Tuesday, October 25, 2011

HỒ CHÍ MINH VÀ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI



Posted on Tháng Năm 16, 2011 by hoalaivn

Khi bàn về cái gọi là “Tư tưởng Hồ Chí Minh” (TTHCM) đa số tác giả thường đề cập đến các khía cạnh chính trị nhưng ít ai đã động tới khía cạnh kinh tế của nó. Mặt khác, các tác giả nầy cũng bàn chủ yếu về hoạt động của ông Hồ Chí Minh trước năm 1958, tức là trước khi giai đoạn “cách mạng xã hội chủ nghĩa” bắt đầu. Trong bài tham luận này, chúng tôi sẽ bàn về cả hai khía cạnh chính trị và kinh tế của “TTHCM” (1) và chủ yếu là những khía cạnh liên quan trực tiếp đến quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội (XHCN) theo kiểu Mác Lê ở Việt Nam, bắt đầu từ 1958.


Trong phần kết luận, chúng tôi bác bỏ luận điệu của ÐCS viện lý “TTHCM” để hỗ trợ cho chính sách “đổi mới” hiện nay.

Theo gương ÐCS Trung Quốc đã đề cao “Tư tưởng Mao Trạch Ðông” Ðảng Cộng Sản Việt Nam (ÐCSVN) cũng bắt đầu từ năm 1991 trở đi, đề cao một cách giả tạo cái gọi là “TTHCM” tại Ðại hội 7 của họ (tháng 6/91) để có chút ít bản sắc dân tộc sau khi chủ nghĩa Mác Lê đã thất bại với sự sụp đổ của khối Liên Xô – Ðông Âu. Giả tạo là vì chính ông Hồ cũng đã từng nói: “Tôi không có tư tưởng gì ngoài tư tưởng chủ nghĩa Mác – Lê cả” (2). Dưới đây chúng tôi sẽ lần lượt phân tích khía cạnh chính trị và kinh tế của “TTHCM.”

1. Khía cạnh chính trị của “TTHCM”

Về vấn đề này thì có lẽ cần nhắc lại trước tiên là trong Báo cáo chính trị đọc tại Ðại hội 2 của Ðảng Lao Ðộng Việt Nam (tiền bối của ÐCSVN) hồi tháng 2/1951 trong kháng chiến, ông Hồ đã hết sức ca ngợi và đề cao cả Stalin lẫn Mao.

Quan điểm của Stalin mà ông Hồ rất tâm đắc là: “ÐCS là công cụ của chuyên chính vô sản”, và “chuyên chính vô sản về thực chất được thay thế bởi chuyên chính của ÐCS”; hơn nữa, trong thực tế, chuyên chính của ÐCS có nghĩa là chuyên chính của một người: Stalin (3). Boris Souvarine đã từng cho rằng ông Hồ là “một đồ đệ tuyệt trần của Stalin”(4).

Về ảnh hưởng của Mao đối với ông Hồ thì chúng tôi chỉ muốn trích dẫn ở đây câu nói điển hình trong Báo cáo chính trị mà ông Hồ đã đọc tại Ðại hội 2 (tháng 2/51) vừa nhắc lại ở trên: “Cách mạng Việt Nam phải học … nhiều kinh nghiệm của cách mạng Trung Quốc. Kinh nghiệm [này] và tư tưởng Mao Trạch Ðông đã giúp cho chúng tôi hiểu thấu đáo hơn học thuyết của Mác _ Ănghen – Lênin – Stalin. Những người cách mạng Việt Nam phải luôn luôn ghi nhớ và biết ơn Mao Trạch Ðông về sự cống hiến to lớn đó”(5). Và cũng tại Ðại hội 2 này, ông Hồ đã tuyên bố: “Ai đó có thể sai, chứ đồng chí Stalin và đồng chí Mao Trạch Ðông thì không thể nào sai được”!!!(6). Một sự sùng bái đến độ mù quáng đến thế là cùng!

Theo Phạm Văn Ðồng, “TTHCM” bao gồm 5 yếu tố chủ yếu sau đây: Chủ nghĩa Mác Lê (CNML); sự lãnh đạo tuyệt đối của ÐCS; chuyên chính vô sản (CCVS); con đường đi lên XHCN; và tinh thần quốc tế vô sản (7).

Các yếu tố này đã được nhiều người cả trong lẫn ngoài nước- phân tích rồi. Ở đây chúng tôi chỉ muốn nêu lên một vài khía cạnh mà thôi.

Có một số Việt kiều cho rằng ÐCSVN hiện nay cố ý nêu bật “TTHCM” là vì họ muốn thay thế chủ nghĩa Mác Lê đã lỗi thời bằng “TTHCM”, nhằm lừa phỉnh nhân dân dễ dàng hơn bởi vì nó còn có ít nhiều bản sắc dân tộc. Ðiều này không hoàn toàn đúng bởi vì chính cơ sở ý thức hệ của ông Hồ là chủ nghĩa Mác-Lê, và ông Hồ vẫn coi nó là “học thuyết đúng đắn nhất, cách mạng nhất,” là “kim chỉ nam cho hành động” kia mà (có lẽ cũng cần nhắc lại ở đây: cụm từ CNML là do chính Stalin sáng tạo ra hồi năm 1938). ÐCSVN thường hay khẳng định rằng “TTHCM” là “một sự vận dụng và phát triển sáng tạo của CNML vào điều kiện cụ thể của nước ta,” nhưng trong thực tế thì họ chỉ có rập khuôn một cách máy móc kinh nghiệm của Liên Xô và Trung Quốc mà không tính đến hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, do đó đã gây ra nhiều hậu quả vô cùng tai hại cho nhân dân (như cải cách ruộng đất, cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với công, thương nghiệp tư doanh v.v… theo kiểu Mao chẳng hạn).

Về sự lãnh đạo tuyệt đối của ÐCS trong cách mạng Việt Nam thì chủ trương của ông Hồ, từ lúc đầu, là thủ tiêu bất cứ ai muốn cạnh tranh giành sự lãnh đạo đó. Ông Hồ đã từng tuyên bố: “Ðảng ta không những đã giành được quyền lãnh đạo cách mạng trong cả nước, mà còn đập tan được mọi âm mưu của giai cấp tư sản hòng tranh quyền lãnh đạo cách mạng với Ðảng ta”(8). Do đó, sau khi nắm chính quyền, Việt Minh (tức là ÐCS) đã tiêu diệt không những các đảng quốc gia(9) mà còn thủ tiêu các lãnh tụ troskit Việt Nam (như Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Phan Văn Chánh v.v…) mà ông Hồ gọi là “đàn chó troskít” và đã từng buộc cho họ tội “phản bội, gián điệp, tay sai đế quốc”, “những kẻ đầu trâu mặt ngựa”, “kẻ thù của nền dân chủ và tiến bộ”, “bọn phản bội và mật thám tồi tệ nhất”(10). Có lẽ cần nhắc lại đây câu nói nổi tiếng của ông Hồ trong một cuộc đàm thoại với Daniel Guérin, một nhà báo Pháp: Khi bình luận về cái chết của Tạ Thu Thâu, cựu cố vấn tros-kít của Hội đồng thành phố Sài Gòn, ông Hồ tuyên bố: “Ông ấy là một người yêu nước vĩ đại, và tôi thương xót (?) ông ấy”; nhưng liền sau đó, với một giọng rất cứng rắn, ông Hồ nói tiếp: “[Nhưng] tất cả những ai không theo đường lối của tôi đều sẽ bị bẻ gãy [tức là bị thủ tiêu-VNT]“(11).

