Monday, October 3, 2011

PHỎNG VẤN HỌA SĨ ANN PHONG (Kiều Toàn)


KIỀU TOÀN
Sunday, October 2, 2011

Lời giới thiệu của Huỳnh Hữu Ủy:
Hiện nay, những nghệ sĩ tạo hình Việt Nam thuộc thế hệ trẻ đã có mặt, dấn thân và hoạt động mạnh trong lĩnh vực chuyên môn của mình tại nhiều quốc gia trên thế giới. Ở Hoa Kỳ, một vùng đất đai mênh mông, giàu có, và hùng cường, lại là vùng đất dung nạp và phát triển mọi thứ, mọi kiểu cách, khuynh hướng, bất kể là cũ kỹ, cổ điển, hay hiện đại, mới mẻ, tân kỳ, lạ lùng, và quái đản đến đâu đi nữa. Có lẽ chính vì thế, hoạt động nghệ thuật tạo hình ở đây không phải là dễ. Các nghệ sĩ tạo hình di dân, để tạo được một thế đứng trong cuộc sống nơi đây thực hết sức là cam go. Tuy nhiên ở nơi này nơi khác, cũng đã có nhiều cuộc triển lãm chung hoặc cá nhân của các nhà tạo hình trẻ Việt Nam, và cũng đã có ít nhiều dư vang tốt.

Dưới đây là một cuộc nói chuyện ngắn giữa Khánh Trường (ký bút danh Kiều Toàn) và nữ họa sĩ Ann Phong, in trên tạp chí Hợp Lưu số 37, tháng 10 & 11, năm 1997, nhằm giới thiệu một trong những khuôn mặt trẻ của nền nghệ thuật tạo hình Việt Nam hải ngoại.

Ann Phong sinh ở Sàigòn năm 1957. Vượt biển năm 1981, rồi sống một năm ở các trại tị nạn Malaysia và Philippines, năm 1982 được đến Mỹ và định cư tại miền Nam California.

Trải qua những năm tháng cùng khốn ở quê nhà, rồi những ngày khủng khiếp giữa biển cả mênh mông, hung bạo, và sau cùng nhập vào một cuộc sống hoàn toàn xa lạ; Ann Phong thường bày giải kinh nghiệm riêng tư của mình qua các sáng tác nghệ thuật. Có thể nói rằng kinh nghiệm của Ann Phong cũng chính là kinh nghiệm rất đặc biệt của một cộng đồng, khổ đau mà bi tráng, cùng với chiều sâu của một nền văn hóa riêng biệt.

Năm 1995, đậu cao học về ngành mỹ thuật ở Ðại học Fullerton. Hiện nay dạy hội họa ở các trường Ðại học Fullerton, Ðại học Bách Khoa Pomona, và Học Viện Mỹ Thuật Los Angeles - Orange County. Ann Phong đã thực hiện 10 lần triển lãm cá nhân và tham dự khoảng 40 cuộc triển lãm tập thể ở các phòng tranh và bảo tàng tại California.

12.2001
H.H.U.

--------------------------------

- Chị vẽ từ lúc còn ở Việt Nam hay chỉ ở hải ngoại ?

- Tôi thích vẽ từ nhỏ. Lên lớp Tám, để dành được chút tiền, tự “tầm sư học đạo”, và đã theo học họa sĩ Văn Ðen một thời gian. Nhưng chỉ thực sự chọn hội họa làm nghiệp dĩ từ lúc sang Mỹ.

- Chị có những khó khăn nào không, khi chọn và sống với hội họa ? Và những khó khăn, nếu có, có làm chị nản chí ?

Sóng Trắng, Acrylic trên bố - Ann Phong


- Chọn hội họa và quyết tâm sống thủy chung với nó, đối với một người đàn bà, là chuyện không dễ dàng. Vừa làm vợ, làm mẹ, vừa phải kiếm tiền phụ chồng lo gia đình, thời giờ còn lại cho sáng tác, thật chẳng còn bao nhiêu. Tuy nhiên, có lẽ vì thế, Ann Phong cảm thấy rất quí thời giờ, quí những giây phút được đứng trước khung bố, với cọ, với màu trong tay. Và cũng có lẽ vì thế, khao khát muốn được thể hiện mọi suy nghĩ, tình cảm của mình lên mặt phẳng trắng tinh kia càng trở nên mãnh liệt.

