Sunday, October 30, 2011

RA ĐI BẰNG MỌI GIÁ (Song Chi)



Song Chi

Sau khi cuộc chiến tranh ở Việt Nam kết thúc, hai miền Bắc Nam thống nhất được một thời gian không lâu, thì người Việt Nam-chính xác là người miền Nam bắt đầu bỏ nước ra đi. Hàng trăm ngàn rồi hàng triệu người, vượt biên theo đường biển và cả đường bộ qua biên giới Campuchia. Nhưng chủ yếu là đường biển. Cao điểm là giai đoạn 1979-1982. Thế giới chứng kiến một trong những cuộc di dân lớn nhất trong thế kỷ XX và có lẽ, cả trong lịch sử nhân loại. Hai chữ “boat people”-thuyền nhân cũng ra đời từ đó. Cứ trung bình một người đến được bờ thì một người bỏ xác ngoài biển khơi làm mồi cho cá, chưa kể những người chết vì bị đói, kiệt sức trong những ngày con thuyền lang thang trên biển hoặc bị hải tặc đánh đập, cướp bóc, hãm hiếp…

Hành trình kinh khủng của những người bỏ nước ra đi tìm tự do, chấp nhận thà chết còn hơn ở lại đã đánh động lương tâm của cả thế giới. Không thiếu những cá nhân, tổ chức phi chính phủ, thậm chí những quốc gia trước đó hết lời ủng hộ, ca ngợi “cuộc chiến tranh chính nghĩa và chiến thắng to lớn” của những người cộng sản Bắc Việt đã giật mình tỉnh ngộ. Còn nói như nhà văn Dương Thu Hương:
Danh từ “Thuyền nhân” sẽ mãi mãi vĩnh định trong tất cả các cuốn tự điển của nhân loại, để ghi nhận khả năng độc ác và sự man rợ của con người đối với con người, một hiện tượng được liệt kê sau các lò thiêu Do Thái của Đức và quần đảo Goulag của Nga. Ở các nước châu Âu, nơi cuộc chiến tranh chống Mỹ được nêu lên như bằng cớ về tinh thần bất khuất của dân tộc Việt, thì tiếp theo đó, danh từ “Thuyền nhân” trở thành biểu tượng của thần tượng sụp đổ, của tội ác bị lộ diện, nói cách khác: mặt trái của tấm mề đay. (“Để gọi tên sự vật một cách rõ ràng”, DVC online)

36 năm sau ngày thống nhất đất nước.
Người Việt Nam vẫn tiếp tục bỏ nước ra đi, không phải bằng con đường vượt biển như trước nhưng bằng muôn ngàn cách khác nhau.

Một, đi bằng con đường “xuất khẩu lao động”. Từ nhiều năm nay, theo chính sách xuất khẩu lao động nhằm mục đích vừa tạo công ăn việc làm cho người lao động trong nước, vừa thu được ngoại tệ về cho quốc gia, nhà nước Việt Nam đã ký kết thỏa thuận với nhiều quốc gia khác nhau để đưa người lao động Việt Nam sang làm việc tại các nước đó. Con số người lao động Việt Nam rời nước ra đi làm thuê lên đến hàng chục ngàn người mỗi năm. Thực tế, trong rất nhiều trường hợp, việc đưa người đi lao động ở nước ngoài trong điều kiện còn những kẽ hở về luật pháp như lâu nay đã dẫn đến tình trạng nô lệ lao động mới và nạn buôn người để bóc lột sức lao động.

Vào cuối tháng 6.2010, Hoa Kỳ đã đưa VN vào danh sách những quốc gia cần phải quan tâm theo dõi về nạn buôn người. Và nếu trong vòng hai năm mà Hoa Kỳ xét thấy VN vẫn không thực hiện những thay đổi đáng kể thì VN sẽ tự động bị rớt xuống hạng ba tức là hạng chót về tình trạng buôn người và lúc đó sẽ tự động bị chế tài theo luật chống buôn người của Hoa Kỳ. Tổ chức CAMSA, Liên minh bài trừ nô lệ mới ở Á Châu đã từng giúp đỡ rất nhiều người VN là nạn nhân của nạn buôn người lao động này.

