Saturday, October 1, 2011

TẠI SAO VIỆT NAM CẦN DÂN CHỦ ? (Nguyễn Hưng Quốc)



Nguyễn Hưng Quốc
Thứ Năm, 29 tháng 9 2011

Kể ra, hỏi như vậy cũng thừa. Bởi, hầu như ai có trí óc bình thường một chút cũng đều biết giá trị của dân chủ. Ngày xưa, chính quyền bưng bít mọi thông tin, dân chúng hoàn toàn không biết gì về đời sống bên ngoài cả, do đó, họ dễ có ảo tưởng xem nơi họ đang sống đã là thiên đường dù, trên thực tế, họ đang cơm độn và thiếu thốn đủ thứ. Nhưng cái thời ấy qua rồi. Bây giờ, người dân có cơ hội đi nhiều, thấy nhiều, biết nhiều, hiểu nhiều. Một trong những cái thấy, biết và hiểu đó là: sự ưu việt của các chế độ dân chủ.

Chính những tính ưu việt ấy là những lý do chính đáng và đầy thuyết phục để người ta thấy dân chủ hóa là cần thiết. Cần thiết vì một số lý do có thể được tóm tắt như sau:

Thứ nhất, dân chủ mang lại thịnh vượng và phát triển. Trong phạm vi toàn cầu, ai cũng thấy là tất cả các nước dân chủ đều giàu mạnh. Ngay cả Việt Nam và Trung Quốc, trước đây, dưới ách chuyên chế tuyệt đối, tất cả đều chìm ngập trong nghèo đói. Sau này, từ giữa thập niên 1980, đặc biệt từ đầu thập niên 1990 đến nay, nhờ chính sách "cởi trói", dân chủ được manh nha một chút, kinh tế đi lên ngay và đời sống thoải mái hơn hẳn. Đó chỉ mới là dân chủ một chút. Một chút thôi. Mà đã thấy khác.
Ngày trước, dân chúng thường giễu cợt những lời tuyên truyền láo khoét của đảng bằng câu ca dao: "Mất mùa là tại thiên tai / Được mùa là tại thiên tài đảng ta!"
Các nhà nghiên cứu từ lâu nhận ra sự thật này: ở các quốc gia dân chủ, hầu như không bao giờ dân chúng phải chết đói vì thiên tai cả. Không phải tại họ không gặp thiên tai. Ở đâu lại chẳng có thiên tai? Mỹ: có. Nhật: có. Úc: có. Châu Âu: có. Có, nhưng không ai chết đói cả. Ngược lại, ở các xứ độc tài, chỉ một thiên tai nhỏ là đã có bao nhiêu người chết đói. Lý do không phải là tại thiên tai mà tại sự quản lý của con người.

Thứ hai, chỉ có dân chủ mới tôn trọng nhân quyền. Vừa độc tài vừa nói về nhân quyền là một sự nói dối. Cả hai không bao giờ đi liền với nhau được. Trừ khi người ta hiểu nhân quyền là quyền được sống như những con vật. Còn lại, tất cả các quyền của con người, từ quyền bình đẳng đến quyền tự do, quyền được tôn trọng và được bảo vệ thì chỉ có dân chủ mới bảo đảm. Bởi, tự bản chất, dân chủ ra đời là để bảo vệ những thứ quyền ấy.

Thứ ba, chỉ có dân chủ mới có một sinh hoạt chính trị lành mạnh, tốt đẹp và hiệu quả. Hầu hết các cuộc khủng hoảng chính trị chỉ xảy ra ở các nước độc tài. Ở các quốc gia dân chủ, ngay cả khi có khủng hoảng ở cấp lãnh đạo cao nhất, guồng máy chính phủ vẫn hoạt động suôn sẻ và đời sống dân chúng cũng như sinh hoạt hàng ngày vẫn diễn ra bình thường. Ở Úc, trong năm vừa qua, có cuộc đảo chính trong nội bộ đảng cầm quyền, ngày hôm trước Kevin Rudd làm Thủ tướng; ngày hôm sau Thủ tướng đã là Julia Gillard. Phần lớn dân chúng vẫn không cảm nhận bất cứ sự thay đổi nào cả. Sau đó là bầu cử. Số phiếu của đảng Lao Động và Liên đảng (Tự Do và Quốc Gia) ngang ngửa nhau. Trong suốt cả tháng họp hành, bàn bạc, vận động để tranh thủ sự ủng hộ của các Dân biểu độc lập, chính phủ ở trạng thái treo, không có người thực sự cầm lái. Nhưng guồng máy chính phủ vẫn chạy đều. Dân chúng cũng vẫn không cảm nhận có sự thay đổi nào cả. Mọi việc vẫn bình thường. Bởi vậy, không ai gọi đó là "khủng hoảng" ở tầm quốc gia.

Tất cả những điều vừa nêu đều là những điều khá hiển nhiên. Hầu như ai cũng thấy. Nhưng với riêng Việt Nam, ngoài những lý do nêu trên, theo tôi, chúng ta còn cần dân chủ vì một số lý do khác nữa.

Thứ nhất, chỉ có dân chủ mới mang lại sức mạnh cho chúng ta trong việc đương đầu với Trung Quốc. Hầu như ai cũng thấy, điều duy nhất khiến Trung Quốc chùn tay trong mọi âm mưu xâm lấn hay xâm lược chính là gần 90 triệu dân chúng Việt Nam. Trung Quốc có thể đánh bại họ, nhưng chắc chắn không thể giết hết họ và không thể làm họ bị khuất phục. Không dân chủ hóa, cứ khăng khăng giành độc quyền yêu nước, chính quyền chọn ở vào thế bị cô lập với dân chúng. Bị cô lập cũng đồng nghĩa với sự suy yếu. Đối diện với Trung Quốc, họ chỉ còn là một nhúm người nhu nhược, làm sao có thể đòi hỏi thế đứng ngang tầm để đối thoại được? Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi, trước Trung Quốc, họ cứ khúm na khúm núm. Như những Mặc Đăng Dung mặc áo vét và thắt cà vạt.

Thứ hai, chỉ có dân chủ mới mang lại hòa bình cho Việt Nam. Một là, nếu Việt Nam dân chủ, sẽ không có quốc gia Tây phương nào nuôi ý đồ xâm lấn Việt Nam cả. Truyền thống của các nước dân chủ là, trừ một số ngoại lệ hiếm hoi, họ không gây chiến với nhau. Mọi xung đột đều được giải quyết một cách khá ôn hòa, qua các cuộc thương thảo và thương lượng. Hai là, chỉ khi dân chủ hóa, Việt Nam mới có thể hy vọng có bạn nhiệt tình giúp đỡ trong cuộc đối đầu với Trung Quốc. Hiện nay, rõ ràng Việt Nam đang ở thế thân cô thế cô. Là thành viên của khối ASEAN, nhưng không có nước nào hết lòng với Việt Nam cả. Ý đồ (nếu thực sự đảng Cộng sản đang nuôi một ý đồ nào đó để bảo vệ đất nước) liên kết với một số quốc gia khác cũng sẽ không thể thực hiện được nếu Việt Nam không có dân chủ. Lý do đơn giản: đã độc tài thì không có bạn. Tên độc tài nào cũng cô đơn. Hắn không tin người khác. Và cũng không ai tin hắn.
Ở những nơi khác, không dân chủ là một thiệt thòi. Ở Việt Nam hiện nay, không dân chủ là một thảm họa.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
-----------------------------

Tin liên hệ

.
.
.

No comments:

Post a Comment