Thursday, October 27, 2011

PHỎNG VẤN THẨM PHÁN DI TRÚ LIÊN BANG PHẠM QUANG TUỆ (Hà Giang/Người Việt)


Hà Giang/Người Việt

Cần nhớ, ‘lệnh trục xuất là hình phạt rất nặng’

Thẩm Phán Phan Quang Tuệ tốt nghiệp đại học luật Drake ở Des Moines, Iowa, vào năm 1985. Ông là thẩm phán hành chánh gốc Việt đầu tiên thuộc Bộ Lao Ðộng Iowa.
Năm 1988, ông được chuyển về làm luật sư công tố Sở Di Trú và Nhập Tịch Hoa Kỳ, tại San Francisco. Năm 1995, ông được Bộ Trưởng Tư Pháp Hoa Kỳ Janet Reno bổ nhiệm về Tòa Di Trú Liên Bang San Francisco và hiện đang phục vụ tại đây.
Thành công, nhưng không hề quên mình đã bước chân vào Hoa Kỳ với đôi chân của người tị nạn, Thẩm Phán Phan Quang Tuệ còn rất hãnh diện với hành trình ấy. Tâm tư này của ông được phần nào hé lộ trong bài diễn văn đọc trong một lễ tuyên thệ cho các tân công dân Hoa Kỳ tại San Francisco năm 2008, qua đó, ông cho biết “đã từng làm nghề rửa chén bát, sửa giày, giao báo” và giờ đây “là một trong hơn 200 thẩm phán di trú trên toàn nước Mỹ. Câu chuyện của tôi chứng minh cho thấy, nước Mỹ không có công dân hạng hai, dù công dân ấy sinh trưởng tại Hoa Kỳ, hay đến từ xa để lập nghiệp”.
Nhân dịp đến thăm Nam California để tham dự đại hội kỳ 10, Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam, vào ngày 21 tháng 10, Thẩm Phán Phan Quang Tuệ dành cho nhật báo Người Việt một cuộc phỏng vấn, do Hà Giang thực hiện.

---------------------

Thẩm phán tòa di trú liên bang, Phan Quang Tuệ, phát biểu trong đại hội kỳ 10, Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam, vào ngày 21 tháng 10, tổ chức tại Nhật báo Người Việt. (Hình: Dan Huynh/Người Việt)


Hà Giang (NV): Kính chào Thẩm Phán Phan Quang Tuệ. Thưa ông, vai trò thẩm phán di trú Hoa Kỳ có lẽ ít được người dân hiểu một cách thấu đáo, xin ông giải thích về tòa án di trú cùng trách nhiệm mà một thẩm phán di trú liên bang phải đảm nhiệm.
TP Phan Quang Tuệ: Bổ nhiệm tôi là Tổng Trưởng Tư Pháp Janet Reno, do đó hệ thống tòa di trú là thuộc hệ thống của Bộ Tư Pháp liên bang. Bà con chúng ta thường nhầm lẫn, gọi đây là “tòa INS”. INS trước đây gọi là “Immigration Naturalization Services,” sau này chính phủ cải tổ và lập ra Bộ Nội An (Department of Homeland Security); trong khi tòa án di trú tiếp tục nằm trong Bộ Tư Pháp, thì Sở Di Trú (hay “Immigration Customs Enforcement” thì trực thuộc Bộ Nội An). Nói như vậy là nói tới tính độc lập của tòa án di trú; mặc dù là tòa án hành chánh thuộc hệ thống hành chánh, nói ra là tòa “bán tư pháp,” người Mỹ họ gọi là “quasi judiciary”. Vậy, hệ thống hành chánh thì thuộc Bộ Tư Pháp, nhưng việc xét xử thì hoàn toàn độc lập và không bị ảnh hưởng bởi bất cứ áp lực nào khác.
Như tôi, tôi làm việc công tố cho INS 5 năm và làm với tòa di trú từ năm 1995 tới nay, chưa bao giờ có một lệnh, hay một sự can thiệp nào trong việc xét xử của chúng tôi.
Thứ nhất, thẩm quyền chính của tòa di trú là thẩm quyền đối với người không phải là công dân Mỹ, tức là không có quốc tịch thì tòa di trú mới có thẩm quyền. Thứ hai, từ ngày thành lập, mặc dù đây là hệ thống thuộc tòa hành chánh, nhưng nó lại là một tòa hành chánh đặc biệt, vì thẩm quyền của tòa này gồm những quyền mà thực ra thông thường tòa hình đã có, thí dụ quyền tống giam, tạm giam hay cho tại ngoại hậu tra... và hình phạt của tòa di trú rất nặng, đó là hình phạt trục xuất, mà ai cũng biết đó là hình phạt rất nặng.