Khi tôi có dịp đến Berlin, Praha, Warsaw…tôi đã gặp gỡ, tiếp xúc với rất nhiều người VN ra đi theo con đường xuất khẩu lao động. Hầu hết đều vì nghèo quá, ở VN làm công nhân, nông dân, làm thuê đủ việc cũng không đủ sống nên phải cầm cố nhà cửa ruộng vườn lấy tiền nộp cho các công ty tuyển dụng người lao động ở VN, chấp nhận đi làm thuê ở xứ người, chấp nhận bị bóc lột tàn tệ để kiếm chút tiền trả nợ, sau đó dành dụm gửi về nuôi gia đình. Phía sau mỗi người là một câu chuyện đời, hoàn cảnh khác nhau nhưng đều mang những nỗi buồn nhiều hơn vui.
Thỉnh thoảng lại đọc thấy thông tin từ báo chí, cho thấy người lao động VN đi làm thuê ở khắp nơi, trong muôn ngàn nỗi cực nhọc. Khi một chiếc tàu cá của Hàn Quốc bị chìm ở Bắc Cực ngày 12.12.2010, trong số 42 thủy thủ được cho là đã chết, cũng có 11 thủy thủ là người VN. Khi chiến sự nổ ra tại Lybia, cũng có hàng trăm người lao động VN đang làm việc tại đó được di tản gấp về nước, trong nỗi vui mừng được an toàn trở về, là nặng trĩu lo âu vì công việc bỏ nửa chừng, nợ nần chồng chất chưa trả được v.v…

Hai, đi bằng con đường hôn nhân. Báo chí VN đã đăng tải bao nhiêu câu chuyện buồn về những người con gái VN đi lấy chồng xa xứ. Từ câu chuyện hàng trăm cô gái trẻ xếp hàng cho mấy người đàn ông Hàn Quốc chọn như chọn những món hàng. Những dòng quảng cáo lấy vợ Việt giá rẻ mang đầy tính xúc phạm trên một số tờ báo của Singapore, Trung Quốc…Những cuộc hôn nhân gấp gáp sáng xem mặt chiều cưới tối vào khách sạn, những cuộc hôn nhân như đôi đũa lệch giữa một bên là những cô thôn nữ tuổi đôi mươi, căng đầy sức sống bên cạnh những ông chồng Đài chồng Hàn tuổi già gấp đôi, chân đi khập khiễng hoặc có tiền sử về tâm thần…

Và những bi kịch chết người. Như câu chuyện cô Huỳnh Mai, bị chồng là người Hàn Quốc đánh gãy 18 xương sườn chết năm 2007. Cô Thạch Thị Hoàng Ngọc bị người chồng có tiền sử tâm thần đánh chết khi mới sang Hàn Quốc được một tuần vào tháng 7.2010. Cô dâu họ Hoàng bị chồng bị người chồng họ Im đâm tổng cộng 53 nhát dao chết tháng 5.2011. Cô Trần Thị Lan, 22 tuổi, người Cần Thơ lấy chồng Hàn Quốc, đã nhảy lầu tự vẫn ngày 6.2.2008, đúng vào chiều 30 Tết, khi mới sang nhà chồng chưa đầy một tháng. Cô Hà Cẩm Tú tự tử bằng khí than ngày 7.7.2011 tại Ðài Loan sau 7 năm định cư tại đây v.v…

Hay bài viết “Hàng trăm cô dâu Việt tại TQ bị mất tích bí ấn” trên trang VietnamNet 22.8.2011 cho biết:
Cảnh sát Trung Quốc đang tiến hành điều tra vụ mất tích bí ẩn của hơn 100 cô dâu Việt, những người được tin là đã bị bán sang Trung Quốc để làm vợ.
Theo tin từ Tân Hoa Xã, những phụ nữ này sống tại một ngôi làng hẻo lánh ở huyện Hồ Nam (Trung Quốc). Cảnh sát địa phương và thân nhân những phụ nữ này cho biết sau khi họ biến mất, một số ông chồng đã nhận được điện thoại yêu cầu họ trả một khoản tiền chuộc nếu không vợ của họ sẽ bị bán đi lần nữa. Tuy nhiên, các nhà chức trách địa phương không đưa ra bình luận gì về vụ việc trên cũng chưa có thông tin nào đề cập tới thời gian những người phụ nữ này biến mất.

Và còn biết bao nhiêu cô dâu Việt khác nữa đang sống tủi nhục, cô đơn nơi xứ người, trong khi con số may mắn được hạnh phúc từ những cuộc hôn nhân xa xứ, gấp gáp vội vàng, là rất hiếm hoi?

