Monday, October 31, 2011

TRUNG QUỐC: SỰ KẾ THỪA VÀ NGƯỜI THỪA KẾ (Tạp chí “Politique l’Internationale”)



(Tạp chí “Politique l’Internationale” số 131/2011)

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM
Tài liệu Tham khảo đặc biệt
Thứ bảy, ngày 29/10/2011

Posted by basamnews on 31/10/2011

Người ta hầu như đã quên, nhưng bản thân các nhà lãnh đạo Trung Quốc thì lấy làm vui mừng về điều đó: Đặng Tiểu Bình đã không chỉ tiến hành sửa đổi một cách triệt để những mục tiêu trong chính sách của Trung Quốc; ông còn thay đổi phương thức cầm quyền, chấm dứt tính bị động không thể dự kiến và tình trạng bất ổn đã chi phối tiến trình chuyển giao quyền lực trong suốt thời kỳ của “nước Trung Hoa nhân dân đầu tiên” – nước Trung Hoa của Mao Trạch Đông. Ông đã đưa được Giang Trạch Dân, ông chủ cũ của thành phố Thượng Hải lên đỉnh cao của quyền lực kể từ tháng 7/1989, sau đó vào năm 1992 mở cửa nền kinh tế của Trung Quốc ra toàn thế giới và đưa Hồ Cẩm Đào lên làm người kế tục Giang Trạch Dân. Ông đã có lòng dũng cảm và cơ may sống khá lâu – cho đến 93 tuổi – để tự đảm bảo rằng đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 15, diễn ra vào năm 1997, đã xác nhận quyết định nay. Giang Trạch Dân đã vô ích khi lần lữa và trì hoãn sự ra đi dự kiến diễn ra vào năm 2002, còn Hồ Cẩm Đào đã ngồi ở vị trí của ông cho đến nay bằng cách giữ ở bên mình vẫn vị thủ tướng ấy: Ôn Gia Bảo.
Sự kế tục
Nhìn chung, sự chuyển giao này đã làm hài lòng vài nghìn cán bộ cấp cao và các nhà lãnh đạo kinh tế tạo nên tần lớp tinh hoa của đất nước Trung Hoa hiện nay. Đối với họ, sự chuyển giao này dường như đã kết hợp sự ổn định và sự thay mới các nhà lãnh đạo theo cách cho phép chế độ quan liêu Cộng sản dự kiến và giải quyết dần những sự cạnh tranh nội bộ. Những năm cầm quyền vừa qua của bộ đôi Hồ Cẩm Đào – Ôn Gia Bảo đã từng là những năm tháng đạt được kết quả trên trường quốc tế và những thắng lợi về kinh tế: tổ chức thành công Thế vận hội Ôlympíc Bắc Kinh năm 2008 sau đó là cuộc triển lãm Thượng Hải trên qui mô thế giới năm 2010; nền kinh tế của Trung Quốc đã vươn lên đứng ở vị trí thứ hai trên thế giới. Như vậy là, chế độ 10 năm qua đã kết thúc bằng một sự bảo đảm hiệu quả về chính trị. Chính vì thế, việc thay thế các nhà lãnh đạo khoá này sẽ diễn ra vào mùa thu năm 2012.
Trước khi diễn ra đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2007, hai nhân vật đã nổi lên hứa hẹn vào chức tổng bí thư đảng và thủ tướng là Lý Khắc Cường và Tập Cận Bình. Nhưng tại đại hội 16, thứ tự cấp bậc giữa hai ứng cử viên ngược hẳn lại: Tập Cận Bình đã vượt lên trước Lý Khắc Cường. Vẻ hài lòng, vào mùa thu năm 2009, Hồ Cẩm Đào đã trì hoãn việc đưa Tập Cận Bình vào chức phó chủ tịch quân uỷ trung ương – chức vụ sẽ xác nhận vị trí của người kế nghiệp đã được chọn trước.
Sự thay đổi này là quan trọng về hai khía cạnh. Trước hết, – liệu có cần phải nhấn mạnh về điểm này? – một hằng số tuyệt đối về lịch sử hiến pháp cộng sản muốn rằng đảng chỉ đạo chính phủ và người đứng đầu đảng chỉ đạo thủ tướng dù thủ tướng có tài năng đến đâu. Trong suốt thập kỷ sẽ kết thúc vào năm 2012, Hồ Cẩm Đào chưa bao giờ ngừng tỏ ra là mình có một vai trò chính trị quan trọng hơn Ôn Gia Bảo và ông không do dự thể hiện mâu thuẫn với ông Ôn Gia Bảo về các vấn đề mang tính quyết định như chính sách kinh tế hoặc những cuộc cải cách có thể diễn rá về vấn đề dân chủ. Hai chức vụ không hề giống nhau. Trong khi người đứng đầu đảng đưa ra tất cả những yêu cầu thì thủ tướng nhiều nhất là có thể hy vọng gây ảnh hưởng và đứng vững – điều mà ông Ôn Gia Bảo đã thành công một cách rất thông minh, một phần là bởi vì sự tinh thông về kinh tế và lòng nhiềt tình trong con người của ông đã bù đắp rất hữu ích cho những khiếm khuyết của Hồ Cẩm Đào.
Tiếp đó, cả hai người nói chung đều được coi là thuộc các phe phái khác nhau và đôi khi chống lại nhau. Lý Khắc Cường, một người dưới quyền của Hồ Cẩm Đào trong Đoàn thanh niên cộng sản, đã lãnh đạo trong thời gian dài tình Hà Nam, một tỉnh miền Trung xa xôi về địa lý và chính trị với miền Nam Trung Quốc là nơi được lợi từ việc mở cửa về thương mại ra thế giới. Tập Cận Bình đã giữ chức vụ lãnh đạo tại hai tỉnh mở cửa nhất ra nước ngoài là Phúc Kiến (đối diện với Đài Loan) và Chiết Giang. Ông đã lãnh đạo Thượng Hải được 6 tháng thì được gọi tới Bắc Kinh vao mùa thu năm 2007: Thượng Hải, thành phố mở cửa, nơi Giang Trạch Dân vẫn còn ảnh hưởng nhất định – tới mức vào tháng 1/2010 khi Hồ Cẩm Đào thực hiện một trong những chuyến thăm chính thức hiếm hoi tới Thượng Hải, ông đã được đón tiếp bởi… con trai của Giang Trạch Dân, một nhân vật rõ ràng là rất hùng mạnh, nhưng về nguyên tắc lại không có chức danh chính thức quan trọng nào cả.

