Saturday, October 1, 2011

TRỤC NGOẠI GIAO QUỸ ÁM (Đinh Tấn Lực)



Đinh Tấn Lực
1-10-2011

Cảm động biết mấy: “Năm đó nhân dân Trung Quốc trong điều kiện bản thân cực kỳ khó khăn đã giúp đỡ Việt Nam, nhân dân Việt Nam mãi mãi ghi nhớ trong lòng…”. Tướng Việt Ngô Xuân Lịch, Chủ nhiệm TCCT/QĐNDVN, vừa mới nói với tướng Tàu đồng nhiệm Lý Kế Nãi như thế.

Cảm động gấp đôi, khi nghe Bộ trưởng KH-CN Nguyễn Quân tấu trình sớm sủa lên Đại sứ TQ Khổng Huyễn Hựu ngay tại Hà Nội một lời chúc thiếu chủ từ như sau: “Thay mặt Đảng, Chính phủ và nhân dân VN, gửi tới Đảng, Chính phủ và nhân dân TQ lời chúc mừng nhiệt liệt nhất nhân ngày lễ trọng đại (quốc khánh 01 tháng 10) của nhân dân TQ”.

Những rung động đến mờ lệ đó đã đánh nhòe khung cảnh thời sự “tàu chiến nước lạ” xả súng và bắn chất cháy vào hai tàu cá QNg-95337-TS và QNg-95850-TS trên đường tìm chỗ trú bão số 4 tại đảo Trụ Cấu của Việt Nam, vào lúc 13 giờ ngày 24-9-2011. Quy trình tấn công và rượt đuổi đó kéo dài non hai ngày liền. Tin tức về vụ này được ém kín, trang nào đã đăng đều được lệnh gỡ xuống.

Cũng ngay trong ngày 24-9-2011 đó, tại cuộc họp ở trụ sở Liên Hiệp Quốc, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (BNG) VN Phạm Bình Minh đã lễ phép đáp lời đồng nhiệm Dương Khiết Trì của TQ rằng: “VN sẵn sàng làm việc với TQ để tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau và tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước…”.
Có phải Đời Đời Nhớ ƠnSẵn Sàng Làm Việc là hai công thức ngoại giao của ta?
Xem ra đó chỉ là nguyên nhân và hệ quả tất yếu, nếu xét trên chiều dài những tuyên bố ngoại giao của ta từ thời sơ khai của người phát ngôn (NPN) Hồ Thể Lan, xuyên suốt các “thế hệ” Phan Thúy Thanh, Lê Dũng, Nguyễn Phương Nga, cho tới thời đương nhiệm Lương Thanh Nghị.

Còn công thức ngoại giao quỷ ám của ta thì có nhiều. Hãy thử điểm qua một vài ví dụ tiêu biểu:

“Có Lợi Cho Chúng Tôi”
Bộ Ngoại giao đã trước sau chứng tỏ một lòng một dạ, không chỉ với quan thầy hay đàn anh vĩ đại, mà còn với cả chủ nghĩa cộng sản, hay nỗ lực thờ phụng chủ nghĩa chư hầu của dàn ủy viên Bộ chính trị xứ ta.


Điển hình của công thức này là khi nghe tin về cuộc đảo chính lật đổ Gorbatchev ngày 19-8-1991 ở Liên Xô (ngay ngày kỷ niệm cách mạng tháng 8 ở Hà Nội), NPN Hồ Thể Lan đã tuyên bố: “Cuộc đảo chính là một mối quan tâm lớn, một sự kiện rất có lợi cho chúng tôi và hy vọng quan hệ Việt-Xô sẽ lại tốt đẹp như trước kia”. Chưa đầy 3 ngày sau đó, các “đồng chí trung kiên” lãnh đạo cuộc đảo chính đều bị bắt và bị truy tố về tội phản loạn, bắt mồi cho tiến trình chuyển hóa một Liên Bang Xô Viết từng đứng đầu Quốc Tế III bỗng chốc trở thành …Liên Xô Cũ.
Hệt vậy, khi nhà báo Kim Hạnh công du Bắc Triều Tiên và gửi về những bài tường thuật trung thực, thì NPN Hồ Thể Lan, cho dù là bạn thân với người viết, cũng đã “bác bỏ” nội dung những phóng sự đó, theo đúng tinh thần tả khuynh tuyệt đối.

Tháng 9-2002, để phản đối chiến dịch của Mỹ nhằm chống Iraq sau vụ khủng bố tòa tháp đôi ở New York, ngoài những lần nhà nước tổ chức biểu tình rầm rộ tại Hà Nội, NPN Phan Thúy Thanh, trong một buổi họp báo quốc tế, đã cực lực lên án: “Việc can thiệp từ bên bên ngoài nhằm thay đổi thể chế chính trị của một nước có chủ quyền là vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ, và là điều không thể chấp nhận được… VN phản đối bất kỳ hành động quân sự nào chống Iraq nhằm lật đổ TT Saddam Hussein”.

Tháng 4-2003, ngay sau khi lực lượng Đồng Minh khai mở chiến dịch Red Dawn vào lãnh thổ Iraq, NPN Phan Thúy Thanh nhấn mạnh: “VN sẽ xem xét việc trợ giúp cho nhân dân Iraq trong khuôn khổ của LHQ và phù hợp khả năng của mình”… Có tin đồn đoán rằng sự trợ giúp đầu tiên là dàn chuyên gia phòng không bằng AK của VN thời đầu thập niên 70 của thế kỷ trước. Chỉ mấy tháng sau đó, nhân dân Iraq reo hò vang trời khi nhìn thấy trên truyền hình trực tiếp cảnh Saddam Hussein bị lôi ra khỏi hang ẩn núp ngày 13-12-2003.

Tháng 2-2011, về tình hình mùa Xuân Ai Cập, NPN Nguyễn Phương Nga cho biết: “Việt Nam quan tâm theo dõi những diễn biến gần đây tại Ai Cập và mong muốn tình hình Ai Cập sớm đi vào ổn định”. Chỉ vài tuần sau, Ai Cập hoàn toàn ổn định, theo nghĩa khác, một khi kẻ độc tài Hosni Mubarak không còn cơ hội cầm quyền nữa.

