Monday, October 31, 2011

HILLARY CLINTON BÀN VỀ LIBYA, TRUNG QUỐC, TRUNG ĐÔNG & BARACK OBAMA (Time)



Richard Stengel (TIME) phỏng vấn Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton

(Richard Stengel, phụ trách bộ phận biên tập của Tạp chí TIME đã phỏng vấn Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton hôm 19 tháng 10 năm 2011. Tạp chí TIME số ra ngày 27/10/2011 trích đăng nội dung chính của cuộc phỏng vấn theo dạng ghi chép lại ghi âm phỏng vấn của Richard Stengek. Những chỗ in đậm là phần câu hỏi của TIME)

Phạm Anh Tuấn dịch
30/10/2011

Hình : Tạp chí Time phỏng vấn Ngoại trưởng Hillary Clinton hôm 19-10-2011

Xin cảm ơn bà rất nhiều vì đã nhận lời trả lời phỏng vấn. Chúng ta hãy bắt đầu với chuyến công du vừa rồi của bà (tới Libya, Oman, Afghanistan và Pakistan).
Vâng, xin mời.

Tôi nghĩ những nhận xét của bà về Libya là rất phấn khởi, lạc quan. Có phải đó là sự lạc quan về những gì nước Mỹ đã làm ở Libya, có phải là bà lạc quan bởi vì đây là một mô hình cho sự tham gia của nước Mỹ trong tương lai?
Thế này vậy, hãy để tôi nhắc lại một chút về giai đoạn trước đó để đặt Libya trong một hoàn cảnh mà tôi nghĩ có thể giải đáp câu hỏi trên của ông. Một phần sứ mệnh của tôi là phải giải thích rõ với các nước rằng nước Mỹ đang lấy lại vai trò lãnh đạo thế giới. Khi bắt đầu trở thành Ngoại trưởng tôi thấy các nước thân Mỹ, các đồng minh, và các nước trên khắp thế giới đều đang có rất nhiều những mối hoài nghi, rất nhiều những lo ngại và sợ hãi. Và một phần những gì tôi đã cố gắng làm trên cương vị Ngoại trưởng ấy là phải tái khẳng định vai trò lãnh đạo của nước Mỹ, song phải thừa nhận rằng trong những điều kiện của thế kỷ XXI này thì nước Mỹ phải lãnh đạo theo cách khác chứ không phải theo cách nước Mỹ đã từng làm trong lịch sử.
Và thoạt đầu thì có lẽ người ta thấy hơi khó hiểu khi thấy mục tiêu của tôi là khẳng định vai trò lãnh đạo của nước Mỹ theo cách tôi tập trung vào những giá trị quan trọng nhất của nước Mỹ, tức là tôi sử dụng những công cụ và phương pháp mới mẻ về ngoại giao và phát triển hiện đang có hiệu lực, có thể được gọi là sử dụng sức mạnh một cách khéo léo, nhằm xây dựng các mối liên minh và mạng lưới liên kết bền vững hơn. Và đây là một trong những mục tiêu của tôi trong thời gian sau đó, trong một chừng mực đáng kể, tôi đã làm thay đổi cách thức làm ăn của nước Mỹ và kết hợp khéo léo hơn những đòi hỏi về vai trò lãnh đạo hiện nay của nước Mỹ với cái cách thức chúng ta đang khẳng định sức mạnh của mình.
Như vậy nghĩa là tôi đã đến Châu Á trước tiên, bởi vì đó là vùng đất của cơ hội, chứ không chỉ là vùng đất của những mối đe dọa. Hiển nhiên là gần một thập niên nay thì những mối đe dọa và nguy hiểm đều tập trung ở đó, điều này là có thể hiểu được, và chúng ta không được phép để cho bị xao nhãng khỏi điều đó. Nhưng chúng ta phải nhìn vào những cơ hội ở các nước trong khu vực đó, nhất là những cơ hội cho vai trò lãnh đạo của nước Mỹ, những cơ hội phát triển kinh tế v.v. và chúng ta phải có cách nghĩ khác về cách chúng ta lãnh đạo.
Như vậy là những mục tiêu nói trên đã đưa tôi đến với Mùa Xuân Ả Rập, đến với cuộc Thức tỉnh Ả Rập. Libya cho nước Mỹ một cơ hội để chứng minh thế nào là thực sự tập hợp một sự cam kết mạnh mẽ do Hoa Kỳ dẫn đầu, thế nào là thực sự tin tưởng vào sự cam kết đó nhưng mà phải là sự cam kết bằng sự tham gia trọn vẹn của cả những đồng minh mới mẻ nữa chứ không chỉ những đồng minh quen thuộc của nước Mỹ. Và phải kiên nhẫn xây dựng sự cam kết đó, như điều chúng ta đã làm được, tôi nghĩ đó là điều đã củng cố vị thế của nước Mỹ. Như ngày hôm qua ông đã chứng kiến đấy, người Libya hoàn toàn không còn nghi ngờ việc chúng ta có mặt ở đó là vì họ và chúng ta đã đảm bảo vai trò lãnh đạo mà họ cần đến trong cuộc đấu tranh vì tự do.
Hãy nhìn cái cách chúng ta xử lý Mùa Xuân Ả Rập, chúng ta đang cố gắng gây ảnh hưởng tới việc cai quản đất nước Libya, với sự hoàn toàn thừa nhận rằng họ tự chủ trong công việc quản lý đất nước của họ và chúng ta không kiểm soát họ. Có vô số những sự kiện xảy ra mà không thể lường trước được, song chúng ta muốn lãnh đạo bằng những giá trị và những lợi ích của nước Mỹ, bất chấp tình hình sẽ diễn biến theo con đường nào trong thập niên sắp tới, theo cách người dân Libya sẽ hiểu được rằng nước Mỹ luôn đứng về phía của dân chủ, của pháp trị, đứng về phía của cơ hội kinh tế, đứng về phía của các quyền dành cho tất cả mọi người, đặc biệt là phụ nữ. Và tôi hy vọng rằng điều này sẽ là một liều thuốc giải độc hiệu nghiệm cho những tiếng nói xuất phát từ chủ nghĩa định mệnh hoặc xuất phát từ chủ nghĩa cực đoan quá khích…
Và bằng câu trả lời, nước Mỹ đã làm được rất nhiều điều, đầu tiên là ở Ai Cập và Tunisia và tất nhiên là ở Libya, mỗi nơi theo cách khác nhau tùy thuộc vào tình hình cụ thể của mỗi nước, nhưng tôi tin rằng chúng ta đã xây dựng được một mô hình tốt về cách nước Mỹ muốn giúp đỡ các nước khác trong khi vẫn thừa nhận những giới hạn chúng ta có thể sẽ đạt được.