Thách thức phe phái
Người ta hiểu được điều đó: sự lựa chọn giữa hai nhân vật này thể hiện một ý nghĩa cả về tính chất phe phái lẫn về chính trị. Từ khi Đặng Tiểu Bình mất đi, rất nhiều nhóm lợi ích và những người trung thành với các nhà lãnh đạo cấp cao của đảng Cộng sản Trung Quốc đã tạo thành 3 phe phái chính với ranh giới không rõ ràng.
Phe phái đầu tiên là những người ủng hộ Hồ Cẩm Đào, gồm nhiều nhà lãnh đạo đã tưng làm việc cùng với ông tại Đoàn thanh niên cộng sản hoặc tại trường Đảng trung ương, trong số đó có các nhà lãnh đạo thuộc các tỉnh nội địa hoặc thuộc vùng Đông Bắc. Theo những thông tin chính xác, những người này đại diện cho Trung Quốc nội địa, nơi phàn nàn là không được hưởng lợi từ các khoản vốn đầu tư từ nước ngoài, khó chịu trước những sự thay đổi của xã hội và khát khao một trật tự có “đạo đức” hơn, tức là độc đoán hơn cũng như một sự giảm bớt những sự mất cân đối về địa lý và xã hội.
Phe phái thứ hai gồm các nhà lãnh đạo của Trung Quốc thuộc các vùng ven biển, giàu có nhất và năng động nhất. Các vùng bờ biển này của Trung Quốc vừa được ưu đãi bởi sự phồn vinh của đất nước, vừa bị đe doạ bởi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới và ủng hộ một chính sách kinh tế tập trung vào xuất khẩu. Về lý thuyết, phe phái này là mạnh nhất. Nhưng nó lại là nơi diễn ra những sự ghen tị và thường xảy ra tranh chấp, là nguồn gốc gây ra chủ nghĩa đế quốc giả định ở Thượng Hải: đó là lý do khiến từ vài năm này chính phủ ở Bắc Kinh dường như sử dụng những lời lẽ tốt đẹp với nhà cầm quyền ở Quảng Châu. Rõ ràng, Giang Trạch Dân đã không từ bỏ việc gây ảnh hưởng vào cán cân có lợi cho vùng ven biển Trung Quốc này.
Giữa hai phe phái này còn có phe phái thứ ba, một kiểu nhóm bản lề tạo thành trụ cột của đời sống chính trị Trung Quốc: “Đảng của các con ông cháu cha”. Tất cả vài chục người có ảnh hưởng này, thành viên ban chấp hành trung ương, đều là con cháu của các nhà lãnh đạo cũ: những người đã vây quanh Mao Trạch Đông trướck hi phần lớn bị chính Mao Trạch Đông thanh trừng trong cuộc Cách mạng Văn hoá; và những người sau đó đã “leo lên cao” nhờ những phương hướng mới của Đặng Tiểu Bình. Họ xuất thân từ một tầng lớp xã hội đã chiếm đoạt một phần lớn nguồn của cải của đất nước. Một tờ báo ở Thượng Hải đã từng bị chỉ trích hồi năm 2009 vì đã tiết lộ rằng trong sô 3.220 người Trung Quốc có hơn 100 triệu nhân dân tệ thì 2.932 người là thuộc về các con cháu của các nhà lãnh đạo cấp cao. Theo một cuộc thăm dò ý kiến, 91% người Trung Quốc cho rằng tất cả các gia đình giàu có đều liên quan đến chính trị.
Các “con ông cháu cha” này đều là những người chủ chốt chính của tiến trình thay đổi của chế độ, chuyển từ một chủ nghĩa Cộng sản kiểu quân sự trong những năm 1950 sang một nền độc tại tập thể nhằm có lợi cho phần lớn bọn họ và sự trở nên hùng mạnh của Trung Quốc. Phần lớn trong số họ đều được hưởng nền giáo dục tốt mà những thử thách mà họ phải chịu trong cuộc Cách mạng Văn hoá đã góp phần bổ sung. Những người trẻ tuổi nhất, thường học tại Mỹ, được coi là ít đáng tin cậy hơn về mặt đạo đức, nhưng lại có năng lực hơn.
Có thể cho rằng các thành viên của tầng lớp tinh hoa này dùng ảnh hưởng chính trị của mình phục vụ cho những lợi ích của họ, nhưng theo cách có tính toán. Chẳng hạn, đa số họ đều tán thành những biện pháp đẩu mạnh kinh tế khi bắt đầu xảy ra cuộc khủng hoảng thế giới, trước khi tán thành một số cuộc cải cách, nhất là về xã hội, do các ông Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo chủ trương. Ít ra về mặt lý thuyết thì Tập Cận Bình cũng là một trong số tầng lớp tinh hoa này: điều này chưa hẳn đã là một lợi thế.
Chẳng hạn, ông bị lu mờ trong dư luận công chúng bởi một “con ông cháu cha” đáng chú ý, được lòng dân ở dưới và bị ghét ở trên, người đã lãnh đạo thành phố Trùng Khánh hùng mạnh: Bạc Hy Lai, con trai của Bạc Nhất Ba, một trong những bạn bè thân cận nhất của Lưu Thiếu Kỳ từ những năm 1930 đến những năm 1960, một con người hấp dẫn, xuất sắc, mị dân, và kết hợp một cách nói dân dã gần như theo tư tưởng Mao với các phương pháp và một dáng vẻ của các nền dân chủ phương Tây. Nhiều người Trung Quốc hướng tới ông và nếu một cuộc khủng hoảng chính trị nổ ra thì chắc chắn ông sẽ trở thành một trong những nhân vật tai to mặt lớn. Dù sao thì sự nổi lên của ông trên chính trường cũng đánh dấu sự mở đầu của điều gì đó mới mẻ.