Tháng 3-2011, về sự kiện chuyển hóa ở Libya, NPN Nguyễn Phương Nga đã mạnh dạn lên tiếng giáo dục cả thế giới: “Việt Nam lo ngại sâu sắc trước sự gia tăng căng thẳng và những hành động quân sự mới đây tại Libya với nhiều hệ lụy đối với đời sống của người dân Libya và hòa bình, ổn định ở khu vực. Việt Nam kêu gọi các bên kiềm chế, sớm chấm dứt các hoạt động quân sự, tích cực thúc đẩy đối thoại, tìm kiếm giải pháp hòa bình, phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền của các quốc gia”.

Tháng 9-2011, NPN Nguyễn Phương Nga cho biết: “Nhờ sự giúp đỡ của các nước, các tổ chức quốc tế, đặc biệt là các bạn bè ở Libya, nên Đại sứ và toàn bộ cán bộ, nhân viên của Đại sứ quán Việt Nam tại Tripoli đã tạm thời rời khỏi Libya”.

Có lần, khi đã phục viên, cựu phát ngôn viên Hồ Thể Lan du lịch Thái Lan cùng chồng là cựu Phó thủ tướng Vũ Khoan, tình cờ gặp lại một phóng viên người Nhật. Ông ta hỏi lại một câu hỏi từ nhiều năm trước, mong là có câu trả lời ít khuôn sáo và thật lòng hơn của một NPN đã về hưu, thì nhận được câu trả lời với sự hãnh tiến cực choáng: “Tôi vẫn khẳng định như vậy!”. Mới hiểu hết câu nói dân dã rằng xăng có thể cạn, lốp có thể mòn…
NPN Phan Thúy Thanh còn cho biết thêm, ngoài “sai lầm” về sự cố 1997, thì “trong quảng đời làm phát ngôn viên, chưa một lần nào bị cấp trên ‘nhắc nhở’…”. Hẳn là nhờ giữ đúng cái tinh thần thờ phụng một đồng một cốt nói trên.
Không như NPN Lê Dũng, cứ bị ám ảnh suốt: “Người ta sễnh nhà ra thất nghiệp, chứ mình thì sễnh miệng là thất nghiệp ngay”.

“Hoan Nghênh”
Đây là loại công thức trẻ con vỗ tay khi được bánh hoặc chờ được bánh.
Tháng 12-2006, NPN Lê Dũng nhiệt liệt “Hoan nghênh việc Quốc hội Hoa Kỳ thông qua dự luật PNTR về quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn đối với VN”.

Tháng 3-2008, nhân sự kiện Fidel Castro truyền ngôi cho em, NPN Lê Dũng tức khắc hoan nghênh quyết định sáng suốt đó và không quên đánh giá cao “Chủ tịch Fidel Castro mãi mãi là người bạn lớn của nhân dân VN”!

Tháng 12-2008, NPN Lê Dũng “Hoan nghênh quyết định của chính phủ Cộng hòa Séc nối lại việc cấp thị thực nhập cảnh dài hạn cho công dân VN sang Cộng hòa Séc từ tháng 1-2009”.

Tháng 2-2009, NPN LêDũng nhiệt liệt “Hoan nghênh Ngoại trưởng Nhật Bản Hi-rô-phư-ni Na-ca-xô-nê đã tuyên bố chính phủ Nhật quyết định nối lại viện trợ phát triển chính thức ODA cho VN”.

Tháng 8-2009, NPN Nguyễn Phương Nga phát biểu: “Chúng tôi xin chúc mừng thắng lợi của Đảng Dân chủ Nhật Bản trong cuộc bầu cử vừa qua và hy vọng dưới sự lãnh đạo của Đảng Dân chủ Nhật Bản, chính phủ và nhân dân Nhật Bản sẽ thành công trong cải cách và phát triển đất nước..”.

Tháng 10-2009, NPN Nguyễn Phương Nga cho biết: “Với việc Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Barack Obama được Ủy ban Giải Nobel Na Uy quyết định trao Giải Nobel Hòa bình năm 2009, chúng tôi hy vọng Tổng thống Obama sẽ đóng góp tích cực vào việc bảo vệ hòa bình – mục tiêu của giải thưởng này”.

Tháng 9-2010, NPN Nguyễn Phương Nga “Hoan nghênh việc Thái Lan không cho phép sử dụng lãnh thổ Thái Lan vào các hoạt động (tổ chức hội nghị nhân quyền) với mục đích chống phá VN.

Tháng 9-2011, NPN Lương Thanh Nghị cho biết: “Việt Nam ủng hộ mọi nỗ lực thành lập nhà nước Palestine độc lập, có chủ quyền, tồn tại hòa bình bên cạnh Israel với đường biên giới từ trước tháng 6/1967… Việt Nam ủng hộ các nỗ lực của Palestine sớm trở thành thành viên của Liên hợp quốc”.

“Hoàn Toàn Bịa Đặt”
Kỹ thuật thường dùng của bộ Ngoại giao xứ ta khi cần né tránh câu hỏi thì bảo là “chưa được thông tin”, hay “chưa sẵn sàng để trả lời”. Còn muốn chối bỏ sự thật thì tuyên bố ngay rằng đó là điều bịa đặt.

Tháng 9-2000, khi Phật Giáo Hòa Hảo thông báo tín đồ Nguyễn Châu Giang bị bóp cổ đến không ăn uống được trong tù, và tín đồ Nguyễn Duy Tâm bị kết án quản chế tại gia về tội thu âm bản tin tiếng Việt từ đài nước ngoài, NPN Phan Thúy Thanh gọi bản thông báo đó là một điều “hoàn toàn bịa đặt”.

Tháng 12-2001, về nguồn tin của RFI cho biết số người Thượng ở Tây Nguyên chạy sang tỵ nạn bên Kampuchia đã gia tăng gấp đôi trong vòng 4 tháng. NPN Phan Thúy Thanh bình luận rằng đó là những thông tin “sai sự thật”.

