Wednesday, October 26, 2011

NHÌN TỪ VIỆT NAM về CÁI CHẾT CỦA MỘT THỂ CHẾ ĐỘC TÀI (Phan Văn/Người Việt)



Phan Văn/Người Việt

Cuối cùng thì cuộc cách mạng ở Libya cũng kết thúc, không có luật pháp cho ông Gadhafi bởi suốt những năm tháng toàn trị, chính chế độ của ông Gadhafi đã thủ tiêu công lý trên đất nước giàu đẹp này.

Thế giới tuy không còn ở trong thời kỳ hoang dã hay trung cổ, nhưng chính những thể chế độc tài toàn trị còn sót lại đã tạo ra cách hành xử bất chấp luật pháp, thế nên ở các quốc gia đó, cơn phẫn nộ của nhân dân vượt mọi khung luật pháp là điều khó tránh khỏi.

Từ cái chết của cố lãnh tụ Gaddafi, các cuộc cách mạng còn đang đấu tranh như ở Syria, Yemen... và cả những cuộc cách mạng khác sẽ nổ ra sau này sẽ bước vào thời kỳ thiếu khoan dung!

Trước cái chết thảm của lãnh tụ Gadhafi, nhiều người cho rằng không thể có khoan dung và công lý khi mà tất các các thế hệ lãnh tụ ở các nước độc tài và bộ máy chuyên chế của họ khinh bỉ khoan dung, sống trên công lý.

Nhưng sự thật, thế giới dương đại đã có nhiều tấm gương sáng xứng đáng là mẫu mực bất tử của công lý và khoan dung như ngài Nelson Mandela cựu tổng thống Nam Phi. Các cựu tổng thống ở Ai cập, Tunisia... đã kết thúc sự nghiệp trong sự bảo vệ của luật pháp. Việc họ từ bỏ đúng lúc quyền sống trên luật pháp, quyền đàn áp nhân dân, nên dù quá khứ của họ không xứng đáng nhưng công lý và lòng vị tha vẫn dành cho họ.

Ở khu vực Ðông Nam Á, những thay đổi từ giới cầm quyền ở Myanma là đáng kinh ngạc. Tuy không quên hình ảnh làn đạn độc tài quân sự nước này bắn thẳng vào các cuộc biểu tình của giới nhà sư và lương dân. Nhưng không thể không ghi nhận việc giới cầm quyền quân sự chấp nhận bầu cử tự do, thả tù chính trị. Nhiều người tin rằng vì có nền tảng Phật giáo sâu nên giới cầm quyền quân sự ở nước này có hành động giác ngộ: Buông dao thành Phật.

Từ góc nhìn khác, người ta hiểu rằng chính những cuộc cách mạng gần đây ở Bắc Phi, Trung Ðông... đã tạo ra hiệu lệnh thay đổi không chỉ từ những quốc gia không được sống trong thể chế dân chủ mà cả những quốc gia có thể chế dân chủ vững chắc cũng phải thay đổi. Ở các nước dân chủ phát triển, hiệu lệnh từ phong trào: Chiếm phố Wall được coi như màn khởi động của một cuộc cách mạng xã hội khác.

Nhưng cũng chính ở thời điểm này, ở Trung Quốc, Cu ba, Bắc Triều Tiên, Việt Nam, giới cầm quyền chuyên chế lại tin hơn lúc nào hết vào hệ thống toàn trị của họ. Trung Quốc không có công lý cho những nạn nhân từ phong trào dân chủ ở Thiên An Môn. Cựu Chủ Tịch Trung Quốc Ðặng Tiểu Bình và những nhân vật trong Bộ Chính Trị cùng thời được biết đến như những tổng công trình sư phát triển thần kỳ của Trung Quốc, dẫu vậy, miếng ăn ngon và sự giàu có mà những thế hệ hôm nay ở Trung Quốc đang thụ hưởng không có nghĩa là công lý và khoan dung.

Có thể các thế hệ sau trưởng thành ở các quốc gia Cu Ba, Bắc Triều Tiên, Việt Nam ít nhớ đến những đau khổ của những người đi trước, nhưng bề dầy thời gian mà các chính thể chuyên chế lợi dụng cũng không thể xóa ánh sáng công lý cho tất cả những nhà đấu tranh dân chủ và quyền con người.

Nếu công lý và lòng khoan dung từ giới cầm quyền chuyên chế chỉ đứng hàng thứ thấp nhất trong các bậc thang giá trị của các chính thể toàn trị thì không khó có thể dự đoán những kết cục bi thảm cho những kẻ đàn áp tàn bạo các cuộc đấu tranh của nhân dân.

Qua bài học từ các cuộc cách mạng dân chủ ở Bắc Phi, Trung Ðông cùng những đổi thay trong hòa bình ở Myama, nhu cầu về một cuộc cách mạnh dân chủ trong ôn hòa ở Việt Nam càng cấp bách hơn lúc nào hết.

Không tôn vinh giá trị tuyệt đối quyền con người, không có thể chế dân chủ vững chắc thì công lý và sự khoan dung sẽ chắc chắn bị đẩy lùi nhường chỗ lối hành xử bản năng. Dân tộc Việt Nam luôn tôn trọng công lý và giàu lòng khoan dung, giá trị đó đủ làm lành mọi vết thương và nâng tổ quốc đến thời kỳ văn minh nhân quyền.
.
.
.

No comments:

Post a Comment