Monday, October 3, 2011

LUẬT BIỂU TÌNH - MỪNG HAY LO ? (Khánh An, RFA)


Khánh An, phóng viên RFA
2011-10-01

Như quý vị đã theo dõi trong chương trình phát thanh trước ý kiến của Luật gia Lê Hiếu Đằng, Nguyên Phó Chủ tịch UBMT Tổ quốc TPHCM về việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu xây dựng luật biểu tình.
Thế còn ý kiến của những người đã từng tham gia biểu tình gần đây để phản đối Trung Quốc xâm lấn thì thế nào? Họ có vui mừng trước sự kiện này không? Và câu hỏi đặt ra cũng như mong muốn của họ như thế nào về bộ luật tương lai có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của họ?
Khánh An tiếp tục trình bày vấn đề trong phần sau:

Tại sao do Bộ Công an soạn?
Thắc mắc lớn nhất của những người đã từng tham gia biểu tình chống Trung Quốc gần đây là tại sao Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại giao cho Bộ Công An soạn thảo Luật biểu tình, thay vì theo trình tự thông thường là từ phía Bộ Tư Pháp đưa lên.

Chị Bùi Thị Minh Hằng, người từng bị bắt giữ 3 ngày vì tham gia biểu tình chống Trung Quốc vào hôm 21/8, cho biết cảm nghĩ của mình:
"Từ xưa đến nay, những cái luật đưa ra là do bên Tư pháp phụ trách. Bây giờ lại đến thời kỳ giao cho Bộ Công an thì có lẽ là, những gì mà Bộ Công an đã làm trong thời gian qua đối với người biểu tình, có lẽ nói về hình ảnh thì là hình ảnh của cái còng số 8.
Nhưng mà bọn chị vẫn chờ đợi một cái luật là nếu như đi biểu tình sẽ bị bắn, ví dụ như thế, thì không ai đi nữa cả vì chả ai muốn mình bị bắn cả; hay là biểu tình thì bị bắt, hay là phải xin phép như thế nào đó… Nói chung, người dân bây giờ họ chờ đợi.”

Cũng trong tâm trạng chờ đợi, nghe ngóng và theo dõi tin tức liên quan đến việc soạn thảo, ban hành Luật biểu tình sắp tới, TS. Nguyễn Xuân Diện, người đã tham gia và đưa tin về các đợt biểu tình vừa qua, cho rằng yêu cầu xây dựng Luật biểu tình của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là một bước đầu đáng hoan nghênh, mặc dù còn quá sớm để đưa ra lời bình luận về việc soạn thảo cũng như những quy định luật.
“Tôi chưa thể nói gì vào lúc này bởi vì tôi chỉ biết là đã khởi lên một ý nghĩ tốt, thế nhưng còn những việc về sau thì còn phải chờ đợi các thông tin tiếp theo. Chứ còn hiện nay thì chúng tôi chỉ biết là đã khởi lên một ý nghĩ là ra Luật Biểu tình để cụ thể hóa điều 69 của Hiến pháp thì là một điều đáng hoan nghênh.”

Trong khi đó, Bảo, một thành viên khá năng động trong một số cuộc biểu tình ở Sài Gòn, thì tỏ ra khá thất vọng và bi quan khi nghe tin Bộ Công An được giao nhiệm vụ soạn thảo Luật biểu tình. Anh nói:
“Mang tiếng là Luật biểu tình nhưng thật ra là tạo lý lẽ mới để đàn áp biểu tình thôi chứ chẳng phải luật gì, mà lại giao cho Bộ Công an làm nữa thì thật ra trong nguyên tắc làm này đã sai rồi.”

Hay là cấm biểu tình?
Mối e ngại và bi quan của Bảo cũng là tâm trạng của không ít người đã từng tham gia biểu tình trước đây. Nhiều người chia sẻ trên các trang mạng xã hội về mối lo ngại của họ rằng Luật biểu tình sẽ bao gồm hàng loạt các quy định trói buộc khiến cho người biểu tình không còn mong muốn hoặc không thể thực hiện được mong muốn biểu tình.
Bảo chia sẻ tiếp:
“Vấn đề giống như đòi hỏi người biểu tình là phải đăng ký trước 21 ngày và người ta sẽ dò hỏi lý do này kia thì biểu tình là một cái bộc phát, người ta cảm thấy khi nào người ta cần phải lên tiếng thì người ta bộc phát lên tiếng, mà chờ đủ 21 ngày hỏi lý do biểu tình thì nó hoàn toàn (làm) nhụt hết chí của những người muốn biểu tình rồi.”

Mối quan ngại của những người đã từng tham gia biểu tình không phải là không có cơ sở. Trong quá khứ, đã từng có những bộ luật đưa ra mà sau đó người dân không thể hoàn toàn tự do thể hiện nguyện vọng của mình trong khuôn khổ các quy định của luật. Luật sư Trần Đình Triển xác nhận điều này:
“Luật biểu tình đó phải thể hiện quyền dân chủ và tự do của người dân. Nếu không mà đưa ra những quy định luật quản lý một cách quá ngặt nghèo thì lại trở thành đạo luật cấm biểu tình.
Tôi lấy ví dụ quyền tự do báo chí. Tôi muốn trả lời phỏng vấn hay muốn họp báo chẳng hạn, thì phải xin phép cơ quan quản lý nhà nước thì mới được tổ chức cuộc họp. Hay ví dụ như luật đình công chẳng hạn, phải thông qua tổ chức công đoàn, nguời ta cho phép thì khi đấy cuộc đình công của người lao động mới hợp pháp.
Như vậy vô hình chung là không bao giờ có chuyện đình công và chuyện họp báo đó cũng chỉ có ý tưởng phù hợp với cơ quan quản lý nhà nước thì mới tổ chức được cuộc họp báo đó.”

