Friday, October 28, 2011

TÂM THẦN BẤN LOẠN của HAI ÔNG TS NGUYỄN SỸ ĐẠI & NGUYỄN VĂN QUANG (PV Quốc Doanh & PC)



PV Quốc Doanh & PC
28/10/2011

Trên mạng, ngày 4/10/2011, TS Nguyễn Sỹ Đại (nguyên Chủ biên báo Nhân dân Chủ nhật, Tổng biên tập báo Doanh nhân Việt Nam toàn cầu), Thư ngỏ gửi Trần Mạnh Hảo & Trương Duy Nhất, tranh cãi quanh thơ của ông Trần Gia Thái. Hai anh em tôi – Quốc Doanh và Pờ Cờ – tò mò đọc.

Cũng vì dính đến ông Trần Gia Thái, nên dù bàn chuyện thơ nhưng TS Đại nhắc đến những người biểu tình yêu nước quanh Hồ Gươm và suy luận: “Khi có can qua, tôi tin rằng, không ít người trong đoàn biểu tình ấy, và con cháu họ, đã bay tự bao giờ, ra chiến trường và đổ máu, chỉ con em nông dân mà thôi!”.

Một sự suy luận hồ đồ, thiếu căn cứ. Ngay đến chính quyền Hà Nội trong cuộc gặp với các nhân sĩ trí thức, lão thành cách mạng tiêu biểu cũng đâu dám kết luận về 11 cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược ở Hà Nội một cách võ đoán như lời phán “chẳn hoẳn” của ông. Người viết suy bụng ta ra bụng người mà nói những lời ngẫm cho kỹ là vi phạm tư cách trí thức mất rồi vì đã là trí thức thì có ai nói cái giọng không đàng hoàng như vậy. Không hiểu ông học hành thế nào và tấm bằng của ông có “bảo đảm bằng vàng” cho phát ngôn của ông hay không? Tôi ngờ lắm thưa ông. Người ta học hành có tấm bằng là cốt dùng trong những trường hợp này (chứ không ai thèm tính loại các quan mua bằng để leo ghế).
.

Ngày 23/10/2011, cũng trên mạng, mục Chính luận của báo Quân đội nhân dân xuất hiện bài Đừng nhầm lẫn từ “nhân dân” trong Hiến pháp của Đại tá, TS Nguyễn Văn Quang. Cũng vì nhắc đến “nhân dân”, vốn gần đây hay bị báo chí nhà nước xuyên tạc, nên tôi tò mò đọc. TS Quang viết: “Lời nói đầu của bản Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (do Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thông qua ngày 9-11-1946) đã xác định rõ danh từ “nhân dân” là những người dân “đã giành lại chủ quyền cho đất nước, tự do cho nhân dân và lập ra nền dân chủ cộng hòa. Sau tám mươi năm tranh đấu, dân tộc Việt Nam đã thoát khỏi vòng áp bức của chính sách thực dân, đồng thời đã gạt bỏ chế độ vua quan”.

Rõ ràng, nhân dân là những người lao động, nông dân, công nhân, trí thức, binh sĩ, nhân sĩ, tiểu thương yêu nước đã bị thực dân, phong kiến bóc lột, áp bức tù đày, tước đoạt đi mọi quyền sống cơ bản của con người, quyền tự do phát triển của một dân tộc. Nhân dân ở đây còn là “toàn dân, không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo”… nhưng dứt khoát không thể là những kẻ đã áp bức, bóc lột, bám gót thực dân hay quan lại phong kiến, phản động Việt gian và tước đi các quyền cơ bản đó của đồng bào, dân tộc. Cho nên, không thể nhầm lẫn người lao động với kẻ áp bức, người yêu nước thương nòi với kẻ phản bội quyền lợi quốc gia dân tộc. Vậy nên có một lời khuyên, các vị "trí thức", "luật sư" kia hãy đọc kỹ và học lại những từ rất cơ bản đó ở “Lời nói đầu” của bản Hiến pháp; đừng cố tình bỏ qua, xuyên tạc và bịa đặt như vậy” (Xin phép trích dài vì TS Quang viết rất loằng ngoằng).