HỌA SĨ ANN PHONG

Nói cách khác, khó khăn hẳn nhiên có, nhưng nản chí thì không. Ann Phong vẫn vẽ đều, và vẫn triển lãm khi có dịp. Triển lãm cá nhân, triển lãm tập thể. Khách thưởng ngoạn có thể là công chúng Mỹ, có thể chỉ người Việt Nam, và có thể chỉ giới hạn trong giới sinh viên tại các Ðại học...

- Ðề tài thường đến với chị vào lúc nào ?

- Bất cứ lúc nào, ở đâu. Trên đường đến trường dạy học. Trong chợ. Ngoài parking. Lúc nấu ăn, rửa chén, giặt quần áo. Ngồi trước màn ảnh TV với chồng, với con buổi tối... luôn luôn Ann Phong loay hoay với những đề tài, bố cục, bút pháp, màu sắc cho bức tranh sắp tới.

- Chị có chọn cho mình một trường phái ? Hoặc bị ảnh hưởng bởi một trường phái nào không ?

- Ann Phong không biết mình thuộc trường phái nào, vì bản thân không chọn riêng một trường phái để đi. Có thể nói khái quát: Ann Phong chú trọng nội tâm của con người chứ không vẽ cái đẹp bề ngoài của con người.
- Chỉ con người thôi ư ?

Con người, và những gì liên quan đến con người. Thiên nhiên, thực vật, động vật, đồ vật... Nói chung, mọi thứ được chọn và đưa vào tranh, đều không ngoài mục đích chuyển đạt đến con người tiếng nói của một thành viên thuộc cộng đồng người đó.

- Nhiều người nhận xét chị có một bút pháp và một bảng màu rất táo bạo, trái hẳn với nhiều họa sĩ Việt Nam khác, thuộc phái nữ. Ðiều ấy nói lên cái gì ?

- Lối vẽ của Ann Phong rất phóng khoáng. Về mặt hình thức được diễn tả qua những nét cọ to đi kề những nét nhỏ yếu ớt. Nhưng vũng màu đậm xâm thực qua những gam màu nhạt. Những mảng màu lớn đàn áp những vệt màu nhỏ. Ðường thẳng cứng vạch xuyên qua những đường cong. Màu nóng sát kề màu lạnh. Ðó là cá tính của Ann Phong. Ðó là cái Ann Phong chọn. Nó muốn nói lên cái gì thì chính nó sẽ “nói” với người xem. Ann Phong không thể giải thích khúc chiết. Chẳng ai có thể giải thích khúc chiết những gì thuộc thế giới tiềm thức. Chỉ biết, qua nhiều cuộc triển lãm cá nhân và tập thể, Ann Phong đã tạo được cho mình một chỗ đứng, không lẫn với nhiều đồng nghiệp khác.

- Trong các chất liệu tạo hình, hình như chị thích sử dụng Acrylic ?

- Vâng.

- Tại sao ?

- Acrylic có tính chất đặc biệt. Nếu pha loãng sẽ như màu nước. Nếu vẽ dày, sẽ như sơn dầu. Tranh Ann Phong bao gồm hai tính chất trên. Lúc mềm, mềm như nước. Lúc bạo thì màu dày đặc. Một yếu tố khác: Acrylic dùng với nước chứ không cần dùng với các chất hóa học (như terpenoid) để rửa cọ, thành ra không có hại nhiều cho môi sinh.

- Thường, chị đi tìm nguồn cảm hứng từ đâu ?