Dưới thời đại ông Hồ, ÐCS thường nêu lên khẩu hiệu “Ðảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Dân làm chủ”. Ai cũng thấy khẩu hiệu này là vừa mâu thuẫn vừa khôi hài, nhưng chẳng ai dám nói ra. Mâu thuẫn là vì: tại sao nhân dân làm chủ mà lại phải chịu sự lãnh đạo của đảng, thông qua sự quản lý (thực tế là cai trị) của nhà nước (do đảng dựng lên); như vậy là người dân ở trong tình cảnh một cổ hai tròng! Còn khôi hài là vì, về lý thuyết thì ÐCS nói một cách hoa mỹ và mỵ dân là dân làm chủ nhưng trong thực tế ai cũng thấy rõ là đảng làm chủ dân!

Nhà sử học và đảng viên Nguyễn Kiến Giang đã nhận xét như sau “… sự độc quyền lãnh đạo của đảng … được thực hiện thành sự thống trị tuyệt đối của đảng trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, thậm chí … cả đời sống cá nhân…; đảng có quyền quyết định tất cả…; và mọi người dân chỉ còn được phép nghĩ theo, nói theo và làm theo những quyết định của đảng, có khi chỉ là một cấp lãnh đạo, thậm chí một cá nhân lãnh đạo nào đó”. (12)

Ông Hồ còn nhấn mạnh là trong lối sinh hoạt của đảng (và nhà nước) thì nhất thiết phải dựa trên nguyên tắc tổ chức cơ bản là “tập trung dân chủ” (democratic centralism) (13). Ðấy là về lý thuyết chớ trong thực tế thì ai cũng biết chỉ có tập trung chớ không có dân chủ. Có người còn nói: “tập trung là căn bản, còn dân chủ chỉ là hình thức; nguyên tắc này bảo đảm sự tồn tại mãi mãi của một kẻ độc tài hay một nhóm độc tài toàn quyền thao túng công việc của đảng và nhà nước, độc tôn thống trị xã hội.” (14) Ðáng lẽ phải gọi nguyên tắc tổ chức này là “tập trung chuyên chính” (dictatorial centralism) thì đúng hơn!
Về vấn đề “chuyên chính vô sản” (CCVS) thì ông Hồ đã áp dụng triệt để khái niệm này của C.Mác, Lê-nin, và Stalin.

Ông Hồ đã từng nói: “Dân chủ cần phải có chuyên chính” (15) đúng theo định nghĩa của chuyên chính vô sản mà ÐCS nào cũng dạy cho đảng viên trong các lớp vỡ lòng. Dân chủ nói ở đây là phải hiểu theo định nghĩa của Lê-nin. “Chế độ dân chủ là một hình thức của nhà nước mà bản chất của nó là sự sử dụng một cách có tổ chức và có hệ thống sự cưỡng bức [coercion]… [đối với người dân]“(16). Cũng theo Lê-nin, nhân dân (phải hiểu ngầm là nhân dân lao động mà thôi) được quyền bày tỏ ý kiến của mình, miễn là trong khuôn khổ của đường lối, chính sách mà đảng đã vạch ra, chớ không thể đặt lại vấn đề. Về đường lối đó; nếu nhân dân ngoan ngoãn như vậy thì không có lý do gì mà sợ bị đàn áp (đó là dân chủ), còn nếu chống lại đường lối của đảng thì sẽ bị đàn áp ngay (đó là chuyên chính). Về lý thuyết thì đảng nói chỉ có chuyên chính với kẻ thù giai cấp, nhưng trong thực tế thì, theo nhận xét của anh Lữ Phương, một thiểu số cầm quyền (tập đoàn lãnh đạo ÐCS) đã thực hiện một sự chuyên chính nhằm “thống trị đại đa số dân cư: Không phải chỉ đối với đế quốc, tư sản phản động mà còn đối với cả nhân dân lao động, trong đó có cả giai cấp vô sản và những đảng viên bình thường nữa”(17). Như vậy là trong thực tế cái gọi là CCVS đã trở thành chuyên chính với giai cấp vô sản, chuyên chính với nhân dân. Một ví dụ: dưới thời đại ông Hồ có một quyết định của Bộ chính trị đã được “chính quyền hóa” bằng một nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội số 49/NQ/TVQH do Trường Chinh ký ngày 20/6/61 nó cho phép chính phủ bắt giam công dân vào trại tập trung được gọi là “trại cải tạo” mà không cần có tòa án xét xử ở khắp miền Bắc trong thời hạn ba năm; và khi hết hạn đó thì chính quyền có thể gia hạn và cứ thế kéo dài vô thời hạn.
Trong số nạn nhân đó không những có người thuộc đảng phái chống đối, sĩ quan và công chức “cũ” đã chịu quy phục chính quyền mới mà còn có những trí thức, nhà văn, nhà báo, giáo sư đã từng tham gia kháng chiến chống Pháp, cán bộ, đảng viên, quân nhân bất đồng ý kiến với chính sách của đảng. Hàng chục vạn người bị tù đày hầu như vô thời hạn; vợ con bị phân biệt đối xử tàn tệ; tình cảnh họ thật là bi đát. Bao nhiêu người khốn khổ đã phải bỏ mình ở các “trại cải tạo” này (18). Than ôi, nghị quyết 49 này lại được lập lại một lần nữa 36 năm sau, với một quy mô rộng lớn hơn, dưới tên gọi là nghị định 31/CP do ông Võ Văn Kiệt ký ngày 14/4/97. Cái CCVS mà ông Hồ chủ trương đã gây ra nhiều tội ác, và như nhà lão thành cách mạng quá cố Nguyễn Văn Trấn đã nói: “Tội ác chế độ này, từ 40 năm nay, thật nói không hết” (tác giả nhấn mạnh -VNT) (19).

Ðể hình dung được phần nào sự chuyên chính của ÐCSVN, thông qua bộ máy đàn áp khốc liệt của nhà nước, dưới thời đại ông Hồ và sau đó nữa, chúng tôi xin trích dẫn nhận xét sau đây của Thành Tín (bút danh của Bùi Tín, cựu phó Tổng biên tập báo Nhân Dân): “Ðó là một bộ máy đàn áp rộng lớn và tinh vi theo kiểu KGB lộng hành, bất chấp luật pháp và dư luận, chà đạp quyền tự do của công dân, khống chế con người và xã hội, tạo nên nỗi sợ thường trực và dai dẳng [cho nhân dân]…”(20)

Theo nhà văn nổi tiếng và rất dũng cảm Dương Thu Hương thì chế độ cộng sản ở miền Bắc là một chế độ “phong kiến và công an trị” (21) và bà này cho rằng chuyên chính vô sản và nguyên tắc tập trung dân chủ đã biến chế độ Hà Nội thành một chế độ “lạc hậu và man rợ” và “thiếu dân chủ” (22). Còn anh Nguyễn Chí Thiện, một nhà thơ và nhà văn đã từng bị cầm tù trong 27 năm trời, thì nhận xét chế độ Hà Nội như sau: “Ðảng là một tổ chức siêu phát-xít, cực kỳ hung hiểm”; “… họ đương xây một con đường lên cái chân trời Cộng sản mù mịt đó bằng thây người, bằng nước mắt, mồ hôi, rớt dải, cơ hàn, chiến tranh, lao tù, gian dối, thủ đoạn tàn bạo, bằng ngu tối, vô luân, vô sỉ, bằng nô lệ, kềm kẹp, bằng hủy diệt tất cả những gì mang tính người…” (23).