Chúng ta có cần đến một cách diễn đạt mới về vai trò lãnh đạo của nước Mỹ? Bởi vì sau sự can thiệp vào Libya thì Tổng thống đã bị chỉ trích từ một số người thuộc Đảng Cộng hòa, rằng Tổng thống đã lãnh đạo từ phía sau, để dùng cách nói của những người chỉ trích. Chúng ta đã quá quen với cách nói rằng nước Mỹ là nhất. Chúng ta có cần một cách nói khác nào đó để nói về chuyện này?
Tôi nghĩ đây là một câu hỏi thú vị. Dĩ nhiên tôi phản đối cơ sở lập luận nói trên, bởi vì tôi nghĩ là nước Mỹ hoàn toàn đóng vai trò lãnh đạo ở tuyến đầu. Nếu không có nước Mỹ thì làm gì có những nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Nếu không có nước Mỹ thì làm gì có sự can thiệp quân sự mạnh mẽ để góp phần hoàn tất mọi việc. Nếu không có nước Mỹ thì tôi nghĩ mọi chuyện đã diễn ra theo cách khác chứ không phải như bây giờ. Nhưng tôi cũng tin rằng chúng ta sẽ còn mạnh hơn nữa nếu chứng tỏ rành mạch rằng nước Mỹ không chỉ vẫn đang giữ vai trò lãnh đạo mà nước Mỹ còn thuyết phục được nhân dân đi theo.
Đúng vậy.
Tôi nghĩ một trong những câu hỏi lớn tôi chắc chắn đã đối mặt khi bắt đầu làm Ngoại trưởng ấy là: được, nước Mỹ đã sẵn sàng giữ vai trò lãnh đạo, vậy các nước khác đã chuẩn bị sẵn sàng cùng nước Mỹ tìm kiếm bất kỳ một chương trình nghị sự nào hay chưa? Đã có rất nhiều sự đổ vỡ trong các mối quan hệ của chúng ta và đã xảy ra một xu hướng là có nước đã thu mình lại hoặc giả cho là nước Mỹ chắc chắn sẽ không giữ trọn vẹn cam kết đâu, chưa nói gì tới người ta còn cho là nước Mỹ đang giành giật vai trò lãnh đạo. Cuộc khủng hoảng kinh tế đã khiến cho rất nhiều người tự hỏi liệu nước Mỹ có lấy lại được vai trò lãnh đạo của mình hay không.
Tôi nghĩ ông đã dùng cách nói rất khéo khi đặt câu hỏi trên, nhưng tôi cho đây mới là điểm chính yếu: ngày hôm nay chúng ta đang sống trong một thế giới đa cực được liên kết nhiều hơn trước đây rất nhiều. Vậy mà vẫn còn có những người phủ nhận điều này và không chịu thừa nhận thực tế, nhưng tôi không nằm trong số đó. Quan điểm của tôi là nếu muốn làm lãnh đạo thì phải đánh giá thận trọng xem nhân dân đang ở chỗ nào và nhân dân muốn đi tới đâu. Và nếu điều đó trùng với điều chúng ta tin tưởng, thế thì tốt quá; chúng ta có thể đi theo hướng đó và đưa nhân dân đi cùng. Nếu nhân dân tránh xa chúng ta, nếu nhân dân lựa chọn một con đường khác, khi ấy chúng ta buộc phải dùng mọi phương tiện để thuyết phục rằng con đường chúng ta muốn đi cũng là con đường vì lợi ích của nhân dân. Nước Mỹ đã làm được rất nhiều điều như vậy trong hai năm rưỡi qua.