Tháng 1-2002, Khi tổ chức Quan Trắc Nhân Quyền (HRW) nhận định VN đã có những thụt lùi về mặt nhân quyền, đặc biệt trong lãnh vực tự do tôn giáo, NPN Phan Thúy Thanh tuyên bố rằng điều đó “không đúng sự thật”. Rồi lên án HRW đã “thường xuyên phụ họa với những luận điệu xuyên tạc, vu cáo VN của các tổ chức phản động chống đối VN ở nước ngoài. Với việc làm này, họ (HRW) đã tự bôi xấu mình”.

Tháng 12-2002, về vụ kiện cá ba sa vi phạm hiệp định thương mại Mỹ-Việt, NPN Phan Thúy Thanh tuyên bố: “các quyết định của phía Hoa Kỳ liên quan đến vụ kiện này là thiếu khách quan, không công bằng”.

Tháng 5-2003, về dự luật HR1019 của Hạ Viện Mỹ đòi hỏi tự do thông tin tại VN, đặc biệt là về lời phát biểu của Dân biểu Ed Royce cho rằng VN thách đố các tiêu chuẩn hoàn vũ bằng cách ngăn chận tự do thông tin, NPN Phan Thúy Thanh đã cực lực lên án: “Những nhận xét này được xây dựng dựa trên những thông tin hoàn toàn sai sự thật”. Lại cẩn thận dẫn thêm 3 bằng chứng hùng hồn: Một: “Tất cả quyền tự do ngôn luận và tự do thông tin ở VN đều được ghi trên hiến pháp”. Hai: “VN có 486 cơ quan báo chí với 600 ấn phẩm, xuất bản hàng năm 550 triệu bản báo”. Ba: “Hiện có trên 80% số hộ nghe được đài TNVN và 70% số hộ xem được chương trình của đài THVN”.

Tháng 5-2008, NPN Lê Dũng khẳng định “Báo cáo nhân quyền 2007 của BNG Hoa Kỳ vẫn đưa ra những nhận xét thiếu khách quan, dựa trên những thông tin định kiến, sai sự thật với tình hình thực tế ở VN”.

Tháng 10-2008, về Nghị Quyết mới của Nghị viện Châu Âu liên quan đến tình hình/điều kiện quan hệ giữa Liên Âu với VN, NPN Lê Dũng khẳng định : “Nghị quyết này không phản ảnh đúng tình hình VN”.

Tháng 11-2008, về thông tin (có hình) nhà nước huy động nhiều lực lượng tới đập phá khu vực giáo xứ Thái Hà, NPN Lê Dũng tuyên bố: “Tin giáo xứ Thái Hà bị đập phá là bịa đặt”.

Tháng 3-2009, NPN Lê Dũng khẳng định “Báo cáo nhân quyền của Mỹ về VN là dựa vào các thông tin sai trái”.

Tháng 4-2009, về sự kiện gáo xứ Thái Hà tụ tập cầu nguyện cho tiến trình đòi đất, NPN Lê Dũng tuyên bố: “Thông cáo của ‘Giáo xứ Thái Hà’ (trong nháy) có nội dung sai trái, xuyên tạc sự thật, vu cáo chế độ”.

Tháng 5-2009, NPN Lê Dũng tuyên bố: “HRW thường xuyên đưa ra những thông tin sai lệch về VN. Báo cáo ngày 4-5-2009 của tổ chức này là thiếu khách quan và không phản ảnh đúng tình hình thực tế của VN”.

Tháng 10-2009, NPN Nguyễn Phương Nga khẳng định: “Báo cáo tự do tôn giáo quốc tế 2009 của Bộ Ngoại giao Mỹ (công bố ngày 26-10) vẫn còn có những đánh giá không khách quan dựa trên những thông tin sai lệch về tình hình VN”.

Tháng 11-2009, Quốc hội châu Âu lại thông qua một nghị quyết về Việt Nam, đề cập đến tình hình nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam với hàng trăm người bị giam chỉ vì niềm tin tôn giáo hoặc vì quan điểm chính trị của họ, NPN Nguyễn Phương Nga nhận định rằng nghị quyết này: “Hoàn toàn sai trái, thiếu khách quan, thiếu thiện chí về tình hình thực tế ở Việt Nam”.

Tháng 3-2020, phê bình bản báo cáo nhân quyền năm 2009 được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố ngày 11-3, NPN Nguyễn Phương Nga nêu rõ: “Một lần nữa báo cáo nhân quyền năm 2009 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lại đưa ra những nhận xét không khách quan dựa trên những thông tin sai sự thật về tình hình thực tế ở VN”.

Tháng 5-2010, liên quan đến các nguồn tin (có ảnh) về vụ công an đàn áp một đám tang của giáo dân Cồn Dầu, NPN Nguyễn Phương Nga khẳng định: “Những thông tin trên là bịa đặt với dụng ý xấu nhằm bôi nhọ Việt Nam. Sự thật là sự việc này hoàn toàn không có liên quan gì đến tôn giáo”.

Tháng 6-2010, NPN Nguyễn Phương Nga phân tích: “Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ năm 2010 về nạn buôn bán người trên thế giới phần về Việt Nam mang tính chính trị và có những nhận xét không khách quan, không phản ánh đúng tình hình thực tế của Việt Nam”.

Tháng 11-2010, NPN Nguyễn Phương Nga lại phê bình: “Báo cáo Tự do Tôn giáo quốc tế 2010 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vẫn tiếp tục đưa ra những đánh giá không khách quan, dựa trên những thông tin sai lệch về Việt Nam”.

Tháng 12-2010, lý do VN không cử người đại diện tham dự buổi lễ trao giải Nobel Hòa bình cho ông Lưu Hiểu Ba – một nhà hoạt động đối lập của TQ hiện đang bị áp án 10 năm tù giam, được NPN Nguyễn Phương Nga giải thích như sau: “Mục đích của giải Nobel Hòa bình là thúc đẩy hòa bình và tình hữu nghị giữa các dân tộc. Do đó, chúng tôi mong rằng giải Nobel Hòa bình được trao cho những tổ chức và cá nhân xứng đáng, không bị sử dụng vào các mục đích chính trị”.