Jean Lacouture, một ký giả Pháp, thì cho rằng chế độ miền Bắc dưới sự thống trị của ông Hồ là “tàn nhẫn,” “hung tợn,” “có nhiều khía cạnh toàn trị”(24). Còn Olivier Todd, một nhà văn và nhà báo Pháp khác thì cho rằng ông Hồ “đã thiết lập một trong những quốc gia Stali-nít nhất trên thế giới” (25).

Yếu tố thứ tư mà ÐCSVN coi là “cốt lõi” của “TTHCM” là “con đường tiến lên CNXH” ở Việt Nam. Sao chép lại một cách máy móc học thuyết “cách mạng không ngừng” của Lê-nin và Mao Trạch Ðông, ông Hồ cho rằng, sau cuộc “cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân” tức là sau cuộc đấu tranh giành độc lập chống thực dân Pháp và cải cách ruộng đất- thì đến ngay cuộc “cách mạng XHCN,” và cả hai giai đoạn này gắn bó chặt chẽ với nhau và đều do ÐCS lãnh đạo (26).

Ngày 07/09/57, trong diễn văn khai mạc ở trường đảng Nguyễn Ái Quốc (Hà Nội), ông Hồ đề cập lần đầu tiên vấn đề “miền Bắc hoàn toàn giải phóng, ta đã bước vào thời kỳ quá độ tiến dần lên CNXH” (27). Nhưng vào đầu năm 1960, với ảnh hưởng của phong trào “đại nhảy vọt” của Trung Quốc (1958 – 62), ông Hồ đưa ra khẩu hiệu “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến thẳng lên CNXH” (chúng tôi nhấn mạnh VNT)(28). Trong hoàn cảnh đó, ông Hồ trong một bài báo viết hồi năm 1960, đã đưa ra chỉ thị là miền Bắc “từ một nước nông nghiệp lạc hậu tiến thẳng lên CNXH [mà] không phải kinh qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa” (tác giả nhấn mạnh VNT) (29). Lúc đó, ông Hồ tin tưởng một cách tuyệt đối rằng cách mạng Việt Nam muốn thắng lợi triệt để thì không có con đường nào khác con đường cách mạng tháng 10 ở Nga: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mạng Nga là đã thành công… nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do (?) bình đẳng thật (?)…(30). Có lẽ cũng cần nhắc lại ở đây là, cũng trong năm 1960, tại Ðại hội lần thứ ba của ÐCSVN ông Hồ đã tiên đoán là “CNXH cuối cùng nhất định toàn thắng khắp thế giới” (31), và “chế độ tư bản chủ nghĩa nhất định sẽ biến đổi thành chế độ XHCN” (38). Sự sụp đổ bức tường Bá Linh vào cuối những năm 80 đã phủ định hoàn toàn tiên đoán nói trên của ông Hồ như ai cũng thấy rõ.

Liên quan đến CNXH mà ông Hồ coi như là ngọn đuốc soi đường cho cả nước, ông này còn nhấn mạnh là “yêu tổ quốc … phải gắn liền với yêu CNXH, vì tiến lên CNXH thì … Tổ quốc ngày một giàu mạnh thêm” (33). Trong thực tế thì tình hình lại khác hẳn, như mọi người đã thấy!

Về việc “tiến thẳng lên CNXH”, chúng tôi muốn nhắc lại đây nhận xét của nhà sử học và đảng viên Nguyễn Kiến Giang: ông Hồ và ÐCSVN “đã phạm sai lầm … khi đặt ra nhiệm vụ trực tiếp xây dựng CNXH ở miền Bắc sau 1954 khi vừa mới giải phóng; (…) khi đặt ra nhiệm vụ này, [ông Hồ và ÐCSVN] đã xuất phát từ một sơ đồ lý luận trừu tượng [lý thuyết “cách mạng không ngừng” - VNT] mà không xuất phát từ hoàn cảnh cụ thể lịch sử của nước ta lúc đó” (tác giả nhấn mạnh VNT)”(34). Chính chủ trương “tiến thẳng lên CNXH” là “nguyên nhân” của cuộc “khủng hoảng toàn diện, khủng hoảng tổng thể của xã hội, khủng hoảng trên tất cả các lĩnh vực… : kinh tế và xã hội, tinh thần và đạo đức, tư tưởng và chính trị.” (35)

Về yếu tố cuối cùng của “TTHCM,” “tinh thần quốc tế vô sản,” thì chúng tôi xin miễn bàn đến vì nó không còn có tính cách thời sự nữa.

***

Khách quan mà nói thì không phải cái gì ông Hồ chủ trương về mặt chính trị đều là tai hại cho dân tộc hoặc sai lầm cả. Ví dụ như khi ông Hồ tuyên bố: “Hễ chính phủ nào mà có hại cho dân chúng thì dân chúng phải đập đổ chính phủ ấy đi và gây nên chính phủ khác.” (36)
Một ví dụ khác là khi rút ra từ chủ nghĩa Tam Dân của Tôn Trung Sơn (ở Trung Quốc, trong những năm 20), ông Hồ đưa ra khẩu hiệu đấu tranh cho độc lập (cho đất nước) tự do – hạnh phúc (cho nhân dân) thì chúng ta chỉ có thể hoan nghênh mà thôi.

Trong bức thư gửi cho Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng hồi tháng 10/45 (tức là sau “Cách mạng tháng 8″) ông Hồ đã khẳng định rằng “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì” (37). Ai mà có thể chống lại quan điểm chí lý này?
Nhưng rất tiếc là trong thực tế, trong suốt cả thời gian nắm chính quyền, ông Hồ chưa bao giờ thực hiện lời nói trên đây cả!

Về tự do chẳng hạn thì những sự việc kể trên liên quan tới CCVS, dưới thời thống trị của ông Hồ cũng như sau đó, chứng tỏ nhân dân ở miền Bắc chưa bao giờ biết tự do là gì trong thực tế, dù rằng trong các Hiến Pháp 1946 và 1959 các quyền tự do dân chủ được ghi rõ ràng, nhưng đó chỉ là “bánh vẽ” mà thôi (theo nhà thơ Chế Lan Viên). Còn về hạnh phúc thì người ta tự hỏi: làm sao nhân dân có được hạnh phúc khi, một mặt thì đời sống vật chất của nhân dân quá khó khăn trong những năm ông Hồ nắm chính quyền, mặt khác nhân dân chưa bao giờ hưởng được các quyền tự do dân chủ cơ bản như đã ghi trong các Hiến Pháp lúc đó? Ðúng như anh Lữ Phương đã nhận xét: “mô hình XHCN [do ông Hồ] mang đến cho dân tộc Việt Nam suốt bao nhiêu năm qua là điều quá rõ ràng: độc lập đã có, nhưng tự do, hạnh phúc thì không (tác giả nhấn mạnh VNT) (38). Ông Trần Ðộ cũng nhận xét như thế (39) và còn nói thêm: “Muốn có tự do, hạnh phúc phải có dân chủ” (40). Ông Nguyễn Hộ cũng nói như ông Trần Ðộ: “rõ ràng ở Việt Nam… chỉ có độc lập… chớ không hề có dân chủ tự do, đặc biệt về chính trị, tư tưởng…” (41).

