Saturday, October 1, 2011

NHÂN QUYỀN TRONG QUAN HỆ VIỆT - MỸ (RFA)



RFA
01.10.2011

Ngoại giao - Nhân quyền trở thành đề tài gây nhiều chú ý cho dư luận qua chuyến đi Mỹ lần đầu tiên của Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh.
Đặt chân đến New York đầu tuần này trong tư cách đại diện cho Việt Nam tham dự khóa họp thường niên của Đại hội đồng LHQ, ông Phạm Bình Minh một mặt tìm cách thúc đẩy các quan hệ song phương với Hoa Kỳ, một mặt phải giải thích với công luận quốc tế về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam.

Mỹ - rất quan trọng

Về ngoại giao, bên cạnh các hoạt động trong khuôn khổ khóa họp của Đại hội đồng LHQ, ông Phạm Bình Minh cũng đã có các cuộc gặp gỡ bên lề hội nghị với các đối tác, trong đó đáng chú ý nhất là cuộc nói chuyện với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton.
Theo các nguồn tin chính thức, nhân dịp này Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đã hối thúc Việt Nam tôn trọng các quyền tự do căn bản của người dân.

Một giới chức cao cấp của bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho báo chí biết là bà Clinton đã nhấn mạnh với ông Phạm Bình Minh về tầm quan trọng của tự do tôn giáo và nhân quyền tại Việt Nam, trong mối giao hảo giữa hai nước.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết hai Ngoại trưởng Mỹ - Việt cũng thảo luận về một loạt các vấn đề khác như cuộc tranh chấp với Trung Quốc tại Biển Ðông, cùng các chương trình trợ giúp của Mỹ cho Việt Nam như tẩy độc chất da cam, phòng chống HIV/AIDS, gia tăng hợp tác về giáo dục, văn hóa, khoa học, y tế, v.v…

Là con trai của cố ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch – một nhà ngoại giao kỳ cựu được cho là đã góp công rất lớn trong việc hàn gắn giữa hai nước cựu thù Việt Nam – Hoa Kỳ những năm đầu thập niên 90, ông Phạm Bình Minh được phía Mỹ đặt nhiều kỳ vọng trong việc tiếp tục thúc đẩy các quan hệ song phương, trong bối cảnh Hoa Kỳ đang mở rộng sự hiện diện trong khu vực Á Châu – Thái Bình Dương.

Chuyến đi Mỹ lần đầu tiên của ông Phạm Bình Minh trong tư cách Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam còn được đánh dấu bằng sự kiện Việt Nam mở thêm một Lãnh sự quán ở New York.
Đây là cơ quan đại diện ngoại giao thứ tư của Việt Nam tại Hoa Kỳ, sau Tòa đại sứ ở thủ đô Washignton DC và hai Tổng lãnh sự ở các thành phố San Francisco bang California và Houston, Texas.
Ở chiều ngược lại, phía Mỹ cũng khai trương Trung tâm Hoa Kỳ tại thành phố Hồ Chí Minh, như là một địa điểm để các nhà ngoại giao Mỹ có cơ hội tiếp xúc, gặp gỡ với người dân Việt Nam.
Phát biểu trong dịp này, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam David Shear nói rằng Trung Tâm sẽ là nơi tạo ra các cơ hội trao đổi, tăng cường sự hiểu biết, đưa hai đất nước Hoa Kỳ và Việt Nam tới gần nhau hơn bằng cách phát triển các mối quan hệ trực tiếp giữa con người với con người.
Trung tâm Hoa Kỳ tại Việt Nam cũng được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy các quan hệ giao lưu về văn hóa, giáo dục, y tế, nhân đạo… giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.