Tháng 12-2010, về việc Hạ viện Hoa Kỳ thông qua Nghị quyết H.Res.20 kêu gọi đưa Việt Nam trở lại danh sách “Các nước đặc biệt quan tâm” (CPC), NPN Nguyễn Phương Nga bình luận: “‘Nghị quyết H.Res.20 của Hạ viện Hoa Kỳ thông qua ngày 17-12-2010 là không khách quan, không phản ánh đúng tình hình thực tế tại Việt Nam hiện nay”.

“Không Hề Có”
Ở VN, “Không Có Gì…” là một thương hiệu đã được cầu chứng:

Tháng 3-2002, NPN Phan Thúy Thanh khẳng định “không hề có nitrofuran trong tôm xuất khẩu từ VN”.

Tháng 12-2005, liên quan đến thông báo của HRW về trường hợp ông Hoàng Minh Chính bị tấn công khi trở về VN từ chuyến qua Mỹ chữa bệnh, NPN Lê Dũng nhấn mạnh: “Hoàn toàn không có cái gọi là ‘các cuộc tấn công’ nhằm vào ông Hoàng Minh Chính. Ông Hoàng Minh Chính cũng không hề gặp nguy hiểm”.

Tháng 7-2008, nhân sự kiện Giáo hội Phật giáo VN Thống nhất không được tham dự lễ tang Hòa thượng Thích Huyền Quang viên tịch, NPN Lê Dũng khẳng định với phóng viên quốc tế rằng “Ở VN không có tổ chức nào mang tên Giáo hội Phật giáo VN Thống nhất”.

Tháng 9-2011, để trả lời câu hỏi của phóng viên nước ngoài về vụ đàn áp bằng vũ lực ở Cồn Dầu, Bộ trưởng Ngoại giao VN Phạm Bình Minh tuyên bố “Đó là một cuộc tranh chấp đất đai”, và khẳng định tiếp: “Không có kỳ thị tôn giáo ở VN”.

Tháng 1-2009, NPN Lê Dũng đã tuyên bố: “Không có việc đàn áp người dân tộc Khơ-me ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long”.

Tháng 4-2009, NPN Lê Dũng họp báo cho biết: “Không nhận được đơn khiếu nại nào của giáo dân giáo xứ Thái Hà”.

Tháng 5-2009, về quyết định thông qua dự luật bổ sung của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ nhằm đưa CSVN vô lại danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo (CPC), NPN Lê Dũng cho rằng: “Quyết định này đi ngược với tình hình thực tế VN… Không có ai bị bắt, bị giam hay quản chế vì lý do tôn giáo”.

Tháng 10-2009, NPN Nguyễn Phương Nga khẳng định: “Hoàn toàn không có cái gọi là Việt Nam ép 400 người đi tu theo pháp môn Làng Mai phải rời khỏi Tu viện Bát Nhã. Còn những thông tin nói rằng đã xảy ra “đụng độ” giữa các sư thầy, sư cô tại Tu viện Bát Nhã với chính quyền địa phương làm cho một số người bị thương và nhiều người bị bắt là hoàn toàn sai sự thật”.

Tháng 10-2009, nhân sự kiện Hạ Viện Mỹ thông qua Nghị quyết H.Res.672 đòi nhà nước VN trả tự do cho các bloggers bị bắt và đòi tự do internet ở VN, NPN Nguyễn Phương Nga tuyên bố: “Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và đảm bảo các quyền tự do cơ bản của công dân, trong đó có quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận. Tại Việt Nam không có ai bị bắt, giam giữ và xét xử vì bày tỏ chính kiến”.

Tháng 12-2009, NPN Nguyễn Phương Nga tuyên bố về kết quả cuộc họp các Đại sứ Liên minh Châu Âu về thuế chống bán phá giá giầy mũ da Việt Nam ngày 17/12/2009: “Các doanh nghiệp giầy da Việt Nam không bán phá giá, không có ý định và cũng không đủ khả năng theo đuổi chính sách này”.

Tháng 4-2011, về tuyên bố của Quyền Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ liên quan đến phiên tòa xét xử TS Cù Huy Hà Vũ ngày 4/4/2011, NPN Nguyễn Phương Nga khẳng định: “Không có cái gọi là “tù nhân lương tâm” ở Việt Nam”.

Tháng 7-2011, về việc nhà nước bắt giam lại Linh mục Nguyễn Văn Lý, NPN Nguyễn Phương Nga khẳng định lần nữa với thế giới: “Ở Việt Nam không có ai bị giam giữ vì lý do bày tỏ chính kiến”.

Tháng 7-2011, NPN Nguyễn Phương Nga xác quyết: “Không có việc quân đội Việt Nam tham gia buôn lậu gỗ từ Lào”.

Tháng 8-2011, về vụ xử phúc thẩm TS Cù Huy Hà Vũ, NPN Nguyễn Pgương Nga lặp lại: “Không có cái gọi là ‘tù nhân lương tâm’ ở Việt Nam”.
Điều duy nhất có, và được NPN Nguyễn Phương Nga (của BNG thuộc Chính phủ) long trọng trình làng: “Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng sẽ diễn ra vào nửa đầu tháng 1 năm 2011”!!!

“Hành Động Khiêu Khích”
Hãy khoan nói tới các loại hành động khiêu khích trên Biển Đông.

Tháng 2-2001, về sự kiện quân đội huy động cả trực thăng đàn áp hàng chục ngàn tín hữu Tin Lành và người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, NPN Phan Thúy Thanh tuyên bố: “Họ đã có những hành động khiêu khích”… Rồi giải thích rõ thêm: “Chúng là những kẻ gây bất ổn xã hội, hủy hoại trường học và kháng cự nhà nước”.

Tháng 9-2008, về việc phóng viên AP Ben Stocking bị đánh, bị cướp máy và bị tạm giam khi lấy tin ở Thái Hà, NPN Lê Dũng đã trả lời họp báo rằng: “Ben đã vi phạm pháp luật VN”.