Gần đây có người ở Việt Nam cho rằng để thực hiện lời tuyên bố chí lý của ông Hồ như vừa nêu, thì phải “tiến lên CNXH [vì đó] là con đường… đem lại tự do hạnh phúc cho mọi người” (42). Ðó là ngụy biện hoàn toàn vì kinh nghiệm trong bao nhiêu năm qua cho thấy là trong thực tế ở Việt Nam cũng như ở các nước đã từng đi theo con đường “xã hội chủ nghĩa hiện thực” -nhân dân chưa bao giờ được hưởng tự do và hạnh phúc cả!

Hiện nay, nếu ÐCSVN thật tình muốn “thực hành công cuộc đổi mới theo tư tưởng của Người [ông Hồ]” như họ từng nói thì họ hãy thực hiện đúng lời nói vừa nêu trên đây của ông Hồ!

2. Khía cạnh kinh tế của “TTHCM”

Về vấn đề này thì chúng ta cần trở lại chủ trương “tiến thẳng lên CNXH” của ông Hồ để có thể hiểu rõ hơn. Ðiều đáng chú ý là ý đồ “tiến thẳng lên CNXH” từ một nước nông nghiệp lạc hậu, lại vừa ra khỏi chiến tranh chống thực dân Pháp, là vừa không phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của đất nước vừa đi ngược lại quan điểm của Mác. Bởi vì như một đảng viên cao cấp đã nhận xét “theo Mác và Ănghen, CNXH chỉ có thể thành công ở những nước có nền công nghiệp phát triển, nghĩa là đã qua giai đoạn cao của chủ nghĩa tư bản”(43). (Quan điểm này của Mác cũng là lý thuyết suông thôi vì cho đến nay dự đoán này chưa bao giờ được cụ thể hóa cả!)

Thẳng thắn mà nói thì chủ trương “tiến thẳng lên XHCN” nói trên là sai lầm to lớn nhất và tai hại nhất trong lĩnh vực kinh tế. Chính xuất phát từ đó mà, trong “Báo cáo về dự thảo Hiến Pháp sửa đổi” năm 1959, ông Hồ khẳng định “chế độ ta [phải] xóa bỏ các hình thức sở hữu không XHCN [tức là sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất của người lao động riêng lẻ và của nhà tư sản VNT] làm cho nền kinh tế gồm nhiều thành phần phức tạp trở nên một nền kinh tế thuần nhất dựa trên chế độ sở hữu toàn dân [tức là sở hữu quốc doanh] của nhà nước – VNT] và sở hữu tập thể [tức là của các hợp tác xã VNT]”. (Chúng tôi nhấn mạnh – VNT). Và ông Hồ còn nói thêm: “… Kinh tế quốc doanh là hình thức sở hữu của toàn dân, nó lãnh đạo nền kinh tế quốc dân, và nhà nước phải bảo đảm cho nó phát triển ưu tiên; chúng ta phát triển thành phần kinh tế quốc doanh để tạo nền tảng vững chắc cho CNXH và thúc đẩy việc cải tạo XHCN.” (44)

Hồi tưởng lại quá khứ, một đảng viên cao cấp đã thừa nhận là “vào giai đoạn trước đổi mới, chúng ta [ÐCSVN] đã phạm sai lầm là rập khuôn mô hình cứng nhắc [của Stalin và Mao - VNT] về CNXH, thuần nhất thành phần kinh tế XHCN dưới hai hình thức: quốc doanh và tập thể, … thủ tiêu các thành phần khác. Những sai lầm này diễn ra ở nước ta trong một thời gian dài, và chúng ta phải trả giá quá đắt”(45).

Trong những năm 80, ông Trường Chinh(46) và ông Nguyễn Văn Linh(47) đều thừa nhận là việc xóa bỏ các khu vực kinh tế tư nhân theo chủ trương của ÐCS [và ông Hồ] lúc đó là một trong những sai lầm “ấu trĩ tả khuynh,” “duy ý chí,” bởi vì các thành phần kinh tế đó còn rất cần thiết cho sự phát triển kinh tế quốc dân.

Chính xuất phát từ chủ trương xóa bỏ các thành phần kinh tế tư nhân cho nên ông Hồ thúc giục thực hiện khẩn trương kế hoạch ba năm (1958-60) ở miền Bắc nhằm “thực hiện cải tạo XHCNđối với nông nghiệp, thủ công nghiệp, và công thương nghiệp tư bản chủ nghĩa tư doanh [mà] khâu chính là cải tạo… nông nghiệp” (chúng tôi nhấn mạnh VNT) (48). Không những tán thành chung chung thôi mà ông Hồ, theo một tài liệu của Ủy ban nghiên cứu lịch sử ÐCS, còn “theo dõi và chỉ đạo sát sao công cuộc cải tạo XHCN” đó nữa. (49)

***

Về vấn đề cải tạo XHCN đối với nông nghiệp tức là
hợp tác hóa nông nghiệp, ông Hồ đã chỉ thị như sau: “… Ðường lối cải tạo XHCN… đối với nông nghiệp là đưa nông dân làm ăn riêng lẻ đi dần [nhưng trong thực tế thì thúc ép họ - VNT] từ tổ đổi công… tiến lên hợp tác xã cấp tiến… rồi tiến lên hợp tác xã cấp cao”; “các hợp tác xã, dưới sự lãnh đạo của đảng phải trở thành những đội quân vững mạnh của … nông dân lao động trong cuộc phát triển sản xuất”; “Yêu hợp tác xã như nhà, chống tư tưởng làm ăn riêng lẻ và những tư tưởng … có ảnh hưởng xấu cho việc củng cố và phát triển hợp tác xã”(50). Ông Hồ còn theo dõi và chỉ đạo cụ thể việc biên soạn điều lệ hợp tác xã nông nghiệp, và tự tay viết lời giới thiệu bản điều lệ đó (51). Ðiều này nói lên tầm quan trọng của phong trào hợp tác hóa nông nghiệp đối với ông Hồ.

Trong bài diễn văn đọc tại hội nghị trung ương ÐCS lần thứ 5 bàn về nông nghiệp (tháng 7/61) ông Hồ đánh giá phong trào hợp tác hóa nông nghiệp như sau: “Chúng ta nhất trí nhận định rằng phong trào hợp tác hóa nói chung là tốt” (tác giả nhấn mạnh – VNT) (52), chính trong lúc đang xảy ra “những biểu hiện … nóng vội, gò ép [tức là thúc ép một cách thô bạo nông dân chuyển từ tổ đổi công lên hợp tác xã trong một thời gian rất ngắn - VNT], và các lệch lạc khác” như một đảng viên đã thú nhận (53).

Năm 1965, trong một bài báo tổng kết 20 năm cách mạng Việt Nam, ông Hồ đã khẳng định: “Với các hợp tác xã, nông nghiệp đã phát triển vững chắc” (54) trong lúc mà các số liệu chính thức cho thấy là sản lượng lương thực trong suốt thời kỳ 1960-64 chưa vượt qua nổi mức đạt được hồi năm 1954, năm mà ông Trường Chinh chỉ thị phải thúc đẩy phong trào hợp tác hóa lên mạnh hơn nữa (55).