Thách thức về chính trị
Sự tranh đua giữa các phe phái không hề giống với cuộc tranh đua diểna dưới thời Mao Trạch Đông. Hiện nay, những thách thức về quyền lực không nhất thiết thắng thế những thách thức về chính trị. Dù nạn tham nhũng và các lợi ích khu vực có như thế nào thì người dân Trung Quốc vẫn có cảm tưởng là cuối cùng họ đã có một tầng lớp tinh hoa lãnh đạo xứng đạo với họ.
Các cuộc tranh luận lớn diễn ra ở khắp nơi. Cuộc tranh luận đầu tiên liên quan đến chính sách đối ngoại, tức là chủ yếu nói đến chính sách đối với phương Tây. Về điểm này, quyền tự do hành động của các nhà lãnh đạo cấp cao nhất khá lớn. Tuy nhiên, họ phải lưu ý đến những sự gia tăng cơn sốt nhất thời của dư luận chống lại Nhật Bản, Mỹ hoặc nền dân chủ phương Tây nào khác (đôi khi là Pháp) và một sự kiện mới nảy sinh từ những thành tích của Trung Quốc và những sự yếu kém của các nền ngoại giao phương Tây.
Vấn đề thứ hai liên quan đến cuộc cạnh tranh luận đầu tiên: đó là vấn đề về “cuộc cải cách chính trị”. Những lời kêu gọi quen thuộc và chân thành của Thủ tướng Ôn Gia Bảo tán thành ở một mức độ nào đó tiến trình dân chủ hoá không khiến người ta ảo tưởng. Bất chấp uy tín của chủ nhân của chúng, những lời kêu gọi này vẫn bị chỉ trích thường xuyên. Nổi tiếng ở nước ngoài, sự nghiệp dân chủ ở Trung Quốc hiện nay chỉ tác động đến một thiểu số người dân ở trong nước – điều này không đoán trước được tình hình sẽ diễn ra như thế nào nếu như sự tăng trưởng kinh tế bị giảm sút đáng kể.
Hai chủ đề khác thu hút sự chú ý của người dân Trung Quốc. Một vấn đề liên quan đến việc phân chia về địa lý các vốn đầu tư của Nhà nước. Thực ra, vấn đề này cũng thể hiện theo cách nhà cầm quyền trung ương muốn tập trung các khoản đầu tư của họ vào các khu vực ngheo khổ ở miền Trung và miền Tây, nhưng hành động của họ lại bị kìm hãm bởi ảnh hưởng của những lợi ích đã đạt được. Tuy nhiên, dường như là chính sách được tiến hành tại các tỉnh miền Trung, chẳng hạn như ở tỉnh Hà Nam và tỉnh Hồ Bắc, bắt đầu mang lại kết quả.
Cuộc tranh luận lớn nhất đang khuấy động tầng lớp tinh hoa chính trị Trung Quốc từ vài năm nay và mang tính chất khẩn cấp từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng kinh tế – tài chính thế giới vào mùa thu năm 2008. Vấn đề là rõ ràng trong nguyên tắc của nó: thái độ thận trọng đơn giản, được biện minh bằng việc tăng giá sản phẩm và mới đây hơn, bằng sự co lại của thị trường Mỹ, đang buộc nền kinh tế Trung Quốc phải có một sự thay đổi về chiến lược. Thay vì dựa tất cả vào việc xuất khẩu, giờ đây điều quan trọng là phải cải thiện công nghệ, bảo vệ môi trường và nhất là phải gia tăng sự tiêu dùng – năm 2009 chỉ chiếm 35% tổng sản phẩm quốc dân (so với 72% ở Mỹ). Mục tiêu cuối cùng liên quan đến một sự phát triển nhanh chóng các chính sách xã hội và những sự phân chia tế nhị về ngân sách.
Nhưng các nhà lãnh đạo nước này lại đang chia rẽ. Các tỉnh trong đất liền cạnh tranh nhau gay gắt để được đón nhận những cuộc thực nghiệm đầu tiên trong khi các nhà lãnh đạo của các tỉnh ven biển vẫn không nhận thấy sự cần thiết của điều đó. Những cuộc cãi vã đã diễn ra đặc biệt căng thẳng trong và sau khi đưa ra kế hoạch thử nghiệm cải cách vào mùa đông năm 2008-2009. Khi đó, người ta đã chứng kiến bài báo của một trong những cố vấn về kinh tế được tôn trọng nhất của thủ tướng, Dư Vĩnh Định, đăng trên tờ Financial Times, nhan đề “Trung Quốc cần phải khuyến khích việc tiến hành cải cách, chứ không chỉ chăm chăm vào phát triển kinh tế”. Trên thực tế, 89% ngân sách dành cho sự khôi phục là dựa vào các vốn đầu tư và chủ yếu là dựa vào lĩnh vực Nhà nước, như vậy là tạo thuận lợi cho một sự tái quốc hữu hoá từng phần nền kinh tế.
Tuy nhiên, từ đó, các chính sách xã hội đã được kiểm nghiệm tại nhiều khu vực nông thôn, nhất là chính sách đối với những người về hưu và bảo hiểm y tế, và kỳ họp quốc hội diễn ra vao tháng 3/2010 đã thông qua một chương trình nhà ở xã hội đầy tham vọng…