- Ðề tài đến với Ann Phong một cách tự nhiên, từ môi trường chung quanh. Như thân phận di dân, thân phận phụ nữ, sự hội nhập... Ðề tài chỉ là khởi điểm cho công việc sáng tác. Khi đi vào tranh thì đường nét, màu sắc, bố cục trở thành quan trọng. Có khi chúng dẫn ta lạc vào một thế giới mới, khác hẳn với định tâm ban đầu. Mỗi lần vẽ Ann Phong có cảm giác như như đang... đánh lộn. Nét cọ đặt trước khiêu chiến với vệt màu sau. Nét mới phá nét cũ. Chồng chéo, đè ép ngang ngược lên nhau. Nhiều khi lúc đầu Ann Phong vẽ một con người hẳn hòi, dần dần nét này bôi xóa nét kia, màu này lấn áp màu nọ, đến khi bức tranh hoàn tất, con người phác thảo ban đầu chỉ còn lại một... bàn tay, bàn chân! Qua trận chiến không ngưng nghỉ đó, kết quả sau cùng có khi là chiến thắng vẻ vang, nhưng có lúc lại thất bại não nề.

- Người ta cho rằng đó là điều khổ tâm mà cũng là cái quyến rũ đối với nghệ sĩ. Người kỹ sư, ông chuyên viên, khi thực hiện một đề án, họ biết họ sẽ làm gì, kết quả thế nào. Nghệ sĩ thì không, sáng tác nào với họ cũng là bài toán chưa có lời giải. Một thách đố. Chị có nghĩ như vậy không ?

- Luôn luôn là những thách đố. Cũng đúng thôi. Hội họa là công việc của sáng tạo. Ngoài phần kỹ thuật mà bất cứ họa sĩ nào muốn vẽ tranh cũng phải học - tự học hoặc học chính qui trường lớp, phần còn lại là nội lực, là tư duy, là thế giới rất hỗn mang còn nằm lẩn khuất đâu đó. Họa sĩ, kẻ sáng tạo, bằng nỗ lực và tài năng của mình, mang cái hỗn mang ấy bày lên khung bố, thành cái cụ thể, cái độc đáo, cái trước đó chưa ai từng làm.

- Ám ảnh quá khứ hiển lộ khá nhiều trong sáng tác của văn nghệ sĩ Việt Nam, từ thơ, văn, đến hội họa. Chị có nghĩ ám ảnh ấy, mặt nào đó, giữ chân không cho chúng ta hội nhập nhanh với nhiều trào lưu mới của nhân loại?

- Tùy mỗi họa sĩ, nếu họ chọn một lý thuyết trừu tượng nào đó thì tranh họ đi theo mẫu số chung của nhiều họa sĩ trên thế giới, họ không bị ràng buộc bởi quá khứ hay chủng tộc. Còn nếu họ chọn đề tài trong hoàn cảnh sống của họ thì tranh sẽ phản ảnh một sắc thái riêng biệt của cộng đồng mà các họa sĩ thuộc chủng tộc khác không có. Nói cách khác, cái “ám ảnh quá khứ” như anh nói không phải là nguyên nhân của việc hội nhập được hay không vào những trào lưu mới, mà là tự thân những sáng tác ấy có đủ tầm vóc, trọng lượng để thế giới chấp nhận hay không mà thôi. Không có nền nghệ thuật nào cũ, và nhỏ, cũng không có nền nghệ thuật nào mới, và lớn. Trước kia người ta cho rằng nghệ thuật Âu châu là chân chính, còn nghệ thuật của tất cả những nơi khác đều thấp kém, chưa phát triển. Ðiều này đã bị Picasso gạt bỏ. Dưới mắt Picasso, nghệ thuật của các bộ lạc châu Phi cũng có giá trị ngang hàng với nghệ thuật Pháp thời đó.

- Tôi dùng chữ “ám ảnh quá khứ” không bao quát trong nghĩa rộng như truyền thống, văn hóa, bản sắc chủng tộc..., mà chỉ giới hạn là cuộc chiến Quốc - Cộng hai mươi ba năm trước. Cuộc chiến ấy ngày nay vẫn chưa tàn, cùng các hệ quả của nó. Chị có nghĩ tất cả những vướng mắc đó đang níu chân chúng ta?