Bà cũng có thể phủ nhận cơ sở lập luận mà tôi sắp nói ra sau đây. Nhưng bà thường xuyên nói về những giới hạn của sức mạnh Mỹ – kể từ bài diễn văn của bà tại Wellesley rồi khi bà trở thành Ngoại trưởng – vậy sức mạnh Mỹ hiện nay có giới hạn trên những phương diện nào so với thời kỳ bà còn làm một Thượng nghĩ sĩ, so với thời bà là đệ nhất phu nhân, thậm chí từ cái thời xa hơn nữa khi bà còn ở Wellesley?
Chà, tôi nghĩ theo định nghĩa thì sức mạnh nào cũng có giới hạn của nó. Tôi không nghĩ trên đời này có điều gì như là sức mạnh tuyệt đối; và những ai định dùng sức mạnh kiểu đó và lãnh đạo bằng sức mạnh kiểu đó, như Gaddafi chẳng hạn, thì rút cục sẽ thấy rằng đó chỉ là một thứ sức mạnh rởm được dùng để lừa bịp người khác (Potemkin village). Còn ở nước Mỹ thì những giới hạn của sức mạnh bao giờ cũng liên quan đến ngân sách. Giờ đây những người kiểu như Gaddafi có lẽ đang ngày càng trở nên cứng rắn hơn so với trước đây, vì thế chúng ta phải khéo léo hơn. Nước Mỹ không thể làm theo kiểu Kế hoạchMarshall trước đây (chương trình viện trợ của Mỹ nhằm tái thiết châu Âu sau Thế chiến II), như vậy thì bằng cách nào chúng ta nhắm tới điều gì là quan trọng đối với nhân dân? Ngày hôm qua ở Libya tôi đã nghe đi nghe lại câu nói này: hãy giúp chúng tôi chăm sóc vết thương; đó là một cách để giúp chúng tôi chữa lành vết thương của dân tộc. Tại sao chúng ta không nhắm tới điều đó và triển khai những nguồn lực theo những cách thức đem lại kết quả?
Chúng ta hiện đang bị hạn chế trong bối cảnh địa chiến lược bởi vì có những nước khác đang nổi lên. Đó là một thực tế lịch sử. Điều này đã từng xảy ra trong những thời điểm khác nhau trong lịch sử. Nhưng dù xảy ra theo cách nào đi nữa thì tôi cũng không coi đó là một sự giới hạn sức mạnh của nước Mỹ. Tôi coi đó như là một thách thức cho việc cách nào chúng ta sử dụng sức mạnh tốt hơn để thúc đẩy an ninh, những lợi ích và những giá trị Mỹ.
Như vậy là chúng ta không thể dùng một cây đũa thần ra lệnh cho Trung Quốc hay Brazil hoặc Ấn Độ rằng “Ngừng tăng trưởng đi, hãy chấm dứt dùng kinh tế để khắng định sức mạnh trong nền kinh tế toàn cầu”. Điều đó thật lố bịch. Và tôi cũng chưa từng thấy có bất kỳ quốc gia nào từng tuân lệnh nước Mỹ. Nước Mỹ bao giờ cũng lãnh đạo bằng những giá trị Mỹ và bằng quan niệm rằng, khác với hầu hết những quốc gia đóng vai trò dẫn đầu khác trong lịch sử thế giới, nước Mỹ không đi ra ngoài để xây dựng một đế chế, nước Mỹ không đi ra ngoài để áp đặt một ý thức hệ lên những ai không mong muốn. Chỉ là do ngẫu nhiên mà nước Mỹ đã có niềm tin rằng nước Mỹ đại diện cho sự nẩy nở trọn vẹn tiềm năng của con người và vì thế nước Mỹ mong muốn dùng mình làm ví dụ minh họa để các nước noi theo, nước Mỹ muốn ủng hộ điều đó và nước Mỹ muốn dẫn đầu để đi tới điều đó.
Vậy có phải bao giờ chúng ta cũng gặp phải những sự câu thúc? Có chứ, dĩ nhiên là vậy, chúng ta luôn luôn gặp phải những sự câu thúc. Sự câu thúc luôn thay đổi theo thời gian và điều này đòi hỏi chúng ta giữ vai trò lãnh đạo sao cho luôn duy trì sự suy nghĩ về ngày mai. Cách nào để nước Mỹ đưa những lợi ích và nhu cầu của mình vào trong tương lai? Mối quan tâm ưu tiên tới tương lai sẽ phải là, nước Mỹ phải là ai, và mối đe dọa lớn nhất đối với chúng ta như là một quốc gia ấy là chúng ta bắt đầu rụt rè và ngoảnh nhìn về quá khứ và thế là chúng ta bắt đầu hoài nghi chính mình và thậm chí chúng ta còn hoài nghi bản thân mình nhiều hơn là niềm tin cậy còn sót lại của những quốc gia khác dành cho chúng ta. Và tôi nghĩ rằng bởi vì tôi đã quá nhiễm đậm cái ý thức về chủ nghĩa biệt lệ Mỹ (American exceptionalism) và niềm tin rằng chúng ta được yêu cầu để giữ vai trò lãnh đạo, cho nên nhiệm vụ của chúng ta là tìm ra cách nào nước Mỹ tự đặt mình vào vị trí hiệu quả nhất tại những thời kỳ khác nhau trước những mối đe dọa và những cơ hội khác nhau.