Một điều quan trọng cần nhắc lại ở đây là, trong một thông điệp đề ngày 01/05/69, ông Hồ đã đứng hẳn về phía Trường Chinh chống lại kinh nghiệm khoán hộ “chui” do Kim Ngọc, bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phú đề xướng hồi năm 1968 (56), nhằm kích thích lợi ích của xã viên để họ hăng hái tham gia sản xuất. (Lúc đó ÐCSVN cũng bắt chước ÐCS Trung Quốc phê phán việc khoán hộ “chui” trước đó vài năm). Phải đợi tới 13 năm sau thì kinh nghiệm khoán hộ đối với hợp tác xã nông nghiệp mới được ÐCSVN chấp nhận chính thức, và được áp dụng toàn quốc với chỉ thị 100 CT/TU nổi tiếng của Ban bí thư trung ương Ðảng (tháng 1/81)(57).

Nhìn lại quá khứ, một số nhà kinh tế học Việt Nam, trong một tài liệu nội bộ, thừa nhận: “Phân tích diễn biến tình hình và hệ quả của 30 năm [từ năm 1958 trở đi VNT] đối với tình hình kinh tế – xã hội nông thôn nước ta… [ta thấy]… Khuyết điểm và sai lầm trong nhận thức, trong chủ trương, trong chỉ đạo thực hiện, nhất là bước đi của phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, là thực tế, rõ ràng.

Những sai lầm, khuyết điểm đó đã và đang gây hậu quả nặng nề đối với thực trạng kinh tế – xã hội của đất nước… Trong 30 năm hợp tác hóa nông nghiệp bằng những cuộc cải tạo vội vàng và bất chấp quy luật, dẫn đến tập thể hóa mà thực chất là tước đoạt một cách rộng khắp và mau lẹ quyền sở hữu ruộng đất của nông dân. Chính sách đó đã biến … nông dân từ những người sản xuất tự do thành những người làm thuê ăn điểm cho những ông chủ tập thể vô hình [tức là chủ nhiệm hợp tác xã VNT]. Ðó là sai lầm lớn nhất của 30 năm hợp tác hóa nông nghiệp mà đến nay hậu quả còn nặng nề…” (tác giả nhấn mạnh – VNT) (58). Một nhà kinh tế học khác ở Hà Nội cũng nhận xét: “Người nông dân… thực chất biến thành người lao động… [cho] hợp tác xã. Kiểu kinh tế này… đối lập với hoạt động sản xuất nông nghiệp, vì thế nông nghiệp và kinh tế nông thôn đi tới chỗ đình đốn, suy thoái và khủng hoảng.” (59)

***

Song song với chủ trương cưỡng bách nông dân cá thể đi vào con đường hợp tác hóa nông nghiệp, ông Hồ (và ÐCSVn) còn chủ trương “cải tạo XHCN” đối với giai cấp tư sản trong công, thương nghiệp [một uyển ngữ để nói việc đánh giai cấp tư sản tơi bời - VNT] theo mô hình của Lê-nin và nhất là của Mao.

Trong bản “Báo cáo về dự thảo Hiến Pháp sửa đổi” hồi năm 1959, ông Hồ đã viết: “Hiện nay chúng ta có điều kiện để cải tạo họ [giai cấp tư sản VNT] theo con đường XHCN… Nhà nước khuyến khích họ [trong thực tế là ép buộc họ - VNT] cải tạo theo XHCN bằng hình thức công-tư hợp doanh và những hình thức cải tạo khác” (60). Năm 1960, ông Hồ nhấn mạnh một lần nữa: “Một việc cần kíp là cải tạo… giai cấp tư sản dân tộc. Do bản chất của họ, họ vẫn luyến tiếc cách bóc lột và muốn phát triển theo chủ nghĩa tư bản. Nhưng trong điều kiện miền Bắc tiến lên CNXH, ý nguyện của họ không thể nào thực hiện được.” (tác giả nhấn mạnh VNT) (61).

Ðể hồi tưởng lại cuộc “phát động quần chúng cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, chúng tôi xin trích sau đây một đoạn trong quyển sách của Thành Tín: “Cuộc cải tạo công thương nghiệp, loại bỏ giai cấp tư sản dân tộc [trong thời kỳ 1958-60 ở miền Bắc -VNT] vẫn là theo kinh nghiệm của [Trung Quốc]…, vẫn là theo sự “giúp đỡ” của các… phái viên đặc biệt của Mao… về cải tạo công thương nghiệp… về tận diệt nền sản xuất tư doanh (…) Các cuộc tố khổ, tính sổ bóc lột của tư sản, kể lể những thủ đoạn bóc lột, hà hiếp lao động, buôn gian bán lận, cân đo gian dối, buôn lậu… tham tiền bất nhân… được phơi bày. Những hóa đơn, giấy tờ kinh doanh quan hệ với các hãng, công ty ở Pháp, Hồng Kông… bị coi là tài liệu liên hệ với giai cấp tư sản đế quốc, cấu kết với bọn phản động quốc tế.” (62). Trong đợt “cải tạo” này có trường hợp một cơ sở sản xuất trình độ thủ công với 10 người thợ, phần đông là con cháu họ hàng, cũng bị quy thành tư sản và cứ thế là bị kiểm thảo, truy bức, truy thu. Ðáng thương hại là con cháu của các gia đình bị xếp vào loại tư sản thì không bao giờ có thể vào đại học, dù là khi thi vào thì được điểm rất cao; và khi đã tốt nghiệp rồi xin đi làm cho cơ quan nhà nước thì cũng bị khước từ. Thành phần lý lịch tư sản trở thành một cái bướu dính vào suốt đời họ.

Một nhân vật xuất hiện trong chiến dịch đánh tư sản từ cuối năm 1956 là ông Ðỗ Mười. Ông này đã lập công lớn ở Hải Phòng, Hà Nội và Nam Ðịnh. Trong một hội nghị cán bộ toàn thành phố Hà Nội, ông Mười đã dặn dò cán bộ như sau: “bọn tư sản” giống như là chuột cống; khi thấy nó lú ở đâu thì đập cho nó chết ngay! (Chúng tôi không nhớ rõ nguyên văn, nhưng đại ý là như vậy). Nhờ “thành tích” đánh tư sản ở miền Bắc mà ÐCS liền xuất tướng ông này vào miền Nam sau 1975 để chỉ huy công cuộc “cải tạo XHCN” đối với công thương nghiệp tư doanh ở Sài Gòn.

Hậu quả của công cuộc “cải tạo XHCN” ở miền Bắc là, như nhà lão thành cách mạng Nguyễn Văn Trấn đã nhận xét:“Cải tạo tư sản… làm cho [nền] kinh tế… miền Bắc cứ nghèo, nghèo, nghèo!” (67). Nhìn lại quá khứ, các nhà sử học Việt Nam cho rằng việc “cải tạo XHCN” ở miền Bắc đã phạm sai lầm “chủ quan, nóng vội” (64). Và cựu ủy viên Bộ chính trị Nguyễn Ðức Bình cũng thừa nhận là: “Chúng ta [ÐCSVN] đã phạm sai lầm…, nóng vội trong cải tạo XHCN, [muốn] xóa bỏ ngay nền kinh tế nhiều thành phần…” (65).