Tháng 7-2009, nhân sự kiện thư ngỏ của nhiều Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ kêu gọi Chủ tịch nước VN trả tự do cho Linh mục Nguyễn Văn Lý, NPN Lê Dũng khẳng định: “Nguyễn Văn Lý (không ghi chức danh trước tính danh) bị bắt, xét xử và kết án tù vì vi phạm luật pháp VN, hoàn toàn không phải vì lý do tôn giáo hay chính kiến”.

Th áng 8-2009, NPN Nguyễn Phương Nga thông báo: “Cơ quan an ninh đã tạm giữ một số blogger và phóng viên là Bùi Thanh Hiếu, Phạm Đoan Trang, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh để điều tra vì có những dấu hiệu xâm hại an ninh quốc gia. Hiện Hiếu, Trang đã được thả, Quỳnh đang bị tạm giữ để tiếp tục điều tra… Cơ quan an ninh đã tuân thủ đúng các quy định của pháp luật Việt Nam khi tạm giữ những người này. Đáng tiếc một số tổ chức và cá nhân đã cố ý thổi phồng sự việc này để xuyên tạc với dụng ý xấu”.

Tháng 5-2011, về sự kiện đàn áp nhân dân Mường Nhé, Điện Biên, NPN Nguyễn Phương Nga cho biết: “đã có một số thông tin thổi phồng, không đúng sự thật về sự việc ở Mường Nhé với dụng ý xấu là xuyên tạc chính sách của nhà nước Việt Nam, xuyên tạc tình hình thực tế ở Việt Nam”.

Tháng 8-2011, NPN Nguyễn Phương Nga phê bình: “Sứ quán Mỹ đã ‘sai trái’ và ‘không phù hợp’ khi họ bày tỏ lo ngại về việc một số người được cho là ‘có hành vi tụ tập trái pháp luật, gây rối trật tự công cộng’ bị tạm giữ hôm chủ nhật 21/8/2011 tại Hà Nội”.

“Nhúng Mũi Vào VN”
Bất cứ cái gì liên hệ tới tình hình tồi tệ của VN đều trở thành loại ứng xử thô bạo:

Tháng 10-2000, trước khi TT Mỹ Bill Clinton vào giữa tháng 11, các Thượng nghị sĩ lưỡng đảng của Hoa Kỳ (John McCain/Charles Robb/Barbara Boxer/Diane Feinstein/Daniel Akaka) đã ký chung một thư yêu cầu TT Clinton nỗ lực đạt kỳ được những tiến bộ cụ thể/hiện thực của nhà nước VN về việc phóng thích các tù nhân chính trị và chấm dứt nhũng nhiễu các nhân vật đấu tranh cho dân chủ/nhân quyền tại VN. NPN Phan Thúy Thanh đã lên án bức thư đó là “can thiệp thô bạo vào nội bộ VN”.

Tháng 4-2001, khi Hoa Kỳ đồng ý nhận 24 người Thượng bị giam ở Kampuchia và xin tỵ nạn chinh trị, NPN Phan Thúy Thanh đã lên án Mỹ có âm mưu gây bất ổn khu vực: “Ý đồ của Mỹ là lợi dụng tình thế này đã thấy rất rõ. Chúng tôi một lần nữa yêu cầu Mỹ hãy ngừng lại”.
Tháng 4-2003, về bản Báo cáo Nhân Quyền 2002 của Mỹ, NPN Phan Thúy Thanh tuyên bố: “Chúng tôi coi đây là sự vi phạm thô bạo công việc nội bộ của VN”.

Tháng 9-2007, NPN Lê Dũng tuyên bố “phản đối mạnh mẽ Dự luật Nhân quyền VN năm 2007 của Quốc Hội Mỹ”.

Tháng 10-2009, NPN Nguyễn Phương Nga khẳng định “Mặc dù đã được cung cấp và tạo điều kiện để có thông tin khách quan về tình hình Việt Nam, thông cáo (14-10 của Sứ quán Mỹ tại VN) vẫn thiếu khách quan, không phản ánh đúng thực tế. Những đòi hỏi nêu trong thông cáo báo chí của ĐSQ Mỹ là can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam”.

Tháng 1-2010, phản ứng trước những phát biểu của phía Anh, Mỹ và Liên minh châu Âu liên quan đến các phiên tòa áp án các ông Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung và Lê Thăng Long, NPN Nguyễn Phương Nga phê bình rằng đó là việc làm “thiếu thiện chí, can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam”.

Tháng 4-2011, đối với những nhận xét về Việt Nam nêu trong các báo cáo nhân quyền năm 2010 của Bộ Ngoại giao Anh, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và tuyên bố của Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam liên quan đến tình hình nhân quyền ở Việt Nam, NPN Nguyễn Phương Nga nhận định: “Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Bộ Ngoại giao Anh, phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam và một vài tổ chức đã có những nhận xét thiếu khách quan, dựa trên những thông tin sai lệch, không phản ánh chính xác tình hình và có những ý kiến can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam”.

“Cực Lực Lên Án”
Rõ ràng ngư dân VN bị bắn chết hay bị đâm chìm tàu trên Biển Đông chẳng là cái đinh gì trên bình diện ngoại giao xứ ta:

Tháng 7-2008, NPN Lê Dũng “Cực lực lên án vụ đánh bom Đại sứ quán Ấn Độ ở Afganistan làm nhiều người thiệt mạng”.

Tháng 9-2008, báo QĐND đăng tin họp báo của BNG: “Ngày 22-9, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về vụ đánh bom khủng bố khách sạn Marriott tại thủ đô I-xla-ma-bát của Pa-ki-xtan ngày 20-9-2008, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Dũng nói VN cực lực lên án vụ đánh bom gây nhiều thiệt mạng này”.
Tháng 11-2008, NPN Lê Dũng “Cực lực lên án vụ khủng bố ngày 26-11-2008 tại Mumbai, Ấn Độ làm nhiều người chết và bị thương”.

Tháng 1-2009, nhân sự kiện Israel tiến công vào dải Gaza, NPN Lê Dũng đã (đứt ruột mà quên phứt trận Mậu Thân để) “Cực lực lên án mọi hành động tiến công quân sự gây thiệt hại cho thường dân vô tội”.