Bà vừa nói rằng chúng ta đang bước vào thời kỳ nước Mỹ phải có sự tham gia, và tham gia với những điều kiện – đồng thời vượt ra khỏi quan niệm về những sự giới hạn của sức mạnh Mỹ, nhưng dường như đang xuất hiện một mối quan hệ mới mẻ giữa các công dân, điều này là do truyền thông xã hội, do công nghệ truyền thông – cho nên tôi nghĩ là có những mối quan hệ mới mẻ giữa các chính phủ, giữa các công dân và giữa chính phủ với công dân. Liệu đây có phải là điều tích cực rõ rệt dành cho nước Mỹ? Và nếu đúng vậy thì là tại sao? Và cách nào để nước Mỹ khai thác được điều đó?
Tôi nghĩ đó là một điều tích cực dành cho chúng ta. Một trong những mục tiêu của tôi khi nhậm chức Ngoại trưởng là đưa ngoại giao ra khỏi những thủ đô, ra khỏi những văn phòng bàn giấy của Chính phủ, đưa ngoại giao tới những phương tiện truyền thông, tới những đường phố của các quốc gia. Như vậy là ngay từ đầu tháng 2 năm 2009 tôi đã cố gắng kết hợp ngoại giao gặp gỡ ở cấp Chính phủ mang tính bắt buộc, tức là xây dựng những cơ chế để chúng ta đẩy mạnh sự tham gia giữa các Chính phủ, với ngoại giao nhân dân-với-nhân dân. Do truyền thông xã hội, do sự phổ biến của công nghệ truyền thông ở khắp nơi nơi hiện nay cho nên không có người lãnh đạo nào giờ đây có thể phớt lờ nhân dân của mình được nữa.
Đúng vậy.
Bây giờ không còn chỗ cho những nhà lãnh đạo độc đoán, độc tài như trước kia nữa. Lãnh đạo ngày nay bắt buộc phải ý thức được những gì đang sôi sục ở bên dưới. Vì thế tôi cho rằng ngoại giao giờ đây là sự kết hợp của từ-trên-xuống-dưới với từ-dưới-lên-trên, bởi vì nếu nhân dân có một cảm nghĩ tốt hoặc một cách hiểu đúng về chúng ta là ai với tư cách những người Mỹ, thì điều đó sẽ gây ảnh hưởng tới việc điều gì một nhà lãnh đạo có khuynh hướng thiên về hợp tác với chúng ta có thể sẽ làm và đồng thời nó còn phát đi một thông điệp tới những ai không có khuynh hướng hợp tác với chúng ta.
Chẳng hạn, chúng tôi đã bắt đầu ngoại giao như thế này: chúng tôi tiếp xúc với các tòa thị chính và chúng tôi có những cuộc phỏng vấn trước mặt những cử tọa và chúng tôi tiếp xúc rộng rãi với nhân dân và cho họ cơ hội đặt câu hỏi cho chúng tôi. Tôi đã làm ngoại giao theo cách như vậy dựa trên cơ sở những số liệu thăm dò ý kiến cho thấy thế hệ trẻ ở rất nhiều khu vực trên thế giới, châu Á chẳng hạn, thực ra chưa biết nhiều về những gì nước Mỹ đã làm ở cái thời tôi còn đang trưởng thành, đây là điều chúng ta chưa gửi thành thông điệp tới những khu vực rộng lớn trên thế giới trong tám năm qua.
Mặt khác tôi không đưa ra một sự đánh giá hoặc chỉ trích nào. Vấn đề chỉ đơn giản là mọi sự diễn ra như trong thực tế, không làm gì có sự phân loại nước Mỹ là ai, nước Mỹ là gì. Và chiến dịch tranh cử của Barack Obama và tôi đã thực sự thu hút sự chú ý của người dân các nước, và sau đó việc Obama đắc cử Tổng thống là một tín hiệu to lớn tới những người trẻ tuổi. Vì thế khi tôi bắt đầu công du thì chúng tôi đã thực sự có rất nhiều sự tò mò bởi vì nói thật là chúng tôi rất lo ngại trước số liệu thăm dò dư luận cho thấy người dân không phải là có thái độ tiêu cực đối với nước Mỹ mà là có thái độ lãnh đạm đối với nước Mỹ.
Sau vụ khủng bố 11/9, chúng ta đã đóng cửa hệ thống cấp visa, chúng ta đã gây rất nhiều khó khăn cho sinh viên ở khắp nơi tới học ở các trường tại Mỹ. Và các quốc gia khác đã bắt đầu lấp đầy chỗ trống do Mỹ để lại. Sinh viên bắt đầu tới Australia hoặc Trung Quốc hoặc những nước khác. Và như vậy là sự hiểu biết quen thuộc, những sự trao đổi là cái đã từng là dấu hiệu phân biệt quá lâu nay các mối bang giao của nước Mỹ, đã thực sự bị gián đoạn.
Cho nên tôi nghĩ là cái quan niệm cho rằng chúng ta phải truyền thông trực tiếp tới người dân giờ đây là một điều đã được định sẵn. Và khi tôi đặt làm một công trình nghiên cứu trước nay nước Mỹ chưa bao giờ làm về ngoại giao và phát triển, được gọi tên là Quadrennial Diplomacy and Development Review – QDDR (Nghiên cứu định kỳ 4 năm một lần về Ngoại giao và Phát triển), thì nghiên cứu đó đã tập trung rất nhiều vào cách thức chúng ta làm ngoại giao theo cách khác như thế nào, cách chúng ta sử dụng phương tiện truyền thông xã hội như thế nào.
Khi tôi bắt đầu vào Bộ Ngoại giao thì chúng tôi thậm chí còn chưa sử dụng điện thoại BlackBerry rộng rãi. Chúng tôi lúc đó vẫn chưa sử dụng những công cụ truyền thông của thế kỷ XXI. Một trong những lý do là người ta còn chưa chắc chắn liệu chúng có an toàn hay không, đại loại thế. Nhưng thực tế là chúng tôi đã bắt đầu gửi thông điệp trên Twitter và Facebook và tất cả những loại công cụ có tầm vươn xa khác. Và chúng tôi đã bắt đầu nói với các nhân viên ngoại giao, đặc biệt là những người trẻ tuổi: “Nào, hãy ra ngoài và chuyện trò.” Vì vụ 11/9 nên chúng ta đã thu mình lại. Các Sứ quán của Mỹ là những pháo đài. Chúng ta không có những Góc của Mỹ và những trung tâm mà chúng ta từng có rất nhiều để người dân có thể vào đó và tìm hiểu về nước Mỹ.
Do đó chúng tôi đã nói là chúng ta phải làm theo cách khác. Người dân đang đi về đâu? Vì thế chúng tôi đã thành lập một Trung tâm Mỹ tại khu mua sắm lớn nhất tại Jakarta. Và thoạt đầu thì người dân đã nói “Ôi, Chúa ơi. Thế này nghĩa là sao?” Vậy đấy, điều này nghĩa là chúng tôi đang đưa thông điệp của nước Mỹ tới những nơi người dân đang thực sự sống và làm việc.