***

Ngoài chủ trương “cải tạo XHCN” nói trên, ông Hồ còn “luôn luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của nhiệm vụ công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa nước nhà” [lẽ dĩ nhiên là theo mô hình công nghiệp hóa của Stalin - VNT](66). Tại hội nghị trung ương lần thứ bảy (tháng 04/62) bàn về công nghiệp hóa miền Bắc, ông Hồ đã chỉ thị: “Ðể đạt mục đích công nghiệp hóa XHCN, toàn Ðảng, toàn dân ta phải ra sức thực hiện đầy đủ nghị quyết của hội nghị thứ bảy của Trung ương” (67), tức là thực hiện chính sách ưu tiên phát triển công nghiệp nặng dù ở miền Bắc không có đủ điều kiện để làm việc đó- nhằm biến nền kinh tế miền Bắc thành một nền kinh tế hiện đại trong vòng 10 năm (68). Sau đó, năm 1964, trong một bài nói chuyện tại Bộ công nghiệp nặng, ông Hồ nhấn mạnh một lần nữa: “để xây dựng thắng lợi XHCN, chúng ta phải quyết tâm phát triển tốt công nghiệp nặng.” (69)

Phải chờ tới tháng 10 năm 1986 ông Trường Chinh mới thừa nhận rằng việc ÐCSVN thiên về phát triển công nghiệp nặng ở miền Bắc từ năm 1962 trở đi vượt quá khả năng thực tế của đất nước là một trong những “sai lầm ấu trĩ tả khuynh” (70) của ÐCSVN; và ý kiến này được nhấn mạnh một lần nữa trong Báo cáo chính trị của ông Trường Chinh tại Ðại hội 6 của ÐCSVN hồi tháng 12/86 (71).

Tiếp theo đó, ông Nguyễn Văn Linh, lúc đó là Tổng bí thư đảng, cũng thừa nhận, trong một bài diễn văn đọc tại hội nghị trung ương lần thứ 5 (tháng 6/88) rằng một trong những sai lầm có tính cách chiến lược của ÐCSVN trước đó là quá chú ý đến phát triển công nghiệp nặng trên quy mô rộng lớn, đồng thời bị coi nhẹ phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ (72).

***

Nhìn chung, chúng ta thấy nội dung kinh tế trong “TTHCM” như đã nói bên trên không khác gì lắm so với khía cạnh kinh tế trong tư tưởng của Mao Trạch Ðông (73). Ðiều này không có gì là lạ vì chính ông Hồ (dưới bút danh Trần Lực) đã từng hô hào Việt Nam nên áp dụng kinh nghiệm xây dựng kinh tế XHCN của Trung Quốc (74).

Sở dĩ chúng tôi phân tích khá chi tiết các khía cạnh kinh tế của “TTHCM” liên quan tới XHCN là để bù lại phần nào sự thiếu sót về phương diện này trong các quyển sách xuất bản ở trong nước. Trong những sách đó người ta thường chỉ nêu lên mục tiêu chung mà ông Hồ đã vạch ra cho CNXH ở Việt Nam như là “mọi người được ăn no, mặc ấm, sung sướng tự do” (75) mà cố ý không nhắc lại các chủ trương và chính sách cụ thể mà ông Hồ đã đề ra nhằm thực hiện mục tiêu nói trên. Hơn nữa, trong các quyển sách xuất bản trong nước, người ta tránh đối chiếu các chính sách của ông Hồ với hậu quả tai hại của nó cho đất nước, cho dân tộc. Và hậu quả tổng quát về mặt kinh tế là, như ông Võ Nguyên Giáp đã thừa nhận trong một hội nghị quốc tế về “TTHCM” tại Hà Nội năm 1990 là “nền kinh tế – xã hội [của Việt Nam] đang ở trong tình trạng trì trệ, nghèo khổ. Ðời sống của nhân dân cũng như năng suất lao động … đang ở trong tình trạng thấp kém và lạc hậu hàng mấy thế kỷ, không những so với các nước phát triển mà so với cả những nước trong khu vực [Ðông Nam Á - VNT] (76).

Tình hình thực tế này hoàn toàn bác bỏ luận điệu lừa bịp của bộ máy tuyên truyền của ÐCS khi họ khẳng định rằng ông Hồ “là một vĩ nhân…, là người mở đường cho nước ta xây dựng phồn vinh (?) của đất nước.” (77)

Nhận xét một cách tổng quát về “TTHCM” cả về mặt chính trị lẫn kinh tế- anh Lữ Phương cho rằng “sự lựa chọn đường đi [tức là mô hình Stalinít-Maoít - VNT] của Hồ Chí Minh cho Việt Nam … là chọn lựa bất toàn: nó có thể giành được độc lập cho dân tộc qua các hình thức đấu tranh bạo lực, nhất là chiến tranh, nhưng đã thất bại toàn diện trong xây dựng hòa bình. Ðiều này đã được chứng thực rất hiển nhiên qua hơn nửa thế kỷ thực hành (…)

Khoác lác về cái gọi là “dân chủ gấp triệu lần” [ám chỉ cái gọi là “dân chủ XHCN” - VNT] nhưng lại đè đầu cỡi cổ nhân dân một cách rất tự nhiên như những cường hào. [Mặt khác] làm mất hoàn toàn động lực về phát triển kinh tế qua chủ trương nhà nước hóa toàn bộ hoạt động sản xuất. Nói chung: giam hãm dân tộc trong cái ao tù chuyên quyền độc đoán [về mặt chính trị- VNT] và lạc hậu nghèo nàn [về mặt kinh tế - VNT]…” (78).

Bàn về trách nhiệm của ông Hồ trước lịch sử dân tộc, anh Lữ Phương nêu lên câu hỏi sau đây:… [Ông Hồ] đem ra thực hiện một cách toàn diện cái mô hình XHCN phi thị trường và chuyên chính vô sản trong suốt một thời gian đằng đẵng làm cho dân tộc cất đầu dậy không nổi… Chẳng lẽ Cụ là người sinh ra đảng; người lập ra nước… mà không [có] trách nhiệm gì trước những chuyện tày đình đó hay sao?” (79).

Trong nhiều năm qua, ÐCSVN thường xuyên hô hào là phải dựa vào “TTHCM” để đẩy mạnh công cuộc “đổi mới.” Nhưng làm sao có thể dựa vào chủ trương, chính sách kinh tế của ông Hồ chẳng hạn (như đã phân tích bên trên) để “đổi mới” kinh tế khi nó trái ngược hẳn với chính sách đổi mới hiện nay? Vả lại chính sách kinh tế của ông Hồ trong những năm 50 và 60 đã bị Ðại hội lần thứ 6 của ÐCS (tháng 12/86) gián tiếp phê phán là “sai lầm ấu trĩ tả khuynh” vì nó “kìm hãm lực lượng sản xuất và triệt tiêu động lực phát triển.” (80) Khẳng định rằng “ngày nay những luận điểm của chủ tịch Hồ chí Minh về… CNXH ở nước ta vẫn giữ nguyên ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới”(81), hoặc nói rằng “TTHCM” vẫn là “đúng đắn, sáng tạo” (82) trong sự nghiệp “đổi mới” kinh tế hiện nay như ÐCS đang làm là ngược đời hoàn toàn! Viện lý “TTHCM” để hỗ trợ cho chính sách “đổi mới” kinh tế hiện nay là một nghịch lý.

