Saturday, November 26, 2011

CAL STATE FULLERTON MỞ CHUYÊN NGÀNH TIẾNG VIỆT (Vũ Quí Hạo Nhiên/Người Việt)



Vũ Quí Hạo Nhiên/Người Việt
Wednesday, November 23, 2011 7:37:15 PM

Phỏng vấn Tiến Sĩ Trang Lê

FULLERTON (NV) - Lần đầu tiên tại Hoa Kỳ, một trường đại học mở cả một chuyên ngành về ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam. Ðại học California State Universiry, Fullerton dự định sẽ bắt đầu cho phép sinh viên được ghi danh vào chuyên ngành này như một thứ chuyên ngành phụ (minor) vào khoảng mùa Thu 2012 hoặc mùa Xuân 2013.

Tiến Sĩ Trang Lê, người đang soạn chương trình học cho chuyên ngành ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam tại Cal State Fullerton. (Hình: Trang Lê cung cấp)

Trong tương lai, CSUF sẽ tiến tới phát triển thành chuyên ngành chính (major) và sinh viên tại đây lúc đó sẽ có thể tốt nghiệp cử nhân ngành ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam.
Người biên soạn chương trình học cho chuyên ngành này là Tiến Sĩ Trang Lê. Cô tốt nghiệp Tiến Sĩ ngành Phát Triển Giáo Dục Thế Giới tại Ðại Học Columbia, New York. Hiện nay cô là người điều hợp và biên soạn chương trình Ngôn Ngữ và Văn Hóa Việt Nam tại Cal State Fullerton. Báo Người Việt nói chuyện với Tiến Sĩ Trang Lê về việc này.

Vũ Quí Hạo Nhiên (NV): Xin cho biết chung về chương trình ngôn ngữ và văn hóa Việt tại CSUF.
TS. Trang Lê: Các lớp tiếng Việt đã có tại đại học Cal State Fullerton từ năm 1994. Tuy nhiên sinh viên học những lớp này chỉ để đáp ứng những đòi hỏi về ngoại ngữ hoặc giáo dục đại cương. Năm 2008, với sự ủng hộ nhiệt tình của Dân Biểu Ed Royce, CSUF được Bộ Giáo Dục Mỹ cấp một ngân quỹ dùng vào việc soạn chương trình học (curriculum) cho chuyên ngành phụ (minor) về Ngôn Ngữ và Văn Hóa Việt Nam. Giai đoạn tiếp theo sẽ là việc soạn chương trình Cử nhân cho ngành này. Tôi được tuyển vào làm việc tại khoa Ngôn Ngữ và Văn Chương Hiện Ðại vào mùa Thu năm 2009 với tư cách là người điều hợp và biên soạn chương trình tiếng Việt.

NV: Chương trình của CSUF đặc biệt ở điểm nào so với những lớp dạy ngôn ngữ, văn hóa Việt tại các đại học khác?
TS. Trang Lê: Ở một số đại học có chương trình Ðông Nam Á Học (South East Asian Studies), họ có thể có hướng tập trung về Việt Nam nhưng tên gọi chuyên ngành bằng tốt nghiệp vẫn là Ðông Nam Á Học chứ không phải chuyên biệt về Ngôn Ngữ và Văn Hóa Việt Nam như tại CSUF.