Tháng 7-2009, NPN Lê Dũng (lại đứt thêm ruột) “Cực lực lên án các vụ đánh bom dã man ngày 17-7-2009 tại thủ đô Gia-các-ta, In-đô-nê-xi-a làm nhiều người chết và bị thương. Chúng tôi cho rằng thủ phạm của các vụ đánh bom trên phải bị trừng trị nghiêm khắc”.

Tháng 10-2009, NPN Nguyễn Phương Nga đã “Cực lực lên án các vụ khủng bố tại Pakistan và tin rằng thủ phạm sẽ bị nghiêm trị”.

Tháng 3-2010, NPN Nguyễn Phương Nga lại “Cực lực lên án hai vụ đánh bom tại ga điện ngầm Lubyanka và Công viên Văn hóa ở thủ đô Mátxcơva và tin rằng thủ phạm gây ra các vụ khủng bố sẽ sớm bị nghiêm trị”.

Tháng 5-2010, NPN Nguyễn Phương Nga tuyên bố: “Việt Nam lên án mạnh mẽ việc quân đội I-xra-en tấn công đoàn tàu chở hàng cứu trợ tới dải Ga-da làm nhiều người thiệt mạng và bị thương”.

Tháng 7-2010, NPN Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh: “Chúng tôi vô cùng phẫn nộ được tin về hai vụ đánh bom hôm 11/7 tại Thủ đô Kampala, Uganda làm nhiều dân thường bị chết và bị thương”.

Tháng 7-2010, NPN Nguyễn Phương Nga tiếp tục: “Cực lực lên án vụ tấn công khủng bố ngày 15/7/2010 tại Iran làm nhiều người bị thiệt mạng và bị thương”.

“Hết Sức Quan Tâm”
Ngôn ngữ ngoại giao là mềm mỏng. Ở ta, nó chỉ mềm mỏng đối với các đối tượng cần phải nhất trí mềm nhũn:

Tháng 5-2001, TQ ra lệnh cấm biển để thao diễn quân sự và bắn đạn thật trong khu vực Hoàng Sa & Trường Sa thuộc chủ quyền lãnh hải của VN, NPN Phan Thúy Thanh đã tuyên bố “Chúng tôi hết sức quan tâm và lo ngại về tin trên”.

Tháng 6-2001, tờ Washington Times đi tin về việc giới chức tình báo Mỹ cho biết TQ điều động hàng chục chiến hạm, kể cả khu trục hạm, bao quanh khu vực Trường Sa từ hồi giữa tháng 6, NPN Phan Thúy Thanh tuyên bố: “Chúng tôi rất chú ý đến tin hải quân TQ tăng cường hoạt động ở Trường Sa và sẽ kiểm điểm lại những tin này”.

Tháng 12-2007, về quyết định của TQ thành lập huyện hành chánh Tam Sa, bao gồm cả Hoàng Sa & Trường Sa của VN, nhà nước VN đã long trọng khẳng định “tăng cường nhịp độ đàm phán, phối hợp giải quyết thỏa đáng các vấn đề nảy sinh trên tinh thần láng giềng hữu nghị, đồng chí anh em…”. Còn về các cuộc tuần hành trước cổng sứ quán và tổng lãnh sự quán TQ ở VN, NPN Lê Dũng đã đề đạt lời thanh minh chân thành và cực kỳ thống thiết: “Đây là việc làm tự phát, chưa được phép của các cơ quan chức năng VN. Khi các vụ việc xảy ra, các lực lượng bảo vệ (sứ quán & lãnh sự quán) đã kịp thời có mặt, giải thích và yêu cầu bà con chấm dứt việc làm này”.

Tháng 2-2008, ngược lại trường hợp Palestine, ngay khi nghe tin Đài Loan tổ chức trưng cầu dân ý về việc gia nhập LHQ dưới danh xưng Đài Loan, NPN Lê Dũng lập tức tuyên bố: “VN kiên trì thực hiện chính sách Một Nước TQ… Đài Loan là một bộ phận không thể tách rời của TQ… Chính phủ Trung Hoa là duy nhất đại diện cho toàn TQ”. Rồi giải thích rõ thêm: “VN ủng hộ sự nghiệp thống nhất TQ, phản đối hành động ‘Đài Loan độc lập’ dưới mọi hình thức”.

Tháng 4-2008, về sự kiện TQ huy động quân đội đàn áp nhân dân Tây Tạng tại thủ phủ La-sa, NPN Lê Dũng khẳng định: “Mọi vấn đề liên quan đến Tây Tạng là việc nội bộ của TQ”.

Tháng 5-2008, NPN Lê Dũng “Chia sẻ với những mất mát mà nhân dân TQ gánh chịu trong trận động đất ở Tứ Xuyên, và bày tỏ niềm tin tưởng TQ sẽ nhanh chóng vượt qua thảm họa này”.

Tháng 10-2008, nhân vụ án 2 ký giả Nguyễn Việt Chiến & Nguyễn Văn Hải, NPN Lê Dũng đã khẳng định: “Chính phủ VN luôn khuyến khích báo chí tham gia vào cuộc chiến chống tham nhũng một cách toàn diện, triệt để và theo đúng luật định”.

Tháng 1-2009, nhân vụ việc Cục hải dương TQ khuyến khích các đơn vị, cá nhân khai thác, sử dụng các đảo thuộc khu vực Hoàng Sa & Trường Sa, NPN Lê Dũng đã phản ứng ngay: “Chúng tôi hết sức quan tâm đến thông tin này…”.

Tháng 3-2009, về việc Cty TNHH Châu Giang mở tuyến du lịch ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, NPN Lê Dũng đã tái khẳng định: “Lập trường của VN về vấn đề 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là rõ ràng”.

Tháng 3-2009, khi TQ đưa tàu Ngư Chính 311 ra hoạt động tại Biển Đông, NPN Lê Dũng đã tái khẳng định lần nữa: “Lập trường của VN đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là rất rõ ràng”.