Bà có nêu rằng bản thân bà là một người theo chủ nghĩa biệt lệ Mỹ. Tổng thống có phải là một người theo chủ nghĩa biệt lệ Mỹ theo cách như bà không? Và cách của ông ấy là sao – có phải là biểu hiện theo cách khác với cách của bà, và ông ấy dùng cách nào để chứng tỏ với nước ngoài?
Chà, tôi nghĩ là Tổng thống hầu như theo định nghĩa thì là một người theo chủ nghĩa biệt lệ Mỹ. Ông ấy là ví dụ của chủ nghĩa biệt lệ Mỹ. Nhưng tôi nghĩ là ông ấy còn điều hành đất nước bằng niềm tin đó (niềm tin nước Mỹ là cái gì đó đặc biệt, biệt lệ). Ông ấy rất tôn trọng quan điểm của nhân dân các nước khác và những giá trị văn hóa và lịch sử riêng của họ, điều này tôi cho là hợp lý bởi vì chúng ta làm việc với nhân dân của đất nước, chúng ta cần biết họ từ đâu tới và không chỉ đơn thuần khẳng định vị thế của riêng mình. Và tôi nghĩ rằng điều cuốn hút người dân ở các nước khác về việc ông ấy được bầu làm Tổng thống nằm ở chỗ họ hiểu rằng điều đó chỉ có thể xảy ra ở nước Mỹ.
Chúng ta không cần phải đi khắp nơi đeo một tấm biển lớn có dòng chữ, chẳng hạn, “Tôi là một người theo chủ nghĩa biệt lệ Mỹ”. Chúng ta chỉ đơn thuần thể hiện nó ra và thế là xong – có thể gọi đó là phương tiện gửi thông điệp. Và tôi bị ấn tượng mạnh trong những chuyến công du đầu tiên, một trong những câu hỏi phổ biến nhất mà người ta thường hỏi tôi, nhất là cử tọa trẻ tuổi ở các trường đại học và ở những môi trường khác, là thế này: Bà làm việc như thế nào với Tổng thống Obama? Bà từng là đối thủ của ông ấy khi vận động tranh cử. Bởi vì ngay cả những nước dân chủ, thậm chí ngay cả những người mà chúng ta coi là đã hoàn toàn trưởng thành, thì vẫn tồn tại một suy nghĩ cho rằng sẽ là điều hoàn toàn kỳ cục khi hai đối thủ chính trị rút cục lại làm việc cùng nhau. Như vậy đó cũng là một thông điệp tinh tế nhưng quan trọng về chủ nghĩa biệt lệ Mỹ.
Và bao giờ tôi cũng trả lời thế này: Đúng như các bạn nghĩ, chúng tôi đã tranh cử chống lại nhau rất quyết liệt. Ông ấy đã cố gắng đánh bại tôi, tôi thì cố gắng đánh bại ông ấy. Nhưng ông ấy chiến thắng, rồi sau đó ông ấy đã đề nghị tôi làm việc cho ông ấy. Và tôi đã đồng ý bởi vì cả hai chúng tôi đều yêu đất nước của chúng tôi. Như vậy là tôi nghĩ rằng cái thông điệp đó đã gây ra tác dụng cộng hưởng ở rất nhiều người dân, và một lần nữa tôi muốn nhấn mạnh đặc biệt tới những người trẻ tuổi.