Thực tế, Lời nói đầu của Hiến pháp năm 1946 toàn văn như sau:
“Cuộc cách mạng tháng Tám đã giành lại chủ quyền cho đất nước, tự do cho nhân dân và lập ra nền dân chủ cộng hòa.
Sau tám mươi năm tranh đấu, dân tộc Việt Nam đã thoát khỏi vòng áp bức của chính sách thực dân, đồng thời đã gạt bỏ chế độ vua quan. Nước nhà đã bước sang một quãng đường mới.
Nhiệm vụ của dân tộc ta trong giai đoạn này là bảo toàn lãnh thổ, giành độc lập hoàn toàn và kiến thiết quốc gia trên nền tảng dân chủ.
Được quốc dân giao cho trách nhiệm thảo bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Quốc hội nhận thấy rằng Hiến pháp Việt Nam phải ghi lấy những thành tích vẻ vang của Cách mạng và phải xây dựng trên những nguyên tắc dưới đây:
- Đoàn kết toàn dân, không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo.
- Đảm bảo các quyền tự do dân chủ.
- Thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân.
Với tinh thần đoàn kết, phấn đấu sẵn có của toàn dân, dưới một chính thể dân chủ rộng rãi, nước Việt Nam độc lập và thống nhất tiến bước trên đường vinh quang, hạnh phúc, cùng nhịp với trào lưu tiến bộ của thế giới và ý nguyện hòa bình của nhân loại”.
Xin nhấn mạnh, Lời nói đầu khẳng định ba nguyên tắc cơ bản của bản Hiến pháp:
- Đoàn kết toàn dân không phân biệt giống nòi, gái, trai, giai cấp, tôn giáo.
- Đảm bảo các quyền tự do dân chủ.
- Thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân.
Để thêm rõ ràng, xin trích một số điều trong Hiến pháp năm 1946:
“Điều thứ 1
Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa.
Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo.
Điều thứ 6
Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hóa.
Điều thứ 7
Tất cả công dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật, đều được tham gia chính quyền và công cuộc kiến quốc tùy theo tài năng và đức hạnh của mình”.

Vậy thì, ở đâu ra cái định nghĩa “nhân dân” của ông Quang trong bản Hiến pháp năm 1946? Sao ông giỏi bịa như thế nhỉ, dù đặt giả thuyết nào chúng tôi cũng không lý giải nổi. Từ nội dung Hiến pháp 1946 mà xét thì hình như những người soạn thảo thuở ấy đã nhìn rất xa và ngày nay họ đang từ thế giới bên kia không những dõng dạc lên tiếng bảo vệ những người biểu tình chống xâm lược, rằng đó là lực lượng nhân dân đích thực, mà còn nhắc khéo tất cả những ai đang âm thầm trở cờ, rằng bọn mi khéo mà phản bội bản khế ước do chúng ta, những người khởi dựng nước Việt Nam độc lập ở thế kỷ XX xây dựng nên bằng máu và nước mắt, mồ hôi của 25 triệu con dân Việt Nam yêu nước đấy.

Đối chiếu với TS Đại và TS Quang trong các bài viết dẫn trên, người thì cố tình cười giễu chính lực lượng đang biểu thị quyền cơ bản nhất trong bản Hiến pháp 1946: quyền giữ gìn độc lập tự do, người thì muốn chia nhân dân ra nhiều loại để có sự đối xử khác nhau, trong đó hình như muốn xem các vị đang “so vai rụt cổ trước kẻ thù dân tộc” mới là thành phần cơ bản nhất của “nhân dân”; nhưng chung quy cả hai ông TS đều – vô tình hay cố ý – lật ngược lại điều cơ bản nhất trong bản Hiến pháp năm 1946. Chẳng hiểu một chính quyền vẫn xưng là trung thành với đường lối ông Hồ có dám mời hai ông hầu tòa hay không đây.

Suy luận hồ đồ và xuyên tạc, với người có học là biểu hiện của tâm thần bấn loạn. Điều này là bình thường nên đất nước đang phải có nhiều bệnh viện tâm thần. Người tâm thần bấn loạn hay dạy đời, thì cũng không lạ, nên xã hội vẫn có lực lượng cưỡng chế đưa họ vào cơ sở điều trị. Nhưng tâm thần bấn loạn lại chễm chệ trên các phương tiện truyền thông, sử dụng tiền của dân để xuyên tạc Hiến pháp, tuyên truyền tư tưởng “chia dân để trị” thì không còn là bình thường nữa. Phải có luật để chế tài với những ca như vậy.

Ngày 25/10/2011
PV Q.D. & P.C.
Hai tác giả gửi trực tiếp cho BVN
.
.
.

No comments:

Post a Comment