Còn về mặt chính trị, việc ÐCSVN tiếp tục áp đặt chủ nghĩa Mác-Lê, độc quyền cai trị gần 80 triệu dân thông qua “chuyên chính vô sản” (dưới hình thức của cái gọi là “nhà nước của dân, do dân, vì dân,” hoặc “nhà nước XHCN”), và vẫn “tiến lên XHCN” như ông Hồ đã từng chủ trương thì, ai cũng nhận ra là, dưới lá cờ “đổi mới” chính trị, chỉ có đổi chút ít về hình thức thôi, nhưng về nội dung cơ bản thì không có gì là mới cả. Tóm lại, nếu dựa vào “TTHCM” để hỗ trợ cho chính sách “đổi mới” chính trị thì phải nói thẳng ra là có đổi nhưng không có gì mới!

Do đó cần đấu tranh mạnh mẽ hơn nữa, gây áp lực tối đa và liên tục đối với ÐCS trong nước cũng như ở ngoài nước, để buộc họ phải đổi mới một cách triệt để, cả về mặt chính trị lẫn về mặt kinh tế, nhằm mục tiêu cuối cùng là thực hiện một nền dân chủ đa đảng, song song với một nền kinh tế thị trường thực sự.

Paris tháng 6/2002

Chú thích:

