Wednesday, November 30, 2011

HỒ SƠ WIKILEAKS (52) : Việt Nam không qua mặt Trung Quốc trong quan hệ Vatican (Nam Phương/Người Việt)



HỒ SƠ WIKILEAKS (52) :
Nam Phương/Người Việt
Thứ Tư - 30 Tháng 11, 2011

Linh mục Dòng Tên thấy ‘dấu hiệu tích cực’

[2005] Một công điện được gửi ngày 7 Tháng Ba, 2005 từ Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ tại Tòa Thánh Vatican về Washington D.C., phúc trình cuộc thảo luận về tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam cũng như khả năng tiến tới thiết lập bang giao giữa Tòa Thánh Vatican và Việt Nam.

Nội dung công điện là cuộc thảo luận giữa một viên chức chính trị của Tòa Ðại Sứ Mỹ ở Vatican với linh mục Dòng Tên người Việt Nam. Công điện ký tên Phó Ðại Sứ D. Brent Hardt nhưng không biết có phải người viết công điện này là ông hay không, và có phải ông cũng chính là người nói chuyện với LM Joseph Ðoàn hay không. Ông Hardt nay được cử làm đại sứ ở Guyana, một nước nhỏ thuộc vùng Nam Mỹ.

Phần tóm tắt ý chính của công điện viết, một giới chức Dòng Tên đặc trách Á Châu, Linh Mục Joseph Ðoàn, nói với viên chức tòa đại sứ rằng dù nhà cầm quyền Việt Nam bắn tiếng cho biết họ muốn thiết lập bang giao đầy đủ với Tòa Thánh, ông nghi ngờ nhà cầm quyền Hà Nội lại làm vậy trước khi Trung Quốc cũng làm tương tự.

Dù có trở ngại này, LM Ðoàn nói các dòng tu được hưởng sự dễ dãi trong việc đào tạo tu sĩ ở Việt Nam hơn là đào tạo các linh mục trở thành người phụ trách giáo xứ. Tuy bị nhà cầm quyền ngăn cấm tham gia mở trường trung học - môi trường giáo dục mà các cha Dòng Tên rất giỏi - Dòng Tên tại Việt Nam đi vòng theo một lối khác để “truyền bá đức tin.”

Thí dụ, những đề án gần đây về y tế do các tu sĩ đảm trách đã mở cửa cho giáo hội tham gia nhiều hơn vào hoạt động công ích. Linh Mục Ðoàn coi sự xây dựng mối quan hệ cá nhân như chìa khóa để cải thiện mối quan hệ giữa nhà cầm quyền Việt Nam và giáo hội Công Giáo, một tiến trình ông hy vọng sẽ dẫn đến tự do tôn giáo nhiều hơn.
Linh Mục Joseph Ðoàn, phụ tá bề trên tổng quyền vùng Ðông Á Châu của Dòng Tên ở Roma, nhấn mạnh trong một lần gặp gỡ tham vụ chính trị của tòa đại sứ rằng trong khi Việt Nam loay hoay xây dựng tính hợp pháp quốc tế của chế độ qua việc thiết lập bang giao với Tòa Thánh, họ lại ngần ngại làm việc này trước khi ông “đại huynh” Trung Quốc làm.

Về mặt tự do tôn giáo, Linh Mục Ðoàn cũng cho là Việt Nam theo bước chân Trung Quốc.
Bằng chứng, ông chỉ vào những tương đồng giữa quy định về quyền tự do tôn giáo ban hành ở cả hai nước: Trong cả hai trường hợp, các pháp lệnh về tôn giáo gồm 48 điều và cùng một nội dung.

Nhưng dù có sự tương đồng, Linh Mục Ðoàn tin rằng giáo hội Công Giáo tại Việt Nam ở trong hoàn cảnh tốt hơn ở Trung Quốc nhờ các cuộc “đối thoại thẳng thắn” của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam với nhà cầm quyền CSVN.

Ðào tạo tu sĩ dòng tu ít trở ngại hơn

Nói về tự do hành đạo của các nhà tu hành tại Việt Nam, Linh Mục Ðoàn nhấn mạnh rằng, trở thành một tu sĩ của một dòng tu (linh mục dòng) dễ hơn là một linh mục phụ trách giáo xứ (linh mục triều). Trong khi đơn xin vào học ở các chủng viện đào tạo linh mục triều phải chờ đợi rất lâu dài mới được nhà cầm quyền chấp thuận (với tỉ lệ bị từ chối rất cao), Linh Mục Ðoàn nói những người muốn trở thành tu sĩ có thể bắt đầu học ngay tại các cơ sở đào tạo của các dòng.

“Chúng tôi không phải nộp danh sách sinh viên cho nhà cầm quyền.” Linh Mục Ðoàn giải thích.