NV: So với một thẩm phán “truyền thống,” tức thẩm phán của một tòa không phải tòa di trú, thì vai trò của thẩm phán truyền thống có phần thụ động hơn, vị thẩm phán này thường chỉ xem xét phiên xử, ngồi xem bên công tố và bên luật sư bào chữa tranh cãi và đưa ra nhân chứng. Trong khi đó, thẩm phán di trú lại có thể hỏi cung, thẩm vấn bị cáo. Tại sao lại có sự khác biệt này, thưa ông?
TP Phan Quang Tuệ: Thông thường, trong các ngành chuyên môn đó, có lẽ vì vai trò hành chánh của thẩm phán di trú, nhiều người đã không xem thẩm phán di trú như một thẩm phán “truyền thống”. Tuy nhiên, điểm khác biệt chính không phải ở thẩm phán di trú có quyền điều tra, điểm khác biệt ở chỗ họ là người “fact finders” (người tìm sự thật). Chúng tôi không có bồi thẩm đoàn. Ðiểm thứ hai, về trách nhiệm dẫn chứng thì đây là “preponderance of evidence” (tạm dịch: trưng dẫn bằng chứng xác tín) chứ không phải là “beyond reasonable doubts” (tạm dịch: không còn nghi ngờ nào, cho dầu là nghi ngờ hợp lý) và những người ra tòa di trú là những người không phải công dân Hoa Kỳ. Tuy nhiên quan trọng nhất là, chúng tôi phải tôn trọng tiến trình xét xử, và phải công bằng.

NV: Như vậy thì vai trò của thẩm phán trong hai hệ thống tòa cũng có sự khác biệt. Thẩm phán nghĩ sao khi có người cho rằng vì đối tượng của tòa di trú không phải là công dân Mỹ, do đó quyền lợi của họ không được bảo vệ như quyền lợi của công dân Mỹ?
TP Phan Quang Tuệ: Không phải như vậy. Thẩm quyền của các tòa tiểu bang hay liên bang là thẩm quyền tổng quát. Thẩm quyền của chúng tôi là thẩm quyền chuyên biệt.
Di trú và tòa di trú là thể hiện của chủ quyền quốc gia, tức là quý vị bước vào nhà người ta, thì phải tôn trọng luật lệ của người khác. Ðạo luật của di trú ấn định, phải xác định khi nào người ta vi phạm những luật nào; và luật này cũng ấn định khoản thứ hai, là khi vi phạm những luật nào thì người ta có thể bị trục xuất.
Tuy nhiên nhiều người cũng tùy theo hoàn cảnh của mình mà có thể xin được ở lại, hay là xin những điều mà chúng tôi gọi là “reliefs”. Như vậy, sự khác biệt là do thẩm quyền của mình.

NV: Một bài tường trình của đài phát thanh National Public Radio cách đây không lâu nhận định rằng đa số đối tượng trục xuất của cơ quan ICE, tức “Immigration Customs Enforcement” là không đúng. NPR cũng nêu một dữ kiện, trong năm 2010, tòa án di trú đã không ủng hộ 31% quyết định trục xuất của ICE. Là một thẩm phán di trú, ông bình luận gì về điều này?
TP Phan Quang Tuệ: Tôi sẽ không bình luận, và tôi sẽ giải thích tại sao tôi không bình luận. Tôi làm trong ngành tư pháp, dù là tư pháp hành chánh, hay gọi là bán tư pháp, thì làm cái gì hay không làm cái gì cũng phải giải thích tại sao.
Vấn đề như thế này: Công việc của chúng tôi ngưng ở chỗ định quy chế cho người ra trước tòa của mình, ra án lệnh trục xuất hay không trục xuất. Thi hành bản án không phải là việc của chúng tôi, mà thuộc “Immigration Customs Enforcement”. Hình phạt trục xuất không chỉ ảnh hưởng đến bản thân người bị trục xuất mà còn ảnh hưởng đến vợ, con của họ.
Cả chúng tôi, người ngồi ở phiên tòa, và người thi hành bản án, đều luôn muốn biết chắc sự thi hành luật là hợp pháp. Thí dụ, chúng tôi không có thẩm quyền tiên khởi để xử những vụ về di trú mà là do trước kia là INS, bây giờ là ICE, đưa ra trước tòa. Chúng tôi gọi là “Notice to Appear”. Khi họ ra trước tòa thì, không giống như tòa luật hình, chúng tôi không có thẩm quyền cho họ một “public defender” (luật sư biện hộ miễn phí), nhưng chúng tôi có bổn phận cho họ cơ hội để tìm luật sư đại diện cho chính họ. Thành ra, thủ tục phải rất cẩn thận. Nhiều khi có những người bảo thủ cho rằng tiền luật sư tốn kém quá, nhưng đó là cái giá mình phải trả.

NV: Thẩm phán có lời khuyên nào cho những ai có người thân trong gia đình đang đối diện với một án lệnh trục xuất?
TP Phan Quang Tuệ: Ðiều quan trọng nhất là phải xem kỹ cái “Notice to Appear” để xem họ ra án lệnh trục xuất mình vì lý do gì. Nếu là vì lý do phạm pháp thì phải xem bản án của tòa dưới xem đó có phải là bản án nhất định hay chưa. Ngoài ra, cũng phải xem, ngoài việc bị trục xuất thì mình được hưởng những điều kiện gì để được miễn hay tạm hoãn trục xuất, và những công việc chuyên môn này thì luôn cần phải có một luật sư thật sự có kinh nghiệm về luật di trú.
Cuối cùng, tôi cũng muốn nhấn mạnh, tôi trả lời cuộc phỏng vấn hôm nay hoàn toàn với tư cách một cá nhân đến thăm nhật báo Người Việt chứ không chính thức đại diện cho ai.

NV: Cảm ơn thẩm phán đã dành thì giờ cho chúng tôi.

.
.
.

No comments:

Post a Comment