Tháng 3-2009, về sự kiện Cty dầu khí BP rút khỏi 2 lô thăm dò dầu khí ở Biển Đông, NPN Lê Dũng cực lực giải trình rằng “Quyết định này xuất phát từ các yếu tố thuần túy thương mại và kỹ thuật”.

Tháng 5-2009, trước lệnh cấm đánh bắt cá của TQ trên Biển Đông từ ngày 16-5 đến 1-8, NPN Lê Dũng long trọng tuyên bố: “VN khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa”.

Tháng 6-2009, NPN Lê Dũng cho biết: “Ngày 4-6 vừa qua, Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn đã giao thiệp với đại sứ Trung Quốc Tôn Quốc Tường, lưu ý việc phía Trung Quốc gần đây thực hiện lệnh cấm đánh cá tại một số vùng biển, trong đó có những khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông và tăng cường tàu tuần tra, bắt, phạt tàu cá tại những vùng biển này”. Còn người đọc tin thì cần lưu ý sự công nhận của BNG-VN về quyền tuần tra/bắt/phạt của TQ trên vùng biển của ta, tức là mặc nhiên công nhận sự vi phạm của ngư dân VN ngay trên ngư trường của VN.

Tháng 6-2009, NPN Lê Dũng khẳng đinh “Lực lượng tuần tra TQ bắt 3 tàu cá cùng 37 ngư dân VN khi họ đang đanh bắt trong vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của VN”. Cần lưu ý sự công nhận của BNG-VN lần nữa về quyền tuần tra của TQ trên vùng biển của ta.

Tháng 7-2009, nhân sự kiện đàn áp nhân dân khu tự trị Tân Cương, NPN Lê Dũng lập tức tuyên bố: “VN quan tâm theo dõi tình hình xảy ra gần đây ở Khu tự trị dân tộc Duy Ngô Nhĩ Tân Cương và tin rằng, Chính phủ TQ đã và đang có những biện pháp phù hợp nhằm sớm khôi phục tình hình, duy trì trật tự, ổn định xã hội ở khu vực này”.
Tháng 7-2009, về sự kiện “tàu lạ” đâm chìm tàu cá QNg-2203 ngay trên ngư trường VN, làm 9 ngư dân bị thương vào ngày 16-7-2009, NPN Lê Dũng đã “Đề nghị TQ phối hợp điều tra làm rõ”. Hôm sau, Cục khai thác nguồn lợi thủy sản VN cũng gửi thư đến đồng nhiệm phía TQ, “Đề nghị TQ trao trả tàu và ngư dân VN đang bị giam giữ”. Ở đây, ngôn ngữ ngoại giao không thể nào nhũn hơn được nữa.

Tháng 8-2009, NPN Lê Dũng khẳng định rằng: “Việc bắt giam và xét xử bà Aung San Suu Kyi là việc nội bộ của Myanma”.

Tháng 8-2009, báo QĐND long trọng đi 1 bản tin ngoại giao thậm thượt gồm đúng 2 câu, như sau: “Ông Lê Dũng, nguyên Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí kiêm người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, vừa được Chính phủ bổ nhiệm làm Người đứng đầu cơ quan Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Hau-xtơn bang Tếch-dớt Mỹ, đã tới thành phố này cùng với một nhóm công tác để chuẩn bị các thủ tục, điều kiện cần thiết tiến tới mở Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Hau-xtơn. Ngay sau khi tới Hau-xtơn, ông Lê Dũng đã có cuộc tiếp xúc đầu tiên với bà Bét-ti Mắc Cắt-chan, Đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ tại Hau-xtơn”. Còn báo Hà Nội Mới thì giật tít: “Việt Nam sẽ mở Tổng lãnh sự quán tại Hốt-xtơn (Mỹ)”.

Tháng 1-2010, NPN Nguyễn Phương Nga tuyên bố: “Lãnh đạo cấp cao hai nước đã quyết định lấy năm 2010 là Năm Hữu nghị Việt-Trung. Hai nước đã thỏa thuận trong năm 2010 sẽ tổ chức nhiều hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, giao lưu hữu nghị… ở cấp trung ương và địa phương. Việt Nam tin tưởng rằng, trên cơ sở những thành tựu to lớn trong quan hệ hữu nghị và hợp tác trong những năm qua, với nỗ lực chung của cả hai bên, Năm Hữu nghị Việt-Trung 2010 sẽ thành công tốt đẹp”.

Tháng 3-2010, liên quan việc 12 ngư dân Việt Nam bị bắt giữ cùng tàu đánh cá QNg-0326, NPN Nguyễn Phương Nga họp báo cho biết: “Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp phía Trung Quốc khẳng định rõ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa”.

Tháng 5-2010, phản ứng trước việc Trung Quốc chính thức khai thông mạng di động ở Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa, NPN Nguyễn Phương Nga đã “Khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa”.

Tháng 6-2010, về việc Ủy ban Cải cách và Phát triển Nhà nước TQ thông qua cương yếu xây dựng và phát triển đảo du lịch quốc tế Hải Nam năm 2010-2020, bao gồm các hoạt động du lịch tới đảo Hoàng Sa thuộc lãnh thổ VN, NPN Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh “Việt Nam kiên quyết phản đối hành động này”.

Tháng 9-2010, về việc tàu cá QNg-66478-TS cùng 9 ngư dân VN bị phía TQ bắt giữ ngày 11/9/2010 tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của VN, NPN Nguyễn Phương Nga cho biết: “BNG-VN đã nhiều lần giao thiệp với phía Trung Quốc về vấn đề này ở nhiều cấp khác nhau tại Hà Nội và Bắc Kinh”.

Tháng 4-2011, về việc TQ quyết định tu bổ Đảo Cây (TQ gọi là Triệu Thuật) trong quần đảo Hoàng Sa, NPN Nguyễn Phương Nga tuyên bố: “Việt Nam khẳng định chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.