(1) Thư mục chọn lọc về “Tư tưởng Hồ chí Minh”:
- Võ Nguyên Giáp (chủ biên), Tư tưởng Hồ chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam, NXBCTQG, Hànội, 2000
- Phạm Văn Ðồng, Ho chi Minh, un home, une nation…, Ele, Hanoi, 1990.
- Ho Chi Minh, Ed.Thế giới, Hanoi 1997 (ouvrage collectif rédigé par la Commission de l’histoire du Parti Communiste Vietnamien traduit en francais)
- Nguyễn Khánh Bật, Những bài giảng về môn học Tư tưởng Hồ Chí Minh, NXBCTQG, Hanoi 1999.
- Pierre Brocheux, Ho Chi Minh, Presses de Sciences Po, Paris, 2000.
- William Duiker, Ho Chi Minh, New York, Hyperion Press, 2000.
- Jean Lacouture, Ho Chi Minh, Ed. Seuil, Paris, 1967.
Du même auteur, Mes Héros et Nos Monstres ou Le Temps des Déminurces, Ed.Seuil, Paris, 1997 (xem chương nói về Ho chi Minh)
- Lữ Phương, Huyền thoại về Hồ Chí Minh, tạp chí Thế Kỷ 21 (sẽ gọi tắt TK21) (Mỹ) tháng 12/2001, tr.63-71)
- Thanh Phong, Phê phán tư tưởng Hồ Chí Minh, TK21, tháng 12/2001, t-15
- Tôn Thất Thiện, Luận bàn về “Tư tưởng Hồ Chí Minh”, Tin Nhà, Paris số 27, Avril 1997.
- Võ Nhân Trí, “Tư tưởng Hồ Chí Minh” có mâu thuẫn gì với chính sách ‘đổi mới’ không?”, trong quyển sách tập thể: Ðảng Cộng Sản trước thực trạng Việt Nam, NXB Ðường Mới, Paris, 1994, tr.63-94.
(2) Nguyễn Văn Trấn, Viết cho Mẹ và Quốc hội, NXB Văn Nghệ, California (Mỹ), 1995, tr.151.
(3) Xem trích dẫn Nguyễn Minh Cần, Ðảng Cộng Sản Việt Nam qua những biến động trong phong trào cộng sản quốc tế, NXB Tuổi Xanh (Mỹ), 2001, tr.36. Về Stalin nói chung, xem Dimitri Volkogonov, Staline, Triomphe et Tragédie, Flammarion, Paris, 1991.
(4) Trích theo P.Brocheux, Ho Chi Minh, s.đ.d., tr.93.
(5) Ho chi Minh, Oeuvres Choisies, t.2, Ele, Hanoi 1962, tr.221-22. Chúng tôi dịch lại từ bản tiếng Pháp này bởi vì đoạn quan trọng này đã bị cắt xén trong Hồ Chí Minh, Toàn Tập (bản tiếng Việt), NXBST, t.6, Hanoi, 1986, tr.12.
Xem thêm về Tư Tưởng Mao Trạch Ðông:
- Stuart R. Schram, The Thought Of Mao Tse Toung, New York, Cambridge University Press, 1989.
- Marie Claire Bergère, La Chine De 1949…, s.đ.d., tr.172 và tiếp theo.
- Dr.Li Zhi Sui, La Vie Privée Du Président Mao, Plon, Paris, 1994.
(6) Trích theo Nguyễn Minh Cần, Ðảng Cộng Sản Viet Nam…, s.đ.d., tr.63. Cùng xem phỏng vấn của Bùi Tín, tạp chí Thông Luận (sẽ gọi tắt TL), Paris tháng 10/01, tr.9.
(7) Phạm Văn Ðồng, Ho chi Minh, Un homme…, s.đ.d., tr.84.
(8) Ho Chi Minh, Toàn tập, NXBCTQG, Hanoi, 1995, t.10; tr.17.
(9) Trần Gia Phụng, Án Tích Cộng Sản Việt Nam, NXB Non Nước, Toronto (Canada), 2001, chương 3.
(10) Hồ Chí Minh, Toàn tập…, trích theo Nguyễn Minh Cần, Ðảng Cộng Sản…, s.đ.d., tr.97.
(11) Daniel Guérin, Au Service Des Colinies do Jean Lacouture trích dẫn, Ho Chi Minh, s.đ.d., tr.123.
(12) Tuyển tập Nguyễn Kiến Giang, NXB Trăm Hoa (Mỹ), 1993, tr.72 và 129-30.
(13) Ho Chi Minh, Ecrits 1920 – 1969, Ele, Hanoi, 1971, tr.1230.
(14) Nguyễn Minh Cần, Ðảng Cộng Sản Việt Nam…, s.đ.d., tr.82.
(15) Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXBST, Hanoi, 1989, tr.7, tr.548.
(16) Trích theo Dimitri Volkogonov, Le Vrai Lénine, Lafront, Paris, 1995, tr.314. Ở một chỗ khác, ông Hồ còn nói: “Tập thể lãnh đạo là dân chủ”, Hồ chí Minh, Toàn tập, NXBCTQG, Hanoi, 1995, t.5, tr.505.
(17) Lữ Phương, tạp chí Diễn Ðàn (sẽ gọi tắt là DÐ), Paris, tháng 11/1993, tr.19 và 22.
(18) Nguyễn Minh Cần, Ðảng Cộng Sản Việt Nam…, s.đ.d., tr.125-26.
(19) Nguyễn Văn Trấn, Viết cho Mẹ…, s.đ.d., tr.345.
(20) Thành Tín (bút danh của Bùi Tín), Mặt Thật, Saigon Press (Mỹ) 1993, tr.3
(21) Dương Thu Hương trong Reader’s Digest, trích theo tạp chí Viet Nam Dân Chủ (sẽ gọi tắt là VNDC), Paris, tháng 1/1999, tr.20.
(22) Trích theo tạp chí Quê Mẹ, Paris, tháng 4-5, 1990, tr.38 và theo TH21, tháng 6/2000, tr.53.
(23) Nguyễn Chí Thiện, Hỏa Lò, NXB Tổ Hợp xuất bản miền Ðông Hoa Kỳ, 2001, tr.153 và 169.
(24) J.Lacouture, Ho Chi Minh, s.đ.d., tr.178; 181.
(25) Bài của Oliver Todd, Ho Chi Minh, L’Homme et Son Héritage (sách tập thể), NXB Ðường Mới, Paris 1990, tr.182.
(26) Ho chi Minh, Ecrits 1920 – 1969, Ele, Hanoi 1971, tr.215-19 và tr.239-42.
(27) Hồ chí Minh, Toàn Tập, NXBST, Hanoi, 1984, t.7; tr.783.
(28) Song Thành, TCCS, số 5, 1991, tr.4.
(29) Hồ chí Minh, Tuyển Tập, NXBST, Hanoi, 1980, t.2; tr.159.
(30) Hồ chí Minh, Tuyển Tập, NXBCTQG, Hanoi 1995, t.2, tr.280.
(31) Hồ chí Minh, Toàn Tập, t.2, s.đ.d., tr.186-87.
(32) Hồ chí Minh, Toàn Tập, NXBCTQG, Hanoi, 1995; t.9; tr.156-57.
(33) Võ Nguyên Giáp (chủ biên), Tư Tưởng Hồ chí Minh và con đường…, s.đ.d., tr.138.
(34) Tuyển Tập Nguyễn Kiến Giang, s.đ.d., tr.131.
(35) ibid, tr.125; 131; 133.
(36) Hồ chí Minh, Toàn Tập, NXBCTQG, Hanoi, 1995, t.2; tr.270.
(37) Hồ chí Minh, Toàn Tập,. NXBCTQG, Hanoi, 1995, t.4, tr.56-57.
(38) Lữ Phương, DÐ, tháng 11/1993.
(39) Trần Ðộ, TL, tháng 02/1999, tr.15.
(40) Trần Ðộ, TL, tháng 03/1998, tr.34.
(41) Nguyễn Hộ, Quan Ðiểm và Cuộc Sống, thành phố Hồ chí Minh, 1993, ronéo, tr.29.
(42) Võ Nguyên Giáp (chủ biên), Tư Tưởng Hồ Chí Minh…, s.đ. d., tr.371.
(43) Thành Duy, TCCS số 3/1990, tr.44.
(44) Hồ chí Minh, Tuyển Tập, NXBST, Hanoi, 1980, t.2, tr.130-31.
(45) Vũ Xuân Kiều, TCCS, số 3/1993, tr.49.
(46) Trường Chinh, ND, 20/10/86.
(47) Nguyễn Văn Linh, ND, 25/10/86 và ND 31/3/89 (diễn văn tại hội nghị Trung ương lần 6, tháng 3/99).
(48) Hồ chí Minh, Tuyển Tập, t.2, s.đ.d., tr.161.
(49) Hồ Chí Minh, Ed. Thế Giới, Hanoi, 1997, tr.188 (bản dịch tiếng Pháp).
(50) Hồ chí Minh, Tuyển Tập, t.2, s.đ.d., tr.131, 170, 173.
(51) Song Thành, TCCS, số 5/1992, tr.4.
(52) Hồ chí Minh, Tuyển Tập, t.2, s.đ.d., tr.227.
(53) Song Thành, TCCS, số 5/91, tr.4 và
Vo Nhan Tri, Vietnam’s Economic Policy Since 1975, Institute of Southeast Asian Studies, Singapore, 1990, tr.14-15.
(54) Hồ chí Minh, Tuyển Tập, t.2, s.đ.d., tr.386.
(55) Trường Chinh, Resolutely Taking The North Vietnam Countryside to Socialism Through Agricultural Cooperatives, FLPH, Hanoi, 1959, tr.21 và
Vo Nhan Tri, Vietnam’s Economic…, s.đ.d., tr.11 và 19.
(56) ND, 09/08/69.
(57) Võ Nhân Trí, Vietnam’s Ecomic…, s.đ.d., tr.132.
(58) Thực Trạng Kinh Tế Xã Hội Việt Nam. Giai Ðoạn 1986 – 90, Tạp chí Thống Kê xuất bản, Hanoi 1990, tr.55-56 (Tài liệu tham khảo nội bộ).
(59) Lê Cao Ðoàn, NCKT, tháng 2/1999, tr.39.
(60) Hồ Chí Minh, Tuyển Tập, t.2, s.đ.d., tr.128; 131-32.
(61) Hồ Chí Minh, ibid, tr.162-63. Về vấn đề “cải tạo XHCN” ở miền Bắc, xem chi tiết: Võ Nhân Trí, Vietnam’s Economic…, s.đ.d., tr.26-28.
(62) Thành Tín, Mặt Thật, s.đ.d., tr.75-78.
(63) Nguyễn Văn Trấn, Viết cho Mẹ…, s.đ.d., tr.211.
(64) Viện Sử Học, Lịch Sử Việt Nam 1954 – 65, NXBKHXH, Hanoi 1995, tr.90.
(65) Nguyễn Ðức Bình, TCCS, số 4, tháng 2/2000, tr.17.
(66) Xem bài của Lê Thi trong quyển sách tập thể, Tìm Hiểu Một Số Vấn Ðề Trong Tư Tưởng Của Chủ Tịch Hồ chí Minh, NXBST, Hanoi 1982, tr.77.
(67) Hồ chí Minh, Tuyển Tập, t.2, s.đ.d., tr.267. Về nghị quyết của hội nghị Trung ương lần thứ 7, xem Le Chemin Du Bonheur et De La Prospérité, Ele, Hanoi, 1963.
(68) Vo Nhan Tri, Vietnam’s Economic…, s.đ.d., tr.30
(69) Hồ chí Minh, Tuyển Tập, t.2, tr.347.
(70) ND, 20/10/86 và ND, 5 & 6/tháng 11/86.
(71) 6th National Congress Of The Communist Party Of Vietnam. Documents, FLPH, Hanoi, 1987, tr.18-19.
(72) ND 23/06/88.
(73) Về khía cạnh tiêu cực của chủ nghĩa Mao, xem Marie-Claire Bergère, La Chine de 1949…, s.đ.d., tr.172 và tiếp theo.
(74) Trần Lực (bút danh của Hồ chí Minh), Mấy Kinh Nghiệm của Trung Quốc mà chúng ta nên học, NXBST, Hanoi (không ghi rõ năm).
(75) Hồ chí Minh, Toàn Tập, NXBST, Hanoi, 1996, t.8; tr.396.
(76) Võ Nguyên Giáp, Tư Tưởng bác Hồ soi sáng sự nghiệp đổi mới của chúng ta, NXBST, Hanoi, 1990. tr.34-35.
(77) TCCS, số 3, tháng 2/1999, tr.3.
(78) Lữ Phương, TK21, tháng 2/2201, tr.67 và 68.
(79) Lữ Phương, DÐ, tháng 11/1993.
(80) ÐCSVN, Chiến lược ổn định phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2000, NXBTS, Hanoi, 1991, tr.9. Cùng một quan điểm xem Trần Bá Ðệ, tạp chí Nghiên Cứu Lịch Sử, Hànôi, số 6/1991, tr.67-68.
(81) Tạp chí Khoa Học Xã Hội, thành phố Hồ chí Minh, số 25, III/1995, tr.6.
(82) Võ Nguyên Giáp (chủ biên), Tư tưởng Hồ chí Minh…, s.đ.d., tr.147


--------------------------------------

XEM THÊM

XÓA THẦN TƯỢNG HỒ CHÍ MINH

.
.
.

No comments:

Post a Comment