Các “con ông cháu cha”
Vậy Tập Cận Bình sẽ đi theo phương hướng nào? Những thông tin mà người ta có được về vấn đề này đã khiến nhiều nhà bình luận coi ông như một “con ông cháu cha” và một người của các khu vực ven biển, điều đó thúc đẩy ông đứng về phe “Thượng Hải”. Thực tế dường như phức tạp hơn, nhất là nếu người ta xem xét nguồn gốc bằng tiếng Trung Quốc.
Thực vậy, tình trạng “con ông cháu cha” đã tạo ra một mạng lưới các mối quan hệ, những sự thuận lợi để tự khẳng định mình và sự cần thiết lưu ý đến ý kiến của những “người bạn”; nhưng nó không nhất thiết liên quan đến một phương hướng được đề ra trước. Trong một quá khứ mới đây, những “con ông cháu cha” – người ta đã gọi như vậy – đã có tiếng nói trong việc hoạch định chiến lược kinh tế và xã hội. Nếu trở lại thời kỳ xa xưa hơn một chút, người ta sẽ nhận thấy rằng đã có những “con ông cháu cha” trong tất cả các phe. Lý Bằng nổi tiếng, con trai của một “người tử vì cách mạng” không nổi tiếng mấy và là người được Chu Ân Lai bảo trợ, đã từng là thủ tướng kêu gọi quân đội “càn quét” quảng trường Thiên An Môn hổi tháng 6/1989. Nhưng Lý Thiết Ánh, con trai của một cựu giám đốc cơ quan tuyên truyền bị Mao Trạch Đông thanh trừng, đã nổi bật hơn người vào thời kỳ đó bởi thái độ ôn hoà. Giang Trạch Dân, người mà các chuyên gia cũng xếp vào trong số các “con ôn cháu cha”, đã chỉ đạo một chính sách trung dung.
Trên thực tế, mặc dù đều mong muốn có được sự ổn định của chế độ và duy trì ít ra là vẻ bề ngoài các thể chế cộng sản, các “con ông cháu cha” này không xử sự theo cách hoàn toàn mang tính tập thể cũng như về tư tưởng. Họ có ảnh hưởng bởi hai nhân tố cực kỳ quan trọng: một mặt, di sản về chính trị và tình cảm từ cha ông họ; và mặt khác, tiểu sử của cá nhân họ từ cuộc Cách mạng Văn hoá. Thế nhưng, xét theo hai điểm này, Tập Cận Bình không phải là một “con ông cháu cha” như những người khác.

