngân sách tự động bắt đầu từ năm 2013, trong đó, quốc phòng bị cắt nhiều nhất?
Andrew Shearer: Cô nói đúng đó. Đó là một chương trình nghị sự đầy tham vọng và hoài bão mà ông Obama đã nói tại quốc hội Úc. Cho nên, sẽ có nhiều người nghi ngờ về khả năng đạt được mục tiêu ấy của Hoa Kỳ. Ví dụ, phải mất đến 3 năm thì chính quyền Obama mới hoàn thành được hiệp định tự do thương mại giữa Hoa Kỳ và Nam Hàn; thì việc người ta nghi ngờ về sự thành công của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình dương cũng có lý thôi.
Và tôi cũng chắc là trong cuộc chạy đua tranh cử chức tổng thống nước Mỹ thì đây là một trong những câu được hỏi. Siêu ủy ban thuộc Quốc hội Mỹ đã thất bại trong việc đưa ra thỏa thuận cắt giảm thâm hụt ngân sách của chính phủ Mỹ dẫn đến tình trạng cắt giảm tự động chi phí bắt đầu từ năm 2013. Theo hình thức này có thể thấy Bộ quốc phòng Mỹ phải cắt giảm khoản 500 tỷ đô la trong vòng 10 năm tới.
Mặc dù tổng thống Barack Obama đã phát biểu tại Canberra rằng việc cắt giảm này sẽ không ảnh hưởng đến chi tiêu của nước này ở Châu Á. Tuy nhiên, đây là một sự cắt giảm đáng khiến người ta phải nhìn vào tình huống ấy.

TPP - hình mẫu cho khu vực

Quỳnh Chi: Gần đây nhiều người chú ý đến Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình dương – TPP, và ông Obama hồi tuần trước cũng cho biết hiệp định này sẽ có cơ hội trở thành hình mẫu chung cho khu vực. Ông đánh giá tầm quan trọng của nó như thế nào?
Andrew Shearer: Xét về khía cạnh khu vực, tôi cho rằng Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình dương – TPP rất là quan trọng “nếu” nó có sự kết hợp kinh tế của Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nền kinh tế chính ở vùng Đông Nam Á nữa.
Tuy nhiên, mọi người phải đợi xem diễn biến như thế nào trong thời gian tới bởi trước khi TPP chính thức tồn tại như một mô hình nghiêm túc, nó sẽ cần rất nhiều cố gắng, nhiều nỗ lực ngoại giao và nhiều nỗ lực chính trị.

Quỳnh Chi: Nếu ông không ngại, xin phép cho tôi được nhắc là tuần trước, tại quốc hội Úc, ông Obama cho cho biết muốn có một nền kinh tế được vận hành bởi luật lệ và ông cũng nói rằng “động cơ lớn nhất để tạo ra sự thịnh vượng và cơ hội chính là nền kinh tế thị trường tự do”. Việt Nam hiện nay tham gia vào TPP nhưng lại theo nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, còn Trung Quốc mặc dù chưa tham gia nhưng lại không thả nổi đồng Nguyên. Ông có nghĩ rằng Hoa Kỳ sẽ gặp khó khăn trong việc phát triển kinh tế khu vực Thái Bình dương hay không?
Andrew Shearer: Ông Barack Obama cũng không có những phát biểu cho thấy TPP loại trừ bất cứ nước nào. Ý ông Obama là muốn có một mô hình kinh tế tự do chung nghiêm túc và có thực chất.
Cụ thể, TPP yêu cầu các nước tham gia ký kết một số luật lệ và nguyên tắc và dĩ nhiên trong đó có một số nguyên tắc rất khó, điển hình là khó đối với xu hướng kinh tế mà Trung Quốc đang đi. Tuy nhiên, theo thiển ý của tôi, Trung Quốc đã có nền tảng là mức phát triển và phục hồi kinh tế rất tốt.
Nước này cần đi đến một hướng kinh tế mà thu hút được nhiều nguồn tiêu thụ hơn. Dĩ nhiên để làm được điều ấy thì không thể thiếu những hiệp định tự do thương mại.
Tóm lại, có nhiều việc mà Trung Quốc phải làm, vấn đề là họ có sẵn sàng làm hay không mà thôi. Và theo tôi, ý ông Obama là ông muốn xây dựng một mô hình hợp tác thương mại mà thứ nhất: nó tốt cho khu vực nói chung; thứ hai: dần dần ai cũng có thể tham gia được.

Quỳnh Chi: Cũng trong bài diễn văn vừa qua tại Úc, Tổng thống Hoa Kỳ nói rằng “Lịch sử cho thấy dân chủ và phát triển kinh tế phải đi đôi với nhau. Thịnh vượng mà không có tự do là một dạng nghèo khó khác”. Xét đến những điểm khác nhau giữa Hoa Kỳ và Châu Á – Thái Bình dương, xét đến việc dân chủ nhân quyền là một trong những vấn đề lớn tại rất nhiều nước trong khu vực này; không biết là ông Obama có quá lạc quan khi đặt tự do dân chủ làm mục tiêu trong lần trở lại Thái Bình dương này?
Andrew Shearer: Tôi cho rằng Tổng thống Hoa Kỳ có một mục đích lâu dài và bền vững. Và mục tiêu bền vững không thể thiếu việc đưa vào chính sách ngoại giao của nước Mỹ. Một lần nữa, tôi cho rằng cô đã nhận định đúng và chính xác. Châu Á là một khu vực rất khác biệt – khác biệt trong hệ thống chính trị, trong mô hình kinh tế.
Nói về lời phát biểu của ông Obama mà cô đã đề cập ở trên về việc ông nói rằng “động cơ lớn nhất để tạo ra sự thịnh vượng và cơ hội chính là nền kinh tế thị trường tự do”, tôi nghĩ rằng ông muốn nói đến một nền kinh tế tự do nói chung và cần một hệ thống chính trị theo tư tưởng tự do (liberal political system). Nó không nhất thiết phải có nghĩa là tất cả các nước phải theo một nền chính trị giống y hệt nhau; tuy nhiên, một nền chính trị tự do sẽ thúc đẩy nền kinh tế tự do.

Quỳnh Chi: Câu hỏi cuối thưa ông. Bộ trưởng Quốc phòng Úc vừa cho biết có thể có cuộc tập trận tay ba giữa nước này và Hoa Kỳ, Trung Quốc. Đây có thể là một dấu chỉ cho thấy Hoa Kỳ can dự nhiều hơn vào khu vực. Ông cũng từng là cố vấn chính sách chiến lược cho Bộ trưởng Quốc phòng Úc Robert Hill, ông có nghĩ đây là việc khả thi?
Andrew Shearer: Tôi nghĩ là điều đó hoàn toàn khả thi. Bởi vì Úc đã có những cuộc tập trận bắn đạn thật với Quân đội Giải phóng Trung Quốc. Thêm vào đó, Úc cũng đã có nhiều chương trình trận quy mô lớn và thường xuyên với Hoa Kỳ. Cho nên việc ba cường quốc tập trận chung với nhau là việc hoàn toàn có thể xảy ra, nhưng có lẽ nó sẽ phải bắt đầu từ những hoạt động kém nghiêm trọng một chút.

Quỳnh Chi: Vâng, một lần nữa sau khoảng 40 năm, Châu Á lại trở nên sôi động. Hy vọng là sẽ có những diễn biến tích cực trong tương lai. Một lần nữa xin cám ông ông Andrew Shearer Giám đốc nghiên cứu viện Lowy (Úc).

Theo dòng thời sự:

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.
.
.
.

No comments:

Post a Comment