Tuesday, November 1, 2011

DỊCH "VÔ CẢM" (Huy Phương)


Tạp Ghi Huy Phương
Saturday, October 29, 2011 2:08:09 PM
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/?a=139192&z=97

Cả thế giới vừa được mục kích một câu chuyện thương tâm xẩy ra vào ngày 13 tháng 10, 2011 tại thành phố Phật Sơn, tỉnh Quảng Ðông.

Theo hình ảnh được camera ở góc đường ghi lại, một bé gái đang đi trên một con đường nhỏ trong một khu chợ vào lúc trời sẩm tối, bị một chiếc xe tải nhỏ đâm phải, em bé té xuống đường và bị xe cán qua bánh trước. Chúng ta thấy xe ngừng lại mấy giây, có vẻ ngần ngừ rồi lái xe đi tiếp, cán qua người đứa trẻ lần thứ hai bằng bánh sau mà không dừng lại. Mấy phút sau, một xe tải khác chạy đến, tiếp tục cán lên phần chân của em bé làm máu chảy loang ra thành vũng.

Sau đó có ít nhất 17 người trong khu chợ qua lại bằng xe gắn máy hay đi bộ chứng kiến bé nằm trên vũng máu mà không một ai chạy đến gần hay có phản ứng gì. Nhiều chiếc xe gắn máy chạy qua, tránh chỗ em bé nằm rồi đi thẳng. Một phụ nữ dọn dẹp vệ sinh trong khu chợ là người đầu tiên chạy lại bồng em bé lên và gọi bà mẹ em đến, đưa vào bệnh viện. Vì thương tích quá nặng, bé gái Duyệt Duyệt đã qua đời. Sau khi bị bắt, người tài xế đã giải thích:”Nếu nó chết, tôi chỉ phải trả khoảng 20,000 quan, nhưng nếu nó bị thương tật, tôi sẽ phải bỏ ra hàng trăm ngàn quan.” Trong một hoàn cảnh xã hội như vậy, hành động của người phụ nữ quét rác bồng em bé lên bị coi như hành động của một kẻ “khác người,” muốn nổi tiếng, một hành động “quân tử Tàu.”

Cũng với sự tính toán “chết rẻ hơn bị thương,” tám ngày sau cũng tại Trung Cộng, ở Lô Châu, tỉnh Tứ Xuyên, một xe vận tải nặng đã cán phải một em bé trai đang trên đường tới trường. Một nhân chứng kể lại chính ông đã trông thấy chiếc xe lùi một chút rồi lại lao lên, cán lên thân hình đứa bé và tiếp tục chạy thêm khoảng 10m nữa. Sau đó, tài xế nhảy ra khỏi xe tải và câu hỏi đầu tiên y bật ra cửa miệng là: “Tôi sẽ phải trả bao nhiêu đây?” Trong trường hợp trên người tài xế đã suy nghĩ rằng trả tiền bồi thường cho một nạn nhân chết sẽ rẻ hơn chi tiền bệnh viện nếu nạn nhân chỉ bị thương.

Chuyện xẩy ra trên đây không khác gì những chuyện “vô cảm” thường xẩy ra trên đất nước Việt Nam hôm nay. Cái cảnh cán người chưa chết nên phải lùi xe lại để cán qua lần nữa. Cảnh một công an giao thông bị cán qua bụng chết nửa người, phần trên đang ngắc ngoải cố nhấc mình dậy, không ai đến đỡ hay gọi xe cấp cứu nhưng có người bình thản đứng quay phim suốt mấy phút để đưa lên “mạng.” Chuyện nhỏ trong xóm làng như dân làng gậy gộc giết và thiêu sống người trộm chó, chuyện công an đánh, đạp, giết người. Chuyện lớn như công nhân bị bỏ rơi, đi ăn xin ở nước ngoài mà đại diện chính quyền Việt cộng sở tại quay mặt trốn trách nhiệm hay hằng trăm dân oan nằm đường khiếu kiện mà bọn cường quyền vô trách nhiệm làm lơ. Hiện tượng vô cảm của đa số dân chúng Việt Nam trong nước đã được đề cập, mô tả và phê phán trong nhiều bài viết. Chưa kể đến thái độ bàng quan đối với những chuyện thương tâm xảy ra trước mắt mà việc can thiệp không nhất thiết sẽ gây những kết quả tổn hại nào đến cho họ, đối với những vấn đề lớn của đất nước, đại bộ phận dân chúng Việt Nam được mô tả trong các bài viết này còn dửng dưng xem như không liên quan gì đến bản thân mình.