Một nhân vật đặc biệt
Cha của Tập Cận Bình là Tập Trọng Huân, xét về nhiều mặt, đã từng là một nhân vật đặc biệt. Trước hết đặc biệt là bởi sự thành đạt sớm của ông: sinh năm 1913 tại tỉnh Sơn Tây, nằm ở phía Tây Bắc đất nước, tức là kém Mao Trạch Đông 20 tuổi và kém Đặng Tiểu Bình 9 tuổi, ông vào đoàn Thanh niên Cộng sản khi mới 13 tuổi và sau đó vào đảng Cộng sản Trung Quốc khi 15 tuổi. Khi đó, ông đã tham gia một cách xuất sắc việc thành lập căn cứ đỏ Sơn Tây – Cam Túc (nằm ở phía Tây Bắc đất nước) mà ông đã đứng đầu “chính phủ” trong 21 năm. Ông là một trong những nhà lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc trẻ tuổi nhất, đặc biệt là công tác tại khu vực Tây Bắc gồm khu trung tâm Diên An nơi hồng vệ binh đã đóng quân vào cuối năm 1935. Trong việc thành lập chế độ mới, ông là nhân vật số hai của khu vực này. Trên thực tế, chính ông là ông chủ thực sự, ngang bằng về quyền lực với một người như Đặng Tiểu Bình. Cũng như các nhà lãnh đạo xuất sắc của khu vực, ông đã nhanh chóng “lên” Bắc Kinh và năm 1952 trở thành người đứng đầu cơ quan tuyên truyền của ban chấp hành trung ương khi chưa đầy 40 tuổi… Hai năm sau, ông giữ chức vụ chủ chốt của chính phủ mà sau này ông trở thành phó thủ tướng phụ trách các công việc thường ngày đồng thời là bí thư chi bộ: trên thực tế, ông là con người – dàn nhạc thực sự của Chu Ân Lai cho đến khi bị loại bỏ vào năm 1962.
Chưa hết: Tập Trọng Huân còn nổi bật hơn người bởi nguồn gốc địa lý của mình. Là người sinh ra tại các vùng thảo nguyên ở miền Tây Bắc đất nước, ông được xem như là con người đặc biệt trong một đảng mà phần lớn các nhà lãnh đạo đều xuất thân từ miền Trung và miều Nam Trung Quốc. Sự khác nhau này đã gây ra cho ông những sự thiệt thòi nghiêm trọng. Rõ ràng ông đã tự chuốc vào mình những mối thù ghét ở miền Tây Bắc (nhất là ở một số người bạn của Đặng Tiểu Bình). Cũng có thể vì ông đã biết quá nhiều về một số vụ việc (trong số đó có những bối cảnh mất tích của Lưu Chí Đan, người sáng lập ra căn cứ đỏ, chưa bao giờ được làm sáng tỏ hoàn toàn. Nhưng điểm yếu nghiêm trọng nhất của ông là đã phục vụ bên cạnh những nhân vật đã gây ra hai cuộc thanh trừng chính trị đầu tiên của chế độ mới: Cao Cương, người đã từng là cấp trên của ông tại căn cứ đỏ; và Nguyên soái Bành Đức Hoài, một trong những người sáng lập ra hồng vệ binh, ông chủ về mặt lý thuyết của khu vực Tây Bắc trong thời kỳ ông chỉ huy quân đội Trung Quốc ở Bắc Triều Tiên (1950-1952).
Ngoài tính thận trọng cần thiết để sống sót trong một môi trường đầy nguy hiểm, Tập Trọng Huân dường như đã cho người ta thấy được một phẩm chất khá hiếm ở những người chiến thắng năm 1949: lòng dũng cảm về chính trị và cá nhân. Năm 1947, ông là một trong những người chống đối đầu tiên đường lối theo tư tưởng tả khuynh do Khang Sinh bảo vệ trong việc điều khiển cuộc cải cách ruộng đất đầu tiên tại các vùng đã được giải phóng. Cuộc cải cách ruộng đất thứ hai, mà ông được giao trọng trách thực hiện ở miền Tây Bắc kém triệt để hơn và ông cũng tỏ ra ít có thái độ trấn áp hơn so với những người khác, chẳng hạn ông đã nỗ lực ngăn chặn hoặc kìm hãm các vụ thảm sát lặp đi lặp lại bởi Tướng Vương Chấn và Đặng Lực Quần (một người cộng tác với Lưu Thiếu Kỳ) ở Tân Cương. Trong thời kỳ diễn ra cuộc đại nhảy vọt, ông là một nàh chống đối thận trọng nhưng tỏ thái độ từ sớm, kiên quyết và kiên trì trước những sự thái quá của tư tưởng Maóit.

