Sunday, October 2, 2011

TBT NGUYỄN PHÚ TRỌNG CHƯA NÊN ĐI TRUNG QUỐC (Nguyễn Thanh Giang)




Chuyến đi nước ngoài đầu tiên của một nhà lãnh đạo cấp cao thường được xem là biểu thị đường lối đối ngoại của quốc gia. Sau khi nhậm chức, chủ tịch nước Trương Tấn Sang đi Singapore, rồi sang Malaysia, thủ tường Nguyễn Tấn Dũng đi Indonesia rồi sang Châu Âu, chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đi Campuchia. Các chọn lựa đó đều được xem là đúng đắn và đáng hoan nghênh. Nó tương thích với những chuyến viếng thăm dồn dập của các đoàn cán bộ lãnh đạo cao cấp giữa hai nước Lào – Việt Nam sau Đại hội Đảng của Lào.

Có tin tân tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chọn nước viếng thăm đầu tiên sẽ là Trung Quốc! Tôi không tin đièu dớ dẩn đó là sự thật. Tuy nhiên, nếu đúng vậy thì xin được phát biểu như sau:

Trung Quốc luôn lọi dụng và lường gạt ta. Không kể chuyện họ góp phần xúc xiểm ta xông lên tuyến đầu chống Mỹ để kìm chế Mỹ, tạo điều kiện cho họ vươn lên thành một cực của thế giới rồi tiến tới bá chủ Đại Hán, nhiều vị lãnh đạo của ta còn bị Trung Quốc sập bẫy biến thành kẻ dâng hiến các phần lãnh thổ: công hàm 14 tháng 9 năm 1958 của thủ tướng Phạm văn Đồng đang đẩy Hoáng Sa vào thế kẹt, năm 1988 Lê Khả Phiêu đi Trung Quốc hiến Thác Bản Giốc, Mục Nam Quan, vịnh Bắc Bộ, năm 2001 Nông Đức Mạnh đi Trung Quốc mở đường cho họ vào khai thác bauxite và nằm vùng ở Tây Nguyên ….!

Từ khi ông Trọng lên nắm quyền. chỉ trong vòng ba tháng, từ tháng 6 tới tháng 9 vừa qua, ít nhất ba phái đoàn cấp cao đã được cử sang Bắc Kinh: phái đoàn thứ trưởng ngoại giao Hồ Xuân Sơn vào cuối tháng 6, phái đoàn của thứ trưởng quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh sang họp hội nghị „Đối thoại chiến lược quốc phòng an ninh Việt-Trung“ lần thứ 5 vào cuối tháng 8 và phái đoàn của Trung tướng Ngô Xuân Lịch, thường trực Quân uỷ trung ương kiêm Bí thư trung ương và Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị vào giữa tháng 9.

Những chuyến công du mở đường để ông Trọng sẽ được khoản đãi long trọng ấy đã đạt được những kết quả gì?
Phải chăng chỉ đạt được lời rủ rê mà như lệnh truyền: “cùng Việt Nam cảnh giác trước âm mưu của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ quan hệ hợp tác hữu nghị, truyền thống tốt đẹp giữa 2 nước“.

Chính vì thế mà:

- Tướng Ngô Xuân Lịch, ngày 16 tháng 9 phải hứa với Tập Cận Bình, người được coi là sẽ kế vị Hồ Cẩm Đào: “Việt Nam luôn luôn cảnh giác với âm mưu phá hoại, chia rẽ tình cảm đoàn kết giữa Việt Nam và Trung Quốc của các thế lực thù địch”. Thế là, về nước ông này viết trên tờ Quân đội Nhân dân kết tội theo kiẻu vơ đũa cả nắm: “Tình yêu nước của một số người dân đang bị các thế lực thù địch lợi dụng, gây nên những vấn đề phức tạp không đáng có về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội”.
Cộng hưởng lời ông Lịch, tờ Quân đội Nhân dân càng dóng dả thêm:
Ở trong nước, một số kẻ cơ hội chính trị cũng mưu toan lợi dụng vấn đề tranh chấp Biển Đông để “bắn hai con chim bằng một mũi tên” – vừa chia rẽ, phá hoại quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, vừa thực hiện chiến lược xóa bỏ chế độ chính trị, xóa bỏ Nhà nước CHXHCN Việt Nam do Đảng ta lãnh đạo.”

- Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh phải “ thông báo chủ trương kiên quyết xử lý vấn đề tụ tập đông người ở Việt Nam với tinh thần không để sự việc tái diễn”
Cho nên ông Lê Hiếu Đằng – nguyên Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh – đã bức xúc cật vấn:
Ông Vịnh nhân danh ai, nhân danh cái gì mà đã hạ mình để làm vui lòng nhà cầm quyền Trung Quốc khi thông báo và hứa với Trung Quốc như vậy? Việc nhân dân Việt Nam biểu tình chống lại hành động bành trướng xâm lược có hệ thống của tập đoàn cầm quyền Bắc Kinh và thái độ của Nhà nước Việt Nam hoàn toàn là chuyện nội bộ của một nước có chủ quyền. Ông Nguyễn Chí Vịnh lấy quyền gì mà cam kết một cách nhục nhã với nhà cầm quyền Trung Quốc như vậy?”
Hành động và lời nói của ông Vịnh đã xúc phạm nghiêm trọng đến lòng tự tôn và danh dự của cả một dân tộc đã có một quá trình chống ngoại xâm vô cùng hiển hách”.
Với động cơ nào, mục đích gì Nguyễn Chí Vịnh còn trắng trợn chà đạp lên sự thật khi dám tuyên bố: “Một thực tế hiển nhiên là Trung Quốc cam kết không lấy đất, lấy biển của Việt Nam”.
Nói “Trung Quốc cam kết không lấy đất lấy biển của Việt Nam” đã không thể tin được. Nói câu trên là láo khoét, bởi vì: “Một thực tế hiển nhiên là Trung Quốc đã lấy đất, lấy biển của Việt Nam”

Càng không thể hiểu nổi sao trong cuộc hội đàm với tướng Mã Hiểu Thiên, Phó tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, Nguyễn Chí Vịnh lại chấp nhận: “Những tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc, rõ ràng cần giải quyết hai nước với nhau”.
Tưởng rằng ai cũng phải thấy đấy là sự chấp nhận dại dột, ai ngờ chính tướng Ngô Xuân Lịch cũng đã lập lại lập trường sai lầm này trong cuộc thảo luận vào giữa tháng 9 với thượng tướng Lý Kế Nại, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng bộ Chính trị Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc: “Việt Nam không có ý định quốc tế hóa các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông. Vấn đề tranh chấp giữa hai nước thì do hai nước giải quyết”.
Phải nhìn thẳng vào sự thật để thấy rằng, nếu lại xẩy ra cuộc chiến giữa Trung Quốc với Việt Nam trên phạm vi lãnh thổ thì ta vẫn có khả năng lập lại Chi Lăng, Đống Đa .., nhưng trên biển, trong tương quan lực lượng hiện nay thì không, nếu không liên minh với các nước Đông Nam Á, và đặc biệt với Hoa Kỳ.
Vậy mà, đâu đó, người ta vẫn muốn tự cô lập để bó tay nạp mạng cho bọn Đại Hán tham lam, ngông cuồng!
Vừa qua Wikileaks tiết lộ rằng trong cuộc gặp với thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Hoa kỳ – John Negroponte và Phó trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ – Scott Marciel vào ngày 11/9/2009, thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng – thứ trưởng Bộ Công an đã “thể hiện ý kiến rằng an ninh khu vực, hòa bình và thịnh vượng không thể có được nếu như không có sự hiện diện của Hoa Kỳ tại khu vực này và nói thêm sự có mặt của Hoa Kỳ có thể điều phối quan hệ trong khu vực”.
Nếu quả vậy thì ông Hưởng hoàn toàn đáng được hoan nghênh.
Vậy mà, sao báo “Năng lượng Mới” lại phải đăng dòng cải chính như sau: “Tôi (Nguyễn Như Phong, Đại tá an ninh, nguyên là Phó tổng biên tập Báo Công an Nhân dân, phụ trách chuyên đề An ninh thế giới tuần) – là người được dự nhiều cuộc gặp giữa thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng với phái đoàn Hoa Kỳ … thấy được sự cắt xén nội dung bức điện nhằm “đổi trắng thay đen”, “thọc gậy bánh xe” của BBC”,
Tôi cho là dòng cải chính trên không đúng sự thật và nghĩ rằng trong những người lãnh đạo ĐCSVN hiện nay có nhiều người lú lẫn, ngu muội nhưng cũng có những người còn khả dĩ sáng suốt.

TBT Nguyễn Phú Trọng chưa nên đi Trung Quốc mà nên thông qua ĐCS Ấn Độ thiết kế chuyến xuất ngoại đầu tiên nhằm tới Ân Độ.
Ấn Độ từng ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam giành độc lập từ tay thực dân Pháp và phản đối sự can thiệp của đế quốc Mỹ vào cuộc chiến Nam Bắc Việt Nam một cách vô tư, thực lòng. Hai quốc gia Việt Nam – Ấn Độ cùng có mối quan tâm về quyền lợi của mình trên Biển Đông và cùng có mối hận lãnh thổ bị Trung Quốc xâm lấn. Nền tảng quốc phòng và dự trữ khí tài của Việt Nam và Ấn Độ có nét tương đồng với Nga và khối Xô Viết ngày xưa, nên sự hỗ trợ lẫn nhau sẽ dễ dàng hữu hiệu.

Dẫu thế nào đi nữa, dứt khóat không bao giờ nên ra mặt chống Trung Quốc. Song, thần phục Trung Quốc thì còn ngu xuẩn hơn, và, sẽ có tội lớn với tổ quốc, với dân tộc. Nếu có đường lối đối ngoại đúng đắn thì chắc chắn ta không việc gì phải sợ Trung Quốc. Chẳng những thế, không những ta giữ được Biển Đông mà sẽ còn đòi lại được Hoàng Sa.

Hà Nội ngày 1 tháng 10 năm 2011
© Nguyễn Thanh Giang
© Đàn Chim Việt
.
.
.


No comments:

Post a Comment