VN - bảo đảm tự do căn bản của người dân

Về Nhân quyền, trong phát biểu trước Hội đồng Quan hệ Đối ngoại của LHQ ở New York hôm thứ Ba, Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam bảo đảm các quyền tự do căn bản của người dân.
Trả lời các câu hỏi chất vấn về thực trạng công an Việt Nam thường xuyên sách nhiễu, bắt bớ các tiếng nói đối kháng trong nước, ông Phạm Bình Minh cho rằng trong một số trường hợp, cơ quan an ninh vẫn phải sử dụng một vài biện pháp cần thiết để ổn định tình hình.
"Như quý vị đều biết, Việt Nam tham gia vào hầu hết các công ước quốc tế về quyền con người, cũng giống Hoa Kỳ… cả quyền chính trị và kinh tế đều bao gồm trong hiến pháp Việt Nam. Nếu đề cập đến một vài cá nhân thì đúng là cũng giống như nhiều nước, bất cứ ai vi phạm hiến pháp, luật pháp thì họ phải bị xử lý, chịu án tù.
Tôi nhớ gần đây chúng tôi có đối thoại với Anh, họ có nói đến việc chúng tôi control các cuộc biểu tình, nhưng hãy nhìn vào nước Anh vài tuần hay vài tháng trước, chính họ cũng đã thông qua một luật hay quy định để control các vụ đốt phá tại London. Cho nên nếu bạn có vấn đề về an ninh thì bạn phải có biện pháp, cho nên đó là bình thường, nhưng chúng tôi tôn trọng nhân quyền trên mọi khía cạnh vì chúng tôi là thành viên của công ước quốc tế về nhân quyền.”
Về tôn giáo, mà đặc biệt là vụ trấn áp tại giáo sứ Cồn Dầu ở Đà Nẵng hồi tháng 5/2010, ngoại trưởng Việt Nam cho rằng đây thực chất là những xung đột do tranh chấp đất đai chứ chính phủ Việt Nam không có chủ trương đàn áp tôn giáo.

Quan ngại của giới lập pháp Hoa Kỳ

Cũng liên quan đến vấn đề nhân quyền và mối bang giao Mỹ - Việt, mới đây một nhóm các nhà lập pháp Hoa Kỳ đã cùng ký tên vào một bức thư chung gửi Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông David Shear, để bày tỏ quan ngại về vấn đề tự do nhân quyền tại Việt Nam.
Bức thư do Nữ Dân biểu của Loretta Sanchez chủ xướng, với chữ ký của 14 dân biểu Hạ viện Hoa Kỳ, viết rằng vị đại sứ nhận trách nhiệm trong một thời kỳ quan trọng trong mối quan hệ Mỹ-Việt, vào lúc Việt Nam mong muốn phát triển thêm mối quan hệ ấy.
Các nhà lập pháp Mỹ cho rằng đại sứ David Shear có cơ hội tốt để tăng tiến quan hệ song phương với nhân dân Việt Nam, không gì bằng tranh thủ thêm tự do nhân quyền cho người dân Việt Nam.

Trả lời phỏng vấn Việt Long của Đài Á Châu Tự Do, bà Loretta Sanchez trình bày nhiều khía cạnh xung quanh lá thư này:
"Tôi viết lá thư và cùng ký với 13 vị dân biểu để gửi cho đại sứ David Shear vào lúc ông sắp lên đường trở lại nhiệm sở tại Hà Nội, hôm thứ hai. Bức thư đề cập tới những vấn đề chúng tôi cho là quan trọng nhất mà ông nên lưu ý và làm việc.
Trong đó, thứ nhất là quyền tự do về internet. Chúng tôi rất quan ngại sau khi Hà Nội ra pháp lệnh ngăn cấm người dân trao đổi và tìm hiểu thông tin với thế giới bên ngoài.
Qua cuộc cách mạng mùa xuân ở Á Rập thì chúng ta thấy được mọi diễn tiến nhờ những thông tin mới qua internet và những phương tiện như twitter; những phương tiện như vậy cũng rất quan trọng đối với người dân Việt Nam, họ cần tiếp tục được sử dụng chúng.
Vấn đề quan trọng thứ hai là những người tù chính trị vẫn tiếp tục bị giam nhốt. Chúng tôi cần Việt Nam phóng thích họ, và phải vận động cho sự phóng thích đó.
Giới dân cử Mỹ tin rằng những người ấy bị giam cầm do những điều khoản sai trái trong hiến pháp, luật pháp Việt Nam, nên chúng tôi kêu gọi ông Đại sứ thúc giục chính quyền Cộng Sản thay đổi những điều khoản như điều 79, điều 88 cùng một số điều luật cùng loại...
Đó chỉ là một số trong những vấn đề được trình bày với Đại sứ Shear, và chúng tôi hy vọng ông sẽ làm việc cùng chúng tôi để cố gắng thúc đẩy chính phủ Hà Nội cho người dân của họ được thêm tự do."

Cũng trong cuộc phỏng vấn này, với tư cách là thành viên của Ủy ban quân vụ và Tiểu ban Lực lượng chiến lược của Hạ viện Hoa Kỳ, bà Sanchez cho rằng Việt Nam cần sự trợ giúp quân sự của Mỹ để đối phó với tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông, và mối quan hệ này sẽ là đòn bẩy cho vấn đề tự do nhân quyền tại Việt Nam.


Theo dòng thời sự:


Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.

.
.
.

No comments:

Post a Comment