Thời kỳ bị thất sủng
Còn quan trọng hơn trong một môi trường mà ở đó những cam kết về chính trị thường ít được tính đến hơn các báo cáo về nhân quyền, Tập Trọng Huân vẫn trung thành với hai cấp trên cũ đã bị thất sủng của ông. Tất nhiên, ông đã không tham gia cuộc tấn công chính trị của Cao Cương để chiếm lấy vị trí là người kế tục Mao Trạch Đông cho đến lúc đó vẫn dành cho Lưu Thiếu Kỳ (1953-1954). Tuy nhiên, trong khi vẫn công khai cắt đứt quan hệ với Cao Cương và tham gia việc “tái giáo dục” do ban chấp hành trung ương quyết định chống lại Cao Cương, ông đã giúp đỡ ông này sống sót sau đó là giúp đỡ vợ ông sau khi ông ta tự tử. Sau khi đã chần chừ nhiều năm, ông cũng đã tạo thuận lợi cho việc xuất bản một cuốn tiểu thuyết nói về Lưu Chí Đan, người sáng lập ra đội quân du kích ở miền Tây Bắc và là ông chủ của Cao Cương: chính sự vụng về cuối cùng này – hoặc là sự chân thành – đã khiến ông bị thanh trừng vào mùa hè năm 1962 khi Mao Trạch Đông đẩy mạnh cuộc tấn công chống “phái hữu” trong đảng.
Rõ ràng, sự thân cận của ông với Nguyên soái Bành Đức Hoài không xa lạ với sự thất sủng của ông. Ông này đã bị loại bỏ vào mùa hè năm 1959 vì đã công khai tố cáo sự thất bại của chiến dịch đại nhảy vọt và qui trách nhiệm cho Mao Trạch Đông trong thất bại này: Tập Trọng Huân đã lợi dụng sự suy yếu về chính trị của Mao Trạch Đông trong những tháng đầu tiên của năm 1962 để âm mưu ủng hộ việc khôi phục danh dự cho Nguyên soái Bành – và người ta có thể hình dung rằng Chu Ân Lai, khi đó là ông chủ của Tập Trọng Huân, không hoàn toàn phản đối âm mưu này…
Tuy nhiên, Tập Trọng Huân, cũng như phần lớn các nhà cựu lãnh đạo của miền Tây Bắc cũng bị thất sủng theo ông, đúng ra là ít bị đối xử tồi hơn trong suốt thời kỳ diễn ra cuộc Cách mạng Văn hoá so với nhiều nhà lãnh đạo khác, nhất là những người đã từng có mối quan hệ thân cận với Lưu Thiếu Kỳ hoặc Đặng Tiểu Bình. Dường như là Mao Trạch Đông, có lẽ là bị Chu Ân Lai phỉnh phờ, vẫn nhớ đến sự giúp đỡ mà ông đã nhận được từ các nhà lãnh đạo của miền Tây Bắc vào cuối những năm 1930. Những điều trên không phải mang tính chất giai đoạn: nó cho phép người ta hiểu được tại sao Tập Trọng Huân, tuy chỉ mới 66 tuổi vào năm 1979, đã không có được một vị trí chủ chốt nào trong nước Trung Hoa nhân dân thứ hai, nước Trung Hoa của Đặng Tiểu Bình. Những người viết lịch sử nêu bật bai trò của ông trong việc mở cửa tỉnh hoa tiêu ở Quảng Đông từ tháng 4/1978: tuy nhiên, ông chỉ là nhân vật số hai ở tỉnh này. Tiếp đó, ông được đưa vào bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc, vào ban bí thư và phó chủ tịch Quốc hội, nhưng ông chưa bao giờ giữ những chức vụ chủ chốt. Những chức vụ này đều do nhóm những người bạn cũ của Đặng Tiểu Bình, Trần Vân và Lưu Thiếu Kỳ nắm giữ – nhóm mà ông đã bị loại di nguồn gốc địa lý và phe phái của ông. Điều có thể tưởng tượng được là những sự bất đồng về chính trị cũng được tính đến: có thể là Tập Trọng Huân đã quá tích cực trong việc mở cửa dưới con mắt của Trần Vân và quá muốn tuân theo Hồ Diệu Bang, Tổng bí thư có tư tưởng cải cách của đảng Cộng sản Trung Quốc bị đánh đổ năm 1987. Người ta nói rằng ông đã bị chỉ trích vị thảm sát tại quảng trường Thiên An Môn diễn ra ngày 4/6/1989 và người ta biết rằng ông đã ngừng thực sự việc xuất hiện trước công chúng cho đến khi mât vào năm 2000.

Ảnh hưởng của gương mặt người cha
Chỉ có tương lai mới nói lên được ký ức về sự nghiệp vừa rất sáng chói lẫn rất đáng thất vọng của người cha ảnh hưởng chính xác như thế nào đến Tập Cận Bình. Trong phần lớn các gia đình “con ông cháu cha”, con cái đều được nuông chiều và đến tuổi trưởng thành đều tỏ rõ lòng trung thành với cha mẹ mình, tới mức thành lập những phe phái thực sự tận tâm với ký ức của con người vĩ đại của họ: chẳng hạn như các gia đình của Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình, Hạ Long, Diệp Kiếm Anh hoặc Trần Nghị, những người này còn tạo ra những thế lực thực sự và trong đó sự thăng tiến trên con đường chính trị hoặc sự làm giàu của con cái đều phục vụ cho vinh quang của người cha.
Nhưng cũng có những gia đình mà ở đó người ta ngẫm nghĩ về những nỗi thất vọng của cha mẹ họ và ở đó thành công của một số người được coi là một sự báo thù cho nỗi bất hạnh của cha minh. Như vậy, người ta có thể hiểu được con đường của Lý Thiết Ánh, người đã leo được lên tận hàng ngũ những người có máu mặt hoặc con đường của Tăng Khánh Hồng, người đã từng là nhân vật số hai của Hồ Cẩm Đào từ năm 2002 đến 2007 trong khi vẫn lãnh đạo ban chấp trung ương: một con đường sự nghiệp tốt đẹp đối với một con người thông minh và chói sáng mà người cha là Tăng Sơn, rất kỳ cựu trong lịch sử đảng Cộng sản Trung Quốc nhưng không được Mao quí mến, sau năm 1949 đã bị đẩy xuống hàng thứ hai trước khi chết vì những di chứng của những sự đối xử tồi tệ trong thời gian diễn ra cuộc Cách mạng Văn hóa. Trường hợp khác là Bạc Hy Lai có cha là Bạc Nhất Ba, một nhà kinh tế nổi tiếng, đã nhiều lần bị Mao Trạch Đông ngược đãi nếu không có Lưu Thiếu Kỳ tới giúp đỡ; trở thành người goá vợ trong cuộc Cách mạng Văn hoá, ông đã sống rất thọ bằng cách tuổi già về ở ẩn với sự bảo vệ các nguyên tắc bảo thủ trì trệ nhất. Vì vậy, con trai là Bạc Hy Lai biểu tượng cho một hình thức trả thù bằng quyền tự do hành động, và cả bằng sự sôi nổi về trí tuệ…