Phân tích tâm lý, chúng ta thấy con người thường sợ bị liên lụy, khi can thiệp vào những chuyện không phải của mình, “ách giữa đàng chớ mang vào cổ,” nhất là khi người ta không tin vào một thứ luật pháp công chính, sợ rắc rối với chính quyền, khi phải khai báo, tường trình hay làm nhân chứng cho một vụ án. Trong một xã hội lừa lọc giả dối người ta còn sợ cả sự đóng kịch để lừa người, dần dần tình cảm con người chai đá không biết xót thương. Thuở thiếu niên, ngày mới vào Saigon lần đầu tiên, có thể thấy cái mặt “tỉnh lẻ” tôi còn ngơ ngơ ngáo ngáo, một ông tiến lại gần: “Cậu cho xin một đồng mua ổ bánh mì.” Sau khi nhận một đồng khá dễ dàng, ông ta lại giở nón ra: “Cậu cho thêm một đồng mua tờ báo để lót ngủ tối nay!” Tôi ngần ngừ làm người nhân ái, sắp móc túi lần thứ hai thì thằng bạn Saigon đi bên cạnh, kéo mạnh tay tôi: “Ðồ ngu! Ði lẹ lên mày!” Gần đây một đứa cháu của tôi về Việt Nam, một chiều mưa, đi chơi với bạn, nhìn thấy hai đứa trẻ rách rưới đang ngồi co ro bên gốc cây tội nghiệp, muốn thăm hỏi, giúp đỡ, nó bảo bạn dừng xe lại, nhưng thằng bạn đã gắt: “Chúng giả vờ đấy! Ðừng bị lừa! Mày hơi bị ngu!” Vậy thì còn biết trải lòng thương xót ai. Trong xã hội Việt Nam bây giờ không thiếu những lời than thở giả tạo: “mất cắp không tiền về xứ,” “nhà nghèo, đông anh em, cha mẹ mất sớm”... cũng nhiều cảnh những trẻ mồ côi bị bẻ chân tay cho thành tàn tật để đi ăn xin, nhưng ông sư giả đi quyên tiền giữa chợ. Vậy thì còn biết tin ai và lòng trắc ẩn để đâu cho đúng chỗ.

Ðối với hoàn cảnh đặc biệt của Việt Nam, những chuyện “vô cảm” kiểu trên không phải ngày một ngày hai mà có, nó tích lũy từ ngày “giải phóng” khi văn hóa tốt đẹp của một đất nước bị tàn phá, sách vở bị đốt, thầy giáo bị đi tù, một nền giáo dục “tiên học căm thù, hậu học văn” được phổ biến. Khẩu hiệu “mình sống vì mọi người” được giương cao nhưng thực chất là chúng đạp lên nhau mà sống. Con người trở thành chai đá trước nỗi khổ của đồng loại, vì nỗi khổ của mình cũng không ai thèm để ý đến. Cái chết, niềm đau, nỗi khổ của đồng loại đôi khi trở thành trò giải trí cho người khác, vì chủ đích tuyên truyền.

Ở miền Bắc trước năm 1975, đấu tố địa chủ thì bắc loa buộc cả làng tham dự: “Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ, cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong,” hay “Thắp đuốc cho sáng khắp đường/Thắp đuốc cho sáng đình làng đêm nay/Lôi cổ bọn nó ra đây/Bắt quỳ gục xuống đọa đày chết thôi!”

Sau 1975, xử tử những người yêu nước thì tổ chức tại sân vận động, lùa dân phố, phường khóm đi xem. Con người dần dần bớt xúc cảm, không hề thương xót và chai lì với những cảnh chặt đầu bêu giữa chợ, hay cảnh những xác chết bị thả trôi sông.

Cũng trong thái độ “vô cảm,” nhằm mục đích đào tạo cho đất nước những vận động viên “siêu việt” trong các bộ môn cá nhân, bọn huấn luyện viên Trung Cộng đã hành hạ nhiều thiếu nhi bằng cách uốn ép xương sống các em, treo các em lên xà ngang hay ngồi lên mình các em không hề thương tiếc. Cứu cánh là cần thiết, mọi phương tiện đều không đáng kể.

Câu chuyện của em bé Duyệt Duyệt đã được cả thế giới bày tỏ sự xúc động và căm phẫn về thái độ “vô cảm” trong chế độ cộng sản Tàu mà Việt Nam hiện nay là một phiên bản. Người ta cảm thấy ghê tởm bởi thái độ dửng dưng, lạnh lùng của con người trước cái chết đau đớn quằn quại của một con người, lại là một em bé yếu đuối, còn thua cả một con chó, con mèo trước cái chết của đồng loại. Liệu rồi đây khi chế độ cộng sản đã bị quét sách khỏi trái đất, phải bao nhiêu năm để xây dựng, đào tạo lại con người.

Nghĩ mà thương nhớ đến trang luân lý giáo khoa thư của những ngày xưa thân ái.

-----------------------------

Kính mời thân hữu tham dự buổi RMS
QUÊ NHÀ - QUÊ NGƯỜI
của Huy Phương, được tổ chức
vào lúc 1:30PM Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2011
tại Phòng Hội Nhật Báo Người Việt.
Ở xa cần sách xin gọi: (949) 241- 0488
.
.
.

No comments:

Post a Comment