Nếu bà nhìn lại những gì đang xảy ra ở Ai Cập hiện nay thì thấy người dân bình thường coi đó như là một cuộc cách mạng ngọt ngào và nhẹ nhàng. Giờ đây người dân nhìn vào Ai Cập rồi nói, chà, họ đang chuyển từ một chính phủ quân sự sang một chính phủ khác. Giả dụ bà phải kết luận về Mùa Xuân Ẩ Rập, không chỉ tại Ai Cập mà còn những nơi khác nữa, thì bà nhìn nhận sự kiện ở đó như thế nào? Bà có coi đó như là một sự đổi thay lịch sử của toàn thế giới?
Tôi hoàn toàn coi đó là một sự đổi thay lịch sử toàn thế giới. Tôi nghĩ rằng đó là một sự kiện có thể làm đổi thay lịch sử. Tôi phần nào là người – hoặc chắc chắn ít nhất tôi không thể nói rằng tôi đã dự đoán được điều đó, song vì đã làm việc trong lĩnh vực này trong nhiều năm, cho nên tôi đã dự đoán là những gì đã xảy ra là không thể cưỡng lại. Hồi đầu tháng 1 tôi đã có bài diễn văn tại Doha trong đó tôi đã nói rằng cát dưới chân đang dịch chuyển, rằng trên thực tế thì các thiết chế chắc chắn sẽ sụp đổ. Lúc đó người ta đã nói, ồ, bà thật là tiên tri. Nhưng đó không phải là tôi có khả năng tiên tri. Đó là những gì đã xảy ra sau vụ người bán hoa quả người Tunisie. Điều đó phản ánh sự thừa nhận rằng trong thời đại mới của sự tham gia, trong thời đại mới của tính minh bạch và truyền thông tức thời thì các nhà lãnh đạo sẽ chắc chắn ngày càng khó mà lãnh đạo độc đoán theo những cách thức thường thấy như trước đây.
Vậy mà trên thế giới vẫn còn rất nhiều những nhà lãnh đạo vẫn còn bị tụt hậu, và chắc chắn sẽ còn lâu nữa thì điều này mới thay đổi, cho nên tôi nghĩ rằng chúng ta không nên quá hưng phấn và kỳ vọng một sự đổi thay kỳ diệu nào đó trong ngày một ngày hai. Theo quan điểm của tôi thì các xu hướng lịch sử không triển diễn theo cách như vậy.
Cho nên tôi không biết đích xác phải kết luận thế nào. Phần lớn điều này phụ thuộc vào liệu các lực lượng đã đem lại kết quả ban đầu tại Tunisia, tại Egypt, có đủ sức tự tổ chức lại mình và tìm ra cách để biến những khát vọng của họ thành những hành động hay không.
Điều này đúng với mọi cuộc cách mạng hoặc mọi trào lưu lớn. Bởi vì thường xảy ra điều là những nhà cách mạng, có thể nói như vậy, những người trên quảng trường Tahrir, họ đã mở cánh cửa, song họ không phải là những người thực sự có chuyên môn hoặc phương pháp làm việc, buộc phải tổ chức để tận dụng những lợi thế của những gì sẽ xảy ra tiếp theo. Các lực lượng đóng vai trò tổ chức – dù là quân đội hay các nhóm Hồi giáo đã tồn tại như là thể chế trong xã hội, đều đang ở vị thế tốt hơn để tận dụng cơ hội.
Vì thế tôi nghĩ rằng sẽ có rất nhiều sự nhân nhượng trong những năm tới để cho những thành công hôm nay sẽ tiếp tục được phát triển sau đó. Nhưng tôi tin rằng về căn bản thì các lực lượng của tự do, các lực lượng của sự cởi mở, đều rất mạnh. Cách nào để họ triển khai thành các hướng là điều tôi đang quan sát với nhiều lo lắng. Và vì thế lại càng là lý do để chúng ta không chỉ hỗ trợ cải cách chính trị mà còn cả cải cách kinh tế nữa – bởi vì tôi là một người vô cùng tin rằng tầng lớp trung lưu là trụ cột của dân chủ. Nhân dân phải cảm thấy họ đang ngày càng khấm khá lên thì họ mới chấp nhận các luật của trò chơi, có thể nói như vậy, tức là họ chịu để cho các nhà lãnh đạo đất nước thực sự cai trị họ. Chúng ta (người Mỹ) được may mắn hưởng điều đó từ bao lâu nay và chúng ta không thể đánh mất nó.
Ở những quốc gia khác thì sự bất bình đẳng kinh tế, của cải nằm trong tay một số ít, thì tất cả những điều đó đều phải được thay đổi, không phải chỉ bởi vì giờ đây người dân được bầu cử và thành lập các đảng phái chính trị, mà còn là cách nào để mở của nền kinh tế và làm cho ngày càng có nhiều người hơn được hưởng sự thịnh vượng.
Cho nên là có rất nhiều việc phải làm cùng một lúc. Và tôi nghĩ rằng rất nhiều người tôi đã gặp trong năm qua nhất là tại Tunisia và Ai Cập thì đều hiểu được họ muốn đi tới đâu, song họ vẫn còn chưa thực sự biết được cách nào để tiếp tục con đường sẽ đưa họ tới chỗ đó. Rất nhiều cuộc cách mạng hồi tháng 5 đã bắt đầu trong niềm hy vọng lớn. Niềm hy vọng sau đó đã bị tiêu tan bởi thực tế của nền chính trị được thực thi dưới hình thức này hay hình thức khác ở khắp nơi. Và chúng tôi đã cố gắng rất nhiều để làm cho người dân ở những nơi như Ai Cập hiểu rằng chính trị không phải là một từ ngữ bẩn thỉu, rằng không thể đi từ biểu tình tự phát tới chính quyền, rằng một nền dân chủ bao giờ cũng đòi hỏi sự xây dựng những thiết chế dân chủ. Và người dân vẫn còn chưa thực sự cảm thấy thoải mái khi nghe nói tới điều đó.
Như vậy là chúng ta đang làm hết sức mình để cung cấp những ví dụ và cung cấp sự hỗ trợ phi đảng phái. Chúng ta không đặt cược vào bất cứ ai hoặc chống lại bất cứ ai. Chúng ta chỉ đơn thuần cố gắng đảm bảo rằng người dân hiểu được phải làm điều gì để đi đến nơi mà họ tin rằng họ đang cố gắng đi đến.