…và bản thân những con người con rất đặc biệt
Phải chăng Tập Cận Bình cũng bị thúc đẩy bởi ý muốn sửa chữa số phận của cha mình? Người ta khó mà hình dung được rằng ông có thể làm khác, và một điều chắc chắn rằng số phận này đã tạo ra một khoảng cách so với những “con ông cháu cha” khác, được phục vụ tốt nhất bởi vận may. Dù ông có thể sử dụng ảnh hưởng của họ thì ông vẫn không bị buộc phải bảo vệ tất cả những lợi ích của họ bằng lịch sử gia đình của mình.
Ngoài tầm vóc cao to, khá hiếm ở Trung Quốc (cao 1 met 80), nhân vật này nổi bật hơn người bởi tính cách và trí thông minh. Cũng như những thanh niên thuốc thế hệ ông, và nhất là đối thủ Lý Khắc Cường, ông bị tống về lao động ở nông thôn vào năm 1968 – ở tỉnh Sơn Tây nơi cha ông đã xây dựng sự nghiệp – ở tuổi 15 sau khi việc học cấp hai bị gián đoạn do diễn ra cuộc Cách mạng Văn hoá. Nhưng người khác thích nghi dần với môi trường nông thôn, đọc tiểu thuyết, kết bạn với nhau, chuẩn bị trở về thành phố: còn ông thì không. Ông trốn về Bắc Kinh để chống lại số phận dành cho ông. Bị cơ quan an ninh công cộng bắt, bị giam giữ trong suốt 6 tháng trời và bị đuổi về nông thôn với một bản lý lịch xấu: khi đó là vào năm 1970 và Tập Cận Bình vừa đúng 17 tuổi.
Vậy là băt đầu thời kỳ mang tính quyết định về sự tồn tại của ông. Tập Cận Bình đã quyết định tham gia chính trường bằng cách bắt đầu từ cơ sở. Sau khi đã chinh phục được các cán bộ nhỏ ở cấp địa phương, ông gia nhập đoàn thanh niên cộng sản, sau đó gia nhập đảng và trở thành bí thư chi bộ vào năm 1973 hoặc 1974. Ông không từ chối bất cứ công việc nào dành cho ông: nhân viên kế toán, thầy thuốc chân đất hoặc nhà kỹ thuật nông nghiệp – một công việc giúp ông được gần gũi với người dân và đưa vào ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới. Năm 1975, cuối cùng ông cũng đạt được mục đích bằng cách qua được một cuộc tuyển chọn về chính trị để vào trường đại học tổng hợp Thanh Hoa và học môn hoá ở đó. Ba năm sau ông tốt nghiệp, ông “tham gia nội các” và làm bí thư bên cạnh Cảnh Tiêu, một cựu tư lệnh quân đội và đại sứ mà sự tham gia cuộc đảo chính chống “bè lũ bốn tên” đã khiến ông được cử giữ chức phó thủ tướng.
Phải chăng Tập Cận Bình sẽ làm cố vấn? Hay ông bị chìm ngập trong núi các công việc? Không, năm 1982, chưa đầy 30 tuổi, ông đã quyết định – trường hợp đặc biệt ở Trung Quốc – bắt đầu lại trên thực địa để học nghề lãnh đạo. Cũng không quá xa, tại một huyện nông thôn thuộc tỉnh láng giềng của Hà Bắc là Trấn Định, nơi các sáng kiến độc đáo của ông – chẳng hạn như phát triển ngành du lịch – đã thu hút sự chú ý của mọi người. Năm 1985, ông được phái tới tỉnh ven biển Phúc Kiến là nơi ông đã nhanh chóng được thăng chức: thị trưởng của thành phố Phúc Châu và phó bí thư tỉnh uỷ năm 1995, chủ tịch tỉnh Phúc Kiến năm 2000, sau đó làm chủ tịch tỉnh Chiết Giang, tỉnh giàu có nhất ở Trung Quốc, cho đến khi chuyển tới Thượng Hải năm 2007.
Trong thời gian này, ông đã tỏ ra là người có phẩm chất của nhà lãnh đạo theo cách của Giang Trạch Dân, tức là kêt hợp cam kết tán thành nền kinh tế và tính chính thống về tư tưởng. Ông đã chú trọng đến việc mở cửa ra nước ngoài (trong trường hợp dự kiến là mở quan hệ với các xí nghiệp của Đài Loan) và tiến hành tất cả các chiến dịch chống tham nhũng. Cũng trong thời gian này, ông đã kiên trì thiết lập mạng lưới các mối quan hệ, nhất là tại các tỉnh miền Nam Trung Quốc. Chỉ có một sự ghi chú không được tốt đẹp mấy là ông đã ly hôn và năm 1987 đã tái hôn với Bành Lệ Viện, một ca sĩ nhân dân nổi tiếng. Kiểu hôn nhân này – cho dù là vụ lợi, vì bà Bành Lệ Viện cũng là “con ông cháu cha”, công tác tại phòng nghệ thuật tổng cục chính trị – không phải là thường gặp trong tầng lớp tinh hoa lãnh đạo Trung Quốc, nơi những người vợ thường kín đáo hơn…
Từ đó, Tập Cận Bình buộc phải từ bỏ quyền hành. Trong chức vụ hiệu trưởng trường đảng trung ương, ông bày tỏ công khai một sự gắn bó vĩnh viễn với những tư tưởng của Mao Trạch Đông và chủ nghĩa Mác – Lênin. Điều đó đã không ngăn cản ông đôi khi thể hiện là người có một tính khí rõ ràng là nóng hơn Hồ Cẩm Đào.