Chính vì những kinh nghiệm thực tế như trên mà hầu hết những người biểu tình đều bày tỏ một nguyện vọng là Luật biểu tình trong tương lai sẽ phát huy chứ không hạn chế quyền tự do, dân chủ của người dân. Chị Minh Hằng chia sẻ:
“Mong đợi của chị cũng như tất cả những người dân là đất nước có tôn ti trật tự. Hiến pháp và pháp luật là những cái lập ra để thành lập một quốc gia có trật tự. Thế thì những gì mà các nhà lãnh đạo tuyên bố thì chị nghĩ rằng nằm trong cố gắng đó, họ sẽ phải làm thôi, mà họ làm làm sao mà phải hợp lòng dân. Còn nếu không hợp lòng dân thì có lẽ những luật pháp, hiến pháp đó chỉ dành riêng phục vụ cho Bộ Chính Trị và Đảng thôi.”

Với tư cách là một luật sư, LS. Trần Đình Triển cho rằng việc xây dựng luật ở Việt Nam hiện nay cần phải kết hợp hài hòa giữa tình hình thực tiễn, điều kiện của Việt Nam và những quy định luật pháp quốc tế điển hình để có được một đạo luật phù hợp nhất.


Theo dòng thời sự:

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.

----------------------

Quốc Phương
BBC Việt ngữ
Cập nhật: 15:39 GMT - thứ sáu, 30 tháng 9, 2011

Một chuyên gia về luật học trong nước vừa lên tiếng với BBC, bình luận về sáng kiến lập pháp của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam giao cho Bộ Công an chuẩn bị Dự luật về Biểu tình.
Theo Giáo sư Nguyễn Đăng Dung, Chủ nhiệm Bộ môn Luật Hiến Pháp, thuộc Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, việc Thủ tướng Chính phủ đề xuất luật với Quốc hội là hợp hiến.

Các bài liên quan

Nhưng ông cũng lưu ý, theo điều 87 của Hiến pháp Việt Nam, nhiều chủ thể khác cũng có quyền trình dự án luật hoặc trình kiến nghị về dự luật và dự án luật ra Quốc hội, như "đại biểu quốc hội, chính phủ, thành viên Mặt trận Tổ Quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội lớn thành viên của Mặt trận."
Giáo sư Dung giải thích thêm các đoàn thể lớn đó phải thuộc tầm cỡ "công - nông - thanh - phụ" hay có thể hiểu là các hội đoàn công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ ở cấp trung ương v.v...

'Thông lệ quốc tế'
Giáo sư nhận xét việc hành pháp đứng ra chuẩn bị một dự luật như "Luật Biểu tình" là hợp với thông lệ quốc tế, nhưng ông giải thích thêm:
"Về nguyên tắc, tùy từng nước, nhưng về cơ bản, có thể giao cho bên hành pháp. Hành pháp giao cho bên Bộ nào, thì Bộ đó làm."
Trước câu hỏi vì sao Chính phủ lại giao Luật Biểu tình cho Bộ Công An làm, liệu có thể giao cho bộ khác hoặc giao cho một nhóm bộ, trong đó có bộ này triển khai xây dựng dự luật được không, Giáo sư Dung cho hay:
"Bên hành pháp, người ta muốn đưa cho ai thì đưa. Nguyên tắc là ai làm quản lý thì sẽ trình dự án theo phương án quản lý của người đó."

Tuy nhiên, chuyên gia luật hiến pháp cũng lưu ý về nhược điểm của phương án giao cho bên hành pháp soạn luật này và bình luận về cách thức xử lý:
"Đấy cũng là một cái dở. Đây cũng là thông lệ quốc tế, nhưng có điều là Bộ nào quản lý thì bao giờ cũng đưa quyền lợi của Bộ đó vào. Cái đó là nguyên tắc,"
"Nhưng thay vì như thế, người Đại biểu Quốc hội phải có trách nhiệm gạt bỏ, tìm ra những quyền lợi của Bộ để gạt đi, để lấy quyền lợi của nhân dân."
"Đó mới chính là trách nhiệm của người Đại biểu Quốc hội. Nó như kiểu một người trình dự án và một người phản biện."

'Làm lại luật'
Nhà nghiên cứu lập pháp từ Đại học Quốc gia Hà Nội cũng cho hay trong trường hợp một luật hay một bộ luật bất kỳ được lập "không hợp lý", hay thậm chí "sai hoàn toàn" ở một khóa hay nhiệm kỳ Quốc hội, thì sau đó đều có thể có phương án thay hoàn toàn, hoặc sửa chữa:
"Có thể thay đổi được tức là làm luật lại hay là thay đổi luật đang hiện hành," Giáo sư Nguyễn Đăng Dung nói với BBC Việt ngữ.
Được biết, Điều 87 Hiến pháp Việt Nam quy định Chủ tịch nước, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội, Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận có quyền trình dự án luật ra trước Quốc hội.
Ngoài ra, Đại biểu Quốc hội có quyền trình kiến nghị về luật và dự án luật ra trước Quốc hội.
Thủ tục trình Quốc hội dự án luật, kiến nghị về luật "do luật định".


.
.
.

No comments:

Post a Comment