Wednesday, November 30, 2011

CHIẾN LƯỢC GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP HOÀNG SA (Lê Minh Phiếu)



Lê Minh Phiếu
Thứ Tư, 30/11/2011, 06:10 (GMT+7)

TT - Tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc trên biển Đông bao gồm tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa và đường chữ U (đường lưỡi bò). Việc đặt trọng tâm Hoàng Sa trong số những tranh chấp này để đòi lại Hoàng Sa, mà vẫn có thể giải quyết được các tranh chấp khác, đòi hỏi một chiến lược hẳn hoi.

Phải gắn Hoàng Sa với tranh chấp biển Đông

Đòi hỏi đường chữ U của Trung Quốc trên biển Đông gây phương hại rất lớn cho quyền chủ quyền và quyền tài phán trên biển của Việt Nam. Từ đòi hỏi này, Trung Quốc đã cản trở rất lớn đến việc thực thi chủ quyền của Việt Nam trên vùng biển liên quan, đặc biệt là đánh bắt cá và khai thác dầu khí.
Để có thể giải quyết căng thẳng trên, Việt Nam và Trung Quốc phải ngồi vào bàn đàm phán để phân chia vùng biển chồng lấn giữa hai nước. Nếu muốn đòi lại Hoàng Sa, điều cơ bản nhất là không bao giờ được bỏ qua Hoàng Sa trong các cuộc đàm phán trên biển Đông, mà phải gộp Hoàng Sa vào “tranh chấp trên biển Đông” trên các diễn đàn song phương, khu vực và quốc tế.
Muốn Trung Quốc vừa chấp nhận đàm phán về Hoàng Sa, Trường Sa, vừa đàm phán về đưỡng chữ U, Việt Nam chẳng những phải dựa vào ASEAN mà còn dựa vào Thượng đỉnh Đông Á.
Thượng đỉnh Đông Á hiện bao gồm 18 thành viên. Ngoài ASEAN, khuôn khổ này bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand và kể từ ngày 19-11-2011 có thêm Mỹ và Nga.
Nguyên nhân ra đời của Thượng đỉnh Đông Á xuất phát từ thất bại của Nhật trong việc đối trọng với Trung Quốc trong khuôn khổ ASEAN+3 (ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc). Nhằm xây dựng khu vực mậu dịch tự do Đông Á không nằm dưới sự chi phối lớn của Trung Quốc, Nhật đã ra sức vận động ngoại giao để kết nạp thêm những nước đủ khả năng đối trọng với Trung Quốc.
Đối với tranh chấp trên biển Đông, trong số những thành viên của Thượng đỉnh Đông Á, Trung Quốc là một bên tranh chấp căng thẳng nhất trên biển Đông. Các nước khác có quyền lợi thiết thân liên quan đến hòa bình và an ninh trên biển Đông. Riêng Mỹ từng tuyên bố rằng an ninh trên biển Đông là lợi ích cốt lõi của họ.
Do vậy, việc đưa toàn bộ tranh chấp trên biển Đông, trong đó bao gồm tranh chấp Hoàng Sa, ra chương trình nghị sự của Thượng đỉnh Đông Á là vô cùng cần thiết.
Việt Nam cần tham khảo kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc đối trọng Trung Quốc khi xây dựng Thượng đỉnh Đông Á, nhằm đưa vấn đề biển Đông, trong đó có vấn đề Hoàng Sa, vào chương trình nghị sự trong tranh chấp trên biển Đông.
Chỉ thông qua Thượng đỉnh Đông Á, các bên liên quan mới có thể buộc Trung Quốc chấp nhận đưa tranh chấp trên biển Đông, trong đó có tranh chấp Hoàng Sa, ra Tòa án công lý quốc tế (ICJ - International Court of Justice).