Tháng 6-2011, về việc tàu Hải giám TQ cắt cáp của tàu thăm dò Viking2, sau khi đã cắt cáp tàu thăm dò Bình Minh trước đó 2 tuần, Nguyễn Phương Nga tỏ ra cực mềm: “Việt Nam mong rằng phía Trung Quốc, xuất phát từ tầm cao chiến lược của quan hệ Việt-Trung chấm dứt ngay và không để tái diễn các hành động vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trong thềm lục địa và và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.Việt Nam mong Trung Quốc thực hiện các cam kết mà Trung Quốc đã tuyên bố trên các diễn đàn quốc tế là duy trì hòa bình và ổn định ở biển Đông”.

Tháng 7-2011, về việc tàu hải giám TQ định cắt cáp tàu thăm dò của VN lần thứ ba, NPN Nguyễn Phương Nga cho biết: “Bộ Ngoại giao Việt Nam không có thông tin về việc bạn hỏi”.

Tháng 7-2011, về lời tuyên bố tại Bắc Kinh của Thứ trưởng BNG Hồ Xuân Sơn rằng hai bên khẳng định tích cực thực hiện nhận thức chung của lãnh đạo hai nước, NPN Nguyễn Phương Nga giải thích thêm, nhận thức chung đó là: “hai bên khẳng định quyết tâm gìn giữ hòa bình, ổn định ở biển Đông”.

Tháng 8-2011, về việc tàu cá Quảng Bình QB1825-TS cùng 5 ngư dân đã bị TQ bắt giữ, NPN Nguyễn Phương Nga cho biết: “Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao đã liên hệ với Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, đề nghị các cơ quan chức năng của Trung Quốc sớm trả tự do cho ngư dân và tàu cá Việt Nam”. Hẳn TQ phải lưu ý/hài lòng về 2 cụm từ “đề nghị” và “cơ quan chức năng của TQ”.

Tháng 9-2011, về việc TQ phản đối Ấn Độ hợp tác với Việt Nam thăm dò dầu khí tại Lô 127, Lô 128 thuộc Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, NPN Lương Thanh Nghị nêu rõ: “VN khẳng định chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.

“Đầy Đủ Bằng Chứng”
Thử Google cụm từ cắt ngắn “Hoàng Sa, Trường Sa là rõ ràng”, người ta có ngay 26.000 kết quả lời khẳng định khuôn mẫu về tuyên bố chủ quyền của VN.
Và đây là lời tuyên bố đạt kỷ lục về số lượt phát thanh, qua nhiều thế hệ NPN ở xứ ta:
VN có đầy đủ các bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền không thể phủ nhận của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.
Chỉ cần nhớ lại câu này là mọi người có thể tạm quên thèm món Bún Suông?

Chính những phát ngôn cực nhũn, thiếu hành động cụ thể và lại dư nỗ lực trù dập các cuộc biểu tình của người VN tuần hành chống TQ gây hấn… đã nảy sinh một số tuyên bố trịch thượng/cha chú của Bắc Kinh:
Khi VN bổ nhiệm ông Đặng Công Ngữ làm Chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa, NPN Khương Du của TQ đã tức khắc lớn tiếng: “Bất hợp pháp!”.
Về vụ cắt cáp 2 tàu thăm dò của VN trong lãnh hải VN, vẫn Khương Du tuyên bố: “Tàu Hải giám của TQ chỉ làm việc thực thi pháp luật trước sự hoạt động bất hợp pháp của tàu VN”.
Tháng 5-2011, Khương Du lại bảo: “Chúng tôi thúc giục Việt Nam dừng ngay các hoạt động xâm phạm chủ quyền và kiềm chế tạo nên các rắc rối mới”.
Tháng 9-2011, NPN Hồng Lỗi của TQ đã cao giọng: “Bất cứ nước nào thăm dò dầu ở vùng này không có phép của
Trung Quốc là vi phạm chủ quyền và lợi ích quốc gia của Trung Quốc, là bất hợp pháp”.

***

Lời Nhắn Gửi BNG-VN
Chắc chắn BNG-VN lưu trữ đầy đủ dữ liệu của bộ. Trên đây chỉ là một số ví dụ lược kê vài loại công thức phát ngôn ngoại giao, qua đó, rõ ràng chính sách đối ngoại của VN mang tính cứng rắn một phía và nhũn nhặn phía còn lại (theo cảm tính/ơn nghĩa/quên sử), để thấy ra dằng dặc hệ quả của sự lựa chọn một trục ngoại giao tả khuynh hoàn toàn bất lợi cho VN.
Không ai đặt hy vọng vào NPN mới Lương Thanh Nghị, bởi bài bản/giáo án/khuôn đúc đã có sẵn, và ngay trong những phát ngôn đầu tiên, Lương Thanh Nghị đã tỏ rõ cung cách máy móc lặp lại, như chức năng Replay của Youtube. Người ta chỉ cần Lương Thanh Nghị đừng quên những lần bị kiều bào VN ở Nhật phản ứng trực tiếp khi Phó TLS ở Osaka Lương Thanh Nghị nói sai sự thật.

Ngược lại, chẳng phải vô cớ mà có nhiều người kỳ vọng vào Ngoại trưởng Phạm Bình Minh. Không chỉ vì nhân thân (và có thể cả ý chí) liên hệ đến vị tiền nhiệm Nguyễn Cơ Thạch vang danh nhiều đời trước. Đó còn vì một tinh thần đối ngoại quân bình/khôn ngoan/trẻ trung/sáng tạo… để bảo vệ chủ quyền quốc gia, không chỉ trên mặt lãnh thổ/lãnh hải, mà ngay trên danh dự/thể diện của dân tộc, của đất nước.

Đặc biệt nên tránh hẳn loại lập luận theo kiểu “ai cũng tham thì việc ăn cắp ở đây chỉ là chuyện vặt” để biện cãi rằng “mọi chính phủ đều dữ dằn như nhau, thì sá gì chuyện đàn áp ở VN”. Điều đó không khỏi làm ố danh thân phụ.

Hãy giúp cho thế gới thấy rõ chí bất khuất và tính bình đẳng của dân tộc Việt trên bình diện ngoại giao.
Đừng để ngày 1-10 này trở thành ngày quốc khánh tương lai của Khu Tự Trị Quang-Nam.

1-10-2011.
Blogger Đinh Tấn Lực

.
.
.

No comments:

Post a Comment