Tôi nghĩ một số nhân vật chủ chốt của cuộc Chiếm đóng Phố Wall giờ đây đang đánh giá (nghe không rõ)… phải được truyền bá trên toàn thế giới, sẽ tìm thấy sự an ủi trong điều bà đang nói. Có phải cảnh sát đã làm dụng thẩm quyền…? Bà có theo dõi chút nào tình hình không?
Tôi chỉ theo dõi tin tức thôi. Ý tôi muốn nói là, tôi không thể giả vờ biết hết những gì những người chiếm đóng Phố Wall đang chủ trương bởi lẽ họ thực sự không có một chương trình nghị sự. Nhưng trước khi có cuộc chiếm đóng Phố Wall thì tôi đã nghĩ rằng đảng Tea Party cũng có động cơ nực cười giống như những người đang chiếm đóng Phố Wall hiện nay. Và tôi biết đảng Tea Party không thích nghe điều tôi vừa nói, nhưng rất nhiều người của đảng Tea Party đã thực sự khó chịu về các khoản cứu trợ tài chính của Chính phủ. Họ nghĩ, Thế quái nào mà Chính phủ lại cứu trợ những ngân hàng khổng lồ và đồng thời để họ tịch thu nhà thế nợ người hàng xóm của tôi? Ý tôi muốn nói là người dân thấy sự cứu trợ tài chính của Chính phủ là vô lý. Và tôi nghĩ rằng câu hỏi nói trên là công bằng.
Rất nhiều những người chiếm đóng Phố Wall là từ cùng một thành phần, nghĩa là sẽ không có sự nhân rộng. Cha tôi là người theo Đảng Cộng hòa, từng là một chủ doanh nghiệp nhỏ. Ý tôi nói là thực sự là nhỏ. Cha tôi thường xuyên chỉ có một hoặc hai người làm; hầu như chỉ là mẹ tôi, các anh trai tôi và tôi. Ông ấy theo quan điểm phần nào giống quan điểm kiểu Jefferson rằng chúng ta nên thận trọng với những cái gì “to”, bởi vì quan liêu cồng kềnh quá sẽ khiến chúng ta không còn giữ được cái làm nên điều đặc biệt ở nước Mỹ.
Và đến bây giờ tôi vẫn luôn suy nghĩ về quan điểm của cha tôi, bởi vì chuyện của cha tôi đã xảy ra rất lâu rồi song nó vẫn có liên hệ với cả sự kiện đảng Tea Party lẫn sự kiện Chiếm đóng Phố Wall. Hượm chút, chúng ta sẽ có sự phản ứng lại, đừng hưởng quá nhiều hơn người khác. Cái chính phải hiệu quả, đừng lãng phí tiền, và đừng có để những ông lớn cuỗm tiền mang đi chỗ khác. Đó là cái tâm trạng của cha tôi.

Nhân nói tới cái to, hãy nói một chút về Trung Quốc.
Xin mời.