Ở những giai đoạn sau của chương trình huấn luyện, Dòng Tên và các dòng tu khác như Dòng Ða Minh, Dòng Francisco, Dòng Chúa Cứu Thế, cũng đều phải nộp danh sách sinh viên cho nhà cầm quyền chấp thuận. Nhưng chủng sinh của Dòng Tên ít bị nhà cầm quyền cản trở hơn.

Linh Mục Ðoàn cho rằng việc nhà cầm quyền đòi được quyền ra quyết định sau cùng trong tiến trình thụ phong linh mục đã không tác động đáng kể đối với các dòng tu.

Trường mẫu giáo của con nhà quyền thế

Linh Mục Ðoàn nói vì nhà cầm quyền độc quyền giáo dục trung học, Dòng Tên ở Việt Nam chỉ được phép mở các lớp mẫu giáo. Ông kể một trường mẫu giáo nổi tiếng ở Phú Bài trực thuộc Dòng Tên và do một người chị em họ của ông điều hành vốn là một nữ tu. Ông nói đùa với vị đó rằng “Sơ là người đàn bà quyền thế nhất trong thành phố” vì rất nhiều con cái của những người quyền chức cao trong thành phố học ở đó.
Bị ngăn cấm không được mở các trường trung học, Linh Mục Ðoàn nói Dòng Tên “chú trọng vào việc truyền bá đức tin qua các phương cách tốt nhất có thể được.”

Y tế: Giáo hội làm những cái nhà nước không làm

Một trong những trọng tâm của hoạt động xã hội Công Giáo là y tế.
Linh Mục Ðoàn nói rằng các nữ tu đang điều hành nhiều trạm phát thuốc ở Việt Nam cũng như một số trung tâm giúp đỡ các bệnh nhân HIV/AIDS. Ông cho hay, nhà cầm quyền xin giúp 150 cán sự tôn giáo để yểm trợ cho các chương trình giúp người bệnh HIV/AIDS ở Tây Nguyên, hiện đang có 30 cán bộ đã ở đó. Theo ông Ðoàn, nhà cầm quyền quá sung sướng khi để cho các nữ tu, tu sĩ giao tiếp với bệnh nhân mang các chứng bệnh mà họ muốn tránh, như bệnh cùi (phong), và bệnh HIV/AIDS.
Cùng với sự hoàn thành mục đích của giáo hội là chăm sóc cho những ai cần được giúp, Linh Mục Ðoàn nói những nỗ lực đó mở đường cho giáo hội tham gia vào lãnh vực công ích, một bước quan trọng để xã hội và nhà cầm quyền chấp nhận nhiều hơn (sự có mặt của Công Giáo trong nhiều lãnh vực).

Sứ mạng cực kỳ khó khăn của Linh Mục Ðoàn

Linh Mục Joseph Ðoàn từng bị giam giữ 9 năm trong các nhà tù và trại lao động tập thể của nhà cầm quyền Việt Nam sau khi đã bị bắt hồi năm 1981 khi ông đã là một linh mục Công Giáo. Dù vậy, ông vẫn không tìm thấy cách nào đối phó hiệu quả với nhà cầm quyền cộng sản.
Ông nhấn mạnh rằng có thể tạo được sự tin tưởng của nhà cầm quyền bằng cách xây dựng được mối quan hệ cá nhân, một cách chậm chạp và cẩn thận.
Mô tả điều này, là một linh mục bề trên Dòng Tên ở Việt Nam, ông thường phải tiếp xúc với các viên chức nhà nước để xin giấy phép gửi chủng sinh ra nước ngoài tu học. Ông nhớ lại là ông phải làm quen từ từ với những cán bộ có trách nhiệm. Lúc đầu, họ là những người gây trở ngại, nhưng sau khi họ biết ông thế nào rồi, họ trở thành người giúp ông, kể cả việc hướng dẫn ông cách làm đơn thế nào để có lợi nhất cho các sinh viên.
Ðược hỏi làm sao ông có thể hợp tác với nhà cầm quyền CSVN sau khi đã có những năm kinh nghiệm đầy đau đớn, Linh Mục Ðoàn chỉ nhún vai và cười.
“Ðó là sứ mạng bất khả thi của tôi (my mission impossible).” Linh Mục Ðoàn nói. “Chúng tôi hy vọng rằng bằng cách xây dựng mối quan hệ cá nhân giữa giáo hội và nhà cầm quyền, chúng tôi có thể xây dựng được sự tin cậy lớn hơn.”
Linh Mục Ðoàn vẫn hy vọng rằng sự tin cậy này sẽ dẫn đến tự do tôn giáo rộng rãi hơn tại Việt Nam.

Công điện:
Vietnam: Jesuit official sees positive signs for religious freedom, reluctant to launch diplomatic relations.

Loại bảo mật: Bảo mật.

––––––––––
Liên lạc tác giả: NamPhuong@nguoi-viet.com
.
.
.

No comments:

Post a Comment