Kiểu người kế tục nào?
Các dữ liệu về tiểu sử và gia đình này kết luận điều gì? Tất nhiên, tương lai của Tập Cận Bình phụ thuộc nhiều vào sự tiến triển của những sự cân bằng ở bên trong ban lãnh đạo Trung Quốc. Rất có thể là cũng như dưới triều đại của Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào sẽ chậm trễ từ bỏ tất cả các chức vụ của mình: trong thời kỳ chuyển giao tế nhị giữa hai triều đại này, Tập Cận Bình sẽ tự khẳng định mình một cách kín đáo.
Đối với Tập Cận Binh, trong thời kỳ này, tốt nhất là không một thông tin nào về sai lầm này hay sai lầm khác của ông trong suốt 20 năm công tác ỏ Phúc Kiến và ở Chiết Giang bị lọt ra ngoài – những tỉnh mà ở đó nạn tham nhũng diễn ra tràn lan: trong trường hợp này, khả năng trở thành người kế tục sẽ trở nên lung lay một cách nhanh chóng… Ngoài ra, nhiều cái còn phụ thuộc vào các sự kiện kinh tế và chính trị ở bên ngoài và nhất là phụ thuộc vào tình hình tài chính thế giới và mối quan hệ với Mỹ, chau Âu, Ấn Độ và Nhật Bản. Dù thế nào thì nhân vật được nhắm vào chắc hẳn sẽ phải chứng tỏ được khả năng của mình trong việc đảm bảo một sự chuyển giao êm ả tới một nền kinh tế mang tính công nghệ hơn và hướng tới sự tiêu dùng hơn, trong khi vẫn tránh một sự giảm sút mạnh tỷ lệ tăng trưởng. Điều chắc chắn duy nhất mà người ta có thể thấy trong giai đoạn này là nhiệm vụ sẽ rất nặng nề…
Trái lại, Tập Cận Bình đã thể hiện 3 điều đáng lưu ý. Thứ nhất là ông ít “mới” hơn như nhiều đối tác kinh tế hoặc nhà quan sát Trung Quốc tưởng. Không những ông gắn bó bởi gia đình mình với những gốc rễ, những tấn thảm kịch và những cuộc cải cách của chủ nghĩa cộng sản Trung Quốc, mà đằng sau ông – cũng như cựu đối thủ Lý Khắc Cường của ông – còn có một con đường sự nghiệp hoàn toàn về chính trị và mang tính Trung Quốc. Dù có thông minh và ham hiểu biết đến mấy, thì ông vẫn không phải là ông bầu hoặc khách quen hay lui tới các sân bay quốc tế mà những kẻ xu nịnh của “chủ nghĩa tư bản Trung Quốc” hy vọng.
Tuy nhiên, – và đây là điều lưu ý thư hai -, con đường sự nghiệp của ông đã rộng mở ở các vùng bờ biển phía Đông của đất nước, khu vực mở cửa nhất với những sự trao đổi với nước ngoài. Theo chiều hướng này, điều mang tính biểu tượng hơn là Lý Khắc Cường, người đã lãnh đạo tỉnh Hà Nam, một tỉnh rất trì trệ về mặt mở cửa. Điểm này chắc hẳn được tính đến trong sự lựa chọn cuối cùng. Bằng sự giao du nhiều năm của mình với người Đài Loan, người Nhật Bản và Triều Tiên, ông cũng biểu tượng cho một phương hướng mang tính “châu Á” hơn là “quốc tế”…
Thứ ba, các yếu tố về tiểu sử mà chúng ta vừa phác hoạ về một nhân vật độc đáo hơn và mang tính khẳng định hơn so với Hồ Cẩm Đào – mà tài năng chính là làm hài lòng các Ông Lớn của chế độ, sau đó kiên nhẫn chờ thời của mình bằng cách học nghề mà khong phạm sai lầm. Lịch sử cá nhân của Tập Cận Binh cho thấy một tuổi niên thiếu rất bướng bỉnh. Con đường công danh ở cấp tỉnh của ông đã làm xuất hiện một con đường có tài, tinh thông và không thiếu cá tính. Người ta có thể dự đoán rằng những lời nhận xét lạnh lùng về Hồ Cẩm Đào sẽ bị thay thế bằng vài cuộc cãi lộn cứng rắn hơn: đối với phương Tây, về điểm này, Tập Cận Bình sẽ là một đối tác bướng bỉnh hơn, đại diện cho “thái độ ngạo mạn” mới của Trung Quốc mà Erik Israelewicz đã phân tích trong tác phẩm vừa qua của ông.
Vấn đề thực sự là sự khát khao trả thù này sẽ biến Tập Cận Bình thành người như thế nào trong tương lai – sự trả thù đối với một đảng và một giới xã hội đã không chứng thực cho cha ông sự tôn trọng mà ôn xứng đáng. Người ta vẫn cho rằng nhiệt huyết này đã góp phần tôi luyện lòng dũng cảm và tính kiên trì mà ông thường chứng tỏ. Nhưng một khi đã lên được đỉnh cao của quyền lực, liệu ông có còn như vậy không? Đặng Tiểu Bình đã từng muốn điều chỉnh sự chuyển giao quyền lực và Tập Cận Bình sẽ là nhà lãnh đạo đầu tiên khong được trao binh giáp bởi Đặng Tiểu Bình. Thế nhưng các chế độ cộng sản vẫn khó mà làm dịu được các cuộc xung đột cá nhân ở trong tầng lớp tinh hoa lãnh đạo và làm ôn hoà xu hướng độc tài của những người đứng đầu đảng…/.
.
.
.

No comments:

Post a Comment