Đưa vào Quy tắc về ứng xử trên biển Đông

Theo luật quốc tế, ICJ chỉ có thẩm quyền giải quyết một tranh chấp một khi tất cả các bên trong tranh chấp công nhận thẩm quyền của tòa cho chính tranh chấp đó. Sự công nhận này có thể thực hiện theo ba cách.
Thứ nhất, sự công nhận có thể bằng một tuyên bố đơn phương. Theo điều 36, quy chế ICJ, một quốc gia là thành viên của quy chế này có thể tự nguyện ra một tuyên bố đơn phương công nhận thẩm quyền xét xử của tòa. Tuyên bố này có giá trị bắt buộc và có hiệu lực đối với bất kỳ quốc gia nào khác cũng có tuyên bố chấp nhận như vậy. Hệ thống các tuyên bố này đã tạo ra một nhóm các quốc gia công nhận thẩm quyền xét xử của ICJ đối với bất kỳ tranh chấp nào phát sinh giữa các quốc gia đó với nhau.
Từ đó, về nguyên tắc, bất kỳ nước nào trong nhóm này cũng có quyền đưa một hay nhiều quốc gia trong nhóm ra trước ICJ. Các tuyên bố có thể chứa các bảo lưu nhằm hạn chế thời hạn của tuyên bố hoặc loại trừ một số loại tranh chấp. Các quốc gia đăng ký tuyên bố này với tổng thư ký Liên Hiệp Quốc. Hiện Trung Quốc và cả Việt Nam chưa đưa ra tuyên bố này.
Cách thứ hai để có thể khởi kiện ra ICJ là thông qua một thỏa thuận đặc biệt: Việt Nam và Trung Quốc cùng ký một thỏa thuận đưa tranh chấp Hoàng Sa ra trước ICJ. Hiện hai bên chưa đạt được một thỏa thuận như vậy.
Cách thứ ba: Thông qua một điều khoản gọi là compromissory clause trong một hiệp ước. Hiện có trên 300 điều ước quốc tế chứa điều khoản này, theo đó các bên cam kết trước là sẽ chấp nhận thẩm quyền xét xử của ICJ nếu có tranh chấp phát sinh từ việc giải thích hoặc áp dụng điều ước đó. Cách này dù rất khó nhưng là phương thức khả thi nhất trong số ba cách thức được nêu.
Để có được thỏa thuận này, Thượng đỉnh Đông Á là khuôn khổ thuận lợi nhất mà Việt Nam cần phải vận dụng. Thỏa thuận đó có thể là một điều khoản trong Quy tắc về ứng xử trên biển Đông (COC) mà các bên liên quan đang xây dựng trên cơ sở Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC).

TS LÊ MINH PHIẾU
.
.
.
PV Lê Minh Phiếu (PLTP)
29/11/2011 - 00:23'

(PL)- Cần đưa việc đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) ra khuôn khổ Thượng đỉnh Đông Á.
Trong phiên chất vấn sáng 25-11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh: “Chúng ta chủ trương đàm phán giải quyết đòi hỏi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình”. Một trong những biện pháp hòa bình mà Việt Nam cũng như các nước ASEAN đã nghiêm túc thực hiện thời gian qua là tuân thủ Tuyên bố ứng xử của các bên liên quan ở biển Đông được ký kết giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC). Và hiện nay, các bên đang hướng tới việc ký kết Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC).
Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với TS Lê Minh Phiếu (ảnh), chuyên gia về các vấn đề pháp lý có liên quan đến tranh chấp biển Đông, xung quanh việc tiến tới ký kết COC.

Vì sao cần phải có COC?

. Thưa TS, vì sao ASEAN và các nước quan tâm đến tranh chấp biển Đông lại mong muốn ký kết Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC)?
+ Lý do mà các nước phải nghĩ đến một văn kiện tiến xa hơn DOC là vì DOC có rất nhiều hạn chế. Có thể nêu ra ba hạn chế lớn nhất của DOC.
Trước hết, phạm vi áp dụng của DOC không rõ ràng. Văn bản này không phân định rõ vùng tranh chấp và vùng không tranh chấp. Do vậy, khi có một sự kiện xảy ra thì có nước nói rằng đó là vùng không tranh chấp và không chịu sự điều chỉnh của DOC, trong khi các nước khác thì cho rằng sự kiện đó thuộc phạm vi điều chỉnh của DOC.
Thứ hai, các quy định của DOC không rõ ràng và thiếu cụ thể. Do vậy, việc giải thích dễ dẫn đến sự tùy tiện tùy theo mục đích của mỗi bên. Thứ ba, điểm quan trọng nhất là DOC hiện tại không có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý.
Từ những hạn chế nêu trên, Hướng dẫn thực thi DOC đã được ký kết (ngày 21-7-2011 tại Bali, Indonesia) giữa ASEAN và Trung Quốc. Tuy nhiên, bản hướng dẫn này cũng không khắc phục được nhiều những hạn chế của DOC. Đó là lý do tại sao các nước liên quan đang hướng đến việc ký kết COC.

