Monday, October 31, 2011

QUẢNG NGÃI : BÁC SĨ TỪ CHỐI CỨU BỆNH NHÂN KHÔNG BẢO HIỂM (VTC News)


Người Việt

QUẢNG NGÃI (VTC News) - Một đoạn video clip của một sinh viên tung lên mạng You Tube tố cáo bác sĩ từ chối cấp cứu chỉ vì bệnh nhân không có bảo hiểm y tế gây xôn xao dư luận hơn một tuần lễ nay.

Bác sĩ thờ ơ trước nỗi đau của bệnh nhân (cô bé ngồi vị trí đầu từ trái).
(Hình: VTC News)

Chủ nhân của đoạn phim này là cô PDH, sinh viên, cư dân huyện Ðức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi cho biết đã tình cờ ghi hình câu chuyện xảy ra tại bệnh viện Ðặng Thùy Trâm, tọa lạc tại huyện Ðức Phổ hôm 22 tháng 10.
Theo báo mạng VTC News, PDH đến thăm chị ruột đang điều trị tại bệnh viện này vô tình chứng kiến cảnh một bé gái tên Lương Thị Kim Thúy 10 tuổi, cư dân Ðức Phổ đang oằn oại vì nghi bị viêm ruột thừa. Thay vì nhanh chóng đưa bệnh nhân lên giường cấp cứu, một nữ bác sĩ xuất hiện sau đó yêu cầu người nhà của cô bé phải về lấy thẻ bảo hiểm y tế để xuất trình trước đã.
Một người đàn ông có mặt tại đó bất bình vì thái độ “chê” bệnh nhân của vị bác sĩ nên phản kháng kịch liệt. Câu chuyện ầm ĩ khiến cô PDH cũng không kềm chế được sự bất bình. Nhưng thay vì hùa theo phản đối thì cô dùng điện thoại di động để quay lại cảnh tượng nói trên rồi tung lên mạng.
Xem video

Ðoạn phim ngắn ngủi tố cáo hành vi vô trách nhiệm của vị bác sĩ của bệnh viện Ðặng Thùy Trâm đã gây xôn xao dư luận trong nước.
Cô sinh viên H. còn cho biết rất bất bình khi thấy một nam bác sĩ làm việc tại bệnh viện thản nhiên hút thuốc bất chấp lệnh cấm.
Các bác sĩ này xuất hiện một hồi, hỏi qua loa vài câu rồi bỏ đi mặc cho bệnh nhân rên la đau đớn ngay trước phòng cấp cứu của bệnh viện.
Ðoạn phim ngắn dài 4 phút mang tên “duyhoadieuhuyen” đã làm nhiều người xúc động. Cô PDH chiều 29 tháng 10 xác nhận với VTC News rằng chính cô là tác giả của đoạn clip nói trên vì quá bất bình trước thái độ ghẻ lạnh của các “lương y không phải từ mẫu” tại bệnh viện Ðặng Thùy Trâm.
Cũng theo VTC News, cuối cùng thì người nhà của cô bé đưa cô vào bệnh viện Quảng Ngãi để phẫu thuật, cứu sống kịp thời.
Sự kiện này cho thấy việc quay clip những sự kiện nóng bỏng để tung lên mạng You Tube hiện là một phương cách để người dân Việt Nam bày tỏ sự bất bình “không biết ngỏ cùng ai”. (P.L.)

--------------------------

Blog Lý Toét
Thứ hai, ngày 31 tháng mười năm 2011

Sự kiện em bé bị đau ruột thừa nhưng không được chữa trị tích cực với lý do là em không cầm theo người thẻ bảo hiểm y tế trong hạn sử dụng. May mắn thay cuối cùng em cũng đã được chuyển viện và em đã được cứu sống. Xin cảm ơn các cán bộ y sĩ bệnh viện Đặng Thùy Trâm và bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi đã kịp cứu bé vào giờ chót (xin miễn cho mỹ từ "sự tận tình"). Qua sự kiện này có mấy vấn đề cần nêu ra.

Bệnh viện Đặng Thùy Trâm không phải là bệnh viện tư do cô Trâm làm chủ mà là bệnh viện công được xây dựng bằng tiền ngân sách với tôn chỉ Chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Khoan bàn đến thứ xa xỉ là Y đức, hay tình người, một nghiệp vụ y tế bình thường đã trở thành một "sự kiện" chỉ do tấm thẻ Bảo hiểm y tế gây ra. Tấm thẻ làm bằng giấy có kích thước A7 lại có thể quyết định đến sinh mạng của một bệnh nhân. Là lời cảnh báo tới toàn thể những người có bảo hiểm y tế là phải xem thẻ BHYT là vật bất ly thân.

Bệnh viện Đặng Thùy Trâm đã hội chẩn và nhận định "Qua khám lâm sàng, xét nghiệm, siêu âm, bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm ruột thừa vỡ mủ, viêm phúc mạc cần phẫu thuật gấp", lời bác sĩ Nguyễn Văn Diệp, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Đặng Thùy Trâm (sau đây gọi tắt là Bệnh viện).

Chẩn đoán rõ ràng như thế này thì chỉ định cần phải làm tức khắc là: cho bệnh nhân nằm nghỉ, ít cử động và cho thuốc giảm đau để hạn chế sự cử động có hại cho bệnh nhân chờ phẫu thuật. Nhưng thực tế Bệnh viện đã làm gì, cô y tá nằng nặc đòi hoặc là đóng tiền hoặc đòi thẻ bảo hiểm y tế trong hạn sử dụng trong lúc bệnh nhân đứng vịn cửa chịu đựng cơn đau.

Tất cả nguyên do chỉ là Bệnh viện sợ mắc phải sai lầm. Họ sợ phải cứu chữa cho một bệnh nhân không có khả năng chi trả hay một bệnh nhân có tiềm năng quỵt tiền chữa bệnh. Trong những trường hợp như thế ai là người quyết định điều trị sẽ thanh toán những chi phí phát sinh , hoặc quan Giám đốc Bênh viện ra lệnh "sai", ông là người gây thất thoát ngân sách nhà nước và sẽ mất cơ hội thăng tiến và qua đó là thu nhập vào những lần đề bạt cán bộ về sau.

Cơ quan bảo hiểm y tế rất tích cực trong việc thu phí bảo hiểm tế. Người sử dụng lao động nào từ chối đóng tiền bảo hiểm y tế cho họ sẽ bị phạt nặng. Theo tinh thần của chính sách bảo vệ trẻ em của Đảng và nhà nước, 100% học sinh đi học và trẻ em ở lứa tuổi học trò phải có HBYT, có thể do cha mẹ chi trả hoặc được nhà nước trợ cấp nếu thuộc diện nghèo. Mỗi 6 tháng cơ quan BHYT lại cấp một thẻ mới, gây lãng phí rất lớn cho người được cấp thẻ.

Nhân thân người có bảo hiểm y tế được cơ quan BHYT lưu. Trong thời buổi phổ biến internet như hiện nay, không khó để các cơ sở khám chữa bệnh có thể tra cứu dữ liệu của bệnh nhân tới khám. Như trên đã nói trẻ em trong độ tuổi đi học là đối tượng chắc chắn có BHYT.

Vậy tại sao lại bắt buộc mọi công dân phải luôn luôn mang trong mình thẻ BHYT, và nếu lỡ đánh mất tấm thẻ này thì chắc chắn sẽ không được chữa trị nếu không có tiền.

------------------------

Tin liên quan:

.
.
.

 

No comments:

Post a Comment