NV: Chương trình này được thiết lập dựa trên tiêu chuẩn nào? Làm sao để quyết định sinh viên cần học những gì và học khó dễ tới đâu?
TS. Trang Lê: Về chương trình học, Trưởng Khoa cùng với Hội Ðồng Chuyên Môn của Khoa thảo luận với người điều hợp để đưa ra chương trình học, tức là những môn học mà sinh viên phải học. Chương trình này dựa trên khung chương trình học của những ngôn ngữ khác như tiếng Tây Ban Nha, Pháp, Nhật, Trung Hoa, v.v.. đã có sẵn và đã được áp dụng trong nhiều năm.
Tuy nhiên hội đồng cũng xét những yếu tố riêng biệt khác của chương trình tiếng Việt. Thứ nhất, là thuận lợi và khó khăn của tiếng Việt: Ví dụ tiếng Việt dùng mẫu tự La tinh là một thuận lợi nhưng lại có thanh điệu (tones) là một thách thức lớn cho sinh viên. Như vậy, các lớp sơ cấp sẽ có nhiều units hơn - 5 units thay vì 3 units - và sẽ tập trung nhiều hơn vào việc luyện nói thay vì tập viết những mẫu tự như tiếng Nhật, Trung Hoa, Ðại Hàn, hay Ả Rập.
Thứ nhì là về trình độ tiếng Việt của sinh viên: Tạm thời có thể chia thành hai loại sinh viên: sinh viên Mỹ (non-native students) và sinh viên Mỹ gốc Việt (heritage students). Mục đích của chương trình là tạo thuận lợi cho cả hai loại sinh viên.

NV: Như vậy một người hoàn tất chương trình này với số điểm vừa đủ đậu là “C” chẳng hạn, thì trình độ phải tới được mức nào? Họ đọc hiểu được Truyện Kiều không? Hay là viết một bài luận bằng tiếng Việt được không?
TS. Trang Lê: Chúng tôi dựa vào ACTFL Proficiency Guidelines (The American Council on the Teaching of Foreign Languages) để nhận biết trình độ tiếng Việt của sinh viên. Guidelines này cho biết một người ở trình độ sơ cấp thì cần biết những kỹ năng/lãnh vực nào và được cho phép không hoàn thiện những kỹ năng/lãnh vực nào. Các trình độ trung cấp và cao cấp cũng có những tiêu chuẩn tương tự.
Ðể trả lời câu hỏi này, tôi xin phép được tập trung vào chương trình chuyên ngành phụ (minor) vì tôi chưa soạn thảo chương trình cử nhân. Như vậy, một sinh viên tốt nghiệp chương trình chuyên ngành phụ tiếng Việt phải đạt đến trình độ cao cấp về tiếng Việt để có thể học các môn học khác về văn hóa, văn chương v.v... Còn nếu sinh viên này có điểm trung bình tổng quát là C tức là Pass, thì theo bảng hướng dẫn ACTFL, em ấy phải hiểu được những vấn đề cơ bản của truyện Kiều. Còn những em được điểm cao hơn ắt hẳn phải hiểu truyện Kiều sâu hơn.
Tôi nói “cơ bản” vì thực ra những bài đọc (reading texts) được yêu cầu trong ACTFL Proficiency Guidelines theo trình độ Advanced là những truyện ngắn đơn giản, bản tin, bản thông báo, thư từ cá nhân hay thương mại, v.v... Truyện Kiều là tác phẩm văn chương thuộc cấp độ khá cao đối với các em. Trong môn học “Giới thiệu về văn chương Việt Nam,” các em được giới thiệu tổng quát về truyện Kiều và học một số trích đoạn. Về khả năng viết, các em cũng có thể viết luận tiếng Việt vì các môn học từ trình độ trung cấp trở lên đều yêu cầu các em viết (writing assignments/essays). Yêu cầu bài viết khó hay dễ, dài hay ngắn, tùy theo cấp độ và mục đích của môn học.

NV: Viết báo Người Việt được chưa?
TS. Trang Lê: Các em có viết báo Người Việt được hay không thì xin để cho Ban Chủ Bút thẩm định (cười).