Gần đây bà nói nhiều về châu Á, theo cách bà đã đưa ngoại giao Mỹ tới sức mạnh khéo léo và mềm mỏng hơn, dường như Trung Quốc lại đang áp dụng sức mạnh kiểu cũ nhưng lại hiệu quả theo cách mà nước Mỹ đã từng làm song giờ đây không thể tiếp tục làm theo cách đó được nữa. Bà có thấy điều đó – đó là điều mà chúng ta có thể nói mãi không hết. Rõ ràng là Trung Quốc đang cạnh tranh với Mỹ, nhưng đó là sự cạnh tranh gì mới được chứ – bà thấy gì ở tương lai của sức mạnh Trung Quốc, trên phương diện khả năng điều hành đất nước của họ và [họ đang trở thành] bá quyền giống như nước Mỹ từng là?
Chà, tôi nghĩ rằng điều quan trọng là chúng ta đã chuyển trọng tâm tới châu Á. Và tôi muốn nhấn mạnh lại rằng không phải là nước Mỹ đang bỏ qua những rủi ro và mối nguy hiểm vẫn tiếp tục tồn tại ở Nam Á, Trung Đông, Bắc Phi v.v., song giờ đây chúng ta phải quay trở lại với cơ hội kinh doanh. Chúng ta phải tìm kiếm những cách thức để nước Mỹ có thể mở rộng sự hiện diện về kinh tế, gây ảnh hưởng, và hợp tác với Trung Quốc. Mục tiêu của tôi phần nào là đưa Hoa Kỳ hòa nhập vào cái kết cấu đang tồn tại sẵn ở khu vực châu Á.
Tôi hiểu.
Và rất nhiều người Mỹ đang thực sự bác bỏ điều này. Khi tôi tới Indonesia hồi tháng 2 năm 2009 và nói rằng chúng tôi sẽ ký một Hiệp ước hữu nghị và hợp tác và tham gia vào ASEAN thì mọi người đều cho là chuyện hoàn toàn bịa. Có sự phấn khích ở châu Á, đối với những người đề cao giá trị của các thiết chế của họ thì đây là sự chứng tỏ rằng Mỹ tôn trọng nước họ. Còn đối với những ai muốn tin chắc Hoa Kỳ là một cường quốc có mặt thường trực ở Thái Bình Dương để giúp tạo thế cân bằng với Trung Quốc thì tuyên bố của tôi là một sự thở phào nhẹ nhõm. Rồi sau đó là hội nghị Thượng đỉnh Đông Á. Chúng tôi muốn tổ chức một hội nghị thượng đỉnh ASEAN-HOA KỲ. TẤT CẢ đều có mặt, chúng tôi đã làm được rất nhiều điều ở châu Á, và cả Tổng thống và tôi đều coi châu Á là một ưu tiên thực sự.
Nếu chúng ta nhìn vào Trung Quốc, nhìn vào những gì họ từng làm trong khoảng thập niên vừa qua thì chúng ta sẽ thấy là họ sử dụng rất hiệu quả sức mạnh mềm của họ.
Đúng vậy.
Nếu chúng ta coi sức mạnh mềm như là sức mạnh ngoại giao và sức mạnh kinh tế, khi ấy các sức mạnh đó rất hiệu quả trong việc truyền bá rộng khắp khu vực, tạo ra đầu tư, xây dựng những gì mà các nước cần, làm việc để xây dựng các mối quan hệ nhằm thay đổi mối hận thù lịch sử hoặc sự nghi ngờ nhau. Và điều này không chỉ ở châu Á. Ý tôi muốn nói là Trung Quốc đã đưa sức mạnh mềm tới châu Phi, châu Mỹ La tinh, họ làm những điều giống hệt nhau.
Vậy là họ đang hoàn toàn có quyền làm như vậy. Tôi tin vào một thị trường kinh tế toàn cầu, như vậy là nếu như Trung Quốc muốn tham gia vào đó và cạnh tranh với ngành khai khoáng chẳng hạn, thế thì họ hoàn toàn có quyền làm điều đó. Nhưng tôi hoàn toàn không tin chúng ta nên nhượng bộ họ, chúng ta cũng cần cạnh tranh với họ về ảnh hưởng của quyền lực mềm. Như vậy là dù tham gia vào nhiều tổ chức hơn nữa hoặc đầu tư là điều người dân coi là quan trọng, đối phó với thiên tai là điều xảy ra rất nhiều trên thế giới và ở khu vực đó thì nước Mỹ có rất nhiều điều để nói và chúng ta sẽ bỏ lỡ một cơ hội lớn nếu như chúng ta không có mặt ở thực địa để nói ra câu chuyện.
Đồng thời chúng ta đều biết – đây chẳng phải điều bí mật gì phải giữ kín – rằng Trung Quốc đang gia tăng tài sản quân sự. Vâng, đó là điều một nước thường làm nếu họ có những nguồn lực, mà Trung Quốc thì đang có. Bổn phận của chúng tôi là phải đảm bảo rằng chúng ta có mặt ở nước đồng minh của chúng ta theo hiệp ước, chẳng hạn như Philippines, Nhật Bản, Thái Lan, ở nơi chúng ta có mối quan hệ chặt chẽ, chẳng hạn Australia, và trên khắp châu Á ở nơi chúng ta có những đối tác rất quan trọng.
Và như vậy khi Trung Quốc bắt đầu lên gân, và tôi nghĩ họ lên gân một phần là vì họ muốn khẳng định do cái vị thế kinh tế hiện nay của họ, thì lúc ấy chúng ta không thể thực sự tham gia theo cách như trước đây. Tôi nghĩ là tương lai đang đòi hỏi chúng ta phải tham gia theo cách khác. Có rất nhiều hoạt động đang xảy ra ở biển Hoa Nam [tức Biển Đông], có rất nhiều điều đang xảy ra liên quan đến việc Trung Quốc đang tự khẳng định mình, Trung Quốc đang có động thái ngăn cấm các nước thăm dò dầu mỏ, và nhiều chuyện khác nữa theo hướng đó. Cho nên tôi có quan điểm rõ ràng là Mỹ phải tuyên bố tự do hàng hải là một quyền quốc tế. Có những phương pháp để giải quyết tranh chấp về lãnh thổ, vì thế chúng ta không lựa chọn đứng về phe nào. Tôi sẽ không nói hòn đảo này là thuộc về Indonesia còn hòn đảo kia thuộc về Trung Quốc . Đó không phải là vai trò của Hoa Kỳ. Nhưng chúng ta sẽ khẳng định rõ ràng nguyên tắc của pháp luật và giải pháp giải quyết vấn đề dựa vào pháp luật.
Và điều này dẫn dắt tôi tới một vấn đề rộng hơn là một phần của những gì chúng ta phải làm cho thế kỷ XXI, ấy là phải tạo ra một khung khổ mới dựa vào những nguyên tắc. Những gì tỏ ra có hiệu quả ở thế kỷ XX, những gì chắc chắn đã từng đem lại lợi ích cho chúng ta song tôi nghĩ cũng đã đem lại lợi ích cho phần còn lại của thế giới, hiện đang chứng tỏ có những dấu hiệu hao mòn và hoàn toàn không phản ánh được những diễn biến mới mẻ. Vì thế chúng ta cần một cách tiếp cận dựa vào nguyên tắc để giải quyết những vấn đề kinh tế và tranh cãi chính trị. Tôi gọi đó là sự tương hỗ dựa trên nguyên tắc; chúng ta phải có một bộ nguyên tắc để mọi người tuân thủ và hưởng lợi từ việc đó bởi vì bên kia cũng đang tuân thủ.
Và đây là một công cuộc lâu dài. Tôi đã nói điều này với người Trung Quốc. Hãy lấy ví dụ về biển Hoa Nam [Biển Đông]. Nếu chúng ta không có một cách tiếp cận dựa trên nguyên tắc ở biển Hoa Nam để sao cho chúng ta nhìn vào luật quốc tế và luật dựa vào tập tục và giải quyết tranh chấp bằng những cơ chế hoặc đã được xác lập chắc chắn hoặc cần thiết phải được tạo ra, khi ấy chúng ta sẽ nói gì khi chúng ta quyết định chúng ta muốn đi qua Nam Cực bởi vì ở đó giờ đây có thể đi lại được do băng đã tan bớt đi rồi và người Nga nói “không được”, “đó là của chúng tôi” hoặc ở một vùng biển nào đó khác mà người ta đang bắt đầu tuyên bố chủ quyền bằng vũ lực đi ngược lại những chuẩn mực quốc tế?
Và chuyện này không chỉ liên quan đến bất kỳ một quốc gia duy nhất nào. Chuyện này có liên quan đến việc bằng cách nào chúng ta có được một bộ nguyên tắc để tuân thủ, để tất cả mọi người đều được hưởng tối đa những kết quả tích cực từ bộ nguyên tắc đó.


Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN
.
.
.

No comments:

Post a Comment