COC phải có giá trị pháp lý bắt buộc

. Theo ông, cần những điều kiện gì để COC có thể giúp cải thiện sự phức tạp của tranh chấp trên biển Đông hiện nay?
+ Tranh chấp trên biển Đông hiện nay bị rơi vào bế tắc vì các bên không thể khởi kiện nhau ra một cơ quan tài phán quốc tế. Trong các văn kiện quốc tế, Trung Quốc chưa đưa ra một tuyên bố hay chưa ký một thỏa thuận nào để công nhận thẩm quyền của tòa án hay trọng tài liên quan. Do vậy, mặc dù tranh chấp trên biển Đông rất căng thẳng nhưng các nước không thể nhờ tòa án hay trọng tài giải quyết.
Do vậy, đối với COC, ngoài việc có một quy định công nhận giá trị ràng buộc về mặt pháp lý của COC, các bên cần có một thỏa thuận trọng tài, theo đó các tranh chấp phát sinh từ việc giải thích và thi hành COC sẽ được Tòa án Công lý Quốc tế giải quyết. Hoặc các bên cũng có thể tiến xa hơn bằng cách quy định rằng tất cả tranh chấp liên quan đến biển Đông (không chỉ là liên quan đến việc giải thích và thực thi COC) sẽ do Tòa án Công lý Quốc tế giải quyết. Tuy nhiên, một điều khoản như vậy sẽ khó mà được Trung Quốc chấp nhận.

. Vậy để COC có thể mang sức nặng như nó có thể thì các nước có liên quan cần phải có hướng ra cho vấn đề này như thế nào?
+ Tôi e rằng nếu COC chỉ được đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc thì các nước ASEAN sẽ không đủ khả năng để có thể thuyết phục Trung Quốc chấp nhận một điều khoản như phân tích ở trên. Do vậy, cần đưa việc đàm phán COC ra khuôn khổ Thượng đỉnh Đông Á.
Thượng đỉnh Đông Á hiện bao gồm 18 thành viên. Ngoài ASEAN, khuôn khổ này bao gồm Trung Quốc, Mỹ, Nga, Nhật, Ấn Độ, Hàn Quốc, Úc và New Zealand. Trong số những nước này, Trung Quốc là một bên tranh chấp mạnh bạo nhất trên biển Đông. Các nước khác thì có quyền lợi thiết thân liên quan đến hòa bình và an ninh trên biển Đông. Riêng Mỹ thì đã từng tuyên bố rằng an ninh trên biển Đông là lợi ích quốc gia của họ.
Do vậy, việc đưa COC ra đàm phán trong khuôn khổ này sẽ hợp lý và có khả năng đạt được những điều khoản cụ thể, mang tính ràng buộc và có cơ chế bảo đảm thi hành trọn vẹn hơn.
. Xin cảm ơn TS.

----------------


Ý chí của các bên là điều quyết định
Có tác giả cho rằng COC không có giá trị pháp lý bắt buộc. Tuy nhiên, trên thực tế mỗi COC có giá trị pháp lý bắt buộc hay không tùy thuộc vào mong muốn, ý chí của các bên và được thể hiện trong chính những COC đó cũng như bối cảnh ký kết nó.
Thực tế có một số COC do các chủ thể của công pháp quốc tế ký kết nhưng không có giá trị bắt buộc. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là tất cả quy tắc ứng xử sẽ ký trong tương lai cũng sẽ không có giá trị bắt buộc giống như vậy. Bởi lẽ một số bộ quy tắc ứng xử vẫn có thể được xem là một điều ước quốc tế - và do vậy đương nhiên là có giá trị bắt buộc - nếu như nó thỏa mãn những tiêu chí được quy định bởi Công ước Viên 1969 về luật điều ước quốc tế (Công ước Viên). Điểm a khoản 1 Điều 2 của công ước này quy định rõ: “Thuật ngữ “điều ước” dùng để chỉ một thỏa thuận quốc tế được ký kết bằng văn bản giữa các quốc gia và được pháp luật quốc tế điều chỉnh, dù được ghi nhận trong một văn kiện duy nhất hoặc trong hai hay nhiều văn kiện có quan hệ với nhau và với bất kể tên gọi riêng của nó là gì”.
TSLÊ MINH PHIẾU

Ngày 4-11-2002, tại Phnom Penh, Campuchia, ASEAN và Trung Quốc đã ký Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) với hy vọng làm dịu bớt tình hình căng thẳng trên biển Đông nhưng kết quả thực thi rất hạn chế.
Ngày 21-7-2011, tại Bali, Indonesia, trong khuôn khổ cuộc gặp cấp cao Hội nghị bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 44 (AMM 44), ASEAN và Trung Quốc đã đạt được Bản quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC.
Hội nghị cấp cao giữa ASEAN và Trung Quốc (ngày 18-11-2011) nhấn mạnh: Hai bên tiếp tục thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC thông qua Bản quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC, hướng tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) và nhất trí tháng 7-2012 là thời điểm hoàn tất bản dự thảo COC.
MINH CƯỜNG thực hiện

---------------------------------


Nếu Mất Biển Ðông Là Mất Nước Đó ! -  Vũ Hữu San (datnuoctoi.com).

.
.
.

No comments:

Post a Comment