- Ðó là một thực tế không thể phủ nhận. Tuy nhiên, theo Ann Phong, tất cả mọi vấn đề liên quan đến con người - con người nói chung, không phân biệt chủng tộc - như chiến tranh, hòa bình, hạnh phúc, khổ đau, tình yêu, thù hận... đều rất cũ, mà cũng rất mới. Người ta đã viết, đã vẽ, đã bằng rất nhiều hình thức, không ngừng đề cập đến, từ hàng trăm hàng nghìn năm trước. Và chắc chắn người ta sẽ còn tiếp tục, cho đến ngày tận thế. Vậy thì, không phải những vấn đề ấy đã cũ, đã nhàm, khiến chúng ta bị vướng víu, không thể bước vào sân chơi chung của nhân loại, trong lãnh vực văn học nghệ thuật. Mà là, chúng ta khai thác, thể hiện chúng như thế nào. Nói cách khác, trong nghệ thuật, nhất là nghệ thuật tạo hình, đề tài chỉ là cái cớ.

- Tương lai, chị có nghĩ sẽ có lúc chị chọn một hình thức biểu hiện khác?

- Ann Phong quan niệm sáng tác là phản ảnh trung thực tâm trạng của cá nhân người nghệ sĩ, nói riêng, và môi trường họ đang sống, nói chung. Có thể sau này tâm tư cũng như môi trường sống sẽ khác đi, thì sáng tác của Ann Phong cũng khác đi. Nhưng chuyện ấy thuộc về tương lai, mà tương lai thì không ai có thể tiên đoán chính xác được, phải không, thưa anh ?

- Chị nghĩ thế nào về sinh hoạt hội họa của người Việt Nam tại Mỹ, nói riêng, tại các quốc gia khác nói chung ?

- Người họa sĩ thành danh là nhờ sáng tác nhiều, có người coi tranh, phê bình tranh, mua tranh, để khuyến khích, tạo điều kiện giúp họa sĩ có thể tiếp tục công việc. Họa sĩ Việt Nam ở đây nói chung chưa hưởng được hạnh phúc này. Vì nhiều lý do, trong đó trở ngại lớn nhất là việc hội nhập của họ khó khăn hơn rất nhiều so với lớp trẻ. Lớp trẻ trưởng thành và được giáo dục tại Mỹ, tại các quốc gia tiên tiến khác, sử dụng ngôn ngữ bản địa thông thạo, và hấp thụ cũng như tiếp thu nhiều yếu tố khác dễ dàng hơn. Do đó, nếu không sống được bằng cây cọ vẽ, họ cũng có thể kiếm ra việc làm khác không khó, để nuôi sống bản thân và gia đình, rồi theo đuổi hội họa bằng thời gian rảnh rỗi còn lại. Nhờ vậy, tranh của họ không bị áo cơm chi phối. Hay nói cách khác, họ tự do hơn trong sáng tác. Họ vẽ cái họ muốn vẽ chứ không phải vẽ cái số đông quần chúng muốn. Một khi thoát được vòng vây của vật chất, thì tay cọ vẽ mạnh bạo hơn, có hồn hơn. Nó là tiếng nói phát xuất từ trái tim và tư duy, chứ không phải xuất phát từ những tờ giấy xanh. Nói tóm lại, chỉ có thể làm nghệ thuật thực sự khi ta không còn bận tâm với những chuyện “đời thường” như tiền tài, danh vọng.
- Chị có những ước mơ, hoài bão nào cho nghề của mình?

- Ước mơ, hoài bão có lẽ không có bao nhiêu. Ann Phong còn cả một đời dài phía trước, và Ann Phong cũng quan niệm rất vừa phải rằng, muốn sống thoải mái, thì càng ít ước mơ càng tốt. Giản dị hơn: hãy cứ tạm bằng lòng thực tại, để vui sống.

- Chị có điều gì muốn nói thêm ?

- Mỗi tháng xin hãy dành chút thì giờ đi xem triển lãm tranh. Nếu tranh khó hiểu thì xin nói chuyện với họa sĩ. Họ sẵn sàng giải thích, thảo luận, và lắng nghe.

- Cám ơn chị, nữ họa sĩ Ann Phong.

KIỀU TOÀN
.
.
.

No comments:

Post a Comment