Vì sao những cô gái Việt Nam tuổi đời còn rất trẻ, xinh xắn và khỏe mạnh, phần lớn chưa từng kết hôn bao giờ lại chấp nhận lấy chồng một cách lạ lùng, liều lĩnh như vậy? Câu trả lời đơn giản: chỉ vì nghèo, vì hy vọng sẽ có một đời sống tốt đẹp hơn và có thể gửi tiền về giúp đỡ gia đình. Ôi cái giá rẻ mạt cho một cuộc đời con gái-nhiều gia đình sau khi trừ đi chi phí đám cưới chỉ còn cầm được vài ba triệu bạc tiền VN!

Các cô gái ở nông thôn ít học thì chấp nhận lấy chồng theo con đường môi giới kiểu như vậy, ở phía Nam thì thường là lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc, còn phía Bắc, những tỉnh, thành sát biên giới thì phụ nữ thường lấy chồng người Trung Quốc. Trong khi đó các cô gái ở các thành phố lớn, có nhan sắc, có ít chữ, nếu có nghĩ đến việc lấy chồng ngoại thì thường là nhắm đến các nước Mỹ và phương Tây. Tất nhiên, vẫn có những cuộc hôn nhân thật sự vì tình nhưng nhìn chung, lấy chồng ngoại kiều hay việt kiều, là một trong những con đường để được đi định cư ở một nước khác.

Ba, ra đi bằng con đường du học. Khi đời sống của một bộ phận người dân VN trở nên khá hơn, ngày càng nhiều gia đình cho con đi du học tự túc ở nước ngoài, trong đó chủ yếu là các quốc gia có đời sống kinh tế phát triển, có nền giáo dục chất lượng cao như Mỹ, Anh, Úc, Canada, New Zealand, Pháp, Đức…Nếu như trước đây phần lớn học sinh VN đi du học sau khi đã tốt nghiệp phổ thông trung học thì bây giờ cha mẹ cho con đi học ngày càng sớm, từ khi mới lớp 9, lớp 10. Hết tị nạn chính trị, tị nạn kinh tế, bây giờ lại đến tị nạn giáo dục.

Chỉ riêng tại Hoa Kỳ, theo thống kê mới nhất từ báo cáo thường niên Open Doors 2009 của Viện Giáo dục Quốc tế IIE, với gần 13 ngàn sinh viên hiện đang du học tại Mỹ, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia có số lượng sinh viên du học tại Hoa Kỳ nhiều nhất trên thế giới.

Và có bao nhiêu phần trăm trong số những du học sinh đó sau khi học xong sẽ trở về nước hay hầu hết sẽ tìm cách kiếm việc hoặc kết hôn với người bản xứ/người có quốc tịch tại nước đó để được ở lại?

Đó là chưa kể những con người vẫn phải ra đi vì lý do tị nạn chính trị, những người tìm cách nhập cư lậu vào các quốc gia phát triển bằng nhiều con đường khác nhau, chấp nhận sống không giấy tờ, bất hợp pháp trên xứ người với nguy cơ có thể bị bắt, bị trục xuất tống khứ về nước bất cứ lúc nào.

Có một dạo phóng sự truyền hình trên BBC về “Người Rơm”-người Việt nhập cư trái phép vào nước Anh đã gây xôn xao dư luận nước Anh và thế giới, khiến các đảng phái chính trị ở Anh phải tranh cãi về việc có nên trục xuất người Rơm hay ân xá và hợp pháp hóa giấy tờ cho họ có điều kiện được đóng góp và hội nhập với xã hội Anh. Ở Ba Lan, mới đây, ngày 26.8.2011, Tổng thống Komowski đã ký ban hành luật ân xá, hợp pháp hóa việc cư trú của người nước ngoài đang sinh sống bất hợp pháp ở Ba Lan, luật này theo đánh giá là sẽ tác động đến hơn 20.000 người Việt ở Ba Lan.

Có thể nói không ngoa rằng bây giờ đi đến bất cứ nơi nào trên thế giới, từ châu Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Úc, châu Phi…cũng đều có thể bắt gặp người VN.

Câu hỏi đặt ra là vì sao suốt 36 năm sau khi chiến tranh đã kết thúc, đất nước đã thống nhất và hòa bình, vậy mà rất nhiều người VN vẫn phải bỏ nước ra đi bằng mọi giá?

Vì sao cái mảnh đất yêu thương cong cong hình chữ S với nhiều người đã trở thành một nơi xa thì thương nhớ cồn cào nhưng vẫn không thể ở, không thể sống nổi?

.
.
.

No comments:

Post a Comment