NV: Sinh viên học chương trình này thì được lợi gì?
TS. Trang Lê: Trước đây tại Cal State Fullerton chỉ có một vài lớp tiếng Việt ở trình độ sơ cấp và trung cấp. Bây giờ để có thể mở chuyên ngành phụ này, chúng tôi phải mở thêm lớp tiếng Việt trình độ cao cấp (advanced) cũng như các môn học khác về văn hóa, văn minh, văn chương, và ngôn ngữ học Việt Nam. Ngoài ra chúng tôi còn mở chuyên ngành tiếng Việt về Thương Mại Quốc Tế, nằm trong chương trình cử nhân Thương Mại Quốc Tế của trường. Sinh viên học xong chuyên ngành phụ tiếng Việt cùng với chuyên ngành chính của mình có thể xin làm việc ở bất cứ cộng đồng người Việt nào ở nước Mỹ hoặc ở các nước nói tiếng Anh như Canada, Úc, v.v...
Sinh viên học chương trình tiếng Việt này khi ra trường sẽ có bằng cử nhân chuyên môn chính (major) và bằng chuyên ngành phụ (minor) tiếng Việt. Như vậy, họ sẽ có thể tìm việc dễ dàng hơn những sinh viên chỉ có một bằng tốt nghiệp chuyên ngành. Thực tế cho chúng ta thấy rất rõ điều này. Ví dụ hiện nay tại các sở lớn của Mỹ như bệnh viện Kaiser, các siêu thị như WalMart hay Target, các ngân hàng như Bank of America hoặc Wells Fargo, các tiệm thuốc tây như Rite-Aid hoặc CVS ,v.v... đều tuyển nhân viên Viêt Nam biết nói tiếng Việt để phục vụ khách hàng. Chúng ta cũng thấy nhiều tiệm sửa xe hoặc văn phòng luật sư, khai thuế viết bên ngoài là “Chúng tôi nói tiếng Việt” để khách hàng không rành tiếng Anh có thể an tâm hơn. Vì vậy, nếu một sinh viên biết nói vừa tiếng Việt vừa tiếng Anh sẽ có cơ hội được nhận việc cao hơn.

NV: Có người cho rằng các chương trình tiếng Việt thường bị sinh viên Việt Nam lợi dụng để học một lớp dễ mà điểm cao. Tiến sĩ nghĩ sao?
TS. Trang Lê: Ðây là một câu hỏi rất sát với thực tế. Ðúng vậy, tôi và nhiều đồng nghiệp khác, không những ở CSUF mà ở các đại học khác, đều biết rằng có một số em tuy đã thông thạo tiếng Việt khi qua Mỹ nhưng vẫn ghi danh học các lớp tiếng Việt. Tại CSUF, tôi không từ chối việc ghi danh của các em ấy vào các lớp này vì tôi muốn nhìn sự việc theo chiều hướng tích cực (positive) rằng các em “chịu” ghi danh học tiếng Việt và văn hóa Việt Nam là một điều đáng mừng, cho dù các em muốn được “an easy A” (điểm A dễ dàng) như nhiều thầy, cô giáo vẫn nói. Hơn nữa, các em có trình độ tiếng Việt cao này sẽ giúp các em yếu hơn khi làm việc trong nhóm (group work) và việc này tạo nên tinh thần đồng đội (team spirit) hoặc sự hợp tác (collaboration) trong lớp.

NV: Thế thì bao giờ chương trình chuyên ngành ngôn ngữ và văn hóa Việt mới bắt đầu tại CSUF? Từ giờ tới đó còn phải làm gì nữa?
TS. Trang Lê: Ðể lập được chương trình chuyên ngành, phải có cả hội đồng chuyên môn của khoa (Department of Modern Languages and Literatures), của đại học CSUF, và viện trưởng CSUF chấp thuận tất cả các course proposal (lớp đề nghị) và đề nghị cho chương trình minor. Hiện nay 11 course proposals đã được hội đồng của khoa chấp thuận, 2 trong số 11 đã được hội đồng của đại học chấp thuận, 9 lớp còn lại họ đang xét. Dự định sớm nhất để mở chương trình này là mùa Xuân 2013.

NV: Xin cám ơn Tiến Sĩ Trang Lê.
.
.
.

No comments:

Post a Comment